GS Hà Minh Đức với “Tác phẩm văn nghệ và giá trị bền vững”

VOV.VN - NXB ĐH Quốc gia Hà Nội vừa xuất bản tuyển tập những tiểu luận văn học của NGND - GS Hà Minh Đức với nhan đề "Tác phẩm văn nghệ và giá trị bền vững”.

"Tác phẩm văn nghệ và giá trị bền vững” là xuất bản phẩm nhà nước đặt hàng, in 1500 cuốn- một số lượng là lớn đối với dạng sách nghiên cứu.

Từ nhận thức: bước vào thế kỷ 21, dường như mọi dân tộc đều có sự phát triển nhiều khi vượt bậc, giáo sư Hà Minh Đức coi giá trị bền vững trong văn hoá văn nghệ là một phẩm chất, một chuẩn mực thử thách những thành quả văn hoá văn nghệ.

Ông nêu rõ: Cuốn sách này, chủ yếu tìm hiểu những giá trị bền vững về văn hoá văn nghệ của thời kỳ hiện đại. Nói hiện đại cũng là nói tới sự tiếp nối truyền thống và đặc biệt khởi sắc với những sáng tạo của thời kỳ mới. Ông cũng luận bàn và nêu một số suy nghĩ về giá trị bền vững, những giá trị vượt qua thử thách của thời gian cả về nghiên cứu lý luận và thực tiễn văn học với nhiều tên tuổi ưu trội trong văn học Việt Nam thế kỷ XX. Như Thế Lữ, Nam Cao, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Tô Hoài, Hoàng Cầm.

Giáo sư Hà Minh Đức.

Mỗi một tiểu luận mà Giáo sư Hà Minh Đức giới thiệu trong tập sách này, là một công trình nghiên cứu công phu với cả chiều rộng và chiều sâu, và một sự nhất quán mang tính hệ thống- một phong cách Hà Minh Đức - hình thành khi tác giả mới ngoài hai mươi tuổi với chuyên luận đầu tiên về Nam Cao, cho tới những bài giảng, bài viết suốt mấy chục năm sau, cho tới hôm nay, khi bạn đọc cầm trên tay cuốn sách này "Tác phẩm văn nghệ và giá trị bền vững”.

Lướt qua phần mục lục với những đề mục: "Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá văn nghệ”; "Tác phẩm văn nghệ và giá trị bền vững”; "Bảy mươi năm” đề cương văn hoá Việt Nam”; "Văn hoá, văn nghệ trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”… cho thấy những kiến giải và gợi mở cho từng lĩnh vực, từng con người mang tính học thuật và thực tiễn cao của tác giả, một người suốt mấy chục năm cống hiến cho nghiên cứu một lĩnh vực khó là lý luận văn học và phê bình văn học.

Hãy đọc tiểu luận "Tác phẩm văn nghệ và giá trị bền vững” có liên hệ trực tiếp tới nhan đề cuốn sách. Mở đầu, tác giả đưa ra những nét khái quát chung trong đó nhấn mạnh tiêu chí "chân- thiện- mỹ” của một tác phẩm văn nghệ. Từ đó đưa ra "Những chuẩn mực của giá trị văn chương” mà hàng đầu phải là "phản ánh cái mới, cái chưa có, có sức hấp dẫn và giá trị với văn học dân tộc”.

Chuẩn mực thứ hai là "giá trị nhân văn”. Chuẩn mực thứ ba là "giá trị nghệ thuật, vẻ đẹp hoàn chỉnh không thể thiếu của tác phẩm”. Từ quan niệm như vậy, tác giả đề cập “sự xuất hiện của những tác phẩm có giá trị cao và tài năng của người nghệ sĩ” trong đó đặc biệt nhấn mạnh "cái gốc sáng tạo nghệ thuật vẫn là con người với những phẩm chất, tài năng, năng lực sáng tạo riêng của mỗi con người”. Và tác giả đề nghị Đảng và Nhà nước cũng như giới văn nghệ sĩ cần "tìm đến tài năng qua phát hiện sớm, bồi dưỡng năng lượng mới, gắn kết cuộc đời riêng với sự nghiệp chung của đất nước".

Tác giả kết luận: Đời sống là ngọn nguồn nảy sinh và hỗ trợ các tài năng phát triển” và kêu gọi”phải biết chờ đợi, phát hiện và bồi dưỡng” tài năng; đồng thời "người viết phải ra sức bồi đắp cho mình những vốn quan trọng khác nhau”. Đây là những luận điểm Hà Minh Đức trình bày tại hội thảo "Văn học nghệ thuật 15 năm thực hiện NQ TW V/khoá 8” tại thành phố Hồ Chí Minh ( tháng 11/2013).

Là một nhà nghiên cứu lâu năm, tuy tuổi đã cao, nhưng Giáo sư Hà Minh Đức luôn cập nhật những thông tin mới và kịp thời có những ý kiến xác đáng về những vấn đề này. Tiểu luận "Văn hoá truyền thông và truyền thông có văn hoá” là một ví dụ.

Đề cập "văn hoá truyền thông có trách nhiệm nặng nề với việc bảo vệ quyền sống thiêng liêng của dân tộc và nền văn hoá của dân tộc”, tác giả nêu ra mấy nguyên tắc. Một là "văn hoá truyền thông phải góp phần bảo vệ quyền lợi thiêng liêng của dân tộc và bản sắc của văn hoá dân tộc”. Hai là "Văn hoá truyền thông phải đề cao những giá trị nhân văn của truyền thống văn hoá Việt Nam trong quá khứ và hiện tại”.

Đi sâu vào “văn hoá truyền thông xã hội chủ nghĩa”, tác giả nêu rõ "truyền thông văn hoá phải đảm bảo tính trung thực, không bịa đặt, phải tránh khuynh hướng thực dụng, thương mại hoá, cần nâng cao tinh thần phê phán cái tiêu cực, cái xấu trong lĩnh vực văn hoá”.

Với tác phong nhà giáo, ở tiểu luận nào Hà Minh Đức cũng đi từ khái niệm, từ thuật ngữ tới những nội dung lớn của đời sống văn hoá văn nghệ và các tác giả, tác phẩm văn nghệ. Và đặc biệt sinh động là những tiểu luận ông viết về các nhà thơ-nhà văn lớn của đất nước, những người mà tên tuổi và tác phẩm đã khẳng định những giá trị vững bền theo thời gian.

Viết về Nguyễn Đình Thi, ông nhận xét đây là "nhà văn đa tài, ông mất đi đã để lại một di sản văn học nghệ thuật có giá trị bền vững với thời gian”. Kết luận về cuộc đời và tác phẩm của một con người tài hoa như Nguyễn Đình Thi, ông viết "Nghệ thuật chính là sự tìm tòi và hạnh phúc của người nghệ sĩ chính là ý thức say mê tìm tòi cái mới và càng hạnh phúc hơn là những tìm tòi trong nghệ thuật đã thành công hơn, đã đơm hoa kết trái”.

Những trang viết của ông về những lần gặp gỡ, trao đổi với nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Tô Hoài và một loạt  nhà văn nhà thơ khác, là những ghi chép vô giá về chân dung các nhà văn nhà thơ, về quan niệm sáng tác, quan niệm về từng thể loại…Về Tô Hoài, dẫn lời nhà văn Đặng Tiến, ông viết: "Tô Hoài là nhà văn không bao giờ già. Vì con người anh chưa bao giờ trẻ. Tô Hoài vĩnh viễn là buổi trưa mùa thu. Mùa thu dịu dàng, trầm tĩnh, lắng đọng như văn chương của ông, từ khởi điểm cho đến trang văn đọc suốt gần một thế kỷ văn xuôi hiện đại Việt Nam”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những trang văn đằm thắm về Hà Nội của Giáo sư Hà Minh Đức
Những trang văn đằm thắm về Hà Nội của Giáo sư Hà Minh Đức

VOV.VN -Hà Nội ”Gặp gỡ với nụ cười” cũng đầy những băn khoăn của một nhà giáo với Hà Nội hôm nay và mai sau, trên con đường đô thị hoá đến chóng mặt.

Những trang văn đằm thắm về Hà Nội của Giáo sư Hà Minh Đức

Những trang văn đằm thắm về Hà Nội của Giáo sư Hà Minh Đức

VOV.VN -Hà Nội ”Gặp gỡ với nụ cười” cũng đầy những băn khoăn của một nhà giáo với Hà Nội hôm nay và mai sau, trên con đường đô thị hoá đến chóng mặt.