Khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc:

Tăng cường hợp tác quốc tế trong các vấn đề chung

Đây là điểm chung trong các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo trên thế giới tại Khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 64, khai mạc tại New York (Mỹ) ngày 23/9

>> Những nỗ lực vì hoà bình, phát triển

Các nhà lãnh đạo trên thế giới đều có bài phát biểu nêu bật các vấn đề của quốc gia và quốc tế thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó nhấn mạnh, để giải quyết các vấn đề này cần có sự góp sức của cả cộng đồng quốc tế.

Phát biểu tại Khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra quan điểm của Mỹ về một loạt các vấn đề gây được sự quan tâm của dư luận như: việc Mỹ rút quân khỏi Iraq, hỗ trợ Afghanistan và Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố, nỗ lực hoà bình cho khu vực Trung Đông... Trong đó, ông Obama kêu gọi một kỷ nguyên mới với sự tham gia của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề chung, đồng thời nhấn mạnh: cá nhân nước Mỹ sẽ không thể giải quyết được các vấn đề này mà cần có sự chia sẻ trách nhiệm của tất cả các nước trên thế giới. Tổng thống Obama nói: “Chúng ta cần tìm được tiếng nói chung và giờ đã là thời điểm bắt đầu một kỷ nguyên mới của cả cộng đồng quốc tế. Đã đến lúc, tất cả chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm nhằm giải quyết tất cả các thách thức mà cộng đồng thế giới đang phải đối mặt”.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có bài phát biểu nhận định, bên cạnh những thách thức như thay đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực, thế giới cũng đang phải đối mặt với cả cơ hội và thách thức mới như giải trừ vũ khí hạt nhân, chống khủng bố và dịch bệnh. Ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh: giải pháp chính để đối mặt với cả cơ hội và thách thức này, có sự hợp tác toàn cầu. “Trước áp lực ngày càng tăng cả về cơ hội và thách thức hiện nay, tất cả chúng ta - các thành viên của cộng đồng quốc tế phải cùng cam kết vì hoà bình, hợp tác phát triển và tiến bộ chung. Do đó, tất cả chúng ta đều phải cùng nỗ lực để xây dựng một thế giới hoà bình, thịnh vượng cho tất cả loài người”, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói.

Toàn cảnh phiên họp thường niên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 64

Ngoài Mỹ, Trung Quốc, các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã có bài phát biểu tại phiên hợp của Đại hội đồng. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã hoan nghênh quyết định mới đây của Mỹ về việc từ bỏ kế hoạch lá chắn phòng thủ tên lửa ở khu vực Đông Âu. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thì kêu gọi sự rà soát lại đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Trong khi đó Anh - nước chịu tổn thất nặng nề về binh lực trong cuộc chiến tại Afghanistan đã tái khẳng định lại cam kết của mình về nền hoà bình tại Afghanistan. Thủ tướng Anh Gordon Brown nói: “Tôi tin rằng, một Afghanistan an toàn sẽ góp phần tạo dựng một thế giới an toàn. Sẽ chẳng có ai trong chúng ta được an toàn nếu chúng ta lảng tránh Afghanistan, lảng tránh trách nhiệm của chúng ta với đất nước này. NATO và các đồng minh của NATO như Australia, Nhật Bản và các nước khác cần phải nhất trí về việc thực hiện các biện pháp mang tính chiến lược của chúng tôi tại đây”.

Điểm đặc biệt là lần đầu tiên trong khoá họp thường niên, nhà lãnh đạo Lybia Moammar Gadhafi - người đã có hơn 40 năm cầm quyền ở Lybia có bài phát biểu, đề cập đến nhiều vấn đề như kêu gọi 1 ghế thành viên thường trực ở Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cho Châu Phi, suy nghĩ của ông về vụ ám sát Tổng thống Mỹ John Kennedy và đặc biệt về vấn đề dịch cúm A/H1N1.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng đã có bài phát biểu đề cập nhiều vấn đề như tôn giáo, nhân đạo, tự do hoá... Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình, ông Ahmadinejad lại không đề cập đến chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên