Tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng: Đẩy khó xuống ngư dân?

VOV.VN - Hàng loạt con tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng phải nằm bờ hoặc ra khơi đánh bắt không hiệu quả khiến nhiều chủ tàu lâm cảnh nợ nần, khó khăn.

Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời giúp ngư dân thực hiện giấc mơ đóng tàu to, hiện đại để vươn khơi bám biển dài ngày. Đã có nhiều chủ tàu vỏ thép làm ăn ngày càng hiệu quả. Thế nhưng, cũng đã có hàng chục tàu vỏ thép của ngư dân miền Trung trị giá hàng chục tỷ đồng vừa đóng mới, đi chuyến biển đầu tiên bị hư hỏng, nằm bờ. Một số cơ sở đóng tàu “qua cầu rút ván”, khi xảy ra sự cố kỹ thuật thì tìm cách đẩy khó xuống ngư dân, thoái thác trách nhiệm.

Hàng loạt tàu vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng đã hư hỏng máy móc, gỉ sét hư hỏng phải nằm bờ chờ sửa chữa.

Ngư dân ôm nợ ngân hàng thêm hoang mang, lo lắng, mất niềm tin vào con “tàu vỏ thép 67”. Sự cố này đã lộ ra những lỗ hổng lớn và bất hợp lý trong quá trình triển khai hiện đại hóa tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. 

Loạt phóng sự “Đóng tàu vỏ thép: Đẩy khó xuống ngư dân” do nhóm phóng viên VOV thường trú tại miền Trung thực hiện sẽ phân tích, làm rõ nội dung này.

Cầm tờ giấy báo nợ do nhân viên ngân hàng đến báo đến kỳ hạn phải trả trên tay mà ông Lê Hoài Thanh, ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cứ bần thần, lo lắng. Con tàu của ông trị giá gần 17,5 tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) có địa chỉ số 280 Lạch Tray, phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng đóng mới. 

Tháng 8 năm ngoái, tàu ông đi chuyến biển đầu tiên, đánh bắt được vài ngày thì máy tàu bị hỏng, buộc phải quay về bờ, lỗ hơn 600 triệu đồng. Ông Lê Hoài Thanh đứng ngồi không yên vì nợ ngân hàng ngày một tăng lên mà tàu thì gỉ sét nhanh quá.

"Tàu hỏng hóc, trục trặc máy móc, tàu  sơn bóc tróc gỉ sét. Mới mà như vậy thì không biết một vài ba năm sau nó sẽ như thế nào, tôi nghĩ chắc khoảng chừng được năm, hai năm là mục thôi. Từ lúc bàn giao nhận tàu cũng có cơ quan đăng kiểm, tôi cũng đặt câu hỏi đã giám sát mà lại để xảy ra trục trặc, sự cố  như vậy?", ông Lê Hoài Thanh bộc bạch.

5 con tàu trị giá gần 100 tỷ đồng phải xếp hàng nằm bờ dù mới nhận chưa được bao lâu.

Tại tỉnh Bình Định, 10 con tàu vỏ thép của ngư dân bị hỏng máy phải nằm bờ, chờ sửa chữa nhiều tháng qua. Máy móc, thiết bị trên tàu bị tháo dỡ tanh bành, một số ống sắt kém chất lượng sau khi tháo dỡ chẳng khác nào sắt vụn. 

Nhìn con tàu vỏ thép mới đóng giờ thành “cục sắt trên bờ”, ngư dân Đinh Công Khánh ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát ruột gan như lửa đốt. Trước đó, ông Khánh phải bán con tàu vỏ gỗ lấy tiền đối ứng vay vốn ngân hàng đóng tàu mới. Tháng 9 năm ngoái, tàu vỏ thép đóng xong, ông phải bỏ thêm 500 triệu đồng và mất 1 tháng để chỉnh sửa lại giàn lưới, thiết bị cho phù hợp với nghề lưới vây.

Chuyến biển đầu tiên được 10 ngày, toàn bộ cá đánh bắt đều bị hỏng, lỗ hơn 300 triệu đồng do hầm bảo quản cá không đủ lạnh. Chuyến thứ hai, ông lại mất hơn ba tạ lưới vì lưới cuốn vào chân vịt phải cắt bỏ. Chuyến thứ 3, tàu ra được 7 hải lý thì máy hỏng đành thuê tàu khác kéo về bờ.

Hơn 8 tháng nay, ông Khánh rạc người vì mất ăn mất ngủ, càng nghĩ càng ấm ức khi “con tàu hiện đại” gây nhiều thiệt hại cho gia đình mình. Công ty đóng tàu hứa lo toàn bộ chi phí sửa chữa máy móc hư hỏng và hỗ trợ kinh phí trong thời gian tàu nằm bờ nhưng mãi đến nay ông Đinh Công Khánh chưa nhận được một đồng nào.

Ông Khánh cho rằng: "Đến thời điểm này, Công ty TNHH MTV Nam Triệu hứa vậy thôi chứ chưa hỗ trợ cái gì hết. Họ có cử người tới khắc phục nhưng có làm gì đâu. Tình trạng này không biết kéo dài đến bao giờ. Trong một năm bảo hành, chưa đánh bắt được mà máy móc đã hư kiểu này thì quá một năm máy móc càng hư hỏng nặng thì ngư dân đâu có tiền sửa chữa".

"Họ kéo dài thời gian cho hết hạn bảo hành để bỏ ngư dân mình thôi. Không đi làm được làm sao để ngư dân trả tiền ngân hàng được, chắc không sao trả nổi!"- ông Khánh cả nghĩ.

Máy thủy chính trên tàu vỏ sắt của ngư dân Đinh Công Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định bị hỏng nặng đang chờ khắc phục.
Những ngày này, đi qua các làng chài ven biển miền Trung, đến đâu cũng nghe ngư dân phàn nàn chuyện tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng. Một số chủ “tàu vỏ thép 67” đầu tiên giờ đang “méo mặt” trước món nợ đè nặng.

Những người đang đóng tàu mới thì hoang mang, lo sợ xảy ra tình trạng tương tự. Ngư dân chuẩn bị làm hồ sơ vay vốn đóng tàu vỏ thép tỏ vẻ do dự hoặc chuyển sang đóng tàu gỗ. Ở tỉnh Bình Định, trong số 44 tàu vỏ thép được đóng mới đi vào hoạt động thì có 15 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ở Nam Định đóng bị trục trặc, hư hỏng đang phải nằm bờ. 

Tại tỉnh Quảng Ngãi cũng có 12/13 chiếc tàu vỏ thép do một số đơn vị khác đóng, sau một thời gian đưa vào vận hành, khai thác có một số thiết bị trên tàu thường xuyên hư hỏng. 2 trong số 6 tàu vỏ thép ở tỉnh Phú Yên do Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á và Công ty TNHH  MTV Đóng tàu Phà Rừng đóng mới, vừa đưa vào hoạt động cũng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật như: cần cẩu chữ A yếu, các bình nước ngọt làm mát hệ thống máy không phát huy tác dụng, kho bảo quản hải sản không đủ lạnh; ngư dân làm ăn kém hiệu quả. 

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề nghị cần rà soát, đánh giá lại chất lượng tàu vỏ thép: "Phải rà soát lại tất cả những tàu vỏ thép đã được đóng trong thời gian qua. Liên quan đến trách nhiệm của ai trong vấn đề này. Ví dụ lỗi kỹ thuật này là sai do yêu cầu đóng của phía ngư dân hay sai do phía chủ tàu đóng, có sai thiết kế, thì chúng tôi sẽ xử lý đúng theo quy định".

Còn ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, xảy ra tình trạng này một phần do ngư dân không giám sát được việc đóng tàu. Các công ty đóng tàu chưa thực sự vì tính đa mục tiêu của Nghị định 67 mà chỉ chăm chăm kiếm lời, dẫn đến hàng loạt tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng. 

"Tôi đề nghị công ty đóng tàu phải hoàn thiện và cầu thị hơn nữa trong việc sửa chữa. Thứ 2 tôi đề nghị làm lại y như trong hợp đồng, trước đây hợp đồng là thép Hàn Quốc thì bây giờ phải tháo ra làm lại thép Hàn Quốc.

Tôi cũng đề nghị với Công ty Đại Nguyên Dương không nên thu tiền thiết kế phí tại vì tiền thiết kế phí Nhà nước đã hỗ trợ, cho nên tôi đề nghị cái phần này phải trả, ngay cả công ty Nam Triệu. Tôi cho rằng nhận tiền này không đúng.

Tôi cũng đề nghị 2 công ty đóng tàu xem xét và hỗ trợ cho ngư dân 1 phần kinh phí khi họ nằm bờ không có thu nhập. Cái này là về mặt đạo lý phải làm. Đề nghị trong vòng 1 tháng là phải giải quyết những vấn đề khiếm khuyết trong thân tàu, vỏ tàu, máy tàu, sơn cũng như trang thiết bị phục vụ đánh bắt xa bờ"- ông Trần Châu yêu cầu như vậy khi cho rằng đơn vị đóng tàu phải có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục các sự cố hư hỏng để ngư dân sớm đưa tàu vào sản xuất.

Tàu vỏ sắt BĐ 99004 TS do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương mới đóng đã gỉ sét như tàu đã qua sử dụng lâu năm đang nằm tại cảng cá Đề Gi, tỉnh Bình Định để chờ sửa chữa.

Mỗi con tàu vỏ thép đóng mới có trị giá từ 15 đến 18 tỷ đồng, có tàu hơn 20 tỷ đồng, trong đó 95% là vốn vay ngân hàng. Bình quân hàng tháng, mỗi chủ tàu phải trả tiền gốc và lãi suất hơn 100 triệu đồng, cứ 3 tháng trả một lần. Bây giờ, tàu hỏng nằm bờ, thời gian khắc phục kéo dài, nguy cơ mất khả năng trả nợ dẫn đến vỡ nợ ngân hàng là rất lớn. 

Ông Phan Phú Hải, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định cho biết, đối với tàu vay vốn theo Nghị định 67 khi gặp sự cố thiên tai, tai nạn rủi ro trên biển, các Ngân hàng cho vay mới giãn nợ, khoanh nợ. Trường hợp các tàu vỏ thép bị hỏng, nằm bờ, chủ tàu vẫn phải trả nợ gốc và tiền lãi theo qui định. Nếu không thanh toán theo phân kỳ hợp đồng tín dụng thì buộc các Ngân hàng sẽ chuyển thành khoản nợ “khó đòi”, “nợ xấu”, lúc đó sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 67. 

"Rất nhiều tàu kêu ca đánh bắt không hiệu quả, trả nợ không được. Hiện nay, có 10 hộ chịu chết, ảnh hưởng đến việc trả nợ của ngư dân và ảnh hưởng tới vốn của ngân hàng, không thu hồi nợ được. Khoản nợ đó khi cơ cấu lại sẽ chuyển qua nợ xấu thì ngân hàng bị ảnh hưởng dư nợ đó. Chính vì vậy, cho nên xảy ra tư tưởng, ngân hàng ngại cho vay mới, rất khó.

Nếu như thông ngay từ đầu, tốt đẹp ngay từ đầu, mọi cái đi theo đúng trình tự thì ngân hàng cũng rất nhanh chống xử lý cho người dân vay vốn. Bởi vì ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh."- ông Phan Phú Hải nói rõ việc “tàu 67” nằm bờ, hoặc hoạt động không hiệu quả đang là áp lực rất lớn đối với ngư dân và cả phía ngân hàng.

Hàng loạt con tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng phải nằm bờ hoặc ra khơi đánh bắt không hiệu quả khiến nhiều chủ tàu lâm cảnh nợ nần, khó khăn. Ai dám chắc những con tàu này sau khi sửa chữa, khắc phục sự cố hư hỏng sẽ bảo đảm an toàn và hiệu quả khi khai thác trên biển? Và có hay không việc cơ sở đóng tàu lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của ngư dân để cố tình làm sai các điều khoản ghi trong hợp đồng?

Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong bài 2 của loạt phóng sự “Đóng tàu vỏ thép: Đẩy khó xuống ngư dân”. Mời quý vị đón đọc: 

>> Tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng: Tại nước biển... mặn

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tàu vỏ thép nằm bờ: Đơn vị đóng tàu đổ lỗi ngư dân?
Tàu vỏ thép nằm bờ: Đơn vị đóng tàu đổ lỗi ngư dân?

VOV.VN - Các chủ tàu nói rõ lỗi thuộc về đơn vị đóng tàu, trong khi đó, nhà phân phối máy tàu cho rằng, máy hỏng phần nhiều do ngư dân vận hành sai hướng dẫn.

Tàu vỏ thép nằm bờ: Đơn vị đóng tàu đổ lỗi ngư dân?

Tàu vỏ thép nằm bờ: Đơn vị đóng tàu đổ lỗi ngư dân?

VOV.VN - Các chủ tàu nói rõ lỗi thuộc về đơn vị đóng tàu, trong khi đó, nhà phân phối máy tàu cho rằng, máy hỏng phần nhiều do ngư dân vận hành sai hướng dẫn.

Tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng: Doanh nghiệp đổ lỗi cho ngư dân
Tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng: Doanh nghiệp đổ lỗi cho ngư dân

VOV.VN - Nhiều con tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ không đảm bảo chất lượng nhưng bị các đơn vị đóng tàu phủ nhận trách nhiệm.

Tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng: Doanh nghiệp đổ lỗi cho ngư dân

Tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng: Doanh nghiệp đổ lỗi cho ngư dân

VOV.VN - Nhiều con tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ không đảm bảo chất lượng nhưng bị các đơn vị đóng tàu phủ nhận trách nhiệm.

Tàu vỏ thép không thể ra khơi - Ngư dân đau đầu với cục nợ
Tàu vỏ thép không thể ra khơi - Ngư dân đau đầu với cục nợ

VOV.VN - Không ít tàu vỏ thép vừa hạ thủy và hoạt động chưa được bao lâu đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết phải nằm bờ sửa chữa. 

Tàu vỏ thép không thể ra khơi - Ngư dân đau đầu với cục nợ

Tàu vỏ thép không thể ra khơi - Ngư dân đau đầu với cục nợ

VOV.VN - Không ít tàu vỏ thép vừa hạ thủy và hoạt động chưa được bao lâu đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết phải nằm bờ sửa chữa. 

Hạ thủy thêm tàu vỏ thép đóng từ vốn vay theo Nghị định 67 tại Đà Nẵng
Hạ thủy thêm tàu vỏ thép đóng từ vốn vay theo Nghị định 67 tại Đà Nẵng

VOV.VN - Đà Nẵng vừa hạ thủy thêm tàu vỏ thép đóng từ vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Hạ thủy thêm tàu vỏ thép đóng từ vốn vay theo Nghị định 67 tại Đà Nẵng

Hạ thủy thêm tàu vỏ thép đóng từ vốn vay theo Nghị định 67 tại Đà Nẵng

VOV.VN - Đà Nẵng vừa hạ thủy thêm tàu vỏ thép đóng từ vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Phú Yên cũng hư hỏng nặng
Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Phú Yên cũng hư hỏng nặng

Sau ngư dân Bình Định, Quảng Ngãi than thở về chất lượng tàu vỏ thép, đến lượt ngư dân Phú Yên cũng kêu trời vì loại tàu này liên tục gặp sự cố.

Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Phú Yên cũng hư hỏng nặng

Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Phú Yên cũng hư hỏng nặng

Sau ngư dân Bình Định, Quảng Ngãi than thở về chất lượng tàu vỏ thép, đến lượt ngư dân Phú Yên cũng kêu trời vì loại tàu này liên tục gặp sự cố.