Ứng phó với khủng hoảng tài chính: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

VOV.VN - Khu vực Châu Á đang tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới nhưng rủi ro cũng có xu hướng gia tăng và tiềm năng tăng trưởng chậm lại.

Ngày 15/11, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị quốc tế Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4 với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện”.

Rủi ro có xu hướng gia tăng

Cập nhập triển vọng phát triển châu Á 2018, ông Arief Ramayandi, chuyên gia kinh tế, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) chia sẻ, Châu Á sẽ tăng trưởng vững chắc 6% vào năm 2018 và năm 2019 tỷ lệ tăng trưởng sẽ khoảng 5,8%, điều này được thúc đẩy nhờ sự tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ, nhu cầu nội địa mạnh mẽ nhờ nhu cầu tiêu dùng tư nhân tăng. Rủi ro lớn nhất bắt nguồn từ leo thang xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu.

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm

“Tin tốt là lạm phát vẫn được kiểm soát, giá tiêu dùng toàn cầu vẫn duy trì ở mức 2,8% cho đến năm 2019”, ông Arief Ramayandi nhận định.

Chuyên gia ADB cho rằng, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng có thể tác động đến thương mại toàn cầu. GDP Trung Quốc có thể giảm 0,5% dự báo ban đầu, còn chưa tính tác động từ khu vực tài chính. Nếu căng thẳng leo thang, Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng trong 2-3 năm tới và GDP có thể giảm 1,3% so với dự báo. Các rủi ro khác như tỷ giá do ảnh hưởng dịch chuyển của dòng vốn.

“Rủi ro lớn nhất ảnh hưởng tới nền kinh tế châu Á bắt nguồn từ leo thang xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự đảo chiều đột ngột của dòng vốn có thể phá vỡ ổn định tài chính và kinh tế”, ông Arief nêu rõ.

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, khu vực Châu Á đang tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới nhưng rủi ro cũng có xu hướng gia tăng và tiềm năng tăng trưởng chậm lại. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt khoảng 3% và có sự phân hoá giữa các nền kinh tế, Hoa Kỳ tăng trưởng ổn định, Châu Âu và Nhật tăng trưởng dưới kỳ vọng. Tăng trưởng GDP năm nay của khu vực Châu Á khoảng 6,3-6,7% và trung hạn 2019-2020 có thể tăng trưởng chậm lại ở mức 6%.

Chuyên gia WB cảnh báo, sự leo thang của chế độ thuế quan bảo hộ toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của khu vực châu Á; mặt khác, lãi suất tăng nhanh tại Mỹ cũng sẽ tác động tới thị trường tài chính nhiều nước, làm phức tạp hóa việc quản lý kinh tế vĩ mô.

“Các nước cần giảm thiểu các lỗ hổng tài chính vĩ mô; duy trì tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái; tăng cường khuôn khổ pháp lý và khung giám sát ngành tài chính; tăng cường cải cách cơ cấu để hỗ trợ tăng trưởng trung hạn và tăng cường khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, cần tăng cường thực hiện cam kết đối với hệ thống thương mại và đầu tư quốc tế mở”, ông Sebastian Eckardt khuyến cáo.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng và công nghệ tài chính – ngân hàng ngày một phát triển hơn, những diễn biến kinh tế - tài chính trên thị trường thế giới và khu vực có thể ảnh hưởng nhanh và mạnh hơn đến các nền kinh tế thành viên. Đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, xử lý các tác động ấy một cách tự thân không phải là vấn đề đơn giản.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
TS Nguyễn Đình Cung lấy ví dụ cụ thể, chỉ hơn 10 năm kể từ sau khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á năm 1997, Việt Nam lại hứng chịu tác động bất lợi từ một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới khác vào năm 2008 – ngay sau khi Việt Nam còn khá hứng khởi với việc trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Dù vậy, điều này không làm giảm tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế, thay vào đó, Việt Nam phải có một tâm thế sẵn sàng hơn và hợp tác sâu rộng hơn để có thể ứng phó với những diễn biến kinh tế - tài chính trên thị trường thế giới.

Ông Cung cho rằng, kinh nghiệm xử lý khủng hoảng tài chính trong thời gian qua đã mang cho Việt Nam những bài học quý báu. Trước hết, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, Việt Nam cần chuẩn bị ngay cho khủng hoảng từ khi nền kinh tế đang vận hành bình thường. Các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách cần luôn cập nhật và nắm chắc các luồng thông tin, hình thành các cơ sở dữ liệu phân tích tình huống, từ đó, có khả năng nhận diện sớm các vấn đề của khủng hoảng, cân nhắc và đưa ra các quyết định kịp thời.

“Cần duy trì và củng cố dư địa hợp lý để thực thi các chính sách kinh tế - tài chính vĩ mô một khi nền kinh tế đối phó với khủng hoảng. Trong điều kiện khủng hoảng tài chính, các biện pháp hành chính có thể phát huy tác dụng nhưng cũng cần thực hiện với liều lượng và thời gian hợp lý. Mặt khác, cần xây dựng và củng cố vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về tài chính nhằm chia sẻ thông tin và hỗ trợ lẫn nhau, trước, trong và sau khủng hoảng”, TS Nguyễn Đình Cung khuyến cáo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ xấu và củng cố an ninh tài chính châu Á
Chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ xấu và củng cố an ninh tài chính châu Á

VOV.VN - Năm nay, hội nghị thường niên IPAF sẽ thông qua việc kết nạp thành viên mới là Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ xấu và củng cố an ninh tài chính châu Á

Chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ xấu và củng cố an ninh tài chính châu Á

VOV.VN - Năm nay, hội nghị thường niên IPAF sẽ thông qua việc kết nạp thành viên mới là Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Tỷ phú George Soros cảnh báo toàn cầu có thể khủng hoảng tài chính
Tỷ phú George Soros cảnh báo toàn cầu có thể khủng hoảng tài chính

Giá USD tăng vọt và dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính lớn, tỷ phú George Soros cho biết.

Tỷ phú George Soros cảnh báo toàn cầu có thể khủng hoảng tài chính

Tỷ phú George Soros cảnh báo toàn cầu có thể khủng hoảng tài chính

Giá USD tăng vọt và dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính lớn, tỷ phú George Soros cho biết.

Việt Nam có thể bị ảnh hưởng từ khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ?
Việt Nam có thể bị ảnh hưởng từ khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ?

VOV.VN - CNBC dẫn báo cáo của IHS Markit cho hay, Việt Nam và một số nước châu Á-Thái Bình Dương có thể chịu tác động từ khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ.

Việt Nam có thể bị ảnh hưởng từ khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ?

Việt Nam có thể bị ảnh hưởng từ khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ?

VOV.VN - CNBC dẫn báo cáo của IHS Markit cho hay, Việt Nam và một số nước châu Á-Thái Bình Dương có thể chịu tác động từ khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ.