Các dự án BT chỉ định thầu là những kẽ hở gây thất thoát lãng phí

VOV.VN - Hầu hết các dự án BT thực hiện chỉ định thầu hoặc thanh toán cho nhà thầu theo hình thức giao đất là những kẽ hở gây thất thoát lãng phí.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thể hiện sự bức xúc với chính sách thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT còn nhiều bất cập như: Xác định giá quyền sử dụng đất của quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư còn chưa rõ ràng về phương pháp, thời điểm xác định.

Hầu hết các dự án BT thực hiện chỉ định thầu hoặc thanh toán cho nhà thầu theo hình thức giao đất là những kẽ hở gây thất thoát lãng phí trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì kêu gọi bằng hình thức BT là cần thiết nhưng hiện nay chưa có luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Chính phủ cũng chưa ban hành được nghị định hướng dẫn sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện BT. Việc thiếu hụt chính sách như vậy dẫn đến khó quản lý và ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư nên cần nghiên cứu, hoàn thiện ngay.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ).

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, cần sớm ban hành Nghị định của Chính phủ nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức BT. Theo đó nội dung của nghị định cần có quy định về điều kiện, phạm vi áp dụng, nội dung hợp đồng BT, quy trình đánh giá chất lượng hạ tầng và định giá hạ tầng, yêu cầu về thẩm định giá đất và tài sản gắn liền đem đổi lấy hạ tầng áp dụng cho trường hợp đấu thầu dự án BT không thành công.

Mặt khác, cần giới hạn phạm vi áp dụng dự án đầu tư theo hình thức BT chỉ được áp dụng tại những địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu kém mà ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư. Tại những địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không thực hiện dự án BT mà phải thực hiện cơ chế nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng. Tại các địa phương này không cho phép thực hiện các dự án BT mà khuyến khích đầu tư công tư theo các hình thức khác dựa trên thu phí dịch vụ và sử dụng hạ tầng, dịch vụ công cộng.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, cần có quy định chi tiết về yêu cầu phân tích chi phí lợi ích giữa cơ chế BT và cơ chế nhà nước đấu giá tài sản công để lấy tiền xây dựng hạ tầng làm cơ sở cho quyết định thực hiện dự án BT. Bổ sung cơ chế đấu thầu dự án có sử dụng đất vào Luật Đất đai với phương thức chấm thầu vòng 1 về giải pháp công nghệ, chấm thầu vòng 2 về giấy phép đất đai cần sử dụng.

Cơ chế này được áp dụng đối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách kể cả vốn bằng tiền hay bằng đất đai công sản, dự án BT. Hồ sơ đấu thầu các dự án BT phải được hội đồng thẩm định giá đất cấp quốc gia thẩm định về phần giá trị đất công, tài sản gắn liền đem đổi lấy hạ tầng. Trường hợp đấu thầu thành công thì diện tích đất công hoặc tài sản công đem đổi được xác định theo kết quả thắng thầu và dự án BT được quản lý theo đúng quy định pháp luật.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Cạn).

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Cạn) cho biết, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước, nhà đầu tư ứng vốn làm hạ tầng và được nhà nước thanh toán bằng quỹ đất tương ứng. Tuy nhiên, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực. Việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Tuy nhiên, để có cái nhìn khách quan, toàn diện, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cần đánh giá sâu thực trạng việc giao dự án cho nhà đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công giám sát có nhiều sai sót gây thất thoát lớn trong quá trình thực hiện các dự án như báo cáo của Tổng Kiểm toán đã nêu.

“Hạ tầng phục vụ đem đổi khiến cho giá đất tăng lên, có thể từ 10 lần hoặc nhiều hơn nữa tùy từng nơi nhưng phần chênh lệch này nhà đầu tư được hưởng lợi mà Nhà nước đang được hưởng trong khi chính nhà nuớc tạo ra giá trị tăng thêm về đất. Khi có đánh giá khách quan, minh bạch thì các giải pháp đưa ra mới đảm bảo tính đồng bộ, khắc phục được hạn chế nêu trên”- đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho biết.

Liên quan đến khiếu kiện đất đai kéo dài, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cho rằng, khiếu kiện kéo dài liên quan đến đất đai là vấn đề rất bức xúc, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ, có kế hoạch giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện kéo dài, Quốc hội cũng nên có giám sát về vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị Chính phủ cần đặc biệt thận trọng khi phê duyệt các dự án ở vùng nhạy cảm về an ninh quốc phòng, ở vùng ven biển, ở những vùng cần bảo vệ môi trường đặc biệt. Vì nếu không kiểm soát chặt chẽ, khi hậu quả xảy ra, không một tổ chức, cá nhân nào có thể gánh được hậu quả.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tiếp thu các đánh giá trong báo cáo giám sát của Quốc hội và các ý kiến tham gia của các vị ĐBQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, sử dụng đất đai tại đô thị kể từ khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tiếp thu các đánh giá trong báo cáo giám sát của Quốc hội và các ý kiến tham gia của các vị ĐBQH.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, kể từ khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực thì công tác quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai và phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác sử dụng đất đai, quản lý, phát triển đô thị vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và thách thức, cần tiếp tục được khắc phục.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế liên quan đến quy hoạch sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng nói chung và phát triển đô thị nói riêng; Chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch, thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh kịp thời quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính kế hoạch và phát triển phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của từng thời kỳ, đảm bảo đúng quy chuẩn và tiêu chuẩn theo quy định; Công khai các thông tin về quy hoạch để người dân biết tham gia giám sát. Các bộ, ngành liên quan và các địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, căn cứ vào nhu cầu của xã hội, yêu cầu phát triển và khả năng đáp ứng của nguồn lực nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo.

Thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân. Chính phủ đã thành lập tổ công tác giúp Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vụ khiếu nại, khiếu kiện phức tạp. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát sử dụng đất đai và phát triển đô thị. Trong đó, tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra, các dự án đầu tư phát triển đô thị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khó xảy ra tham nhũng trong dự án GT theo hình thức BT ở Hà Nội
Khó xảy ra tham nhũng trong dự án GT theo hình thức BT ở Hà Nội

VOV.VN -Liên quan đến 5 dự án công trình giao thông đầu tư theo hình thức BT, Hà Nội khẳng định làm đúng quy trình, quy định pháp luật

Khó xảy ra tham nhũng trong dự án GT theo hình thức BT ở Hà Nội

Khó xảy ra tham nhũng trong dự án GT theo hình thức BT ở Hà Nội

VOV.VN -Liên quan đến 5 dự án công trình giao thông đầu tư theo hình thức BT, Hà Nội khẳng định làm đúng quy trình, quy định pháp luật

Quản lý, sử dụng đất đai từng bước khắc phục tình trạng “xin-cho“
Quản lý, sử dụng đất đai từng bước khắc phục tình trạng “xin-cho“

VOV.VN - Chính phủ nhìn nhận, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từng bước khắc phục tình trạng "xin-cho".

Quản lý, sử dụng đất đai từng bước khắc phục tình trạng “xin-cho“

Quản lý, sử dụng đất đai từng bước khắc phục tình trạng “xin-cho“

VOV.VN - Chính phủ nhìn nhận, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từng bước khắc phục tình trạng "xin-cho".