Sóng ở làng quần vợt

Chuyện ồn ào xung quanh danh sách tuyển chọn VĐV dự SEA Games 26 lần này đã khiến bức tranh về quần vợt Việt Nam thêm phần ảm đạm

Mấy ngày nay, làng quần vợt nước nhà đang rối tung lên chuyện tay vợt Quốc Khánh bức xúc vì mình là đương kim vô địch quốc gia nhưng lại không có tên trong danh sách đội quần vợt tập trung chuẩn bị cho SEA Games 26.

Sự việc bắt đầu từ tiêu chí tuyển chọn. Lâu nay ở môn quần vợt và một số môn thể thao khác, việc tuyển chọn VĐV tham dự SEA Games thường được căn cứ vào thành tích ở giải VĐQG. Hễ VĐV đoạt HCV là gần như đã chạm tay vào tấm vé thông hành dự Đại hội, nếu như nội dung hay hạng cân VĐV đó có trong chương trình thi đấu của Đại hội. Đây cũng là một cái đích để các VĐV hướng tới trong suốt một thời gian dài phấn đấu. Do vậy, tiêu chí tuyển chọn này cũng được cho là hợp lý. Thế nhưng, từ đây cũng nảy sinh ra tâm lý kỳ vọng quá nhiều dẫn tới gây phản ứng cho VĐV một khi tiêu chí này có sự thay đổi, mà chuyện lùm xùm trong làng quần vợt nước nhà mấy ngày qua là một ví dụ.

Việc tay vợt Quốc Khánh, bị loại tên ra khỏi danh sách đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 26 sở dĩ trở nên ồn ào và được nhiều người biết đến cũng xuất phát một phần từ lý do Khánh là nhà vô địch, nhưng lại vắng mặt trong danh sách và như tay vợt này lên tiếng thì đó là điều hết sức phi lý.

Tương tự, tay vợt Mai Huỳnh cũng tỏ ra rất bức xúc khi mình vừa giành ngôi vô địch nhưng cũng vắng tên trong danh sách giống Khánh. Trong buổi gặp mặt với Liên đoàn Quần vợt TP HCM mới đây, Mai Huỳnh bày tỏ: “Việc tuyển chọn phản ánh trái chiều với phát biểu của trưởng bộ môn là các VĐV giành chức vô địch sẽ tham dự SEA Games. Tôi rất bất ngờ vì tôi và Khánh cùng giành chức vô địch đôi mà bị loại, như thế thật không công bằng. Lấy việc trẻ hóa để biện hộ là không đúng…”.

Rắc rối hơn, từ đây mới hé ra chuyện tay vợt Quốc Khánh nghi ngờ ông Trưởng bộ môn quần vợt Tổng cục TDTT vì mâu thuẫn cá nhân quanh chuyện chia tiền thưởng tại Davis Cup mà gạt mình ra ngoài; chuyện phản đối cựu VĐV Trần Quốc Bảo (chưa huấn luyện được tay vợt nào) lại ngồi ghế HLV trưởng thay ông Nghê Phát Đạt. Gây sốc nhất vẫn là tin nhắn với những lời lẽ khó nghe mà như Quốc Khánh bật mí là từ HLV Bảo gửi đến cho mình, rồi chuyện “đá bóng” giữa các thành viên trong Liên đoàn và Bộ môn về việc loại Khánh ra khỏi danh sách...

Cho đến thời điểm này, mọi chuyện vẫn đang được tiếp tục làm rõ, nhưng rõ ràng câu chuyện này khiến những người yêu mến môn quần vợt không khỏi buồn. Dường như mục tiêu trẻ hoá đội hình mà các nhà chuyên môn đang hướng đến có vẻ như vẫn chưa được các tay vợt kỳ cựu này công nhận. Có thể đã đến lúc phải rõ ràng hơn về tiêu chí tuyển chọn VĐV.

Trong nhiều năm gần đây, tiếng là quần vợt phong trào phát triển như vũ bão, nhưng lực lượng quần vợt chuyên nghiệp, thành tích cao của quần vợt Việt Nam lại... giậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi. Đã vậy, “sóng” vẫn thường xuyên nổi lên. Hai năm về trước, khi Tổng cục TDTT phê duyệt danh sách ĐT quần vợt Việt Nam tham dự SEA Games 25 ở Lào với 9 tay vợt nhưng không có Quang Huy - tay vợt số 2, cũng đã có không ít lời ra, tiếng vào.

Trước đó nữa, những câu chuyện xung quanh chuyện tuyển chọn VĐV tham gia khoá đào tạo VĐV thế hệ vàng, rồi câu chuyện đãi ngộ không hợp lý với một số trường hợp vẫn xảy ra.

Tính ra, trong một thời gian dài, những người làm công tác đào tạo và phát triển bộ môn quần vợt của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam đã không có sự đầu tư và định hướng cụ thể. Phải đến nhiệm kỳ khoá V (từ năm 2010 - 2015), Liên đoàn Quần vợt Việt Nam mới thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế này. Gần đây, nhờ xã hội hoá, niềm vui với người hâm mộ quần vợt mới chỉ loé lên khi một vài trường hợp như tay vợt triệu đô Hoàng Thiên hay tay vợt nữ Đài Trang đang trên đà thăng tiến, nhưng câu chuyện ồn ào xung quanh danh sách tuyển chọn VĐV dự SEA Games 26 lần này đã sớm khiến bức tranh về quần vợt Việt Nam thêm phần ảm đạm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên