"Có nhất thiết Bộ trưởng, Chủ tịch UBND phải là đại biểu Quốc hội?”

VOV.VN -Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Quốc hội có thể yêu cầu Bộ trưởng giải trình bất cứ lúc nào, nhưng "suất" đại biểu cần dành lại cho đại biểu chuyên trách.

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sáng 29/10, đa số đại biểu đều ủng hộ quy định số lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên, nên đề nghị không sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong Luật hiện hành. Tỷ lệ cụ thể đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ được xác định trong đề án bầu cử gắn với từng nhiệm kỳ để bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và nguồn nhân sự thực tế.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà chia sẻ, các đại biểu như ông ở cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm về công tác quản lý, cơ chế chính sách pháp luật, khâu tổ chức thực hiện nhưng phân cấp cho địa phương rất lớn. Nhiều câu hỏi đặt ra Bộ trưởng không nắm được, bị nhân dân phê bình nhưng thực tế thẩm quyền đó đã phân cấp cho địa phương.

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà.

Liên quan đến cơ cấu đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng vẫn chưa thực sự đổi mới khi nhiều Bộ trưởng, thậm chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng làm đại biểu Quốc hội, thì việc chỉ đạo, điều hành rất khó khăn.

“Quốc hội vẫn có thể sử dụng quyền của mình để yêu cầu Bộ trưởng giải trình, để có những phiên chất vấn nhưng phải chăng Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cứ phải là đại biểu Quốc hội? Vì vậy, chúng tôi muốn chuyển phần này sang để chúng ta không tăng số lượng nhưng tăng số đại biểu chuyên trách của Quốc hội, đặc biệt là đại biểu chuyên trách có kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và xây dựng pháp luật. Tôi nghĩ như vậy sẽ cần hơn”- ông Trần Hồng Hà noi.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nếu thay đổi cách làm này và quy định trong tổ chức này thì đây là bước thay đổi hoạt động của Quốc hội, vừa hiệu quả, thiết thực và phù hợp. Vì vậy, cần nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, không chỉ 35% mà cần tăng 50-60% để đội ngũ Quốc hội có vai trò khác đi.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), hoạt động của Quốc hội muốn có hiệu quả, vai trò của ĐBQH chuyên trách trong Quốc hội rất quan trọng.

“Mặc dù thời điểm hiện nay chúng ta đang phấn đấu ít nhất là 35% nhưng xu thế phải nhiều hơn. Tôi đồng tình với việc tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách và từng bước giảm đại biểu Quốc hội kiêm nghiệm”- đại biểu Nguyễn Thanh Hiền nêu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội cần kinh qua thực tiễn

Còn theo đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương), đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách, số lượng không quan trọng bằng chất lượng, năng lực. Nếu tăng cơ học số lượng ĐBQH ở cơ quan chuyên trách mà giảm ở địa phương sẽ dẫn đến việc thiếu tiếng nói, hơi thở dân chủ từ các vùng, miền, địa phương…

Đại biểu Vũ Trọng Kim cũng cho biết, hiện nay bộ máy Quốc hội thường là đi từ chuyên viên lên Vụ phó, Vụ trưởng rồi lên ĐBQH luôn. “Tôi thấy không phải cứ làm nhiều năm là thành ĐBQH, mà cần luân chuyển về địa phương một thời gian nhất định để hoạt động ở các ngành, các cấp, chứ không nên đi thẳng lên như bây giờ”, đại biểu đoàn Hải Dương nêu ý kiến.

“Nếu tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách mà không thông qua hoạt động thực tiễn là không được. Việc đó sẽ không đạt mục tiêu tăng hiệu quả, hiệu lực của ĐBQH, cơ quan Quốc hội. Tôi cho rằng nhân sửa Luật lần này chúng ta cần làm gắt gao hơn. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước rồi”, đại biểu Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Đại biểu Thào Xuân Sùng (đoàn Hà Giang).

Đại biểu Thào Xuân Sùng (đoàn Hà Giang) cũng kiến nghị cần thực hiện việc luân chuyển cán bộ để làm sao ĐBQH hoạt động chuyên trách phải có thời gian trải qua thực tiễn ở địa phương. Có như vậy mới nâng cao nhận thức một cách rõ ràng và nhất quán, từ đó mỗi vấn đề đưa ra bàn thảo tại Quốc hội, các ĐBQH cũng sẽ có được góc nhìn đa chiều và thực tế.

“Làm sao để đội ngũ cán bộ của chúng ta từ Ủy viên thường trực chuyên trách của Quốc hội được trải nghiệm qua thực tế, tối thiểu làm lãnh đạo của huyện hay kể cả Chánh văn phòng, phó Chánh văn phòng HĐND. Hơn 10 năm làm Bí thư Tỉnh ủy tôi rất ủng hộ quan điểm này. Như vậy từ cán bộ ở cơ quan trung ương lẫn công tác ở địa phương đều có nhận thức giống nhau và trải qua thực tiễn cơ sở. Chúng ta cần hướng tới mục tiêu tăng chất lượng ĐBQH”, ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quy định trách nhiệm của ĐBQH chuyên trách còn quá mờ nhạt?
Quy định trách nhiệm của ĐBQH chuyên trách còn quá mờ nhạt?

VOV.VN - Có ý kiến cho rằng quy định về quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội chuyên trách còn quá mờ nhạt.

Quy định trách nhiệm của ĐBQH chuyên trách còn quá mờ nhạt?

Quy định trách nhiệm của ĐBQH chuyên trách còn quá mờ nhạt?

VOV.VN - Có ý kiến cho rằng quy định về quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội chuyên trách còn quá mờ nhạt.

Thành lập Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội
Thành lập Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội

VOV.VN -Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội gồm 23 thành viên, trong đó ông Nguyễn Hạnh Phúc làm  Trưởng ban. 

Thành lập Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội

Thành lập Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội

VOV.VN -Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội gồm 23 thành viên, trong đó ông Nguyễn Hạnh Phúc làm  Trưởng ban. 

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV diễn ra trong 28 ngày
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV diễn ra trong 28 ngày

VOV.VN - Theo dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 28 ngày (không kể ngày nghỉ), từ ngày 21/10- 27/11.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV diễn ra trong 28 ngày

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV diễn ra trong 28 ngày

VOV.VN - Theo dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 28 ngày (không kể ngày nghỉ), từ ngày 21/10- 27/11.