Trục lợi bảo hiểm, nhiều bệnh viện không muốn tin học hóa

VOV.VN -Với 23.000 loại thuốc có tên Latin và hơn 16.000 dịch vụ y tế, nếu không có chuyên môn sâu thì công an, kiểm toán không phát hiện được gian lận.

Sáng 29/12, tại Hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nêu về thực tế trục lợi bảo hiểm y tế hiện nay.

Ông Vũ Đức Đam nói về những bất cập khiến quỹ BHYT bị thất thoát.

Theo Phó Thủ tướng, hiện có 23.000 loại thuốc có tên theo tiếng Latin và hơn 16.000 dịch vụ y tế. Kết hợp hai cái này với nhau các bệnh viện lấy hóa đơn tính tiền bảo hiểm. Nếu không có chuyên môn sâu trong ngành thì kiểm toán hay công an cũng không thể biết là gian lận.

Phó Thủ tướng thống kê, năm qua, cả nước đã chi 50.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm và con số này có thể lên tới 70.000 tỷ đồng trong năm 2017 thì chỉ cần tiết kiệm 1% chúng ta đã có  7.000 tỷ đồng. “Thất thoát bảo hiểm, chưa nói do tiêu cực, mà chỉ là do nhầm lẫn với 23.000 loại thuốc thì con số sẽ lớn tới mức nào?” – Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Phó Thủ tướng thẳng thắn, một số nơi (theo Phó Thủ tướng là số nhiều), các bệnh viện không muốn đẩy nhanh quá trình tin học hóa, đưa ra rất nhiều lý do. Ông đề nghị các đơn vị có bệnh viện (bộ, địa phương) kiên quyết chỉ đạo thực hiện với tinh thần “Ai không làm, tôi nói thẳng là có biểu hiện tiêu cực, bởi có những bệnh viện khi vào kiểm tra phải xuất toán 50 tỷ đồng/năm”.

Đây là vấn đề Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm quyết liệt vì tiền bảo hiểm chính là tiền của người dân, “Muốn chống tiêu cực thì có nhiều việc nhưng đây là việc cụ thể.”- Phó Thủ tướng khẳng định.

Nhiệm vụ thời gian tới, theo ông Vũ Đức Đam, là đẩy mạnh y tế cơ sở. Thực tế, đầu tư y tế cơ sở ở vùng đồng bằng không hiệu quả, trong khi đó ở những vùng sâu xa thì không có, dân phải đi cả ngày mới tới nơi. Vì không chú ý đến y tế cơ sở nên nhiều nơi có biên chế, có cơ sở đầy đủ nhưng việc làm thì không có nhiều, tay nghề ngày càng đi xuống, thu nhập thấp. Bộ Y tế sẽ tập huấn và đổi mới căn bản về tài chính, nhưng không lấy từ ngân sách mà chủ yếu là từ bảo hiểm.

“Mỗi trạm y tế xã có 5 biên chế, trung bình 5.000 người dân một xã, với mệnh giá bảo hiểm hiện nay, mỗi năm ta có 3,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm. Trong khi, chi mỗi năm cho một trạm y tế xã chỉ 30 triệu đồng. Chỉ cần 10% tiền bảo hiểm thì đã được hơn 300 triệu đồng. Sau khi trừ tiền thuốc thì thu nhập của 5 người cũng tăng gấp rưỡi,” Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Một trong những việc đầu tiên cần làm là giao y tế xã lập toàn bộ hồ sơ theo dõi sức khỏe của người dân địa bàn.

Việc này theo Phó Thủ tướng là không mới, chúng ta đã từng làm theo cách y tế cơ quan theo dõi toàn bộ, khám sàng lọc từ ban đầu. Hiện nay, 10 người mua BHYT thì chỉ có 4 người đến trạm y tế cơ sở, còn 6 người thì chỉ khi ốm hoặc không bao giờ được khám bệnh.

Theo Phó Thủ tướng, về tài chính thì có thể đảm bảo được vấn đề trên, về chuyên môn sẽ từng bước. Đồng thời, ông Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương, đơn vị chỉ đạo sát để xử lý./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên