Hạnh phúc tuổi già có khó kiếm tìm?

VOV.VN - Hạnh phúc chính là khi tuổi già lúc ốm đau bệnh tật có được người bạn đời bên cạnh yêu thương, hết lòng chăm sóc

Đã 7 năm kể từ ngày vợ bị tai biến, ông Nguyễn Hùng Sơn vẫn tận tình, chu đáo chăm sóc cho bà theo cách của riêng ông, khéo léo, chăm chút đến mức ai nhìn vào cũng phải thán phục. Có thể nói hạnh phúc chính là khi ốm đau bệnh tật lúc tuổi già có được người bạn đời bên cạnh yêu thương, hết lòng chăm sóc.

Ông nhẹ nhàng đỡ bà ngồi dậy.

Ông Nguyễn Hùng Sơn (83 tuổi) và bà Nguyễn Thị Dung (81 tuổi) cưới nhau đến nay đã được gần 60 năm. Hai ông bà yêu nhau từ những ngày còn tham gia thanh niên xung phong, đã cùng nhau trải qua biết bao sóng gió cuộc đời. Những tưởng đến khi tuổi già sẽ được hưởng cuộc sống an nhàn, thế nhưng một cơn bạo bệnh chợt đến tưởng như đã cướp đi những tháng ngày yên bình đó.

Bà Dung bị tai biến cách đây 7 năm, từ bệnh tai biến, bà mắc thêm bệnh tiểu đường. Thời gian bà còn bệnh nặng, ông chăm bà từ chuyện đơn giản đến tế nhị, phức tạp, ông chỉ nhẹ nhàng mà nói “Trước mình phục vụ quê hương, đất nước, nay già rồi mình về phục vụ người mình thương yêu.” Người xưa có câu: “Con chăm cha, không bằng bà chăm ông”.

Bà Dung phục hồi trở lại đã có thể đi lại quanh nhà nhờ sự giúp đỡ của chồng.

Mọi việc trong gia đình từ giặt quần áo, nấu cơm cho bà ăn, rửa bát đến đun nước cho bà ngâm chân đều do ông Sơn đảm đương. Tuy năm nay đã bước qua tuổi 83 nhưng người đàn ông ấy với mái tóc đã bạc trắng, tấm lưng tuy có hơi gù nhưng vẫn còn nhanh nhẹn lắm.

Ông Sơn vui vẻ chia sẻ: "Ban đêm ông phải chuẩn bị cho bà các thứ vệ sinh vì tai biến bị liệt mà, bà chỉ nằm thôi. Sáng ra dọn vệ sinh cho bà xong thì 5h30 ông đi chợ. Xong đâu đấy ông giặt quần áo, quay lại nấu cơm, đúng 10h30 là phải cho bà ăn. Nếu cho bà ăn muộn huyết áp bị tụt. Bà lại 2 bệnh, tiểu đường và tai biến. Tai biến tính năm nay cũng 8 năm rồi”.

Các con đi làm xa nhiều khi không thể thường xuyên về được, có khi 1- 2 tuần hoặc hàng tháng mới qua thăm được bố mẹ. Ông Sơn không hề lấy vậy mà buồn, ông vui vẻ bảo các con cứ yên chí làm ăn bởi bà đã có ông chăm sóc rồi. Nhìn đôi bàn tay ông thoăn thoắt, chỉ một loáng mà mâm cơm được bày biện gọn gàng, đẹp mắt. Chắc hẳn con cháu cũng yên tâm phần nào bởi ai cũng hiểu ông chăm bà theo cách của riêng ông, khéo léo, cẩn thận đến mức ai trông thấy cũng phải thán phục.

Vườn rau xanh mướt của đôi vợ chồng già.

Bà Dung kể chuyện với giọng đầy tự hào: "Ông hay đỡ đần, dắt ra dắt vào. Lối cửa cao ông phải kê thêm mấy bậc để cho lên xuống, để tập chân quen đi. Để dẻo cơ thì mới đi được. Bây giờ đi được cũng là nhờ ông, nếu ông không tận tình thì cũng không đi được. Mà người cứ nằm liệt ở đấy thì chết thôi".

Bệnh tai biến khiến bà Dung mắc chứng hay quên, đãng trí, có lần bà bật bếp ga mà để quên, may ông phát hiện được kịp thời. Kể từ lần đó, ông càng tận tình, ở bên chăm sóc bà không rời. Ông kể đi chợ cũng không dám đi lâu, tầm 15- 20 phút là phải về ngay bởi trong lòng lo lắng không yên. Là một người đàn ông đã có tuổi, vào bếp, ra vườn, làm những việc nhỏ nhặt mà từ xưa đến nay mọi người vẫn quan niệm những công việc đó là của phụ nữ mới thấy ông yêu người phụ nữ của cuộc đời mình nhiều đến nhường nào.

"Tối đến cứ đưa bà đi đi lại lại, dắt xuống bếp rồi lại đi quanh sân, đi lên đi xuống bậc cầu thang. Trong quá trình luyện tập cho bà, phải nói mấy tháng nay, bà đi lại được tương đối tốt, so với trước thì phải được 70-80%. Từ ở chỗ nằm liệt mà bây giờ đi lại được là tôi rất mừng".

Nghe mọi người khuyên rau cần tây tốt, vậy là ông Sơn gieo 1 vườn để thường xuyên nấu cho bà ăn. Hàng ngày hai ông bà sớm tối bên nhau, cùng chăm những luống rau và cành hoa ngoài vườn. Nhìn vườn rau xanh mướt, những bông hoa hồng trổ bông ở mảnh vườn nhỏ trước nhà mới biết được rằng ông Sơn “đảm đang” đến mức nào.

Nấu nướng là công việc quen thuộc hàng ngày của ông.

Ông Nguyễn Đức y, khu trưởng khu 1 phường Cao Xanh, TP Hạ Long cho biết: "Bà ấy cũng bị tai biến từ lâu rồi, bây giờ cũng đỡ, đi lại được quanh nhà, thậm chí đi được sang hàng xóm. Về công việc gia đình, chăm sóc bà ấy rồi cơm nước, chợ búa hầu hết là ông ấy. Hai ông bà sống rất hạnh phúc. Nếu nói ra ngoài xã hội hai ông bà đúng là 1 tấm gương cho nhiều cặp vợ chồng phải học tập".

Không được nghe lời ông nói yêu thương bà nhưng nhìn cách người chồng chăm chút người phụ nữ của đời mình, ai cũng hiểu ông thương bà nhiều lắm. Đối với một người phụ nữ, hạnh phúc đâu cứ phải là có nhiều tiền, sống trong giàu sang, mà đó chính là khi ốm đau bệnh tật lúc tuổi già có được người bạn đời bên cạnh yêu thương, hết lòng chăm sóc. Đây chính là một cách yêu thương chân thành mà chẳng món quà giá trị nào có thể so sánh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người phụ nữ nặng lòng với lính Trường Sa
Người phụ nữ nặng lòng với lính Trường Sa

VOV.VN -  Trong hơn 10 năm người phụ nữ nghèo lặn lội khắp nơi quyên góp tiền mua len đan áo ấm gửi tặng các chiến sỹ Trường Sa 

Người phụ nữ nặng lòng với lính Trường Sa

Người phụ nữ nặng lòng với lính Trường Sa

VOV.VN -  Trong hơn 10 năm người phụ nữ nghèo lặn lội khắp nơi quyên góp tiền mua len đan áo ấm gửi tặng các chiến sỹ Trường Sa