Gameshow trẻ em: Ảo tưởng giấc mơ ngôi sao để rồi “hứng gạch đá“

Mỗi kỳ nghỉ hè của con trẻ, các nhà sản xuất lại tận dụng cho lên sóng những gameshow có người chơi là đối tượng trẻ em. 

Mỗi kỳ nghỉ hè của con trẻ, các nhà sản xuất lại tận dụng cho lên sóng những gameshow có người chơi là đối tượng trẻ em. Những ngày qua, dư luận chỉ ra nhiều mặt trái của chương trình truyền hình dành cho trẻ em, nhưng nhìn nhận một cách công bằng, cũng có rất nhiều chương trình bổ ích để trẻ vui chơi, học hỏi. Có điều, những chương trình có tính giáo dục đang bị các chương trình giải trí, sử dụng nhiều chiêu trò lấn lướt, “chiếm sóng” giờ vàng.

Không thiếu sân chơi truyền cảm hứng

Hơn một tháng qua, vài chục chương trình truyền hình dành cho trẻ em nối tiếp nhau lên sóng, nhưng gây ồn ào nhất, thu hút lượng theo dõi lớn nhất là các gameshow ca nhạc cuối tuần, tìm kiếm tài năng nhí trong lĩnh vực nghệ thuật. Có thể kể đến những cái tên: “Thần tượng âm nhạc nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Sinh ra để toả sáng”, “Biệt tài tí hon”, “Thần tượng tương lai”, “Thử tài siêu nhí”, “Tuyệt đỉnh song ca nhí”. Các chương trình này phát sóng trên cả đài truyền hình quốc gia và đài địa phương.

Các sân chơi nhí ngày càng đa dạng, độ tuổi được “nới” cho cả các em mới 4 - 5 tuổi tham gia. Thị trường gameshow dành cho trẻ em cũng được coi là mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất, vì vậy hầu như chương trình gameshow dành cho người lớn nào “ăn khách” thì kéo theo đó sẽ có phiên bản dành cho trẻ em. Vài năm trước, trước tình trạng báo động thiếu sân chơi mang tính giáo dục cho trẻ em trong dịp hè, năm nay, nhiều nhà sản xuất đã đầu tư làm ra các chương trình ý nghĩa, dạy trẻ các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Đầu năm 2017, HTV ra mắt chương trình dành cho thiếu nhi “Những hộp quà xinh” (ca nhạc), phát sóng lúc 13h50 thứ bảy hằng tuần. Một số chương trình mang tính truyền cảm hứng và dạy kỹ năng được thực hiện theo mô hình gameshow truyền hình phát sóng trên HTV cũng được đánh giá cao về tính giáo dục như “Mỗi ngày một điều hay”, “A, bạn đây rồi” (thiếu nhi), “Nào ta cùng vui” (mẫu giáo)…

Trên VTV cũng có nhiều chương trình bổ ích dành cho thiếu nhi như: “Cuốn sách của em” (truyền cảm hứng đọc sách), “Sáng tạo 102” (dạy thủ công sáng tạo), “Trường teen” (phát triển việc tranh tài - hùng biện của học sinh) … phát sóng trên VTV7. Một số chương trình thiếu nhi có sự tham gia của cả ông bà, cha mẹ... để mở rộng đối tượng khán giả theo dõi như “Cháu ơi, cháu à” (VTV3), “Con biết tuốt” (VTV3)…

Minh Hiền - cô bé khiếm thị tham gia Vietnam Idol Kids 2017. Ảnh: T.L

Kể ra để thấy, hè 2017 này, không thiếu những chương trình bổ ích dành cho trẻ em, thậm chí cũng được sản xuất theo kiểu gameshow tranh tài, lấy giải thưởng. Nhưng trái ngược với sự sôi động của các cuộc thi tìm thần tượng nhí trong lĩnh vực nghệ thuật, thì các chương trình thiếu nhi đúng nghĩa đang bị co cụm, bị lấn lướt. Phần vì các nhà đài hiện nay vẫn đang ưu tiên giờ vàng cho các gameshow giải trí – vì dễ tạo hiệu ứng, có rating cao, thu nhiều tiền quảng cáo. Còn chương trình thiếu nhi thì chiếu vào các khung giờ ít người theo dõi, phần nữa vì không được tuyên truyền, quảng bá, nên dù lên sóng rồi vẫn ít khán giả biết tên.

Trẻ con cũng hát bolero

Vì sản xuất ra các chương trình giải trí có tính giáo dục, hay liên quan đến các chủ đề kiến thức khoa học cho thiếu nhi ít người theo dõi, nên các nhà đài hiện nay vẫn “bám” vào mảng truyền hình thực tế, các cuộc thi ca hát để tạo nguồn thu. Việc này cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của khán giả, có xu hướng thích xem trẻ em tranh tài, cá hát, nhảy múa. Cha mẹ có cũng có nhu cầu mong con nổi tiếng, bằng việc cho con tham gia các sân chơi giải trí, hơn là cuộc thi về kiến thức.

Mai Nguyên Hoàng (4 tuổi) tham gia Biệt tài tí hon, được chương trình và các giám khảo đặt biệt danh là “Thần đồng bolero”. Cậu bé đứng trên sân khấu hát “Duyên phận”, “Đèn khuya” … với nét ngây thơ, chất giọng non nớt. Với khả năng của một đứa trẻ lên 4, đáng ra phải hát các ca khúc thiếu nhi, đằng này lại cất lên những ca từ não nề, đầy chất tự sự như: “Không biết đêm nay vì sao tôi buồn/Buồn vì trời mưa hay bão trong tim/Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm/Để rồi buồn ơi nghe tiếng mưa đêm…”.

Rồi trong chương trình Vietnam Idol Kids mới lên sóng được vài tập, thí sinh Quang Linh (10 tuổi) cũng hát ca khúc bolero. Ấy vậy, cha mẹ, rồi cả ban giám khảo vẫn không có sự định hướng, mà tung hô chúng với các biệt danh “Thần đồng bolero”, “Hoàng tử bolero”.

Ngoài ra, vì nhu cầu luôn đổi mới để phục vụ khán giả, một số nhà sản xuất còn đảo ngược vị trí, nếu trước đây, người lớn đóng vai trò huấn luyện viên, đào tào thí sinh nhí, thì bây giờ ngược lại, tài năng nhí chỉ dạy, huấn luyện những người nổi tiếng. Đó là trường hợp của gameshow “Sinh ra để tỏa sáng” phát sóng trên VTV3. Những tuần qua, chương trình này đã vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận, khi có ý kiến cho rằng việc làm này gián tiếp làm các em nhỏ ảo tưởng về bản thân, “mắc bệnh ngôi sao”.

“Chắp nối” giấc mơ nổi tiếng!

Nói gì thì nói, các gameshow nhí hiện nay đã mang đến những sân chơi cho trẻ em, góp phần phát hiện, đào tạo ra những tài năng nhí, để các em có cơ hội học hỏi, thử sức và tỏa sáng. Nhưng các gameshow trẻ em của nước ta mới chỉ dừng ở viêc phát hiện tài năng mà chưa thực hiện đào tạo tài năng. Sau các cuộc thi, các tài năng từng được tung hô đều mất hút nhanh chóng, nếu như không được một nghệ sĩ nào đó nhận đỡ đầu.

Thời gian qua, dư luận cũng nói nhiều đến chuyện nhà sản xuất kiếm tiền trên sự ngây thơ của con trẻ, nhưng gameshow nhí sẽ không thể bùng nổ nếu không có sự tiếp tay của cha mẹ các em. Thay vì hứng thú với những trò chơi trẻ thơ, những đứa trẻ được cha mẹ “chắp nối” giấc mơ nổi tiếng, cũng như rèn luyện bản lĩnh “hứng gạch đá” dư luận ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Một câu chuyện đang gây chú ý trong mùa gameshow trẻ em năm nay là sự xuất hiện của một thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt trên sân khấu Vietnam Idol Kids 2017. Em là Nguyễn Đàm Minh Hiền, bị mắc bệnh ROP (bệnh võng mạc ở trẻ sinh non) khiến đôi mắt bị hỏng. Tuy sở hữu giọng hát không thực sự xuất sắc nhưng Minh Hiền lại khiến người xem xúc động, vì sự lạc quan, vượt lên khó khăn của bé. Mỗi khi em hát trên sân khấu, nhiều khán giả rơi nước mắt, vì thương, vì xót xa. Cô bé 9 tuổi này đang là nhân tố tăng sức hút cho chương trình.

Nhưng nhiều khán giả cũng lo lắng, vì tham gia truyền hình thực tế, sẽ có thắng thua, có cạnh tranh và cả những giọt nước mắt. Nếu em vẫn ở thế giới yên bình của mình, không bị gieo những giấc mơ về sự nổi tiếng, liệu có tốt hơn chăng?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ý kiến người làm nghề: Đừng nghĩ gameshow là hào quang
Ý kiến người làm nghề: Đừng nghĩ gameshow là hào quang

Có rất nhiều trăn trở về thực trạng game show hiện nay nhưng những người trong cuộc được hỏi đều không phủ nhận sự tồn tại của gameshow.

Ý kiến người làm nghề: Đừng nghĩ gameshow là hào quang

Ý kiến người làm nghề: Đừng nghĩ gameshow là hào quang

Có rất nhiều trăn trở về thực trạng game show hiện nay nhưng những người trong cuộc được hỏi đều không phủ nhận sự tồn tại của gameshow.

Gameshow thuần Việt vẫn “ao làng”
Gameshow thuần Việt vẫn “ao làng”

VOV.VN - 2 năm trở lại đây, gameshow thuần Việt đang ngày càng tăng nhanh về số lượng, tuy nhiên chất lượng thì vẫn còn phải nhìn lại…

Gameshow thuần Việt vẫn “ao làng”

Gameshow thuần Việt vẫn “ao làng”

VOV.VN - 2 năm trở lại đây, gameshow thuần Việt đang ngày càng tăng nhanh về số lượng, tuy nhiên chất lượng thì vẫn còn phải nhìn lại…

Phản đối gameshow và hài nhảm: Nói không với giả gái?
Phản đối gameshow và hài nhảm: Nói không với giả gái?

Trong cuộc chiến chống lại hài và gameshow nhảm, đang có nhiều nghệ sĩ cùng một số chương trình truyền hình công khai nói không với trò diễn giả gái.

Phản đối gameshow và hài nhảm: Nói không với giả gái?

Phản đối gameshow và hài nhảm: Nói không với giả gái?

Trong cuộc chiến chống lại hài và gameshow nhảm, đang có nhiều nghệ sĩ cùng một số chương trình truyền hình công khai nói không với trò diễn giả gái.