Cô thôn nữ mê quyền anh

Theo đuổi quyền anh chỉ với ước mơ muốn được đi đây, đi đó cho mở mang kiến thức, nhưng Vương Thị Vỹ trở thành võ sỹ đầu tiên đem về tấm HCV lứa tuổi thiếu niên thế giới.

Hơn 4 tháng đã trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại 20 ngày trên đất bạn Thổ Nhĩ Kỳ cùng tấm HCV quyền anh hạng - 52kg, đến giờ Vương Thị Vỹ vẫn cảm thấy niềm hạnh phúc dâng trào. Đó là những ngày trong mơ đối với cô gái vốn sinh ra và lớn lên giữa chốn đồng ruộng như Vỹ.

Ba năm trước, đang là cô nữ sinh ở quê nhà huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, tình cờ khi các chú ở trên tỉnh về tuyển quân, Vỹ được các nhà tuyển trạch phát hiện sau khi thực hiện thử các động tác chống đẩy hết sức kỹ thuật. Lúc đó, kiến thức về boxing đối với Vỹ vẫn là số 0 tròn trĩnh, vì vừa bận đi học lại vừa phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng, Vỹ làm gì có thời gian mơ mộng đến võ thuật, nhất là trong gia đình chẳng có ai mê võ.

Khi biết mình được các chú “chấm” gửi lên Hà Nội tập luyện, Vỹ cũng thấy vui vui vì đơn giản chỉ nghĩ được ra Hà Nội và nếu có cơ hội sau này biết đâu sẽ được đi đây đi đó, mở mang kiến thức. Rất may, ngay từ đầu Vỹ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình. Thế là chờ học xong lớp 7, Vỹ khăn gói lên đường tới ở tập trung cùng đội Hà Nội.

Cuối năm 2010, sau khi tham gia giải trẻ toàn quốc và giành huy chương, Vỹ được Tổng cục TDTT gọi lên tập huấn cùng đội tuyển quyền anh trẻ quốc gia. Nhưng mãi đến đầu năm nay, Vỹ mới chính thức tập trung cùng đội vì nấn ná chuyện học văn hoá. Vốn là cô gái có cá tính mạnh mẽ, ưa nghịch ngợm từ nhỏ, chuyện làm quen với quyền anh với Vỹ không quá khó khăn. Mái tóc dài trước đây được Vỹ cắt tỉa cho gọn gàng và cũng pha chút “bùi bụi”. Chỉ sau vài tháng tập luyện tích cực, Vỹ đã được BHL tin tưởng đề xuất với Tổng cục TDTT cử tham dự giải vô địch trẻ và thiếu niên thế giới tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 4/2011.

Vương Thị Vỹ (áo xanh) chụp ảnh lưu niệm cùng Đội tuyển Quyền anh Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ

Nhờ được ưu tiên tham gia khoá tập huấn diễn ra trước giải 10 ngày ngay tại TP. Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) dưới sự huấn luyện của các HLV có tiếng thế giới nên khi nhìn các đối thủ “Tây” cao to lừng lững, ban đầu, Vỹ cũng có phần e ngại, nhưng chỉ sau ít đòn thăm dò, phát huy ưu thế ở đòn đánh thẳng, Vỹ đã sớm làm chủ được thế trận, liên tiếp tung ra những đòn sấm sét, một lèo ba trận toàn thắng knock out. Thậm chí, ở trận 2, đối thủ người Nga đỡ đòn của Vỹ không kịp, chảy cả máu mũi, sau đó cuộc đấu phải ngừng và đối thủ chấp nhận thua cuộc. Trong trận then chốt, Vỹ đã hòa điểm với Lalfakzuali, VĐV từng vô địch giải trẻ Ấn Độ năm 2009, nhưng nhờ hơn về số lần tấn công, Vỹ đã giành HCV hạng - 52kg nữ. Một tấm huy chương ngoài mong đợi của BHL.

Không chỉ vậy, Vỹ còn suýt giành luôn danh hiệu VĐV xuất sắc nhất giải vì khi Ban trọng tài, giám sát trận đấu bầu chọn, Vỹ đã nhận được sự ủng hộ với số phiếu cao do cô là VĐV duy nhất thi đấu 3 trận thắng RSC (chưa thi đấu hết 3 hiệp, nhưng khiến đối thủ bị đếm hai lần trong một hiệp). Tiếc là Vỹ thiếu đúng 1 phiếu so với người được nhận danh hiệu này.

Lần đầu tiên ra nước ngoài, lại được đến vùng đất xinh đẹp Antalya - Thổ Nhĩ Kỳ, bao mệt mỏi vì phải ép cân cũng như sự căng thẳng của cuộc thi đã tan biến, thay vào đó là cảm giác lâng lâng hạnh phúc. Với Vỹ tất cả giống như một giấc mơ, nhưng là giấc mơ có thực. Vỹ thầm cảm ơn bố mẹ đã động viên Vỹ ở lại với quyền anh vào thời điểm Vỹ từng xao động mà suýt bỏ cuộc.

Ở tuổi 16, lứa tuổi chưa đủ tiêu chuẩn để tham gia các vòng đấu loại chuẩn bị cho Olympic London 2012 và một số giải quốc tế quan trọng khác, Vỹ luôn tự nhủ sẽ tiếp tục nỗ lực tập luyện để tích luỹ thêm kinh nghiệm, tham gia vào kế hoạch dài hơi của quyền anh Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên