“Cướp đoạt” tài năng bóng đá Châu Phi

Sau vụ Chelsea bị FIFA phạt cấm chuyển nhượng đến năm 2011 vì bản hợp đồng rắc rối với tài năng trẻ Gael Kakuta, rộ lên những ngày qua là vô số chỉ trích, tố cáo nhằm vào các đại gia Premier League với tội danh đã “cướp đoạt” nhiều ngôi sao nhí của bóng đá Italy, Pháp hay Hà Lan.

“Dàn đồng ca” này chủ yếu bao gồm những CLB “nạn nhân” đòi FIFA và UEFA cần có những quy định chặt chẽ hơn để họ không bị chảy máu tài năng hoặc chí ít, được đền bù thỏa đáng khi mất đi những cầu thủ trẻ.

Tuy nhiên, tình trạng săn lùng, vơ vét tài năng bóng đá ở độ tuổi “nhí” không chỉ diễn ra theo một hình thức đơn giản như thế. Trong không khí ồn ào hiện nay về chủ đề này, người ta còn phát hiện ra rằng không ít học viện bóng đá đang mọc lên âm thầm ở những mảnh đất màu mỡ tài năng như Châu Phi với mục đích duy nhất là phát hiện, đào tạo rồi bán lại các ngôi sao trẻ để thu lợi nhuận.

Học viện Phát triển bóng đá Châu Phi (ASD) ở Cape Town, Nam Phi, là một điển hình. Tháng 4 năm ngoái, một loạt các ngôi sao bóng đá Anh mà nổi nhất là Ian Wright đã đầu tư vào dự án này. Nó không chỉ là một động thái “đền đáp” lại bóng đá như những lời bóng bẩy họ nói mà đằng sau đó, nó còn là một vụ đầu tư thực sự với lợi nhuận đầy triển vọng.

Với những đứa trẻ đói nghèo ở Châu Phi, được mặc những bộ quần áo thi đấu, được đi những đôi giày thực sự, được đá vào trái bóng “xịn” là một giấc mơ. Còn lớn hơn thế là giấc mơ được đào tạo chuyên nghiệp, được trở thành một cầu thủ đẳng cấp. Đó là lối thoát không chỉ cho chúng mà cho cả gia đình. ASD chẳng khác gì cánh cửa đến thiên đường mà nếu được chọn, đứa trẻ nào cũng phải cảm tạ cho vận may của mình.

Nhưng trong khi có cơ hội đổi đời, các tài năng trẻ này cũng là công cụ để nhà đầu tư trục lợi. Bài toán của họ rất đơn giản: lo chi phí cho các học viên và khi chúng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, họ được hưởng 40% giá trị bản hợp đồng chuyển nhượng đầu tiên. Các hợp đồng chuyển nhượng sau đó, họ cũng đút túi thêm 10% nữa. Ước tính, chi phí phát triển một tài năng trẻ ở Châu Phi từ 14 tuổi đến khi thành cầu thủ chuyên nghiệp vào khoảng 80.000 bảng. Nhưng đến 18 tuổi, “món hàng” đó có thể có giá hàng triệu bảng khi được bán cho một CLB Châu Âu.

Chuyện các cầu thủ thành danh lập học viện bóng đá là chuyện không mới. Tuy nhiên, mục đích của mỗi người thì có thể khác nhau “một trời một vực”. Thủ môn người Mỹ Brad Friedel của giải Ngoại hạng Anh (chơi cho Aston Villa) lập một học viện ở quê nhà Ohio (Mỹ) nhưng anh khẳng định rõ ràng đó là một tổ chức phi lợi nhuận. Chi phí hàng năm vào khoảng 35.000 USD do Friedel trả bằng tiền túi, coi đó như phần đền đáp lại với bóng đá, nghề nghiệp đã giúp anh nổi tiếng và giàu có. Trong khi đó, ASD của những cầu thủ Ian Wright, Julio Arca, Stephen Warnock, Alex Song, Danny Collins, Mamady Sidibe và Mart Poom thì lại là cách cho họ làm giàu từ những “đàn em”.

Trên thực tế, những học viện như ASD góp phần biến không ít giấc mơ của cầu thủ trẻ Châu Phi thành hiện thực. Nhưng cách làm ăn này cũng bị coi là “hút máu”, “cướp đoạt” các tài năng bóng đá ở lục địa đen. Giám đốc điều hành Liên đoàn bóng đá Nam Phi, Raymond Hack chỉ trích nặng nề ASD, khẳng định học viện này đã vi phạm quy định công bố hồi đầu năm nay là tất cả các học viện bóng đá ở Nam Phi phải được liên đoàn bóng đá nước này thông qua, ủng hộ. Ông còn phê phán nặng nề hơn: “Chúng ta cần điều tra chi tiết. Họ không thể đến “hút máu” bóng đá Nam Phi như vậy”.

Cho đến giờ, ASD đã nhận 20 cầu thủ trẻ và tuần sau sẽ có thêm 4 cái tên nữa đến từ Cameroon. Bất chấp sự phản đối của Liên đoàn bóng đá Nam Phi, ASD dự định từ giờ đến cuối năm sẽ thi tuyển với khoảng 1.000 ứng cử viên đang háo hức khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên