“Cởi trói” cơ chế tài chính cho các tổ chức xã hội vì cộng đồng

VOV.VN - Nhiều rào cản từ pháp lý, môi trường đến tài chính khiến các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng ở Việt Nam hoạt động kém hiệu quả, thiếu bền vững.

Một nghiên cứu công bố mới đây, cho thấy rất nhiều rào cản từ pháp lý, môi trường đến tài chính khiến các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng ở Việt Nam hoạt động kém hiệu quả, thiếu bền vững.

Ban Quản lý dự án VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Hội thảo Hướng tới sự phát triển bền vững của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng dưới góc độ tài chính.

Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả và tham vấn ý kiến cho nghiên cứu được thực hiện từ tháng 5/2016 đến tháng 12/2016 với quá trình khảo sát thực địa tại 5 địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Thừa Thiên - Huế và Điện Biên. Nghiên cứu đã tập hợp những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến sự phát triển bền vững về nguồn lực tài chính của các tổ chức xã hội ở Việt Nam.

Rào cản pháp lý

Nghiên cứu của VEPR chỉ ra thách thức về môi trường pháp lý, đó là các lần sửa đổi Hiến pháp đều bảo đảm quyền lập hội và tự do hội họp của người dân, tuy nhiên, chưa có một bộ luật hoàn chỉnh nào điều chỉnh hoạt động của các tổ chức xã hội (TCXH).

Hệ thống quy định hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp đi kèm cho các TCXH cũng chưa đầy đủ hoặc chưa khuyến khích cho sự phát triển TCXH.

Theo Luật Ngân sách Nhà nước (2015), ngân sách trung ương và địa phương có quyền cấp kinh phí cho một số hoạt động của các TCXH. Nhưng, trên thực tế, việc tiếp cận nguồn ngân sách là rất khó khăn.

Khó tiếp cận vốn kinh doanh

Theo một khảo sát được thực hiện năm 2013, chỉ có 9% các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu đã từng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ Việt Nam (VNGO) trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện của mình. Điều này xuất phát từ một thực tế rằng các doanh nghiệp không hiểu nhiều về TCXH và hoạt động của TCXH. Khi được hỏi về vai trò của NGO trong xã hội, doanh nghiệp có xu hướng nghiêng về các nhận định mang tính truyền thống và khá hạn hẹp. Có đến 78% doanh nghiệp được hỏi cho rằng vai trò của các NGO là ở trong lĩnh vực “giảm nghèo”. Điều này là đáng tiếc, bởi mục tiêu của TCXH và doanh nghiệp có khá nhiều điểm tương đồng.

Việc thành lập quỹ tư nhân để thu hút nguồn lực cộng đồng, hay quản lý nguồn tiền tài trợ là hết sức khó khăn do rào cản từ pháp lý. Hiện TCXH không được phép huy động vốn từ cộng đồng, như các quỹ từ thiện, nên nguồn lực cộng đồng hỗ trợ hết sức hạn chế.

Viện trợ nước ngoài đang đóng góp phần lớn cho ngân quỹ hoạt động của TCXH Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam vượt ngưỡng nước nghèo, các hỗ trợ quốc tế sẽ nguy cơ bị cắt giảm mạnh trong thời gian sắp tới, như Chương trình phòng chống HIV/AIDS của Quỹ toàn cầu, hay các chương trình của Ngân hàng thế giới, ADB và nhiều quỹ viện trợ khác.

Thiếu cả lòng tin

Ngoài các rào cản liên quan pháp lý và tài chính, TCXH Việt Nam hiện cũng đang gặp phải những rào cản liên quan đến môi trường hoạt động, trong đó đáng kể nhất là thái độ của người dân về hoạt động của TCXH. Theo một khảo sát của Asia Foundation về mức độ tiếp nhận của người dân với TCXH, chỉ có 25% số người được hỏi là biết đến NGOs, trong số đó chỉ 1/3 là tin tưởng vào hoạt động của khối. Người dân từ các cấp, địa phương khác nhau lo ngại TCXH là tổ chức chống phá, gây tác động tiêu cự đến xã hội. Khảo sát cũng cho thấy, ở nông thôn thì mức độ kỳ thị với TCXH lớn hơn ở thành phố. Điều này có thể bắt nguồn từ việc TCXH ở Việt Nam chỉ tập trung vào các thành phố.

Cởi trói để đóng góp nhiều hơn cho xã hội

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cũng là trưởng nhóm nghiên cứu khuyến nghị: Chúng ta cần đơn giản hoá các thủ tục thành lập và quản lý TCXH, đặc biệt ở những lĩnh vực phúc lợi xã hội, phục vụ nhóm yếu thế … để tạo điều kiện cho TCXH tự huy động nguồn lực được dễ dàng hơn, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng tài trợ thiện nguyện không qua các tổ chức nhà nước, hoặc thiện nguyện tự phát đang phát triển mạnh. Thực tế cho thấy, mặc dù thủ tục đăng ký thành lập hội và TCXH còn phức tạp khó khăn, nhiều TCXH vẫn hoạt động được bằng nhiều cách khác nhau, như đăng ký lập doanh nghiệp thay vì thành lập hội. Vì thế, nếu không đơn giản hoá các thủ tục thành lập TCXH thì sẽ gây khó cho chính các cơ quan chức năng trong việc quản lý hiệu quả các TCXH.

Nghiên cứu định lượng của VEPR cũng cho thấy khả năng sử dụng vốn ngoài ngoài Nhà nước của các tổ chức phi chính phủ (NGO) và tổ chức cộng động (CBO) là hiệu quả. Do đó một chính sách thông thoáng hơn sẽ giúp các tổ chức này “cởi trói” và đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Thứ hai, dựa trên khuôn khổ pháp luật mới về TCXH cần tái phân loại các TCXH thành các tổ chức tương hỗ và các tổ chức công ích. Theo đó, chỉ có các tổ chức công ích, tham gia vào các hoạt động phục vụ cộng đồng sẽ có điều kiện để được hưởng hỗ trợ từ Nhà nước.

Theo nhóm nghiên cứu, các địa phương cũng cần xây dựng cơ chế phân bổ ngân sách rõ ràng cho các TCXH, dựa trên nhu cầu phúc lợi địa phương và qua hình thứ đấu thầu quỹ hoạt động theo đúng tinh thần của Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi 2015. Cần xây dựng cơ chế phân bổ ngân sách theo cơ chế cạnh tranh để bảo đảm TCXH có năng lực nhất có thể tham gia đấu thầu thực hiện.

Ngoài ra, cần rà soát lại việc phân bổ nguồn lực NSNN cho các hiệp hội, kể cả những hội không phải đặc thù; sử dụng khoản tiết kiệm được xây dựng quỹ hỗ trợ cộng đồng cạnh tranh ở các địa phương. Mặt khác, cần yêu cầu các tổ chức TCXH, kể cả các tổ chức quần chúng công, minh bạch các nguồn ngân quỹ sử dụng từ việc huy động vốn cho công tác thiện nguyện, như đăng tải báo cáo tài chính cho các hoạt động của mình.

Ông Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng, cần xây dựng chính sách ưu đãi cụ thể rõ ràng hơn cho những đóng góp thiện nguyện của DN cho các TCXH không thuộc Nhà nước, đặc biệt là chính sách về thuế.

Đồng thời, cần đơn giản hoá thủ tục nhận hỗ trợ, đặc biệt ở những lĩnh vực không nhạy cảm như xoá đói nghèo, phòng ngừa dịch bệnh truyền nhiễm … đúng như chính sách quán triệt của Đảng và chính phủ trong việc thu hút hỗ trợ của quốc tế trong các chương trình trọng điểm.

Xác định giới hạn tài trợ khung để phân tầng độ phức tạp của các thủ tục riêng biệt. Thí dụ như Trung Quốc áp dụng đối với dự án phi chính phủ nước ngoài có trị giá dưới 100 triệu thì chỉ cần thông báo cho cơ quan chủ quản. Việt Nam cũng có thể áp dụng phương pháp hậu kiểm như Nga. Ngoài ra, Chính phủ cũng nên đề xuất cụ thể danh sách đen các tổ chức viện trợ không mong đợi như Nga và Trung Quốc đang thực hiện để các tổ chức xã hội trong nước có thể chủ động hơn trong việc tìm nguồn tài trợ từ nước ngoài.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh giao cho các hội chuyên trách, phục vụ thành viên quản lý các nguồn tài nguyên liên quan đến nguồn lợi của hội viên và thu thuế, đặc biệt là những hội được giao các nhiệm vụ của Nhà nước. Thí dụ, trao quyền quản lý nguồn lợi thuỷ sản cho hội nghề cá địa phương quản lý, như đã thực hiện thành công ở Thừa Thiên – Huế), hay trao quyền quản lý rừng cho các tổ chức cộng đồng ở địa phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên