Thời kỳ mới cho quan hệ Mỹ và phương Tây với Nga

Có lẽ chưa khi nào lại có nhiều hy vọng cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Châu Âu với Nga như lúc này. Song dĩ nhiên có nhiều việc phải làm để biến hy vọng trở thành hiện thực

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ra quyết định từ bỏ Hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu, Nga ngay lập tức đã có hành động “đáp lễ” tương xứng khi tuyên bố sẽ huỷ bỏ kế hoạch triển khai tổ hợp tên lửa tại Kaliningrad để đáp trả hệ thống phòng thủ Mỹ của Nga. Cùng lúc, NATO lên tiếng đề xuất Nga cùng thảo luận với Mỹ và châu Âu về một kế hoạch phòng thủ tên lửa chung hiệu quả hơn.

Lâu lắm rồi người ta mới thấy một sự “hoà giọng” giữa Mỹ, Nga và châu Âu. Tuyên bố của ông Obama tuần trước thực ra gồm “2 vế”, là từ bỏ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia ở Đông Âu để xây dựng một hệ thống hiệu quả và linh hoạt khác ở Châu Âu. Song rõ ràng cả thế giới chỉ tập trung chú ý đến vế thứ nhất của tuyên bố này. Tại sao lại như vậy? Đơn giản bởi nó phù hợp với mong đợi của các bên vốn đang ngày càng cần đến nhau, còn việc xây dựng một kế hoạch khác ra sao, ở đâu thì ai cũng hiểu rằng chẳng qua đó chỉ là cách “thoái lui trong thể diện” cho Mỹ mà thôi.

Mỹ từ bỏ hệ thống phòng thủ tốn kém này mục đích lớn nhất vẫn là để tránh làm gia tăng căng thẳng với Nga - nước kịch liệt phản đối bởi cho rằng hệ thống này đe doạ an ninh của Moscow. Châu Âu thì hết lời khen ngợi quyết định của Mỹ là “tuyệt vời” như lời Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy; là “bước đi giúp vực lại niềm tin” như lời Thủ tướng Anh Gordon Brown; hay nói như Thủ tướng Đức Angela Merkel, đây là “tín hiệu của hy vọng, một hy vọng giúp châu Âu có thể vượt qua những khó khăn trong quan hệ với Nga”.

Bản thân hai nước Ba Lan và Czech, đáng lẽ sẽ là nơi lắp đặt các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, cho dù có thất vọng cũng không dám chỉ trích quyết định của Washington, cũng bởi họ hiểu thực tế rằng, Mỹ và châu Âu đang rất cần đến Nga. Cuối cùng, trong đề xuất Nga tham gia cùng Mỹ và châu Âu trong kế hoạch phòng thủ mới, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen thẳng thắn thừa nhận: Nga phải nắm một “vai trò quyết định thực sự” và “như một đối tác” trong vấn đề an ninh châu Âu và quốc tế.

Nếu như quyết định của ông Obama được đánh giá là “bước đi đoạn tuyệt với chính sách đối ngoại dưới triều đại Bush vốn mang nặng âm hưởng của chiến tranh lạnh”, thì sự “đáp lễ” kịp thời và tương xứng của Nga chứng minh lập luận bấy lâu nay của Nga rằng quan hệ giữa hai bên có thể tốt đẹp được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của Mỹ và châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Nga thẳng thắn tuyên bố, quyết định của ông Obama đã làm cho việc bố trí các tên lửa tầm ngắn của Nga ở vùng Kaliningrad, gần biên giới Ba Lan, trở thành một việc không cần thiết. Thủ tướng Nga Putin cũng mở thêm hy vọng cho mối quan hệ Nga - Mỹ, khi tuyên bố mong đợi các biện pháp cải thiện quan hệ thêm nữa từ phía Washington.

Vào lúc này, hoàn toàn có thể hy vọng sự “hoà điệu” hiếm hoi giữa Nga và Mỹ sẽ dẫn tới sự ra đời một hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí chiến lược thay thế hiệp ước START 1 vào cuối năm nay. Tiếp đó, điều mà Washington trông chờ nhất là Nga sẽ hỗ trợ Mỹ nhiều hơn trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan cũng như xích lại gần hơn với phương Tây trong quan điểm về Iran. Sự trợ giúp của Nga ở Afghanistan có ý nghĩa sống còn với Mỹ, nhất là sau khi Pakistan quyết định tạm thời đóng cửa tuyến đường cung cấp hậu cần cho quân đội Mỹ và NATO tại Afghanistan.

Dư luận quốc tế cũng mong chờ sự tham gia tích cực của Nga giúp cân bằng sức mạnh, để Mỹ và NATO không thể tái diễn những hành động “làm bừa” trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, gây thương vong cho dân thường.

Về vấn đề Iran, đáng chú ý, Nga lên tiếng chỉ trích Iran, khi Tổng thống nước này Ahmadinejad nhắc lại phát biểu trước đây của mình rằng “sự diệt chủng người Do Thái trong thế chiến thứ Hai là giả dối”. Lời chỉ trích của Nga đối với nhà lãnh đạo Iran thể hiện một thông điệp rõ ràng rằng Nga cùng với Mỹ và châu Âu hoàn toàn có thể đạt được nhận thức chung trong nhiều vấn đề quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên