“Đốt vàng mã vô tội vạ vì mê muội cuồng tín, ganh đua“

VOV.VN - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng, người dân hoặc vì mê muội cuồng tín, hoặc vì ganh đua, nên đốt vàng mã vô tội vạ trong các cuộc lễ bái, hầu đồng.

Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn đề nghị chư tôn đức tăng ni trên cả nước nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Chỉ đạo là như vậy, thế nhưng liệu việc thực hiện công văn trên có phải là đơn giản khi việc đốt vàng mã đã ăn sâu tiềm thức tín ngưỡng của nhiều người dân Việt Nam?

Trả lời VTC News  về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện - Viện Hán nôm Việt Nam cho rằng, công văn này được ban hành lúc này là quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra những phân tích cụ thể để thấy rằng việc thực hiện "lệnh" cấm đốt vàng mã của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

 Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

- Theo ông, tục đốt vàng mã của người Việt bắt nguồn từ đâu?

Theo khảo cứu của Hòa thượng Tố Liên, cũng như của nhiều học giả xưa nay, nguồn gốc đốt vàng mã từ Trung Hoa.

Theo đó, thời thượng cổ tục tuẫn táng (chôn người sống theo người chết) rất phổ biến ở Trung Quốc. Sau thấy việc này đau thương quá, nên người ta làm ra các hình nhân bằng giấy để thay thế, lâu dần thành ra tục lệ trong dân gian.

Ngoài tục tuẫn táng, còn chôn theo nhiều đồ quý như vàng bạc, ngọc lụa, voi, ngựa… Sau đó người ta cũng làm các đồ bằng giấy thay thế cho vật thật. Đó là nguồn gốc tục đốt vàng mã. Tục này lưu truyền rộng khắp Trung Hoa và truyền đến nước ta đã từ lâu.

- Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn cấm những cơ sở thờ tự của Phật giáo ở Việt Nam đốt vàng mã. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương này của Giáo hội?

Tôi hoan nghênh chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi nghĩ công văn này được ban hành lúc này là quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Phật giáo không chủ trương đốt vàng mã. 

Tuy nhiên, tôi không nghĩ công văn này sẽ được thực hiện nghiêm bởi hai lẽ:

Thứ nhất, việc cấm đốt vàng mã này chỉ áp dụng đối với các cơ sở thờ tự thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo Vệt Nam, chứ không phải cấm đối với tư gia các Phật tử, các đền, miếu, đình, quán… Vì thế, Phật tử vẫn cứ đốt vàng mã ở nhà, ở đình đền.

Thứ hai, ngay trong khuôn viên chùa, phía sau thường có điện thờ Mẫu, còn gọi là nhà Mẫu, nơi thờ Tam tòa Tứ Phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu. Và nơi thờ Mẫu vẫn thực hành nghi lễ lên đồng, hầu đồng. Hầu đồng thường vẫn có dâng mã, đốt vàng mã. Vậy thì, việc đó thực hiện thế nào, tôi không thấy công văn nhắc đến.

Việc cấm đốt vàng mã ở chùa Phật đáng hoan nghênh và Phật tử cùng Chư tôn hòa thượng, đại đức, tăng ni nên chấp hành để việc thờ Phật được trang nghiêm, đúng nghi lễ. Nhưng tôi e rằng việc thực hiện sẽ rất khó khăn.

Tiến sĩ Hán Nôm lo ngại việc cấm đốt vàng mã sẽ không được thực hiện nghiêm. Ảnh minh họa

- Nhiều người cho rằng, đốt vàng mã thể hiện tình nghĩa sâu nặng của người còn sống với người đã khuất, giữa con người với thần linh, ông có suy nghĩ gì về quan điểm này?

Nói đốt vàng mã là thể hiện tình nghĩa sâu nặng đối với người đã quá cố và thần linh chỉ là cách biện hộ mà thôi. Việc đốt vàng mã cúng thần linh và tổ tiên chỉ mang lại cho chút an tâm trong lòng người cúng mà thôi.

Vì mê muội cuồng tín, hoặc vì ganh đua, người ta đốt vàng mã vô tội vạ trong các cuộc lễ bái, cầu cúng, hầu đồng..., gây nên lãng phí lớn và tạo ra những trào lưu đua đòi trong những người có tín ngưỡng. - TS Nguyễn Xuân Diện

Trong truyền thống, người dân nước ta bao đời nay vẫn đốt vàng mã khi cúng tế, nhưng dân gian thường nói “lễ bạc lòng thành”, sách cổ dạy “thần hưởng vu thành”, tức là thần thánh hưởng nhận cái thành tâm của người dâng cúng chứ không ở lễ vật.

Gần đây, hoặc là vì mê muội cuồng tín, hoặc vì ganh đua, người ta đốt vàng mã vô tội vạ trong các cuộc lễ bái, cầu cúng, hầu đồng. Chính tâm lý này khiến cho việc đốt vàng mã đã vượt khỏi giới hạn thông thường của truyền thống, gây nên lãng phí lớn và tạo ra trào lưu trong những người có tín ngưỡng. 

-  Theo ông, có nên cấm đốt vàng mã đối với tư gia các Phật tử, các đền, miếu, đình, quán…? 

Cấm tuyệt đối một phong tục bằng các biện pháp và chỉ thị hành chính chắc chắn là một sai lầm. Vì phong tục có từ lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức người dân, nếu áp dụng cấm đoán cứng nhắc là rất khó, sẽ sinh ra việc lén lút làm và đốt vàng mã.

Đó là chưa kể đến việc cấm đoán sẽ vi phạm vào quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng của người dân.

Nhà nước, mà cơ quan quản lý việc này là Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch muốn làm việc này phải thực hiện một cuộc vận động lớn. Trong cuộc vận động đó, cần cho người dân biết thật đầy đủ tác hại cũng như hệ quả của việc này.

Cũng phải nói rằng, tục đốt vàng mã cũng có nhiều nét văn hóa đẹp ngưng kết, trong đó: Sự phát triển của nghề thủ công mỹ nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm ngày càng đẹp và sáng tạo với sự tạo hình, màu sắc đẹp; giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người; góp phần gìn giữ các di sản văn hóa phi vật thể (lên đồng, các nghi lễ cúng, các cổ tục); ...

Bên cạnh những nét đẹp văn hóa, thì tục đốt vàng mã cũng có những hạn chế đáng phê phán như: Tâm lý càng đốt nhiều càng thành tâm, đua đòi cùng sắm vàng và mã đắt tiền; hàng năm đốt hàng chục ngàn tấn giấy, gây hỏa hoạn cháy nổ, gây ô nhiễm môi trường sống...

- Xin cảm ơn ông!

Đáng ra phải cấm đốt vàng mã từ lâu

Trả lời báo chí về đề nghị bỏ thủ tục đốt vàng mã, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Trụ trì chùa Quán Sứ, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng việc đốt vàng mã quá nhiều gây lãng phí tiền của.

Sau khi bàn bạc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng số tiền mua vàng mã để đốt tại sao không để thực hiện các công việc an sinh xã hội. Việc đốt vàng mã là theo phong tục tập quán của người dân từ xa xưa. Nhưng trước đây, người dân đốt rất ít. Càng ngày, con người càng nghĩ và sản xuất ra vàng mã hình thù đủ mọi thứ vì vậy việc này cần phải hạn chế.

"Hiện, có bao nhiêu người nghèo đói, túng thiếu, cơm gạo không có để ăn. Trong khi đó, không ít người bỏ ra rất nhiều tiền để đốt vàng mã. Đây là điều bất hợp lý", Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.

Trụ trì chùa Quán Sứ khẳng định nhà chùa không thể ngăn được người dân mang vàng mã đến chùa cúng và đốt. Chính vì vậy, cơ quan nhà nước cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các tỉnh, thành phải thực hiện công việc này. Các cơ quan chức năng phải ngăn từ việc sản xuất, buôn bán vàng mã và đây là cách làm từ gốc.

"Việc đề xuất cấm đốt vàng mã chúng tôi đã nghiên cứu từ mấy năm trước rồi. Đây mới chỉ là bước đầu. Việc cấm thế nào phải chờ cơ quan chức năng có kế hoạch cụ thể", Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.

Video: Tranh luận gay ắt việc cấm đốt vàng mã

 

Cần loại bỏ tập tục đốt vàng mã

VOV.VN -Về bản chất, đạo Phật không khích lệ tập tục này. Việc ngừng các hoạt động mê tín dị đoan, trong đó có việc đốt vàng mã là điều cần thiết.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên