Bệnh viện tư “bắt tay” bệnh viện công để giảm quá tải bệnh nhân

VOV.VN - Giảm bớt quá tải cho bệnh viện công, đồng thời tăng năng suất hoạt động cho bệnh viện tư là bài toán không hề dễ dàng.

Trong khi bệnh viện công lập khan hiếm giường bệnh thì tại bệnh viện tư nhân, số giường bệnh bị bỏ trống khá nhiều, công suất hoạt động thông thường chỉ ở mức dưới 60%. 

Làm thế nào để giảm bớt quá tải cho bệnh viện công, đồng thời tăng năng suất hoạt động cho bệnh viện tư là bài toán không hề dễ dàng. Tuy nhiên, sự hợp tác y tế công – tư gần đây tại TP HCM đã cho thấy có những lời giải thích hợp cho bài toán khó này.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - một trong những bệnh viện có tình trạng quá tải cao nhất cả nước.

Cuối tháng 8 vừa qua, ngành y tế TP HCM ghi nhận sự hợp tác y tế đầy ý nghĩa giữa một số bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân. Đó là sự hợp tác giữa Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Hồng Đức, giữa Bệnh viện Quận 2 và Bệnh viện Phúc An Khang. Sự hợp tác này đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc hợp tác giữa bệnh viện công và tư, hướng đến giảm tải bệnh viện.

Nếu như trước kia, việc hợp tác giữa bệnh viện công và tư chủ yếu chỉ gói gọn trong việc gửi các kết quả xét nghiệm thì hiện tại đã hướng đến việc chuyển gửi bệnh nhân. Điều này sẽ giúp giảm tải cho bệnh viện công lập, đồng thời cũng giúp các bệnh viện tư sử dụng hết số giường bệnh còn đang bỏ trống của mình.

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết, với việc hợp tác này, hơn 1.000 bệnh nhân của bệnh viện sẽ được chuyển gửi đến bệnh viện tư nhân: “Nội dung cơ bản của Đề án hợp tác là sẽ chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện Ung bướu sang Bệnh viện Hồng Đức sau khi đã có chẩn đoán và có hướng điều trị rõ ràng, nhất là ở bệnh nhân phải chờ đợi lâu. Ở đây, chủ yếu là bệnh nhân bệnh lý tuyến giáp. Mỗi ngày sẽ có 4-5 bệnh nhân và 2 ê kíp mổ sẽ được điều sang bên đó. Với tốc độ này, một năm chúng tôi có thể giải quyết được 1.000 bệnh nhân”.

Việc chuyển gửi bệnh nhân giữa các bệnh viện được thực hiện trên cơ sở sự tự nguyện của người bệnh. Với việc chuyển gửi này, bệnh nhân sẽ được hưởng các dịch vụ y tế tốt hơn về giường bệnh, phòng bệnh, chất lượng phục vụ cũng như các máy móc xét nghiệm. Đồng thời, người bệnh cũng được đảm bảo các quyền lợi như khi điều trị ở bệnh viện công lập, vẫn được chính ê kíp bác sĩ bệnh viện công lập sang điều trị.

Bác sĩ Mai Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện quốc tế Phúc An Khang cho biết: “Ở đây chúng tôi có hệ thống máy móc hiện đại như  máy MRI 1.5 tầm soát đột quỵ, mạch máu não, phát hiện sớm các u nhỏ. Tại sao phải đưa bệnh nhân vào các bệnh viện tuyến trên mà không đưa vào đây để cùng nhau hợp tác sử dụng các máy móc này. Việc hợp tác với bệnh viện công tôi nghĩ là có thể mang lại lợi ích cho người dân. Quan trọng nhà đầu tư có chấp nhận việc thanh toán Bảo hiểm Y tế hay không?”.

Để đạt được những thỏa thuận trong hợp tác như thế này, các bệnh viện đã phải ngồi lại với nhau không dưới chục lần và kéo dài không dưới 1 năm. Đáng kể hơn là các bệnh viện phải chấp nhận những ảnh hưởng trước mắt về quyền lợi. Cụ thể như, bệnh viện công phải chia sẻ bớt nhân lực sang bệnh viện tư trong khi vẫn phải đảm bảo việc khám chữa bệnh. Còn các bệnh viện tư phải chấp nhận mức viện phí thấp hơn dành cho những bệnh nhân được chuyển gởi từ bệnh viện công, đồng thời phải chấp nhận cho bệnh nhân thanh toán BHYT trong các ca phẫu thuật và chi phí thuốc men.

Ông Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội đồng tài chính, Bệnh viện Hồng Đức cho biết, mức viện phí của bệnh viện này dành cho bệnh nhân chuyển gửi từ Bệnh viện Ung bướu thành phố chỉ cao hơn giá bệnh viện công khoảng 22%: “Bệnh nhân có thể trả một giá cao hơn một chút nhưng có thể nằm trong phòng tốt hơn còn giá phẫu thuật thì giống như ở bệnh viện công. Cái giá mà bệnh nhân trả thêm vẫn thấp hơn so với giá của bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Hồng Đức. Có nghĩa là chúng tôi đã giảm giá xuống nhưng vẫn đảm bảo chi phí hài hòa cho bệnh viện”.

Tuy vậy, không phải bệnh viện nào cũng có thể vượt qua những rào cản trước mắt để đi đến những thỏa thuận chung như thế này. Có thể kể đến trường hợp của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện quốc tế Thành Đô (nay đổi tên là Bệnh viện Quốc tế City). Đã có hơn 1 năm trao đổi, nhiều lần ngồi bàn bạc, nhưng chưa thể có được một thỏa thuận chung, dù Bệnh viện Quốc tế City đã thống nhất giảm 30% viện phí cho bệnh nhân từ Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển sang.

Chụp MRI tầm soát đột quỵ tại BV Phúc An Khang.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Cường, Giám đốc Y khoa Bệnh viện quốc tế City cho biết: “Hiện tại, bộ phận tài chính 2 bệnh viện đang làm việc với nhau. Bệnh viện City phải tính một giá giảm đặc biệt thì bệnh nhân Bệnh viện Chợ Rẫy mới qua. Bên này cũng phải đảm bảo BHYT cho bệnh nhân chuyển qua nhưng còn vướng ở chỗ do mức thanh toán BHYT cho Bệnh viện  Chợ Rẫy là theo hạng đặc biệt còn BHYT cho Bệnh viện City là theo hạng 2”.

Hợp tác y tế công – tư chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả các bệnh viện lẫn bệnh nhân. Nhưng để có được sự hợp tác y tế công – tư, các bệnh viện còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn, vì đây là những việc còn rất mới mẻ và chưa có tiền lệ. 

Tuy nhiên, với sự quan tâm của Bộ Y tế cùng với việc ra đời Nghị quyết 93 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển y tế, khó khăn đã dần được tháo gỡ. Vấn đề còn lại phụ thuộc chủ yếu ở nỗ lực từ chính các bệnh viện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên