Triều Tiên phóng vệ tinh - Nhiều nước sôi sục

Nhật Bản, Hàn Quốc cho rằng, vụ phóng vệ tinh sắp tới của Triều Tiên là hành động vi phạm trắng trợn Nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 16/3 đưa tin, Triều Tiên sẽ phóng vệ tinh ứng dụng Kwangmyongsong-3 để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (ngày 15/4).

Triều Tiên tuyên bố phóng vệ tinh vì mục đích hòa bình

KCNA dẫn tuyên bố của một phát ngôn viên Ủy ban Công nghệ Vũ trụ Triều Tiên cho hay, vệ tinh Kwangmyongsong-3 do nước này tự nghiên cứu chế tạo "sẽ được phóng về phía Nam từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Sohae đặt tại huyện Cholsan thuộc tỉnh Bắc Phyongan trong thời gian từ ngày 12-16/4 bằng tên lửa đẩy Unha-3".

Tháng 4/2009, khi Triều Tiên phóng vệ tinh tên lửa đẩy, Liên Hợp Quốc đã áp lệnh trừng phạt (Ảnh: AFP)

Tuyên bố nêu rõ, Triều Tiên đã lựa chọn một qũy đạo bay an toàn để các mảnh vỡ do tên lửa đẩy Unha-3 tạo ra trong quá trình phóng không ảnh hưởng tới các nước láng giềng.

Bình Nhưỡng cũng sẽ "nghiêm chỉnh tuân thủ các các qui định quốc tế liên quan và sử dụng các vệ tinh khoa học-công nghệ vì mục đích hòa bình, đảm bảo minh bạch tối đa, qua đó góp phần thúc đẩy niềm tin của cộng đồng quốc tế và hợp tác trong lĩnh vực nghiêm cứu khoa học vũ trụ cũng như phóng vệ tinh".

Theo KCNA, vụ phóng vệ tinh sắp tới sẽ mang lại nguồn khích lệ lớn lao đối với quân đội và nhân dân Triều Tiên trong công cuộc xây dựng một quốc gia cường thịnh, đồng thời là cơ hội quan trọng để nâng lĩnh vực sử dụng công nghệ không gian-vũ trụ "vì các mục đích hòa bình" của nước này lên một tầm cao mới.

Việc phóng vệ tinh đó sẽ có vai trò khích lệ rất lớn tới những người dân Triều Tiên "trong việc xây dựng một nhà nước phồn vinh".

Tuy nhiên, động thái này của Triều Tiên được cho là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau khi một vụ phóng tên lửa tương tự được tiến hành hồi tháng 4/2009.

Trong vụ phóng tên lửa 3 năm trước, Bình Nhưỡng cho biết, vệ tinh phóng lên đã vào quỹ đạo và chỉ là một vụ thử nghiệm công nghệ vệ tinh.

Tuy nhiên, động thái đó đã dấy lên chỉ trích từ phía Liên Hợp Quốc và Hàn Quốc. Hệ quả là Liên Hợp Quốc đã đưa ra một nghị quyết cấm Triều Tiên tiến hành các hoạt động hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Thông tin Triều Tiên sẽ phóng vệ tinh ứng dụng Kwangmyongsong-3 được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Bình Nhưỡng vừa đồng ý tạm ngừng các vụ thử tên lửa tầm xa để đổi lấy 240.000 tấn lương thực viện trợ từ Mỹ.

Tính tới nay, Triều Tiên đã hai lần phóng thành công các vệ tinh thí nghiệm.

Phản ứng gay gắt trước tuyên bố của Triều Tiên

Ngay sau khi CHDCND Triều Tiên công bố thông tin về kế hoạch phóng một tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ đạo trong tháng 4 tới, các nước đã nhanh chóng có phản ứng trước động thái mà họ xem là rất đáng lo ngại này.

Hàn Quốc là một trong những nước có phản ứng nhanh nhất với thông báo của Triều Tiên. Seoul tuyên bố, việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào quỹ đạo trong tháng 4 tới là một hành động vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua sau vụ thử tên lửa năm 2009 của Triều Tiên. Hàn Quốc cho rằng, vụ phóng tên lửa sắp tới là một mối đe doạ đối với an ninh khu vực.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc trong một tuyên bố đưa ra ngày 16/3 cho biết: "Nếu Triều Tiên thực sự phóng vệ tinh như nước này thông báo, đó sẽ là hành động vi phạm trắng trợn Nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nghị quyết này đã cấm Triều Tiên thực hiện mọi vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Đó sẽ là một hành động khiêu khích nghiêm trọng, đe doạ an ninh và hoà bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như ở khu vực Đông Bắc Á".

Sau Hàn Quốc, Nhật Bản cũng nhanh chóng phản ứng với thông tin phóng vệ tinh của Triều Tiên. Một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng, vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên vào tháng tới sẽ là hành động vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vị quan chức này đã nói với hãng thông tấn Jiji rằng, Nhật Bản sẽ sớm thảo luận vấn đề này với phía Mỹ và Hàn Quốc.

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc không tin Triều Tiên muốn phóng vệ tinh lên quỹ đạo mà họ cho rằng, đó chỉ là một vỏ bọc để nước này thử công nghệ tên lửa tầm xa. Đây là lý do khiến 3 nước trên thường phản ứng rất mạnh trước những vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên