Những kỷ niệm về nhà báo Trần Thiên Nhiên

VOV.VN - Nhiều sinh viên báo chí đã chọn tác phẩm báo chí của nhà báo Trần Thiên Nhiên làm khoá luận.

Tôi “nhìn thấy” nhà báo Trần Thiên Nhiên trong một cuộc họp toàn cơ quan tại 58 Quán Sứ, khoảng cuối năm 1979 đầu 1980 gì đó. Khi ấy tôi vừa chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh ra, làm ở phòng biên tập Trung Quốc ban Đối ngoại. Còn anh Nhiên làm ở phòng Thời sự ban Đối nội. Hôm đó, anh Nhiên phát biểu về việc cần chăm lo hơn nữa cho đội ngũ phóng viên - biên tập viên. Những phát biểu thẳng thắn của anh có vẻ Tổng biên tập Trần Lâm “thoáng không hài lòng”. Nhưng không khí dân chủ của cơ quan, và dáng người cao lòng khòng, giọng nói khi hăng lên âm sắc thay đổi của nhà báo Trần Thiên Nhiên tôi còn nhớ đến hôm nay.

Nhà báo Trần Thiên Nhiên (áo xanh) phát biểu trong buổi giao lưu nhân chứng lịch sử "Đài TNVN và mùa Xuân Đại thắng" (tháng 4/2005)

Rồi “sự mỉm cười của số phận” đưa tôi về Ban Đối nội cùng với anh. Ban Đối nội lúc đó tập hợp nhiều cây bút thuộc “thế hệ vàng” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Công bằng mà nói thì những ngày ấy, giờ phát sóng còn ít, chương trình phát thanh Thời sự chỉ có mấy buổi và yêu cầu “tức thời” chưa như bây giờ nên anh chị em phóng viên biên tập viên có nhiều thời gian trao đổi công việc, tâm tình với nhau. Anh Trần Thiên Nhiên, chị Thu Khiêm, anh “Xuân đen”, anh Huy Toàn, chị Kim Cúc, các anh Đoàn Uyên, Hoàng Hàm, Trần Trọng Truỷ… và lớp trẻ hơn như các chị Bích Nga (chị Sợi), Thanh Thuỷ, anh Đức Dụ… và bọn tôi (trẻ nhất) thường quây quần bên bàn trà ngồi đàm đạo việc công, việc tư. Anh Nhiên thường chỉ chị Thu Khiêm và nói với tôi: “Bà này dạy mình sử dụng máy ghi âm đấy”. Anh Nhiên khi tranh luận đôi lông mày thường xếch lên, ánh mắt sắc sảo. Còn bình thường, bị mọi người trêu chọc, anh chỉ tủm tỉm cười, để lộ mấy cái răng đã hơi ám khói thuốc.

“Nghề báo” của anh Nhiên nở rộ khi Đảng ta bắt đầu công cuộc đổi mới. Là một người đã lăn lộn trong kháng chiến chống Pháp, lại làm phiên dịch tiếng Trung nhiều năm ở cơ sở, rồi đi học đại học, làm ở tạp chí Tuyên huấn trước khi về Đài nên anh Nhiên hơn hẳn các bạn đồng nghiệp về việc nắm bắt cái mới, nhìn nhận con người và sự việc.

Tôi còn nhớ anh Trần Thiên Nhiên đã có công phát hiện ra cách tổ chức quản lý hiệu quả của giám đốc Phan Văn Ổn (sau này là Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp) giữa lúc vì lý do này nọ, có dư luận đang dèm pha ông. Phát hiện ra nhưng không giữ cho riêng mình. Anh chia sẻ với các bạn đồng nghiệp bên báo Nhân Dân, báo Lao động… để tất cả cùng đào sâu suy nghĩ, tìm ra quy luật vận động của mô hình quản lý, mà nêu lên để mọi người cùng biết. Kỹ sư Phan Văn Ổn trở thành bạn tâm giao của nhà báo Trần Thiên Nhiên kể cả khi hai ông đều đã về nghỉ hưu.

Cách làm việc chu đáo, tận tâm của nhà báo Trần Thiên Nhiên đối với cơ sở, cách ông đã kết bạn với ai là kết bạn thật sự bất chấp sự  “hưng thịnh” của đời người, là điều tôi học được và làm theo ông. Có một việc tôi thấy cần phải nói, là cho đến lúc về già, nhà báo Trần Thiên Nhiên vẫn không thôi ân hận vì đã không bảo vệ được một người bạn doanh nhân của mình, một người đã cố gắng vực dậy và nuôi sống một “thương hiệu” nổi tiếng của Hà Nội.

Nhà báo Trần Thiên Nhiên là như vậy.

Là phận “em út” nhưng tôi cũng có vài dịp “rủ” anh Nhiên lên công trường xây dựng nhà máy thuỷ điện trên sông Đà, lúc công trường đang vào giai đoạn gấp rút. Đã là một nhà báo nổi tiếng, nhưng anh Nhiên rất khiêm tốn. Khi kỹ sư Đặng Văn Vỵ, Giám đốc Liên hợp lắp máy 10 nêu yêu cầu: tôi rất bận, chỉ có thể tiếp nhà báo sau 23 giờ đêm. Anh Nhiên đã vui vẻ chấp nhận và từ đó, hình thành mối quan hệ “tin cậy” giữa  nhà báo với ông giám đốc một đơn vị chịu trách nhiệm lắp đặt toàn bộ các thiết bị của nhà máy, và quyết định thời gian khởi động tổ máy số 1.

Có lần chiều tối, chúng tôi từ công trường gửi một phóng sự ngắn về phòng Thời sự, hẹn phát vào chương trình 6 giờ sáng hôm sau. Nhà khách của công trường không có ra-đi-ô. Hai anh em không ai có đài. Thế là giữa buổi sáng mùa đông rét lạnh, hai anh em co ro đứng dưới chân cột đèn ngoài đường, lắng nghe tiếng đài từ loa công cộng.

Thời gian này, tôi cũng hay viết bút ký, tuỳ bút… Bài nào anh Nhiên cũng đọc và khuyến khích tôi viết. Năm 1995, tháng 10, tôi có chuyến công tác dài ngày đến Liên hiệp quốc, Cu Ba và hai nước khác. Anh Nhiên động viên tôi viết ký gửi cho báo Văn Nghệ. Tôi viết xong, đích thân anh mang sang báo Văn Nghệ giới thiệu. Bút ký “Bay vượt trùng dương” của tôi đăng trên trang nhất báo Văn Nghệ là một kỷ niệm khó quên trong đời làm báo của tôi.

Có một chuyện “thật như bịa” là chuyện nhà báo sắp về hưu Trần Thiên Nhiên dẫn một phóng viên trẻ đi công tác miền núi. Xuống với dân là phải uống rượu. Cậu chàng quá chén. Xe hỏng. Ông già U60 xuống xe đẩy, còn chàng trai trẻ U30 nằm như khúc gỗ trên xe, tiếng ngáy còn to hơn hơi thở mệt nhọc của nhà báo Trần Thiên Nhiên.

Nghe tin nhà báo Trần Thiên Nhiên mất, chàng phóng viên trẻ ngày nào cảm thán thốt lên: “Ông là người thứ hai dạy tôi nghề làm báo. Người thứ nhất là bố tôi”.

Nhà báo Trần Thiên Nhiên (bìa trái) cùng các đồng nghiệp trong toà soạn báo Tiếng nói Việt Nam.

Một giảng viên khoa báo chí nhờ tôi giới thiệu một cây bút viết thể ký trên Đài để mời đến nói chuyện cho sinh viên. Tôi giới thiệu nhà báo Trần Thiên Nhiên với mấy lý do: ông là người rất giỏi trong việc biến những vấn đề thuộc về lý luận chính trị trừu tượng thành những câu chuyện dân dã, dễ hiểu, dễ nhớ. Ông cũng là người “trong báo có văn - trong văn có báo” và là người giỏi phát hiện những nhân tố mới trong cuộc sống. “Tính Đảng” trong tác phẩm của ông rất cao. Bài báo “Cho Đảng cái huân chương” của ông là một ví dụ.

Nhiều sinh viên báo chí đã chọn tác phẩm báo chí của nhà báo Trần Thiên Nhiên làm khoá luận.

Đến tuổi 60, nhà báo Trần Thiên Nhiên nghỉ hưu. Ông cùng với các nhà báo Trần Nguyên Vấn, Trần Nhật Lam được Tổng giám đốc Trần Mai Hạnh mời về làm biên tập viên cho tờ báo in “Tuần báo Đài Tiếng nói Việt Nam” (nay là báo “Tiếng nói Việt Nam”). Là Thư ký Toà soạn, tôi lại may mắn được cùng làm việc với ông. Với cái máy chữ để trước mặt, ông sẵn sàng viết những tiểu luận, bình luận khi Tổng biên tập yêu cầu. Một lần, vì khuôn khổ trang báo, Thư ký Toà soạn  cắt một bài thành một cái tin dài. Đọc bản bông, ông sang gặp tôi: “Hoà không nên cắt một bài người ta viết công phu như thế thành một cái tin. Mình đề nghị bài này dùng vào số khác". Tôi biết  người viết bài này không hề quen biết nhà báo Trần Thiên Nhiên. Nhưng sự chăm lo đến cộng tác viên của nhà báo Trần Thiên Nhiên là như vậy.

Chuyện về cố nhà báo Trần Thiên Nhiên còn nhiều. Chỉ xin kể ra đây một kỷ niệm nhỏ. Có một năm sau Tết âm lịch, trời rét đến dưới 0 độ C ở Sa Pa. Tôi đến thăm anh Nhiên. Thời gian này, anh chị ở hai nhà đối diện nhau trong khu tập thể 128 C Đại La. Bấm chuông nhà anh, không thấy động tĩnh gì. Chợt nghe có tiếng: “Chú Hoà đến thăm anh à? Quay sang, thấy chị Mến vợ anh đứng cửa, cười rất tươi… rét quá, ông ấy sang đây nằm cho ấm. Chú lên chơi với anh đi…”

Thế là từ nay không được ghé thăm anh nữa rồi. Anh Nhiên ơi…/.              

         

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên