“Săn” tài năng trẻ

Ai đúng, ai sai?

Tuần qua, câu chuyện Chelsea bị FIFA trừng phạt cấm tham gia thị trường chuyển nhượng đến năm 2011 gây xôn xao làng túc cầu.

Đây là một bản án khá nặng và hứa hẹn gây hậu quả nặng nề đến một chuyên gia “shopping” đang có đội hình dần lão hóa như Chelsea. Thậm chí, quyết định trên được coi là phát súng hiệu mà FIFA cảnh cáo những CLB giàu có cần dừng ngay việc săn lùng, “hớt tay trên” tài năng trẻ của các lò đào tạo khác.

“Thủ phạm” khiến Chelsea chịu án phạt nặng là ngôi sao nhí Gael Kakuta, 15 tuổi. Chelsea bị FIFA khép tội đã dụ dỗ cầu thủ này rời khỏi Lens (Pháp) để gia nhập màu Xanh thành London. Vài năm gần đây, những trường hợp như Kakuta đầy rẫy và bóng đá Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan… không chỉ trút sự giận dữ vào Chelsea mà còn vào cả Manchester United, Liverpool, Arsenal.

Chợ người. Nô lệ. Những quan điểm chỉ trích hiện tượng này đang dùng không ít từ ngữ mạnh mẽ đến thái quá như vậy. Họ coi hành động của các đội bóng như Chelsea là “cướp bóc” lạnh lùng, không thèm đếm xỉa đến các lò đào tạo đã phát hiện và dày công vun đắp cho những ngôi sao nhí.

Tháng trước, CLB đang chơi ở Serie B (Italy) là Empoli đau lòng nhìn hai gương mặt đầy triển vọng của mình là Alberto Massacci (16 tuổi) và Manuel Pucciarelli (18 tuổi) đến với Old Trafford. Chủ tịch Empoli, Giuseppe Vitale, đã bực bội tuyên bố: “Không thèm trao đổi với chúng tôi dù đó là các cầu thủ do Empoli đào tạo”. Tương tự, AS Roma cũng chĩa mũi nhọn chỉ trích vào Manchester United sau khi mất tài năng 16 tuổi David Petrucci hồi năm ngoái. Liverpool hay Arsenal cũng chẳng chịu kém trong lĩnh vực này mà có thể kể ra trường hợp CLB AZ Alkmaar ở Hà Lan mất Vicent Weijl, 17 tuổi, vào tay Liverpool và Oguzhan Ozyakup, 15 tuổi, cho Arsenal.

Vấn đề đặt ra là nếu chuyện “săn” tài năng nhí này bị coi là “xấu xa” thì tại sao mãi đến gần đây, Chelsea mới bị phạt? Có một điều cần làm rõ: các đội bóng như Manchester United không phạm luật chút nào. Họ chỉ… lách luật! Bóng đá Italy cấm các CLB ký hợp đồng chuyên nghiệp với cầu thủ dưới 18 tuổi. Trong khi đó, bóng đá Anh lại thoáng hơn, cho phép ký với cầu thủ từ 16 tuổi trở lên. Đặt tình huống là những cầu thủ trẻ đó, họ khó mà từ chối khi một tên tuổi lừng danh như Manchester United gõ cửa.

Sở dĩ Chelsea bị FIFA phạt vì Kakuta hồi 14 tuổi đã trót ký một thỏa thuận “tiền hợp đồng” rằng sẽ gia nhập Lens năm 16 tuổi. Nhưng Chelsea đang xem xét kháng án, thậm chí lên cả tòa dân sự Châu Âu với lập luận rằng những thỏa thuận, văn bản được ký bởi một… cậu bé 14 tuổi như vậy không có giá trị pháp lý. Vấn đề hứa hẹn trở nên rất phức tạp khi vụ Kakuta có thể dẫn đến sự can thiệp của hệ thống pháp luật dân sự, điều “tối kỵ” với FIFA sau khi đã xảy ra trường hợp “luật Bosman” làm chao đảo hệ thống chuyển nhượng. Những tổ chức quản lý như FIFA hay UEFA luôn muốn bóng đá không dính dáng đến pháp luật dân sự. Nhưng giờ đây, họ phải tìm cách dung hòa được cả hai nếu muốn giải quyết tình trạng “săn” cầu thủ nhí. Chủ tịch UEFA Michel Platini đang hy vọng sẽ áp đặt quy định cấm chuyển nhượng, ký hợp đồng với cầu thủ dưới 18 tuổi kể từ năm 2011 nhưng ông sẽ phải thuyết phục được ủy ban Châu Âu bởi theo luật lao động Liên minh Châu Âu (EU), người lao động được tự do di chuyển, làm việc trong khối này kể từ 16 tuổi. /.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên