Trong bài viết “Về một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự”.
Quy hoạch cán bộ là nhiệm vụ trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trong cả nước đã tăng cường phát hiện, giới thiệu cán bộ thực sự có đức, có tài đưa vào quy hoạch, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, sàng lọc, không để những đối tượng cơ hội chính trị, kém đức, thiếu tài lọt vào danh sách quy hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có những câu chuyện “chạy quy hoạch” diễn ra trước kỳ Đại hội, trở thành mối hậu họa lớn bởi nó có thể làm hư hỏng cán bộ, suy yếu hệ thống rường cột nước nhà, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.

Theo ông Nguyễn Đức Hà – nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), khi chuẩn bị nhân sự nói chung phải căn cứ vào nguồn cán bộ trong quy hoạch. Nếu cán bộ không có trong quy hoạch thì rất khó được bổ nhiệm hay giới thiệu ứng cử.

Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương

Sau khi cán bộ được đưa vào quy hoạch thì hàng năm cấp ủy phải thường xuyên rà soát để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch. Nếu cán bộ được vào quy hoạch nhưng trong thực tiễn lại xuất hiện những vấn đề không xứng đáng hoặc mắc vi phạm thì phải đưa ra khỏi quy hoạch; ngược lại, nếu phát hiện thêm nhân tố mới tốt hơn, có triển vọng hơn thì phải kịp thời bổ sung đưa vào quy hoạch.
“Tiêu cực trong công tác cán bộ cho thấy, cá nhân nào có ý định “chạy chức”, “chạy quyền”, muốn “chạy” vào cấp ủy thì trước hết họ đều phải “chạy” vào quy hoạch. Bởi đây là bước đầu tiên trước khi “chạy chức”. Có chức thì sẽ có quyền, có quyền thì sẽ có lợi. Không có lợi thì họ sẽ không chạy. Chạy quy hoạch thực chất cũng là một biểu hiện của tham nhũng trong công tác cán bộ”- ông Nguyễn Đức Hà cho biết.

Ông Lê Thanh Vân – đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, quy hoạch là bước chọn lọc để chuẩn bị nguồn thay thế, tức là sàng lọc trước rất nhiều bước cho đến lúc quy hoạch, vào đội dự bị. Nhưng đáng tiếc, các bước trước làm không đến nơi, đến chốn, bỏ lọt, nên khi đưa vào vòng quy hoạch thì chọn không đúng người. Mặt trái của nó tác động tiêu cực đến nguồn nhân sự thay thế.
Quy hoạch cũng chỉ là một bước. Quy hoạch mà quá cứng nhắc để lựa chọn cán bộ trong khuôn khổ quy hoạch thì khó mà chọn được người tài. Bởi vì con đường hình thành quy hoạch vẫn là cách giới thiệu, lại đưa “tứ hệ” vào, sau đó hợp thức hóa bằng quyết định của tập thể thì rất nguy hiểm. Cho nên giai đoạn trước có chuyện “chạy quy hoạch” và bây giờ cũng không loại trừ vì có những thủ đoạn bị phát hiện ra thì bây giờ họ tìm cách khác; trước đây lộ liễu thì bây giờ tinh vi, kín đáo hơn.

Trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng đã nói rất rõ, đó là tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy quy hoạch”, “chạy phiếu bầu”... gây nhức nhối, bức xúc trong xã hội. Chính vì vậy, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức”, “chạy quyền” để giải quyết vấn nạn này.
Quy định 205 trả lời khá rõ câu hỏi “Chạy ai” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng đặt ra. Đó là "chạy” những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền trong công tác cán bộ gồm: cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; cơ quan tham mưu trong công tác tổ chức cán bộ. Quy định 205 cũng chỉ rõ cơ quan có thẩm quyền, những người có vai trò quyết định trong công tác cán bộ được làm gì, không được làm gì; những cơ quan, cá nhân có liên quan về công tác cán bộ tham gia ý kiến thì trách nhiệm thế nào, nhân sự đang được xem xét trong quy trình trách nhiệm ra sao. Ít nhất, đây là cơ sở để xem xét, kiểm tra, giám sát.
Một điểm nữa rất quan trọng đó là Quy định 205 chỉ rõ những biểu hiện cụ thể của “chạy chức”, “chạy quyền”, hành vi tiếp tay, bao che cho “chạy chức”, “chạy quyền”. Quy định này công khai rộng rãi nên cán bộ, đảng viên và nhân dân có điều kiện để theo dõi, giám sát, giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng căn cứ vào đó để thực hiện; đồng thời là cơ sở để khi kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ xác định được làm đúng hay sai mà có hình thức xử lý.

Để hạn chế những tiêu cực trong công tác cán bộ, Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và trong bài viết của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã chỉ rõ những việc cần kíp phải làm. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiều lần nhấn mạnh phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người không xứng đáng, đó là những người cơ hội chính trị, chạy chức, chạy quyền, người dính dáng vào tham nhũng, tiêu cực, nhưng đồng thời không bỏ sót những người thực sự có đức, có tài, có uy tín, có khả năng phát triển.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, lần này, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cần phải rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cũng như thẩm tra tất cả các trường hợp đưa vào quy hoạch. Trường hợp nào còn lấn cấn, còn vướng mắc việc nọ việc kia, nhất là vấn đề liên quan đến chính trị thì cần phải xem xét kỹ lưỡng và có kết luận rõ ràng trước khi đưa vào quy hoạch. Đối với những người trong quy hoạch, nếu thấy họ không còn xứng đáng, dư luận có ý kiến thì phải xem xét cho rõ, rồi mới quyết định việc để trong quy hoạch hay đưa ra ngoài quy hoạch.
“Trong Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị đã nói rất rõ, những nơi có vấn đề phức tạp, nổi cộm, những trường hợp có đơn thư tố cáo liên quan đến nhân sự Đại hội thì các cấp ủy phải tập trung xem xét, thẩm tra, kết luận rõ ràng trước khi tiến hành Đại hội. Không để những chuyện lùng nhùng, bức xúc “dội” vào trong Đại hội. Chính vì thế, lần này yêu cầu phải mở rộng, phát huy dân chủ” – ông Nguyễn Đức Hà cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, để khắc phục tình trạng “chạy quy hoạch”, Trung ương đã sửa những quy định không còn phù hợp. Như trước đây, trong hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ có điểm: Khi đưa vào quy hoạch phải lấy ý kiến rộng rãi, hàng năm khi rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chỉ tập trung ở Ban Thường vụ và tập trung ở Ban cán sự đảng, đảng đoàn. Chính vì thế nên mới có chuyện “chạy” và những tiêu cực trong lựa chọn nhân sự. Sau đó, quy định đã được sửa lại theo hướng: Khi đưa vào quy hoạch cũng như khi rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đều phải lấy ý kiến rộng rãi, tức là mở rộng dân chủ hơn thì sẽ chặt chẽ hơn. “Ví dụ, thẩm quyền quyết định của 5 người, nếu ai có ý định “chạy”, họ chỉ “chạy” được 5 người chứ không thể “chạy” hết hàng chục người” – ông Nguyễn Đức Hà cho biết.

Trong lựa chọn nhân sự cấp ủy, cùng với việc thực hiện Quy định 205 của Bộ Chính trị và việc phát huy mạnh mẽ dân chủ ở quy trình 5 bước – đây là những cơ sở rất quan trọng để các cấp ủy, tổ chức đảng căn cứ thực hiện thì chắc chắn công tác cán bộ nhiệm kỳ mới sẽ tốt hơn.
Dù biết rằng, mọi quy định không thể như một “liều thuốc vạn năng”, nhưng rõ ràng đây là cơ sở pháp lý, là căn cứ quan trọng để khắc phục được những tồn tại hạn chế lâu nay. Và trong quá trình thực hiện, cùng với việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, các quy định về tổ chức nhân sự sẽ được bổ sung, hoàn thiện dần.
“Quy chế, quy trình dù chặt chẽ đến mấy cũng không thể nào phủ kín được hết các trường hợp, mà quan trọng nhất là quá trình thực hiện quy định, quy trình đó. Thực tế trước đây không có nhiều quy định, quy chế nhưng tại sao khi chọn ai thì vẫn trúng người đó? Vì những con người thực hiện quy định có cái tâm trong sáng, họ luôn đặt lợi ích của Đảng, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, không lồng ghép ý đồ cá nhân, cho nên mới chọn được đúng người. Dù không có quy định, quy chế nhưng nếu cán bộ tốt thì họ vẫn tìm mọi cách để thực hiện tốt, ngược lại mặc dù có quy chế, quy trình rất chặt chẽ nhưng cán bộ không trong sáng thì người ta vẫn cố gắng tìm ra những khe kẽ, chỗ hở để lợi dụng. Cho nên quan trọng nhất là người thực hiện, mà cụ thể là người đứng đầu” - ông Nguyễn Đức Hà cho biết./.



Bài: Kim Anh | Đồ họa: CTV Ngọc Vy

Thứ Hai, 15:27, 24/08/2020