Hà Nội mở rộng và nhiều hệ luỵ đã hiện hữu

VOV.VN -Việc mở rộng Hà Nội rất thành công trong phát triển bất động sản nhưng kết quả của một chiến lược phát triển đô thị một cách bền vững thì rất hạn chế

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, sáp nhập với Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình), bộ mặt đô thị Hà Nội thay đổi thế nào, “được” - “mất” ra sao? Trò chuyện với phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam, KTS. Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam mở đầu.

Hà Nội đang chịu sức ép quá tải về hạ tầng đô thị.

Việc mở rộng Hà Nội rất thành công trong phát triển bất động sản nhưng những kết quả của một chiến lược phát triển đô thị một cách bền vững thì rất hạn chế. Hà Nội đang chịu sức ép quá tải về hạ tầng đô thị... Điều này biểu hiện ngày càng rõ rệt qua tình trạng ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm, hệ thống nước sinh hoạt…

PV:Theo ông, “cái được” của bộ mặt đô thị Hà Nội từ khi mở rộng địa giới đến nay là gì, thưa ông?

KTS. Trần Huy Ánh: So với năm 2008, Hà Nội có nhiều con đường mới mở hơn, có đường vành đai, sắp có đường sắt trên cao... Dự án Thoát nước Hà Nội đã hoàn thành. Diện tích bị úng ngập ít hơn. Bất động sản phát triển mạnh, số lượng nhà ở lớn hơn. Nhờ vậy, rất nhiều người ở các tỉnh đến Thủ đô làm việc đã mua được nhà ở. Hà Nội cũng đã có nhiều biện pháp cụ thể loại bỏ những vi phạm của các công trình lấn chiếm không gian xanh. Bên cạnh đó, chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020 đã được khởi động; Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì) sẽ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trên diện tích hơn 4.800ha, từ 7 quận, huyện và sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Nhuệ đã được khởi công và dự kiến hoàn thành năm 2019... là những điều đáng được ghi nhận.

PV: Bên cạnh những “cái được”, Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính còn những tồn tại gì, thưa ông?

KTS. Trần Huy Ánh: Thực tế mà nói, sau 10 năm, chất lượng cuộc sống không tăng lên đáng kể. Bây giờ đường nhiều hơn nhưng không ai dám nói việc đi lại tốt và dễ dàng hơn. Tai nạn giao thông vẫn gia tăng. Giao thông vẫn ùn tắc. Hệ thống thoát nước của Hà Nội chưa đáp ứng được trước những thách thức của biến đổi khí hậu. Một thành phố phải có ít nhất từ hai phương án thoát nước trở lên và phải tính tới phương án dự phòng. Hiện Hà Nội chưa có phương án thoát nước dự phòng. Nếu xảy ra tình huống mưa lớn, ngập lụt sâu hơn thời điểm trận lụt tại Hà Nội vào tháng 11/2008 thì vẫn chưa có kịch bản nào mang tính chiến lược trong vấn đề thoát nước.

Những tòa nhà cao tầng được xây dựng không giúp thay đổi bộ mặt đô thị. Thậm chí, sự phát triển bất động sản quá “nóng” khiến người ta lo ngại sự cân đối về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội của những tòa nhà ấy bị “gác” sang một bên.

Về hạ tầng xã hội, nói tới trường học. Hiện nay trẻ em đến trường có an toàn hơn cách đây 10 năm không? Thì phải nói là mất an toàn hơn. Vì thế, người ta mất thời gian hơn cho việc đưa trẻ đến trường. Việc mở nhiều dòng đường hơn, quy hoạch dân cư, quy hoạch đường sát trường khiến yếu tố con người bị đẩy lùi để phát triển bất động sản.

Với y tế, bệnh viện vẫn bị quá tải, nguy cơ lây nhiễm nhiều hơn. Trong khi đó, một trong những lý do mở rộng Hà Nội là để đưa bệnh viện ra ngoài nội thành thì vẫn chưa làm được.

Trong 10 năm qua, chưa có công viên mới nào ra đời. Trong khi đó, công viên cũ bị tư nhân hóa, chiếm dụng, sử dụng bừa bãi. Không gian công cộng bị sử dụng tùy tiện và sai mục đích. Rất nhiều sân chơi trong khu dân cư bị sử dụng sai mục đích, trở thành bãi đỗ xe, nơi bán hàng...

Việc thực hiện quy hoạch của Thủ đô chưa bao giờ theo đúng “nguyên mẫu” mà thường được điều chỉnh cục bộ nên diễn ra hiện tượng xây xong rồi lại sửa dẫn tới hệ quả quy hoạch của Thủ đô thường xuyên bị phá vỡ chỉ sau một thời gian ngắn.

PV: Những tồn tại này sẽ để lại hậu quả ra sao, thưa ông?

KTS. Trần Huy Ánh: Việc đứa trẻ không tự đi học bằng đôi chân của mình sẽ cho ra đời một thế hệ trẻ phụ thuộc, thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử với xã hội, kém thích ứng với môi trường sống. Thế hệ trẻ đó không lâu nữa sẽ gánh vác việc xây dựng thành phố này. Vậy chúng sẽ đối mặt với các thách thức như thế nào khi nguồn lực cạn kiệt mà kỹ năng thích ứng thì không có.

Những tòa nhà cao tầng sừng sững mọc lên dày đặc không tạo nên hình ảnh một đô thị đáng tự hào khi mà mỗi buổi sáng - chiều, giao thông tắc nghẽn hàng cây số, môi trường bị ô nhiễm bởi khói, bụi. Thậm chí, điều đó tạo nên một cấu trúc đô thị thiếu tính thân thiện, làm gia tăng việc tắc đường.

Bên cạnh đó, những di sản của Hà Nội bị tàn phá. Một nơi không còn di sản nữa thì làm du lịch thế nào? Ai đến?

PV: Theo ông, nguyên nhân của việc quy hoạch bị phá vỡ nằm ở đâu?

KTS. Trần Huy Ánh: Chủ yếu là do tầm nhìn. Tầm nhìn thể hiện năng lực quản trị.

Vậy giải pháp nào để chữa “căn bệnh” phá vỡ quy hoạch này, thưa ông?

Quy hoạch chung đã được công bố rất chi tiết nhưng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn mù mờ. Do vậy, rất khó để xã hội và chuyên gia có cơ sở phản biện. Để chữa căn bệnh này, quan trọng nhất là tất cả dự án, quy hoạch phải minh bạch để tham vấn xã hội rộng rãi.

Lắng nghe. Bằng cách ấy, anh sẽ lấy được trí tuệ của đông đảo trí thức xã hội. Đấy mới là vai trò quản trị Nhà nước để xây dựng được một kịch bản phát triển xã hội tốt, hài hòa lợi ích của các bên. Những cái đã làm, nếu thấy không ổn thì phải dừng lại, phân tích, chỉ ra cái sai và gợi ý những giải pháp, chứ không cố làm mà thiếu sự tính toán, cân nhắc.

PV: Thưa ông, Hà Nội có thể học hỏi kinh nghiệm gì về quy hoạch đô thị từ các nước trong khu vực?

KTS. Trần Huy Ánh: Bài học lớn nhất là đừng sai lầm giống họ trong phát triển đô thị: phát triển bất động sản bừa bãi, việc can thiệp quá sâu của các tập đoàn vào phát triển đô thị, không xem xét yếu tố huy động trí tuệ của một thành phố.

May mắn là TP. Hà Nội còn có rất nhiều hy vọng để phát triển. Những cuộc tranh luận của xã hội vẫn được lắng nghe. Những thông tin từ báo chí hay những ý kiến về các vụ việc đều được cân nhắc, xem xét.

Hà Nội vẫn còn những cơ hội mà nếu làm tốt thì có thể “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Chẳng hạn như quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, nếu có giải pháp tốt, coi sông Hồng là thứ để gia tăng giá trị về mặt cảnh quan và môi trường sống cho Hà Nội thì đây sẽ là niềm kiêu hãnh.

Mảnh đất Thủ đô mang sức hút riêng. Nội lực của người Hà Nội rất mạnh mẽ. Đặc biệt, người dân có tinh thần trách nhiệm và vẫn tin vào một ngày mai tươi sáng.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sáp nhập một số sở, ngành: Đừng ngại “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Sáp nhập một số sở, ngành: Đừng ngại “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

VOV.VN - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, đề xuất hợp nhất sở ngành sẽ là cuộc cách mạng thực sự, thay đổi từ nhận thức đến hành động.

Sáp nhập một số sở, ngành: Đừng ngại “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Sáp nhập một số sở, ngành: Đừng ngại “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

VOV.VN - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, đề xuất hợp nhất sở ngành sẽ là cuộc cách mạng thực sự, thay đổi từ nhận thức đến hành động.

Sáp nhập Sở, ngành: Cân nhắc cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành lớn
Sáp nhập Sở, ngành: Cân nhắc cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành lớn

VOV.VN - Việc hợp nhất một số Sở tại các tỉnh, thành theo dự thảo Nghị định của Chính phủ, đang được Bộ Nội vụ tích cực lấy ý kiến.

Sáp nhập Sở, ngành: Cân nhắc cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành lớn

Sáp nhập Sở, ngành: Cân nhắc cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành lớn

VOV.VN - Việc hợp nhất một số Sở tại các tỉnh, thành theo dự thảo Nghị định của Chính phủ, đang được Bộ Nội vụ tích cực lấy ý kiến.