Thế giới 24h: Nga, NATO “giao chiến” tại diễn đàn an ninh Munich

VOV.VN - Nga và NATO đã “giao chiến” kịch liệt bằng miệng tại hội nghị an ninh Munich. Trong khi đó cuộc chiến chống IS có thêm nhiều tiến bộ.

1. Hội nghị an ninh Munich đang diễn ra ở Đức tiếp tục trở thành một diễn đàn tranh cãi đầy căng thẳng giữa các nước lớn về nhiều vấn đề của thế giới.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: AP.
Đáng lưu ý là cuộc khẩu chiến giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi NATO quyết định thông qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu mới đây.

Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich hôm qua (13/02), Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, Nga và các nước phương Tây đã rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Người đứng đầu Chính phủ Nga nhấn mạnh “đường lối chính trị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Nga vẫn là thù địch và đóng kín”. Thủ tướng Medvedev khẳng định dù thế giới phải đối mặt với nhiều mối đe dọa thực tế, song ông hy vọng các nước phương Tây hiểu rằng chúng hoàn toàn khác, không liên quan tới Nga.

2. Lực lượng an ninh Áo vừa bắt giữ hai người đàn ông bị tình nghi liên quan đến cuộc tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra tại Paris vào tháng 11/2015 khiến 130 người thiệt mạng.

Tờ Tấm gương của Đức cho biết, hai đối tượng này đã có kế hoạch phối hợp với các thủ phạm gây ra vụ tấn công tại Paris nhưng đã thất bại trong việc nhập cảnh vào Liên minh châu Âu vào thời điểm đó.

Các nghi phạm thú nhận đã đến Hy Lạp cùng với các thủ phạm gây ra cuộc tấn công khủng bố ở Paris dưới vỏ bọc người tị nạn. Tuy nhiên, họ đã bị Cơ quan bảo vệ biên giới của Liên minh châu Âu chặn lại do sử dụng hộ chiếu giả mạo.

>> Xem thêm: Quân đội Syria sắp tiến vào thành trì Raqqa của IS

3. Đối phó với dịch virus Zika ngày càng diễn biến phức tạp tại Trung và Nam Mỹ, chính phủ Brazil đã phát động chiến dịch diệt trừ muỗi trên toàn quốc, huy động một lực lượng lớn quân đội.

Bộ Y tế Brazil cho biết sẽ tiến hành chiến dịch mang tên "Ngày quốc gia vận động cho cuộc chiến chống muỗi Aedes", tác nhân làm lây lan virus Zika, tại 350 thành phố trên khắp Brazil vào ngày 13/2.

Bộ trưởng Quốc phòng Aldo Rebelo cho biết chiến dịch trên khuyến khích mọi người dân tham gia diệt trừ muỗi và thực hiện phát 4 triệu tờ rơi trong ngày 13/2.

Theo đó, Brazil đã triển khai khoảng 220.000 binh sĩ phân phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống muỗi đến từng nhà và hỗ trợ của các nhân viên y tế địa phương cũng đảm nhiệm việc phun thuốc muỗi và đặt thuốc diệt ấu trùng muỗi.

4. Chính phủ Cuba hôm 13/2 xác nhận, nước này sẽ ký Biên bản ghi nhớ với Mỹ về việc chính thức mở lại đường bay trực tiếp giữa hai nước.

Ảnh: USA Today.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Cuba nêu rõ, lễ ký kết sẽ diễn ra vào ngày 16/2 tới tại Thủ đô La Habana. Tham dự lễ ký sẽ có Bộ trưởng Vận tải Cuba Adel Rodríguez và Chủ tịch Viện công nghệ hàng không dân dụng Cuba Alfredo Cordero Puig. 

Phía Mỹ là Bộ trưởng Vận tải Anthony Foxx và Thứ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế-kinh doanh của Bộ Ngoại giao Mỹ. Sau khi Biên bản ghi nhớ này được ký kết, các hãng hàng không sẽ có 15 ngày để đề xuất về lộ trình tuyến bay cho Bộ Giao thông Mỹ.

5. Sau khi hạ Bin Laden, đặc nhiệm Mỹ tiếp tục bắn nát thi thể trùm khủng bố này. Đây là lý do chính phủ Mỹ không dám công bố các bức ảnh về y lúc chết.

Trùm khủng bố Bin Laden. Ảnh: Getty.
Matt Bissonnette, một trong các những người tham gia vào đội 6 của đặc nhiệm SEAL (Mỹ) đã tiết lộ phần nào lý do của việc không tiết lộ này trong cuốn sách “No Easy Day”. Cuốn sách này có đoạn: “Trong cơn đau đớn khi chết, cơ thể Bin Laden vẫn rung và nảy lên.”

Các lính đặc nhiệm Mỹ khi đó đã thay nhau nhả đạn vào cơ thể Bin Laden. Theo ước tính khiêm nhường nhất, thi thể trùm khủng bố Bin Laden lãnh hơn 100 viên đạn.

6. Phát hiện mới của các nhà khoa học cho thấy, bộ râu không ẩn chứa nhiều vi khuẩn. Ngược lại, vi khuẩn trên râu còn sản sinh ra kháng sinh.

Mới đây, các nhà vi sinh vật học của Trường Đại học London (University College London), Anh, đã tiến hành một thí nghiệm, lấy mẫu râu của 20 người. Nhưng họ bất ngờ khi không tìm được bằng chứng nào về việc có nhiều vi khuẩn trên râu. Các nhà khoa học thậm chí còn phát hiện ra rằng những vi khuẩn có trên râu lại sản sinh ra kháng sinh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên