10 sự kiện thể thao trong nước 2012

(VOV) -Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD, sự xuất sắc của Hà Thanh hay thất bại của bóng đá nam. 10 sự kiện do VOV bình chọn:

1. Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 2019

Lần đầu tiên Việt Nam giành quyền đăng cai Đại hội Thể thao châu Á – ASIAD 18 vào năm 2019, sau khi tổ chức thành công SEA Games 22 năm 2003 và Asian Indoor Games 3 năm 2009. Dự kiến ASIAD 18 sẽ diễn ra cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2019 tại Hà Nội với sự tham gia của gần 11.000 HLV, VĐV từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, tranh tài ở 35 môn thể thao.

2. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vô địch Đông Nam Á lần thứ 2

Đây là lần thứ hai đội tuyển nữ Việt Nam đăng quang ngôi vô địch khu vực sau khi vượt qua “kình địch” Myanmar trong trận chung kết. Các học trò của HLV Trần Vân Phát đăng quang ngôi vô địch Đông Nam Á lần này với thành tích thắng cả 5 trận tại giải.

3. Bốn cầu thủ của HAGL – Arsenal JMG tập huấn tại đội hình trẻ CLB Arsenal

Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Trần Hữu Đông Triều, đều sinh năm 1995 và là những học viên khóa I của Học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG đã được CLB Arsenal mời sang tập huấn cùng đội hình trẻ. Đây là thành công bước đầu của Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG, mô hình học viện bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng từ năm 2007.

4. Phan Thị Hà Thanh giành HCV giải vô địch TDDC châu Á

Phan Thị Hà Thanh trở thành gương mặt VĐV đáng chú ý nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2012. Cùng với việc giành quyền tham dự Thế vận hội, ở cúp thế giới tại Cộng hòa Czech, Hà Thanh đạt số điểm cao nhất ở nội dung nhảy chống nữ, giành HCV với thành tích 13.963 điểm. Trước đó, Hà Thanh mang về HCV đầu tiên cho Thể dục dụng cụ Việt Nam tại giải Vô địch châu Á cũng ở nội dung nhảy chống với 14.700 điểm. Trong những ngày cuối năm, Hà Thanh giành thêm huy chương vàng tại cúp Toyota (Nhật Bản) với số điểm 14.925, lập hattrick HCV cho Thể dục dụng cụ Việt Nam trong năm 2012.

5. Nguyễn Anh Khôi giành HCV giải cờ vua trẻ thế giới

Khi kỳ thủ số 1 Việt Nam – Lê Quang Liêm không duy trì được phong độ ấn tượng như năm 2011, cờ vua Việt Nam vẫn có được chức vô địch thế giới nhóm tuổi U10 do kỳ thủ nhí Nguyễn Anh Khôi giành được tại Slovenia vào tháng 11 vừa qua với 11 ván toàn thắng, thành tích mà chưa nhà vô địch U10 thế giới nào trước đây đạt được. Thắng lợi này của Nguyễn Anh Khôi khép lại 4 năm cờ vua Việt Nam trắng “vàng” trên đấu trường thế giới và là chức vô địch U10 thế giới thứ hai sau thành công của Nguyễn Ngọc Trường Sơn cách đây 12 năm.

6. Kình ngư Ánh Viên lập kỷ lục cho bơi lội Việt Nam.

Tại giải vô địch châu Á diễn ra ở Dubai, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), kình ngư Nguyễn Ánh Viên đã đi vào lịch sử bơi lội nước nhà, khi giành huy chương bạc ở nội dung sở trường 200m ngửa nữ với thành tích 2 phút 12 giây. Đây là thành tích cao nhất của bơi lội Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Tại giải đấu này, Ánh Viên cũng đã giành huy chương đồng 400m hỗn hợp nữ, với thành tích 4 phút 48 giây 23, vượt qua kỷ lục cũ của chính mình là 4 phút 50 giây 32 lập tại Olympic London  2012.

7. Đoàn Việt Nam “trắng tay” tại Olympic London 2012

Tham dự Olympic London với số lượng vận động viên kỷ lục, lên tới 18 người ở 11 môn, nhưng Đoàn thể thao Việt Nam đã không giành được huy chương nào tại Thế vận hội Luân Đôn – một sân chơi đỉnh cao của Thế giới. Trong đó, đáng tiếc nhất là các VĐV Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) hay Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ). Trong khi đó, các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore đều có huy chương tại Olympic London 2012.

8. Thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2012.


Dưới sự dẫn dắt của HLV Phan Thanh Hùng, đội tuyển Việt Nam đã gây thất vọng lớn tại giải vô địch Đông Nam Á – AFF Suzuki Cup 2012 khi bị loại ngay từ vòng bảng. Với kết quả 2 trận thua, 1 trận hòa và chỉ giành được duy nhất 1 điểm, đây có thể coi là thành tích tệ hại nhất của bóng đá Việt Nam trong lịch sử các kỳ AFF Cup. Sau thất bại ở giải đấu khu vực, ông Phan Thanh Hùng từ chức HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và Liên đoàn bóng đá Việt Nam cân nhắc phương án trở lại sử dụng HLV “ngoại”. Dư luận cũng lên tiếng về tinh thần thi đấu thiếu quyết tâm của 1 số tuyển thủ tại giải đấu lần này.

9. Bóng đá Việt Nam lâm vào khủng hoảng.

Khó khăn về kinh tế của các ông “bầu” khiến bóng đá Việt Nam lâm vào khủng hoảng thực sự. Mặc dù thời gian khởi tranh đã lùi lại tới 2 tháng, nhưng với việc hàng loạt đội bóng bị giải thể hoặc không đăng ký tham dự, V-League mùa tới sẽ chỉ có 12 đội tham gia còn số đội tranh tài tại giải hạng Nhất là 8. Hàng loạt cầu thủ đang rơi vào cảnh thất nghiệp, kể cả những “ngôi sao” hàng đầu và chuyển nhượng cầu thủ đang trở lại với đúng giá trị thực tế. Đó là những khó khăn mà Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF sau năm đầu ra mắt mà không để lại ấn tượng nào trong việc tổ chức các giải đấu cao nhất của bóng đá trong nước.

10. Bê bối tại đội tuyển bóng bàn quốc gia


Đội tuyển bóng bàn Việt Nam để lại hình ảnh xấu khi tham dự giải vô địch Đông Nam Á 2012 diễn ra tại Lào khi xảy ra ẩu đả giữa hai tay vợt Tô Đức Hoàng (Tập đoàn Dầu khí) và Lê Tiến Đạt (Quân đội). Trước đó, trong quá trình tập trung đội tuyển chuẩn bị cho giải đấu, đã xảy ra bất đồng giữa CLB bóng bàn Tập đoàn Dầu khí và bộ môn Bóng bàn, khiến Tổng cục TDTT phải vào cuộc để dàn xếp. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên