Người dân phản đối chính quyền bắt tay với doanh nghiệp lấy cát đi bán

VOV.VN - Người dân Quảng Nam cho rằng, thực chất việc khơi thông dòng chảy Khe Gai của chính quyền và ngành chức năng địa phương chỉ là khai thác cát đi bán.

Những ngày qua, hàng trăm người dân các thôn Phú Long, Giảng Hòa, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tụ tập phản đối việc chính quyền và ngành chức năng địa phương cho phép doanh nghiệp nạo vét cát để khơi thông dòng chảy Khe Gai. Người dân cho rằng, thực chất của việc khơi thông dòng chảy chỉ là khai thác cát đem đi bán. 

Người dân đến hiện trường phản đối khai thác cát trên sông Thu Bồn.

Dòng chảy Khe Gai, đoạn qua cầu Giảng Hòa, xã Đại Thắng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) sau các đợt mưa lũ của năm ngoái bị bồi lấp. Chính quyền xã tổ chức họp dân lấy ý kiến về việc khơi thông dòng chảy này. 

Ngày 16/10/2018, Ủy ban nhân dân huyện Đại Lộc thống nhất chủ trương xây dựng công trình khơi thông dòng chảy Khe Gai và kênh tiêu nội đồng trên địa bàn xã Đại Thắng; giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện. 

Thế nhưng, thay vì triển khai các bước theo quy trình thủ tục đầu tư xây dựng thì Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện lại “cầm đèn chạy trước ô tô”; Tự ý cho phép Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Duy Khánh triển khai thi công. Người dân địa phương đặt câu hỏi, phải chăng ngành chức năng mượn cớ khơi thông dòng chảy, cấu kết với doanh nghiệp lấy cát đem đi bán. 

Người dân bỏ công ăn việc làm ra bờ sông phản đối tình trạng khai thác cát gây sạt lở.

Ông Huỳnh Đến, người dân thôn Giảng Hòa bức xúc: “Việc khơi thông dòng chảy này là tôi không đồng tình. Chủ tịch xã mới nói là nguồn ngân sách có ít, bây giờ tạm thời giải quyết khơi thông để khỏi ô nhiễm môi trường khu vực này. Nhưng địa điểm thi công một nơi, đơn vị lại thi công 1 nẻo. Thứ 2 nữa là quá trình thi công như thế nào mà cát dồn đống cao lên, dân không đồng tình”.

Lý giải cho việc làm tắc trách này, ông Trần Quốc Khánh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho rằng, bản thân ông không làm gì sai mà chỉ thừa hành chủ trương của lãnh đạo UBND huyện. 

Trên cơ sở tờ trình của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài chính - Kế hoạch và UBND xã Đại Thắng, ông Trần Văn Mai, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc ký văn bản thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng công trình. 

Lượng cát nạo vét chất đống.
Tổng mức đầu tư công trình này khoảng 600 triệu đến 700 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp năm 2018. 

Ông Trần Quốc Khánh giải thích: “Việc tổ chức khơi thông dòng chảy của đuôi Khe Gai là có chủ trương, trên cơ sở đề nghị của xã sau đợt mưa vừa rồi lở một bên. Anh em khảo sát thấy là bây giờ phải chỉnh dòng chảy cho thẳng lại và vét chỗ này cho khỏi lở. Huyện có chủ trương và làm đầy đủ hồ sơ. Và khẳng định một điều là không làm gì sai cả, anh đâu có làm gì sai đâu, đúng quy định”.

Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho rằng, ngành chức năng và chính quyền xã sau khi đi kiểm tra đã có báo cáo đề xuất nên điều chỉnh dòng chảy nhưng huyện chưa thống nhất cách làm như thế nào? Nếu huyện đầu tư kinh phí để triển khai thì không được vận chuyển cát ra khỏi địa phương; Đồng thời tổ chức họp lấy ý kiến người dân, lập phương án nạo vét trên cơ sở đồng thuận của người dân địa phương.

“Huyện giao cho Phòng Nông nghiệp đi kiểm tra và đề xuất giải pháp, nhưng khi đề xuất thì huyện chưa thống nhất giải pháp, chưa có chỉ đạo mà đã làm. Phòng Nông nghiệp làm chuyện đó là sai. Nạo vét cát này đổ đi đâu? Nếu tận thu thì cũng tỉnh cho phép chứ huyện làm răng dám cho phép được. Còn nạo vét bỏ qua bên để điều chỉnh dòng chảy thì đất, cát bỏ lại tại chỗ chứ không được chở ra ngoài phạm vi. Công ty này là Phòng Nông nghiệp làm việc và không báo cáo với huyện nên huyện không nắm được. Cho nên dân biểu tình là đúng rồi đó”, ông Mẫn nói.

Người dân thôn Giảng Hòa lo lắng việc khai thông dòng chảy trá hình vừa mất đất, vừa ảnh hưởng đến các công trình dân sinh.
Cũng tại xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, liên tiếp mấy ngày qua, gần 100 người dân thôn Giảng Hòa kéo ra bờ sông Thu Bồn, đoạn chảy qua địa bàn thôn để phản đối Công ty Trách nhiệm Một thành viên Tư vấn 276 khai thác cát gây sạt lở. 

Trong Quyết định do ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam ký ngày 28/6/2016 về việc cho phép khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường và thu hồi đất, cho thuê đất tại thôn Giảng Hòa, có nội dung cho phép Công ty 276 được khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại thôn Giảng Hòa.

 Diện tích thu hồi đất hơn 2,5ha. Người dân tụ tập đông người nhưng không có cán bộ nào của xã đến hiện trường. 

Tình trạng khai thác cát ồ ạt đã và đang xảy ra ở nhiều nơi tại tỉnh Quảng Nam. Chính quyền và các ngành chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, ngăn chặn một số doanh nghiệp chạy theo lợi ích trước mắt, tàn phá tài nguyên môi trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khai thác cát ở Quảng Nam đang gây ra nhiều hệ lụy khó lường
Khai thác cát ở Quảng Nam đang gây ra nhiều hệ lụy khó lường

VOV.VN - Chính quyền địa phương và người dân ở đây đều thừa nhận, nguồn thu từ khai thác cát không đáng kể. Nhưng việc khai thác cát gây ra nhiều hệ lụy

Khai thác cát ở Quảng Nam đang gây ra nhiều hệ lụy khó lường

Khai thác cát ở Quảng Nam đang gây ra nhiều hệ lụy khó lường

VOV.VN - Chính quyền địa phương và người dân ở đây đều thừa nhận, nguồn thu từ khai thác cát không đáng kể. Nhưng việc khai thác cát gây ra nhiều hệ lụy