Thao thức miền Tây

VOV.VN - Ở mỗi giai đoạn khác nhau, vùng đất miền Tây Nam bộ lại đối diện với những khó khăn, thử thách mới.

Lịch sử hình thành và phát triển ĐBSCL đã có hàng trăm năm nay. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, vùng đất miền Tây Nam bộ lại đối diện với những khó khăn, thử thách mới.

Thu hoạch lúa mùa bội thu ở ĐBSCL( ảnh PV).

Có những việc được các thế hệ đi trước giải quyết ngay nhưng có những vấn đề của trăm năm, không dễ làm ngay mà các thệ sau phải thực hiện. ĐBSCL hôm nay đã đổi khác nhiều,mang trong mình những khát khao bứt phá. Tuy vậy ở vùng này còn quá nhiều vấn đề đặt ra, đặt trên vai các nhà quản lý các cấp và người dân, nhất là thế hệ trẻ phải gánh đỡ, thực thi.

Thách thức cũ, mới đan xen

Nếu cách đây vài chục năm, vào mùa nước nổi, người dân châu thổ chỉ cần một chiếc xuồng nhỏ, thả vài tay lưới trên đồng nước mênh mông sẽ có đủ cả vài ký cá, tôm để ăn cho nhiều ngày. Ngay như cá kèo, một giống cá đặc sản xưa kia cũng nhiều vô kể.

Ở các đầm rộng tôm, người ta phải xả bớt để cá không tranh với thức ăn giúp tôm mau lớn. Rừng tràm U Minh Hạ, U Minh Thượng bom đạn địch chà đi xát lại mà không bao giờ bị nạn cháy rừng vì rừng ngập nước quanh năm.

Nói chuyện hạn, mặn, nước biển dâng, đôi khi là chuyện xa vời đối với vùng đất mênh mông nước ngọt này. Trong khi lúa, trái cây trước đây cũng luôn được giá, ít ai bỏ ruộng rẫy. Còn giờ đây, vùng đất miền Tây đang đối mặt với những khó khăn thử thách rất mới. Tôm, cá sản lượng nhiều nhưng chủ yếu là nuôi công nghiệp; những thứ của tự nhiên cứ hiếm dần và trở nên đắt đỏ.

Tình trạng tôm bơm tạp chất, cá “treo hầm” ngày một phổ biến; mô hình nuôi thủy sạch mới chỉ là cá biệt. Lúa, trái cây tăng lên về mặt lượng, giúp cho quốc gia vượt qua cơn thắt ngặt của đói kém, thiếu ăn.

Nhưng đến nay, hai mặt hàng này liên tục rơi cảnh trúng mùa rớt giá, nhà nông thua lỗ dài dài. Nhiều giống lúa ở vùng đã thua xa Thái Lan, Cam- pu-chia về chất lượng, giá cả. Các cuộc "giải cứu" hàng hóa nông sản diễn ra là chỉ dấu cho sự dội chợ của các mặt hàng thừa về lượng mà thiếu về chất. Trong khi thị trường hơn 80 triệu dân của Việt Nam hàng năm vẫn nhập nông sản ngoại lên đến hàng chục tỷ đô la. Nông sản Việt trong đó có miền Tây đã thua ngay trên sân nhà.

Cầu Cần Thơ lung linh về đêm (ảnh: Duy Khương TTX VN)

Nói đến ĐBSCL những ngày này là câu chuyện thời sự về tác động của biến đổi khí hậu. Đó là nước biển dâng; các con đê ven biển sạt lở liên miên; hạn, mặn lấn sâu vào lõi của đồng bằng có khi đến tận bến Ninh Kiều ( Cần Thơ). Ở trên thượng nguồn, do các quốc gia chặn dòng chảy để làm thủy điện, nguồn nước cạn kiệt, phù sa không còn, đồng ruộng hết màu mỡ; các cánh rừng xảy cháy thường xuyên. Khi không có nước thượng nguồn, các con sông không đủ trầm tích trở lên trong xanh hơn báo hiệu sự nguy hiểm có thể dẫn đến đồng bằng phân rã do sạt lở diễn ra kinh hoàng; sụt lún nghiêm trọng.

Theo cảnh báo, với kịch bản biến đổi khí hậu, đến năm 2050, hơn một nửa diện tích của các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu sẽ ngập chìm trong nước biển.

Do phải trải qua chiến tranh, hòa bình được hơn 40 năm, lại là vùng đất mới nên so với các vùng miền khác trong cả nước, giáo dục, y tế của ĐBSCL vẫn là “vùng trũng”.

Ở nơi lớn nhất về nông nghiệp nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của vùng chỉ chiếm hơn 35%, trong khi trung bình cả nước là hơn 40%. Tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn cao hơn nhiều lần so với Tây Bắc, Tây Nguyên.

Một “điểm nghẽn” lớn nhất ở vùng là cơ sở hạ tầng giao thông. Do địa bàn lắm sông nhiều rạch, giao thông kết nối nội vùng, liên vùng rất hạn chế. Cầu Mỹ Thuận xây dựng trước, cầu Cần Thơ cũng mới đưa vào sử dụng được 7 năm. Giao thông chủ yếu của vùng dựa vào quốc lộ 1A trong khi nhu cầu chuyên chở hàng hóa nông sản bằng cả đường bộ lẫn đường thủy rất lớn. Tình trạng kẹt xe, ùn tắc trên quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Tiền Giang thường xuyên xảy ra; tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận mới trong giai đoạn giải phóng mặt bằng; tuyến Mỹ Thuận- Cần Thơ vẫn còn nằm trong kế hoạch.

Giao thông trục ngang nối các địa phương đã có nhưng còn hẹp, mau xuống cấp; nhiều nơi chưa có cầu nên tính kết nối chưa cao. Đường đi, lối lại ở vùng nông thôn, một phần thiếu nguồn đầu tư, một phần chủ trương” nhà nước và nhân dân cùng làm” còn hạn chế nên còn khó khăn, chưa thuận tiện.

Lối đã mở… chỉ chờ hành động

Những hạn chế, bất cập và thách thức ở ĐBSCL đã được nhận diện tương đối đầy đủ, nhất là đối với những ai luôn đau đáu vì sự phát triển của đồng bằng. Do đặc điểm địa lý tự nhiên, các địa phương trong vùng có điều kiện không gian sống giống hệt nhau, cùng phát triển dựa trên con sông “Mẹ” Mê Kông và 2 nhánh sông Tiền, sông Hậu.

Người ta ví các địa phương trong vùng cùng đắp chung một cái chăn, tỉnh nào kéo về phía mình nhiều hơn sẽ gây lạnh cho tỉnh kia. Do vậy, vấn đề liên kết vùng đã được Chính phủ thể chế hóa bằng Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng vùng giai đoạn 2016 – 2020.

Điểm nhấn du lịch ở ĐBSCL, biểu tượng mũi Cà Mau (ảnh: PV).

Đặc biệt mới đây, sau hội nghị "Diên hồng” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì về tìm kế sách cho vùng phát triển, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết thể hiện tương đối đầy đủ, cụ thể nhiều vấn đề mới,  nóng cho vùng, nhất là tầm nhìn mang tính xuyên thế kỷ cho ĐBSCL phát triển đến năm 2100.

Có thể coi đây là một “ kim chỉ nam” cho sự phát triển của miền Tây Nam bộ trong bối cảnh đổi mặt với các thách thức mới. Đó là sự thay đổi cả về nhận thức, tư duy và hành động cho vùng.

Theo đó, biến đổi khí hậu và các tác động của "nhân tai” là thực tế, không thể thay đổi. Vấn đề là biến các thách thức thành cơ hội; chuyển từ “ sống chung với lũ” sang “ chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”.

Thay đổi trong cây trồng vật nuôi theo hướng lúa không còn là vị trí số 1 mà là thủy sản- cây ăn trái- lúa; tập trung cho phát triển công nghiệp chế biến.

Các vấn đề về cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục cũng được chỉ ra; trong đó có việc con người hạn chế tối đa việc can thiệp vào tự nhiên. Như vậy, về đường hướng, bước đi là khá rõ. Còn lại khó nhất là hành động trong thực tiễn sản xuất và đời sống.

Cách đây mấy trăm năm, các bậc tiền nhân đã chung lưng đấu cật khai mở; biến một vùng đất hoang vu, phèn mặn thành  ruộng đồng, làng mạc trù phú; thị tứ sầm uất; tạo lập nên một châu thổ Cửu Long sung túc và nhộn nhịp.

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập, ĐBSCL lại đứng trước những thách thức, khó khăn mới. Trách nhiệm của các thế hệ hôm nay là phải biết vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, đưa châu thổ Cửu Long phát triển.

Cùng với yểm trợ tối đa của Nhà nước, mỗi người dân nơi đây bất kể là cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động hay nông dân đều phải thể hiện sức đóng góp cho đồng bằng, vì đồng bằng.  Chỉ có như vậy, miền Tây Nam bộ mới thực sự phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và không gian rộng mở, kết nối toàn cầu như hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long đe dọa sinh kế hàng triệu hộ dân
Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long đe dọa sinh kế hàng triệu hộ dân

VOV.VN - Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở các tỉnh ĐBSCL giờ đây đang nóng hơn bao giờ hết khi nhà cửa, đất đai hàng ngày bị cuốn ra sông, ra biển.

Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long đe dọa sinh kế hàng triệu hộ dân

Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long đe dọa sinh kế hàng triệu hộ dân

VOV.VN - Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở các tỉnh ĐBSCL giờ đây đang nóng hơn bao giờ hết khi nhà cửa, đất đai hàng ngày bị cuốn ra sông, ra biển.

Giải pháp nào phòng chống hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long?
Giải pháp nào phòng chống hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long?

VOV.VN - Bài toán đẩy lùi hạn mặn, giữ đủ nguồn nước ngọt cho vùng ĐBSCL đang đặt ra vừa bức thiết, vừa lâu dài.

Giải pháp nào phòng chống hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long?

Giải pháp nào phòng chống hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long?

VOV.VN - Bài toán đẩy lùi hạn mặn, giữ đủ nguồn nước ngọt cho vùng ĐBSCL đang đặt ra vừa bức thiết, vừa lâu dài.

Hành động khẩn hạn chế sự tan rã đồng bằng Sông Cửu Long
Hành động khẩn hạn chế sự tan rã đồng bằng Sông Cửu Long

VOV.VN - Đi tìm một giải pháp căn cơ nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông ở ĐBSCL là yêu cầu bức bách trong thời điểm hiện nay.

Hành động khẩn hạn chế sự tan rã đồng bằng Sông Cửu Long

Hành động khẩn hạn chế sự tan rã đồng bằng Sông Cửu Long

VOV.VN - Đi tìm một giải pháp căn cơ nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông ở ĐBSCL là yêu cầu bức bách trong thời điểm hiện nay.