Tọa đàm: Thế giới những điểm nhấn năm 2016

VOV.VN - Các khách mời cuộc tọa đàm nhìn nhận lại các sự kiện có tính “bước ngoặt” trong năm 2016  và dự báo tình hình thế giới trong năm 2017.

LTS: Năm 2016 diễn ra nhiều sự kiện có tính chất dấu mốc lịch sử của thế giới mà tác động của nó sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới. Đây là năm mà ý chí, hành động của con người ngày càng được thể hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn, không chỉ là để thể hiện quan điểm cá nhân mà còn nhằm mục đích tạo ra sự thay đổi có tính chất bước ngoặt. Dù quy mô và mức độ ảnh hưởng cũng như là lĩnh vực có thể khác nhau nhưng một số sự kiện diễn ra trong năm 2016 chắc chắn sẽ tiếp tục được nhắc đến trong nhiều năm nữa.

Để có những cái nhìn rõ hơn về tổng quan tình hình thế giới năm 2016, Báo điện tử VOV và Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) của Đài TNVN tổ chức tọa đàm “Thế giới những điểm nhấn năm 2016”. Khách mời của chương trình là Đại sứ Ngô Quang Xuân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nguyên Trưởng phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và Tiến sĩ Trần Việt Thái, Viện phó Viện chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao.

Những sự kiện có tính bước ngoặt

PV: Thế giới năm 2016 chứng kiến nhiều sự kiến có tính “bước ngoặt” đối với sự chuyển động, phát triển chung. Với kinh nghiệm của một nhà ngoại giao kỳ cựu, xin Đại sứ Ngô Quang Xuân nêu một vài sự kiện có vai trò là điểm nhấn nổi bật nhất trong bức tranh tổng thể thế giới 2016?

Đại sứ Ngô Quang Xuân: Nếu mỗi châu lục chọn một sự kiện, thì ở châu Mỹ tôi đề cập việc tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ và sẽ trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Sự kiện này có tác động không chỉ ở Mỹ mà toàn thế giới.

Châu Á-Thái Bình Dương, điểm nóng nhất là Biển Đông với phán quyết của Tòa trọng tài theo Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về đường lưỡi bò. Tôi nghĩ phán quyết này sẽ tác động rất mạnh đến cục diện Biển Đông, châu Á và thế giới.

Nếu nói về Mỹ-Latin, tôi muốn nói tới sự bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba. Điều này người ta đã mong đợi từ trước tới nay, nhưng đến nay mới xảy ra. Tôi nghĩ điều này sẽ tác động đến châu Mỹ-Latin.

Kèm theo đó là sự ra đi của Fidel Castro. Còn ở châu Phi, cuộc chiến chống IS đang bước vào giai đoạn rất gay cấn, với vai trò nổi lên của Nga. Vấn đề chống IS vẫn còn rất phức tạp và có tác động lâu dài.

PV: Nhà nghiên cứu Trần Việt Thái đánh giá sao về tác động của các sự kiện năm 2016 lên năm 2017 và các năm tiếp theo?

Tiến sĩ Trần Việt Thái: Tôi xin bổ sung thêm 2 ý. Trước hết phán quyết của Tòa hoàn toàn chính xác với tình hình Biển Đông. Nhưng phán quyết đó trở nên gay cấn như vừa rồi là do một phần Philippines điều chỉnh chính xác và do sự thay đổi chính quyền ở Philippines. Nếu với phán quyết 12/7, ở Philippines có một vị Tổng thống mới theo chủ trương cũ thì có lẽ không có nhiều gay cấn như vừa rồi. Nhưng khi ông Duterte lên nắm quyền, Philippines đã điều chỉnh chính sách rất đột ngột trong quan hệ với cả Mỹ lẫn Trung Quốc, và gần như bỏ qua phán quyết 12/7. Cục diện ở châu Á-Thái Bình Dương, ở Đông Nam Á và Biển Đông 2017 sẽ diễn biến rất phức tạp.

Sự kiện thứ 2 là vụ lộ lọt tài liệu Panama – nghe thì đơn giản nhưng thực ra sự kiện gây chấn động làm lộ hệ thống rửa tiền trên toàn cầu. Hệ thống ngân hàng không còn bảo mật, nuôi dưỡng tốt như trước đây nữa. Cho nên việc trốn thuế, hệ thống giao dịch ngầm sẽ không còn nhiều như trước đây nữa. Tôi cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng rất sâu rộng đến cách quản lý thuế, cách điều hành trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và nó cũng ảnh hưởng tới chiến dịch chống tham nhũng trên phạm vi toàn cầu.

Nó là một trong những nguyên nhân tại sao dân chúng trên thế giới hiện nay người không tin vào chính quyền nữa, vì nhiều chính quyền trên thế giới mà quan chức có tài sản bí mật nước ngoài. Việc phanh phui vừa qua là một nhân tố góp phần thúc đẩy chủ nghĩa dân túy, thúc đẩy người dân không tin tưởng vào chính quyền. Tôi cho rằng việc lộ lọt tài liệu Panama phản ánh một xu thế mới trong lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Mỹ và thế giới ra sao khi ông Trump làm Tổng thống?

PV: Việc ông Donald Trump sẽ chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào ngày 20/1 tới đây sẽ tác động như thế nào đến thế giới trong bối cảnh Mỹ là quốc gia có tầm ảnh hưởng toàn cầu?

TS Trần Việt Thái: Việc ông Trump ngày 20/1 tới sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ sẽ có tác động hết sức sâu rộng không chỉ tới nội bộ Mỹ mà còn tới tình hình nhiều nơi trên thế giới và nhiều mối quan hệ quốc tế.

Trong đó đáng chú ý có 5 điểm như sau:

Thứ nhất, hiện tại vẫn chưa thể đánh giá hết được việc tầm quan trọng của sự kiện này bởi ông Donald Trump cũng chưa nhậm chức. Hầu hết những đánh giá hiện nay đều dựa vào các phát biểu của ông Trump trong quá trình tranh cử cũng như từ những phân tích, đánh giá về những quan chức mà ông Trump vừa lựa chọn.

Từ đó, có thể thấy rằng, ông Trump sẽ quay trở lại bên trong, đặc biệt về kinh tế và thương mại. Điều này sẽ tác động vào việc thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu vào Mỹ.

Ngoài ra, cũng cần theo dõi sát sao xem liệu chính quyền mới của ông Trump sẽ thực hiện những biện pháp gì, liệu Mỹ có tăng thuế hay không, liệu việc tăng lãi suất vừa qua có được duy trì trong thời gian tới hay không cũng như những biện pháp khác về mặt phi thuế quan để đánh giá về tác động của các biện pháp này đối với thương mại toàn cầu.

Thứ 2, nhìn sơ bộ vào ê kíp mới mà ông Trump đã lựa chọn, ảnh hưởng của giới tướng lĩnh quân sự là tương đối rõ. Bản thân ông Trump cũng nói rõ rằng, ông sẽ tăng ngân sách quốc phòng và gia tăng hiện diện cả về Hải quân và Không quân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này cũng tác động rất rõ đến chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như chính sách quốc phòng của Mỹ trong thời gian tới.

Thứ 3, có thể nhận thấy rằng, dù ông Trump đã đưa ra những phát biểu mang tính dân túy và còn chưa rõ ràng nhưng cũng không nên chỉ dựa vào những phát biểu nhiều khi gây sốc của ông Trump để đánh giá bởi ông Trump chưa có nhiều kinh nghiệm về chính trị mà chủ yếu chỉ làm kinh doanh. Chính vì thế, về cơ bản, những lợi ích về kinh tế và thương mại của Mỹ là không đổi.

Khác biệt, nếu có là cách ông Trump can dự và xử lý những vấn đề quốc tế và có thể đưa ra những điều chính theo hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ngoài ra, ông Trump cũng sẽ quyết liệt hơn trong việc thúc đẩy công ăn việc làm và kinh tế trong nước.

Việc ông Trump trúng cử Tổng thống Mỹ dù có nhiều bất ngờ nhưng được dự đoán là sẽ không khiến những lợi ích cốt lõi của Mỹ bị thay đổi. Ảnh: AP

Thứ 4, quan hệ với Việt Nam khi ông Trump lên nắm quyền về cơ bản cũng sẽ được duy trì. Điều này xuất phát từ việc quan hệ Việt-Mỹ nhận được sự ủng hộ của cả 2 đảng trong Chính phủ Mỹ.

Ngoài ra, qua những phát biểu vừa qua của ông Trump, đặc biệt là sự quan tâm của ông đối với khu vực, và nhất là sau cuộc điện đàm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với ông Trump sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống, có những dấu hiệu cho thấy quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiếp tục duy trì đà hiện tại. Tuy nhiên, cách thức thực hiện sẽ có những khác biệt.

Thứ 5, có thể thấy rằng, TPP sẽ rất khó khăn trong thời gian tới cho dù kịch bản nào diễn ra, dù Hiệp ước này có chết hẳn [tức là Mỹ rút ra hẳn khỏi TPP-BTV] hay có thể “chết lâm sàng” một thời gian hoặc có thể bị dỡ ra đàm phán lại. Tuy nhiên, khả năng Mỹ rút ra hẳn khỏi TPP là rất cao. Điều này sẽ khiến quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam sẽ khó khăn hơn nhưng “con tàu Việt Nam” vẫn sẽ đi lên.

Người dân Mỹ kỳ vọng vào sự thay đổi

PV: Là một người có nhiều năm công tác tại Mỹ, xin Đại sứ Ngô Quang Xuân cho biết, việc một doanh nhân, một người không làm chính trị chuyên nghiệp trúng cử Tổng thống Mỹ phản ánh điều gì trong xã hội Mỹ hiện nay?

Đại sứ Ngô Quang Xuân: Một doanh nhân thành đạt và trở thành tỷ phú như ông Trump chắc chắn là một người giỏi. Tuy nhiên, “hồ sơ chính trị” và “hồ sơ đối ngoại” của ông Trump gần như chưa có gì đáng kể.

Việc ông Trump đắc cử và trở thành Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1, cho thấy một số điều rất đáng chú ý trong xã hội Mỹ.

Thứ nhất, người dân Mỹ luôn muốn thay đổi. Họ muốn thay đổi cả người lãnh đạo cao nhất cũng như những chính sách về chính trị, kinh tế có tác động thiết thân đến họ. Trong nước Mỹ có 2 đảng chính là Dân chủ và Cộng hòa thay nhau lên nắm quyền. Đảng Dân chủ của bà Clinton đã nắm quyền được 2 nhiệm kỳ trong khi đó, trong lịch sử của Mỹ, rất ít trường hợp một trong 2 đảng này nắm quyền trong nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp.

Thứ 2, lòng tin của người dân trong xã hội Mỹ được phản ánh rõ qua cuộc bầu cử vừa qua. Mặc dù Tổng thống Obama đã để lại nhiều dấu ấn trong 2 nhiệm kỳ của mình, nhưng xã hội Mỹ vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về chính trị và kinh tế. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện vẫn rất cao. Điều này cũng khiến lòng tin của người dân Mỹ bị suy giảm.

Ngoài ra, trong quá trình bầu cử Tổng thống Mỹ, một “đòn chí mạng” đối với bà Clinton là khi Giám đốc FBI James Comey tuyên bố sẽ điều tra về bê bối sử dụng email cá nhân vào việc công của bà Clinton. Thông tin này khiến lòng tin của cử tri Mỹ đối với bà Clinton sụt giảm nghiêm trọng.

Đa số người Mỹ cho rằng, dù có những phát ngôn “gây sốc” nhưng những gì Tổng thống Donald Trump nói là rất thẳng thắn và “nói được làm được” và tin tưởng ông Trump hơn.

Cuối cùng, người dân Mỹ dường như chưa chuẩn bị tâm thế để có một Tổng thống là nữ. Từ các thành phần cử tri ủng hộ ông Trump tại các bang, có thể cho thấy đa số là những người bảo thủ và số này chiếm một lượng lớn trong xã hội Mỹ.

Tuy nhiên, trong xã hội Mỹ vẫn có những người năng động, mong muốn thay đổi để phát triển và tiến lên để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong năm cuối cùng dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.

Người dân Mỹ luôn kỳ vọng vào sự đổi thay và bà Clinton đã không đem lại được điều đó cho họ. Ảnh AP

Châu Á vẫn cực kỳ quan trọng đối với ông Donald Trump

PV: Một trong những chính sách đối ngoại quan trọng trong những năm qua của Mỹ là xoay trục về Châu Á. Vậy Châu Á có gì để có thể tiếp tục hấp dẫn Tổng thống đắc cử Donald Trump, thưa TS Trần Việt Thái?

TS Trần Việt Thái: Nếu như nhìn vào vai trò của châu Á đối với Mỹ và trong chính sách của Mỹ, có thể thấy, trong nhiệm kỳ tới của ông Trump, châu Á sẽ vẫn có vai trò quan trọng. Điều này là bởi, châu Âu hiện vẫn đang rất khó khăn, Trung Đông-Bắc Phi đang rất lộn xộn và ngay cả Mỹ Latin- sân sau của Mỹ- thực ra cũng có rất nhiều vấn đề.

Khi ông Trump lên nắm quyền, sẽ có vài điểm đáng chú ý. Đầu tiên, theo thông lệ, chính quyền mới sẽ không sử dụng lại những chính sách mà chính quyền cũ đã đưa ra. Sắp tới đây, khi ông Trump lên làm Tổng thống, chính sách của Mỹ sẽ thay đổi, có thể là không phải thay đổi trong nội hàm, nhưng sẽ thay đổi ở tên gọi.

Thứ hai, sự thay đổi trong phe Đồng minh của Mỹ. Hiện nay, Mỹ đang rất cần Đồng minh ở Châu Á, Thái Bình Dương hay cụ thể hơn là Nhật. Trong thời gian gần đây, mối quan hệ Nhật – Mỹ đang được nỗ lực hàn gắn.

Ông Obama vừa rồi đã đến thăm Hiroshima hay ngược lại, ông Shinzo Abe cũng đã đi thăm Trân Châu Cảng. Như vậy, Mỹ và Nhật có thể sẽ trở nên gần gũi hơn trong thời gian tới. Hơn nữa, Mỹ có thể sẽ để lại cho Nhật Bản những dư địa lớn hơn về mặt An ninh- Quốc phòng.

Việc Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng đến thăm Trân Châu Cảng được coi là biểu tượng của sự hòa giải và xích lại gần hơn với nhau của 2 đồng minh. Ảnh: AP

Trong năm tới, vai trò của nước Nhật sẽ còn lớn mạnh hơn. Và đây cũng là một nhân tố quan trọng trong chiến lược đối ngoại cũng như an ninh quốc phòng của Việt Nam.

Cùng với đó, việc liên minh với các đồng minh quan trọng khác cũng sẽ được điều chỉnh, đặc biệt là với Thái Lan và Philippines. Các đồng minh mới như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ, sắp tới, sẽ trở thành những đối tác rất quan trọng của Mỹ.

Thứ ba về các mối quan hệ của Mỹ và bán đảo Triều Tiên. Mối quan hệ với Hàn Quốc, tuy còn phụ thuộc vào chính quyền mới, nhưng nhìn chung, mối quan hệ này sẽ chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Trong khi đó, mối quan hệ với Triều Tiên, trong năm vừa qua Mỹ vẫn siết chặt nhiều chính sách cấm vận với Triều Tiên. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho chính phủ Triều Tiên, điển hình là trong vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn hơn trong năm tới khi rất nhiều quan chức mới của Mỹ tỏ thái độ bất hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, do xuất thân từ một người làm kinh doanh, chính sách đối ngoại của ông Trump nghiêng về thỏa hiệp.

Để cải thiện mối quan hệ này, có lẽ ông Trump sẽ mang lợi nhuận ra để thương lượng hay thậm chí thương lượng về cả vấn đề biển Đông. Có thể nói, đây là một mối quan hệ mang nhiều yếu tố cạnh tranh nhưng đồng thời, còn có cả cơ hội hợp tác.

Theo tôi, trong thời gian tới, Mỹ sẽ cắt giảm nhiều cam kết, đặc biệt là những vấn đề ít quan trọng như trợ giúp về biến đổi khí hậu hay hỗ trợ các lực lượng ở khu vực./.

Đón đọc Phần 2: Phán quyết từ Tòa Trọng tài PCA mở ra chân trời mới

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Top 10 Nhân vật năm 2016 do AFP bình chọn: Đứng đầu là Donald Trump
Top 10 Nhân vật năm 2016 do AFP bình chọn: Đứng đầu là Donald Trump

VOV.VN - Đây là lần thứ 2 Tổng thống đắc cử Donald Trump được lựa chọn là Nhân vật của năm 2016 sau lần bình chọn đầu tiên do tạp chí Time thực hiện.

Top 10 Nhân vật năm 2016 do AFP bình chọn: Đứng đầu là Donald Trump

Top 10 Nhân vật năm 2016 do AFP bình chọn: Đứng đầu là Donald Trump

VOV.VN - Đây là lần thứ 2 Tổng thống đắc cử Donald Trump được lựa chọn là Nhân vật của năm 2016 sau lần bình chọn đầu tiên do tạp chí Time thực hiện.

Ông Donald Trump kêu gọi mở rộng năng lực hạt nhân của Mỹ
Ông Donald Trump kêu gọi mở rộng năng lực hạt nhân của Mỹ

VOV.VN - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm qua (22/12) đã lên tiếng kêu gọi tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân của Mỹ.

Ông Donald Trump kêu gọi mở rộng năng lực hạt nhân của Mỹ

Ông Donald Trump kêu gọi mở rộng năng lực hạt nhân của Mỹ

VOV.VN - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm qua (22/12) đã lên tiếng kêu gọi tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân của Mỹ.

Donald Trump muốn xác minh thông tin Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ
Donald Trump muốn xác minh thông tin Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ

VOV.VN - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cam kết sẽ gặp các quan chức tình báo Mỹ để xác minh thông tin Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Donald Trump muốn xác minh thông tin Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ

Donald Trump muốn xác minh thông tin Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ

VOV.VN - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cam kết sẽ gặp các quan chức tình báo Mỹ để xác minh thông tin Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Donald Trump: Hành trình từ “kẻ ngoại đạo” đến người đứng đầu nước Mỹ
Donald Trump: Hành trình từ “kẻ ngoại đạo” đến người đứng đầu nước Mỹ

VOV.VN - Chiến thắng được coi là “đầy bất ngờ” trước đối thủ nặng ký Hillary Clinton trên thực tế hoàn toàn “nằm trong tính toán” của tỷ phú Donald Trump.

Donald Trump: Hành trình từ “kẻ ngoại đạo” đến người đứng đầu nước Mỹ

Donald Trump: Hành trình từ “kẻ ngoại đạo” đến người đứng đầu nước Mỹ

VOV.VN - Chiến thắng được coi là “đầy bất ngờ” trước đối thủ nặng ký Hillary Clinton trên thực tế hoàn toàn “nằm trong tính toán” của tỷ phú Donald Trump.