Hơn 10 km đường liên tỉnh hàng chục năm thi công dang dở, dân khổ sở?

VOV.VN - Đường dang dở cũng khiến việc giao thương hàng hóa khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuyến đường liên tỉnh dài hơn 10 km thi công dang dở hàng chục năm nay không chỉ gây lãng phí tiền của Nhà nước, mà còn gây nguy hiểm cho người dân đi lại, nhất là trong mỗi mùa mưa lũ. Đường dang dở cũng khiến việc giao thương hàng hóa khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Ông Vì Văn Tiệp cùng gia đình đã sinh sống ở bản Bướt, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ (Sơn La) từ nhiều năm nay. Ông còn nhớ, khoảng những năm 2009-2010, tuyến đường từ trung tâm xã đi huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa được huyện, tỉnh về khởi công rầm rộ. Khi đó, ông và bà con trong bản, trong xã rất mừng vì sẽ có đường nhựa rộng rãi,  đi lại thuận lợi hơn, mua bán, trao đổi hàng hóa cũng sẽ dễ dàng, nhất là đi lại thăm xã bạn, huyện bạn là Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng 5 năm, 7 năm và nay đã hơn 10 năm mà con đường vẫn chưa được bàn giao để đưa và sử dụng.

“Bà con rất bức xúc, vì ngay từ khi đền bù giải phóng mặt bằng đã có những trục trặc rồi. Hai là làm từ những năm 2009 – 2010 đến giờ không biết vì lý do gì mà con đường này vẫn chưa xong, không đâu vào đâu cả”, ông Tiệp cho hay.

Nằm ở gần cuối tuyến đường, người dân bản Sa Lai là những người thấu hiểu nhất cái khó khăn, vất vả của việc đi lại trên con đường “dở dang” trong hơn 10 năm qua, bởi đây là tuyến độc đạo từ bản ra xã, ra huyện và về tỉnh nên bà con vẫn phải qua lại mỗi ngày.

“Con đường chưa làm xong khiến việc đi lại khó khăn. Bà con có sản xuất được lúa nương lúa ruộng, hay chăn nuôi được muốn bán cũng không có người về mua, mà nếu mua thì giá rất thấp. Nếu có đường đi lại thuận lợi chắc chắn là hộ nghèo ở bản sẽ giảm được nhanh”, anh Giàng A Dành, người dân bản Sa Lai nói.

Ông Lý A Sênh, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản Sa Lai chia sẻ: “Bà con chúng tôi mong muốn là nếu người này không làm được thì cho người khác làm, để xong con đường để bà con đi lại dễ dàng hơn, có hàng hóa thì bà con còn mang đi bán được. Mùa mưa thì khổ không tả được, đường xá sạt lở, lầy lội không đi được”.

Ông Đỗ Văn Lời, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Xuân cũng ngao ngán: Con đường thuộc địa phận của xã hàng ngày bà con vẫn qua lại nên xã gần như phải nhận “quả bóng trách nhiệm”. Vì chưa bàn giao, không được cấp kinh phí duy tu bảo dưỡng và khắc phục các sự cố, nên mỗi mùa mưa lũ, dân “kêu” vì khó đi lại do sạt lở, ách tắc, xã đều phải huy động và phải dành hàng trăm triệu đồng để khắc phục các vị trí sạt lở trên tuyến để giúp bà con có thể đi lại được.

“Đề nghị của cá nhân tôi cũng như tập thể chính quyền địa phương và bà con nhân dân trong địa bàn là con đường này sớm hoàn thành dứt điểm. Nếu đơn vị thi công không đủ điều kiện, đề nghị cấp có thẩm quyền đưa đơn vị khác vào làm hoàn thiện, đưa đường vào sử dụng cho bà con đi lại được thuận tiện”, Phó bí thư Đỗ Văn Lời kiến nghị.

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Văn Bắc, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vân Hồ cho hay, công trình đường giao thông từ trung tâm xã Tân Xuân đến xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa được phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 67, ngày 8/1/2009 của UBND tỉnh Sơn La.

Lúc đầu, tuyến đường được phê duyệt tổng chiều dài 10,7km, tổng mức đầu tư 58 tỷ 620 triệu đồng từ nguồn vốn JBIC và ngân sách tỉnh đối ứng; đến ngày 12/7/2012 được điều chỉnh chiều dài 11,4km, mức đầu tư lên 86 tỷ 826 triệu đồng, vốn đầu tư từ Chương trình tín dụng chuyên ngành JICA và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước.

Tuyến đường do UBND huyện Mộc Châu làm chủ đầu tư (thời điểm đó huyện Vân Hồ thuộc huyện Mộc Châu chưa chia tách thành lập mới); quy mô xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cấp VI miển núi, bề mặt đường rộng 3,5m. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi ngoài từng bước tăng cường mạng lưới giao thông trong khu vực, tạo điều kiện giao lưu kinh tế xã hội của nhân dân, còn là tuyến đường có ý nghĩa về quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.

Dù được phê duyệt và đã chính thức khởi công xây dựng từ nhiều năm trước, nhưng cho đến nay, tuyến đường vẫn chưa hoàn thiện các hạng mục, chưa được bàn giao đưa vào sử dụng. Hiện tại, nhiều vị trí trên tuyến đã bị hư hỏng phần nền đường, mặt đường, hệ thống thoát nước và các hạng mục phụ trợ trên tuyến, nhiều điểm bị sụt sạt làm mất mặt đường, các cây cầu trên tuyến cũng thi công dở dang, do đó ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người dân trong khu vực.

“Cử tri rất nhiều lần đã có ý kiến, UBND huyện cũng đã có rất nhiều văn bản gửi UBND huyện Mộc Châu, UBND tỉnh và Sở Giao thông tỉnh Sơn La đề nghị UBND huyện Mộc Châu là chủ đầu tư hoàn thiện công trình, sửa chữa những hư hỏng theo đúng hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt để bàn giao lại cho huyện Vân Hồ, nhưng đến thời điểm này huyện Vân Hồ vẫn chưa được bàn giao, lý do vì sao thì chúng tôi không rõ”, ông Bắc cho biết.

Về phía chủ đầu tư là UBND huyện Mộc Châu, ông Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện cho biết, việc con đường sau 10 năm chưa hoàn thành là do nhiều yếu tố. Trong đó có việc, những người liên quan trực tiếp đã nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác, các hồ sơ tài liệu cũng thất lạc nhiều, nên khá khó khăn trong việc xử lý. Ngày 3/2/2020, UBND huyện đã có công văn gửi UBND huyện Vân Hồ và gửi Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La đề nghị tiếp nhận tuyến đường để quản lý, bảo trì.

“Thực ra dự án này xong lâu rồi, tuy nhiên đến thời điểm này đúng là chưa được bàn giao. Huyện Mộc Châu đã phối hợp với Sở Giao thông và huyện Vân Hồ để bàn giao dự án này, đưa vào diện tỉnh lộ quản lý, sau này có nguồn chi phí duy tu bảo dưỡng từ tỉnh. Trên thực tế, đường này đã được đưa vào là đường tỉnh 102, nhưng đúng là chưa được bàn giao vì liên quan đến thủ tục bàn giao giữa 2 huyện nên cũng khó”, Chủ tịch huyện Mộc Châu nói.

Tuy nhiên, theo ông Đào Tài Tuệ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La, cho đến nay, ngoài công văn của UBND huyện Mộc Châu đề nghị tiếp nhận để quản lý, bảo trì tuyến đường này, phía Sở chưa nhận được bất cứ hồ sơ tài liệu nào khác chứng minh tuyên đường đã hoàn thành, được nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng, nên Sở chưa thể tiếp nhận.

Chưa kể, trong công văn Sở nhận được của huyện Mộc Châu gửi ngày 3/2/2020 có ghi “đến nay tuyến đường đã được triển khai thực hiện hoàn thành khối lượng so với hồ sơ thiết kế được duyệt và đã được phê duyệt vốn đầu tư dự án hoàn thành (hạng mục công trình hoàn thành) bàn giao đưa vào sử dụng tại Quyết định số 01/QĐ-STC ngày 03/01/2020 của Sở Tài chính”.

Ngược lại công văn huyện Vân Hồ (địa phương thụ hưởng con đường, người dân thường xuyên đi qua lại) gửi ngày 25/2/2020 thì lại cho rằng “một số hạng mục của công trình chưa thi công hoàn thành theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán được phê duyệt”. Quan điểm của sở là mong muốn con đường sớm hoàn thành và bàn giao cho sở để quản lý theo qui định.

Được biết trước đó, ngày 7/9/2018, sau khi xem xét kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri tại xã Tân Xuân, UBND tỉnh Sơn La đã có công văn gửi UBND huyện Mộc Châu yêu cầu UBND huyện tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục theo quy định để bàn giao, đưa công trình vào khai thác sử dụng và phải hoàn thành, gửi hồ sơ đến Sở Giao thông vận tải trước ngày 20/10/2018…”

Như vậy là tỉnh đã có Công văn chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành hồ sơ công trình để bàn giao. Tuy nhiên, công văn chỉ đạo đã 2 năm, nhưng thực tế vừa qua phóng viên có mặt tại tuyến đường thấy rằng vẫn còn hơn 1 km  đoạn cuối tiếp giáp địa phận xã Mường Lý, huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) vẫn chưa rải nhựa; còn đoạn đã rải nhựa giờ nhiều chỗ bị mưa lũ xói mòn, hệ thống cống rãnh thoát nước hư hỏng, công trình dang dở, dân đi lại khổ sở.

Trong khi đó, kinh phí khắc phục lại không có, do đường chưa được bàn giao. Vậy trách nhiệm chủ đầu tư đến đâu để nhà thầu thi công dở dang mà không xử lý dứt điểm gây thất thoát, lãng phí tiền của Nhà nước, khiến người dân đi lại trong mùa mưa rất nguy hiểm, việc giao thương hàng hóa góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương gặp vô vàn khó khăn…

VOV sẽ tiếp tục thông tin về dự án này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 25 nguy cơ chậm tiến độ vì vướng mặt bằng
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 25 nguy cơ chậm tiến độ vì vướng mặt bằng

VOV.VN - Dự án thành phần 1 thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25, kinh phí 230 tỷ đồng do Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư nguy cơ chậm tiến độ vì vướng mặt bằng.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 25 nguy cơ chậm tiến độ vì vướng mặt bằng

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 25 nguy cơ chậm tiến độ vì vướng mặt bằng

VOV.VN - Dự án thành phần 1 thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25, kinh phí 230 tỷ đồng do Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư nguy cơ chậm tiến độ vì vướng mặt bằng.

Dự án nghìn tỷ ở Đà Nẵng chậm tiến độ vì vướng mặt bằng
Dự án nghìn tỷ ở Đà Nẵng chậm tiến độ vì vướng mặt bằng

VOV.VN - Đường vành đai phía Tây thành phố Đà Nẵng dự kiến hoàn thành vào 29/10/2020, nhưng đến nay giá trị thi công thực hiện mới đạt 27% giá trị hợp đồng.

Dự án nghìn tỷ ở Đà Nẵng chậm tiến độ vì vướng mặt bằng

Dự án nghìn tỷ ở Đà Nẵng chậm tiến độ vì vướng mặt bằng

VOV.VN - Đường vành đai phía Tây thành phố Đà Nẵng dự kiến hoàn thành vào 29/10/2020, nhưng đến nay giá trị thi công thực hiện mới đạt 27% giá trị hợp đồng.

Dân khổ sở vì dự án chậm tiến độ ở thành phố Thái Nguyên
Dân khổ sở vì dự án chậm tiến độ ở thành phố Thái Nguyên

VOV.VN - Đã hơn 10 năm nay, Dự án Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng ở phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên vẫn chưa hoàn thành khiến cuộc sống người dân ảnh hưởng.

Dân khổ sở vì dự án chậm tiến độ ở thành phố Thái Nguyên

Dân khổ sở vì dự án chậm tiến độ ở thành phố Thái Nguyên

VOV.VN - Đã hơn 10 năm nay, Dự án Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng ở phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên vẫn chưa hoàn thành khiến cuộc sống người dân ảnh hưởng.