Võ sĩ “tóc dài”

Trần Thị Nhung là kiện tướng cấp Quốc gia môn võ thuật cổ truyền, một trong gần 500 gương mặt trẻ tiêu biểu của Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ nhất

Khi một người trong đoàn chỉ cho tôi chỗ ngồi của Trần Thị Nhung, kiện tướng cấp Quốc gia môn võ thuật cổ truyền, một trong gần 500 gương mặt trẻ tiêu biểu của Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ nhất, tôi cứ ngỡ anh đã chỉ nhầm. Trước mắt tôi là một cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn trong tà áo dài duyên dáng, giọng nói dịu dàng và một nụ cười thật hiền…

Nhân tài "đất võ"

Nhung trẻ hơn cái tuổi 19 của mình. Có lẽ bởi vóc dáng nhỏ nhắn và gương mặt rất dễ thương của cô - gương mặt mà nhiều người sẽ không nghĩ rằng của một vận động viên võ thuật cổ truyền, nhất là ở môn võ đối kháng.

Ban đầu, nói chuyện với tôi, Nhung có vẻ hơi rụt rè. Nhưng dần dần, khi câu chuyện của chúng tôi hướng về môn võ cổ truyền dân tộc, nét e dè ấy dường như đã biến mất. Thay vào đó là những lời kể đầy say mê, hào hứng của cô về vùng “đất võ” Bình Định quê hương mình, về những người thầy dạy, về kỷ niệm của những ngày đầu đến với môn võ cổ truyền, những phút giây hạnh phúc đến rơi nước mắt khi cô được lên bục nhận giải thưởng… Nhưng cũng có những phút lặng khi nữ vận động viên tâm sự về những giọt nước mắt sau những phút giây đăng quang, những hy sinh thầm lặng của một người con gái khi quyết tâm theo đuổi nghề võ - một con đường mà với những nữ vận động viên, không phải chỉ có hoa hồng và những hào quang chiến thắng.

VĐV Trần Thị Nhung

Sinh ra ở vùng “đất võ” Bình Định (xóm 4, thôn Đệ Đức 1, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), tình yêu và niềm đam mê với môn võ thuật cổ truyền dường như đã ngấm vào người cô bé Nhung từ những ngày còn theo bạn bè trong xóm đi chăn trâu cắt cỏ, với những trò chơi đánh trận giả trên cánh đồng. Ngày ấy, với Nhung, đó đơn giản chỉ là những trò chơi. Nhưng thật không ngờ, giờ đây nó lại gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô. Những cuộc tập luyện, những chuyến đi thi đấu, những vinh quang khi giành được chiến thắng, rồi sau đó lại là những tháng ngày tập luyện… tất cả như một vòng quay vô tận không ngừng nghỉ với Nhung. Vòng quay mà dường như nếu rời bỏ nó, Nhung cảm thấy không còn được là mình nữa.

Năm học lớp 5, Nhung xin bố mẹ cho đi học võ. Lúc ấy, cô bé bị phản đối kịch liệt, với lý do sợ ảnh hưởng tới việc học hành, và cũng bởi “con gái mà học đòi chi đánh đấm!”. Đến mùa hè năm lớp 7, với những thành tích học tập tốt của mình, Nhung đã được bố đưa đến võ đường Thanh Lương, một cơ sở nhỏ dạy võ trong xã. Nhớ những buổi đầu tập luyện, đứng tập theo những động tác mẫu của thầy Thanh Lương, Nhung thấy tay chân gượng gạo vô cùng. Nhất là khi ấy, trong võ đường gần 100 người theo học, chỉ có Nhung và vài bạn nữa là nữ, còn lại đều là nam và phần lớn đều lớn tuổi hơn cô.

Nhưng rồi, những phút giây ban đầu ấy cũng qua nhanh. Nhờ chăm chỉ luyện tập, cùng với tình yêu, niềm đam mê với môn võ cổ truyền, Nhung đã nhanh chóng thành thục các động tác và được thầy Thanh Lương để ý tới bởi những động tác khéo léo, sự di chuyển nhanh nhẹn, đầy cá tính. Học môn võ đối kháng nhưng chủ yếu Nhung vẫn chỉ được học “chay” vì võ đường đông người, lại thiếu những dụng cụ luyện tập như bao tay, áo sắt, mũ bảo vệ… Nhưng không vì thế mà sự hào hứng và say mê luyện tập bị giảm đi.

Từ đó, tối nào cũng vậy, sau khi ăn cơm và làm việc nhà xong, Nhung lại đạp xe hơn 5 cây số để tới võ đường. Vì thế, ban ngày, thay vì những buổi chiều lang thang đi chăn trâu với những trò đánh trận giả, Nhung mang sách vở theo để học bài. Buổi sáng, Nhung cũng dậy sớm hơn để tranh thủ ôn lại những động tác mới học, vừa là “tập thể dục luôn” - Nhung cười. Nhưng ngay cả những ngày ấy, Nhung cũng vẫn chưa nghĩ rằng mình sẽ theo đuổi nghề võ. Dù bạn bè cùng lớp vẫn gọi Nhung bằng biệt danh “võ sỹ tóc dài”, cô vẫn ôm ấp ước mơ trở thành một luật sư giỏi. Đến giữa học kỳ hai năm lớp 9, huấn luyện viên Bùi Trung Hiếu - giờ là Huấn luyện viên trưởng bộ môn Võ Cổ truyền của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định - đến võ đường Thanh Lương. Và tất cả đã thay đổi. Thầy Hiếu đưa Nhung về đội tuyển, và chỉ sau hơn một tuần tập luyện, Nhung đã được tham gia thi đấu Giải Võ Cổ truyền Trẻ (năm 2005). Lần ấy, cô đoạt Huy chương Đồng. Và tấm huy chương ấy cũng chính là mốc đánh dấu thời điểm Nhung bước vào con đường luyện tập và thi đấu võ chuyên nghiệp.

… và những hy sinh thầm lặng

Từ tấm huy chương đầu tiên, Nhung đã liên tiếp gặt hái nhiều thành công trên sự nghiệp thi đấu võ thuật cổ truyền của mình. Liên tiếp trong hai năm 2008 và 2009, Nhung đều đoạt Huy chương Vàng Giải Vô địch Võ Cổ truyền toàn quốc. Những chiến thắng ấy càng khẳng định tài năng và niềm đam mê cháy bỏng của cô với bộ môn võ cổ truyền của dân tộc.

Liên tiếp trong hai năm 2008 và 2009, Nhung đều đoạt Huy chương Vàng Giải Vô địch Võ Cổ truyền toàn quốc. Nhưng đằng sau những tấm huy chương, đằng sau những vinh quang chiến thắng, ít ai biết về những hy sinh thầm lặng của một người con gái khi quyết tâm theo đuổi và gắn bó với môn võ đối kháng - cái nghề dường như “không phải dành cho nữ giới”.

Nhưng đằng sau những tấm huy chương, đằng sau những vinh quanh chiến thắng, ít ai biết về những hy sinh thầm lặng của một người con gái khi quyết tâm theo đuổi và gắn bó với môn võ đối kháng - cái nghề dường như “không phải dành cho nữ giới” này.

Võ thuật cổ truyền bao gồm hai môn phái là võ đối kháng và múa võ. Khi tôi hỏi tại sao Nhung không theo học môn múa võ - nhẹ nhàng và phù hợp hơn với nữ giới, cô chỉ cười. Nụ cười thật hiền, nhưng cũng đủ để nói lên tất cả. Và tôi bỗng thấy câu hỏi của mình là thừa. Chính tình yêu và niềm đam mê với con đường nhiều chông gai ấy đã giúp cô quyết tâm vượt qua tất cả những vất vả, mất mát, hy sinh, và cả những rào cản của định kiến để đến với môn võ đối kháng, gắn bó và chấp nhận hy sinh vì nó.

Theo Nhung, nếu học võ để biết về bộ môn võ cổ truyền của dân tộc thì nữ giới rất nên học, vì vừa để phòng thân, vừa để rèn luyện sức khỏe, và cũng là để giữ gìn một nét đẹp của văn hóa dân tộc. Nhưng khi bước vào con đường thi đấu chuyên nghiệp thì lại khác. Với môn võ đối kháng, những chuyện như bị bầm môi, tím đầu gối, sưng mặt, bong gân chỉ là… chuyện thường ngày. Còn có những tai nạn và sang chấn nguy hiểm và để lại hậu quả dai dẳng hơn thế nữa như dãn dây chằng, gãy xương… Nhớ năm 2008, khi chỉ còn một tuần nữa là bắt đầu Giải Vô địch Võ Cổ truyền toàn quốc, trong lúc luyện tập để chuẩn bị thi đấu, Nhung bị trẹo khớp chân, nên chân cô đau nhức và gần như không di chuyển, tránh né được. Lúc ấy, Nhung buồn lắm, không muốn làm gì nữa. Được huấn luyện viên Lê Công Búc động viên, Nhung chịu khó đắp thuốc, có khi một ngày đến cả chục lần. May thay, đến ngày thi đấu, chân Nhung đã gần như khỏi hẳn. Cô tự tin bước lên sàn đấu và vẫn giành được tấm Huy chương Vàng.

Khi tôi hỏi Nhung có lúc nào cảm thấy sợ không, cô chỉ lặng lẽ cúi đầu. Rồi Nhung nói nhỏ: “Có chị ạ! Nếu nói không thì là nói dối. Là con gái, ai mà chẳng lo lắng về những chuyện đó. Nhưng nếu bảo từ bỏ nó thì em không thể. Võ cổ truyền đã trở thành một phần trong con người em…”.

19 tuổi, Nhung đã gặt hái được nhiều vinh quang trên con đường sự nghiệp. Và 19 tuổi, “cô gái vàng” của võ cổ truyền cũng ôm ấp ước mơ sẽ tiếp tục học để thi vào trường Đại học Thể dục Thể thao, với dự định sau này sẽ quay trở về võ đường Thanh Lương, cùng người thầy của mình góp phần gìn giữ một nét đẹp của văn hóa dân tộc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên