Thế giới 24h: Truy lùng kẻ bắn chết cảnh sát Mỹ ở Illinois

VOV.VN -Cảnh sát đã điều động máy bay trực thăng, chó nghiệp vụ cũng như lực lượng lớn đến hiện trường truy tìm hung thủ. 

1. Ngày 1/9, giới chức địa phương cho biết, lại thêm một viên cảnh sát Mỹ đã bị bắn chết. Viên cảnh sát này là Charles Joseph Gliniewicz, 52 tuổi, đã có 30 năm thâm niên trong ngành cảnh sát. 
Cảnh sát huy động lực lượng truy bắt nghi can (Ảnh AP)

Vụ việc xảy ra vào sáng 1/9 giờ địa phương, cảnh sát Gliniewicz thông báo qua bộ đàm rằng đang truy đuổi 3 đối tượng nam giới. Tuy nhiên, khi đội hỗ trợ đến nơi, cảnh sát Gliniewicz đã tử vong. 
Sau khi vụ nổ súng xảy ra, cảnh sát đã điều động máy bay trực thăng, chó nghiệp vụ cũng như lực lượng lớn đến hiện trường truy tìm hung thủ. Máy bay trực thăng cảnh sát đã phải bay suốt đêm để rà soát.
Cái chết của viên cảnh sát Charles Joseph Gliniewicz là trường hợp tử vong thứ hai tại Mỹ trong ít ngày qua. 
Các vụ việc đã dấy lên quan ngại trong xã hội Mỹ về tình trạng các cơ quan chức năng bất lực trong kiểm soát súng đạn và thậm chí những người bảo vệ pháp luật cũng trở thành mục tiêu tấn công. 
2. Cảnh sát Thái Lan cho biết dấu vân tay nghi phạm người nước ngoài thứ 2 mới bị bắt tại biên giới với Campuchia phù hợp với dấu vân tay trên vỏ chai chứa vật liệu chế tạo bom tìm thấy trong ngôi nhà ở ngoại ô Bangkok.
Phát ngôn viên Lực lượng Cảnh sát quốc gia Prawut Thavornsiri hôm nay (2/9) cho biết, người đàn ông bị bắt giữ tại biên giới vào ngày 1/9 là "nghi can chính và quan trọng, có liên quan” đến vụ đánh bom tại đền Erawan ở Bangkok hôm 17/8, giết chết 20 người và làm bị thương hơn 120 người.
Nghi phạm nước ngoài thứ 2 bị bắt giữ tại biên giới Campuchia- Thái Lan, và là "nghi phạm chính" vụ đánh bom Bangkok (Ảnh AP)

Trước đó, một phụ nữ Hồi giáo bị cảnh sát nhận diện vào hôm 31/8 là nghi phạm trong vụ đánh bom Bangkok đã phủ nhận biết về vụ tấn công nói trên. Cô này nói rằng mình đã ở Thổ Nhĩ Kỳ 3 tháng nay và không hề biết gì về vụ đánh bom.

3. The Washington Post hôm 1/9 dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã bí mật triển khai các máy bay chiến đấu không người lái (UAV) cho chiến dịch săn lùng các thủ lĩnh của lực lượng khủng bố tại Syria. Đây là một chương trình tách biệt với các đợt không kích của quân đội Mỹ nhằm vào IS.

Theo đó, CIA đã phối hợp cùng Bộ Chỉ huy đặc nhiệm liên quân (JSOC) triển khai UAV tại Syria và đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào các thủ lĩnh của IS.
UAV chiến đấu đang được Mỹ dùng để tiêu diệt thủ lãnh IS ở Syria - Ảnh: Không lực Mỹ

Tờ The Washington Post bình luận, tiết lộ về các hoạt động lần này cho thấy sự can thiệp ngày càng sâu rộng của CIA vào công cuộc chống khủng bố của Mỹ tại Syria. Sự can thiệp của CIA cũng phản ánh mối lo ngày càng tăng của người Mỹ về nguy cơ lớn mạnh của IS.

4. Viện Đào tạo và Nghiên cứu Liên Hợp Quốc (UNOSAT) hôm qua công bố các bức ảnh vệ tinh và một bài phân tích chỉ ra rằng ngôi đền Bel, trung tâm của đời sống tôn giáo ở thành phố Palmyra, Syria, suốt gần 2.000 năm qua, bị hủy hoại hoàn toàn dưới tay quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ảnh vệ tinh do UNOSAT công bố cho thấy đền Bel đã biến mất. (Ảnh: AFP).

Liên Hợp Quốc gọi hành động của các tay súng cực đoan là "tội ác không thể dung thứ chống lại nền văn minh".

IS hồi tháng 6 đã cho nổ tung hai ngôi đền cổ khác ở Palmyra. Các tay súng cực đoan coi đó là những công trình tà giáo, báng bổ thánh thần. IS cũng bắt đầu tổ chức khai quật vàng và cấp giấy phép cho việc săn lùng kho báu tại thành phố. Giới quan sát lo ngại Palmyra khó có thể đứng vững trước sức tàn phá khủng khiếp của IS.

5. Theo các số liệu thống kê, từ đầu năm đã có hơn 350.000 người đã chấp nhận mạo hiểm cuộc sống để vượt Địa Trung Hải và hơn 2.500 người đã bỏ mạng ngoài biển  trên hành trình đến miền đất hứa châu Âu.

Dự kiến ngày 9/9 tới, Ủy ban châu Âu sẽ công bố kế hoạch hành động chung của khối nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng này, trong đó đề ra những đường hướng chính nhằm phân bổ phân bổ hạn ngạch người nhập cư giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu, cũng như thúc đẩy cơ chế trục xuất những người không đáp ứng được các tiêu chuẩn tiếp nhận.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên