Hội nghị Chủ tịch các Câu lạc bộ bóng đá Việt Nam

3 vấn đề để hội nghị cùng thảo luận gồm: Bỏ phiếu bầu Trưởng ban tổ chức giải và Trưởng ban trọng tài, Cơ cấu tổ chức ban tổ chức giải và có nên tổ chức Đại hội bất thường của VFF.          

Sáng 29/9, 28 vị chủ tịch các CLB tham gia V-League và giải hạng Nhất đã ngồi lại với lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) để bàn cách cải tổ hệ thống thi đấu quốc gia nói riêng và mổ sẻ những vấn đề nội tại của bóng đá Việt Nam.

Mở đầu hội nghị, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho rằng đây là cuộc thảo luận chính sách, là chương trình nghị sự để các câu lạc bộ cùng nhau thảo luận. Ba vấn đề mà ông Lê Hùng Dũng đưa ra để hội nghị cùng thảo luận gồm: Bỏ phiếu bầu Trưởng ban tổ chức giải và Trưởng ban trọng tài, Cơ cấu tổ chức ban tổ chức giải và có nên tổ chức Đại hội bất thường của VFF.

Một số vấn đề mà Phó Chủ tịch VFF khẳng định những người có quyền lực cao nhất của bóng đá Việt Nam nhất định sẽ cải tổ là thành lập ban trọng tài, tạo điều kiện để các ông bầu tự chọn ra trưởng ban tổ chức giải mới.

Ông Lê Hùng Dũng cũng nói thêm, VFF muốn làm nhưng do cơ cấu tổ chức của V-League lẫn VFF đã được Bộ Nội Vụ thông qua vì thế cần có thời gian để điều chỉnh, sớm nhất phải đến mùa giải 2013 thì những thay đổi theo yêu cầu của các đội bóng mới có thể áp dụng được.

Ngay sau phát biểu có tính “cầu thị” của ông Phó Chủ tịch VFF, hội nghị tiếp tục bằng những đóng góp của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai.

Ông chủ của đội bóng phố Núi cho rằng: Các câu lạc bộ đến đây không phải để nghe và thảo luận theo chương trình đã được lập trình sẵn. Nếu đi theo chương trình thảo luận mà VFF đề ra thì V-League mùa tới sẽ không có gì mới mẻ. Qua hội nghị, “bầu” Đức cũng muốn chung tay góp sức để phát triển bóng đá Việt Nam một cách hệ thống, bài bản.

Chủ tịch CLB Hà Nội ACB và Hòa Phát Hà Nội, ông Nguyễn Đức Kiên không chỉ trích nhưng cũng yêu cầu VFF nhất thiết phải cải tổ. Phương thức cải tổ được ông Kiên nêu ra là phải thành lập “Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam” để quản lý giải vô địch và hệ thống thi đấu quốc gia. Những nước áp dụng mô hình này đều có nền bóng đá ngày càng phát triển. Đây sẽ là một công ty cổ phần với số vốn 21 tỉ đồng, 14 CLB mỗi đội góp 1 tỉ đồng tương đương 64,4%, VFF góp số vốn còn lại tương đương 35,6%. VFF giữ quyền chủ động nhưng không thể áp đặt. Còn các CLB có quyền chủ động nhưng vẫn phải đi đúng định hướng.

Ngoài vấn đề cải tổ, ông Nguyễn Đức Kiên còn đưa ra hàng loạt vấn đề nóng bỏng đang tồn tại ở bóng đá Việt Nam.

Hội nghị tiếp tục phần thảo luận vào chiều 29/9./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên