Hồ tiêu của người dân bị rụng lá, rụng quả non vì chất diệt cỏ?

VOV.VN - Thời gian gần đây, tỉnh Đắk Lắk liên tiếp xảy ra hiện tượng hồ tiêu bị rụng lá, rụng quả non hàng loạt sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật.

Kết quả giám định ban đầu cho thấy, có chất diệt cỏ trộn lẫn với thuốc bảo vệ thực vật khi phun.
Vườn hồ tiêu của gia đình anh Phạm Quang Trung ở thôn 5, xã Ea Tar, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk có gần một nghìn trụ đang xanh tươi, bỗng dưng bị rụng lá và rụng quả non hàng loạt. Sự việc xảy ra vào cuối tháng 8 vừa qua, sau khi anh Trung mua thuốc bảo vệ thực vật tại đại lý vật tư Nông nghiệp Trông Từ ở thị trấn Quảng Phú, huyện Chư M’Gar về phun cho vườn hồ tiêu. Loại thuốc được anh Trung sử dụng là phân bón lá sinh học lên men tự nhiên Vitazime của Tập đoàn Lộc Trời do Công ty Cổ phần BVTV An Giang phân phối và Karate 2,5 EC của Công ty cổ phần khử trùng Việt Nam (có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh).

Vợ anh Trung bên gốc tiêu bị rụng quả và trái non hàng loạt.
Hoang mang, lo lắng vì vườn hồ tiêu gần 1 nghìn trụ là tài sản rất lớn của gia đình bỗng dưng bị héo rũ và rụng quả, anh Phạm Quang Trung cho biết: "Sáng 29, vợ chồng tôi phát hiện lá thâm đen và rụng hết quả, tôi không biết làm sao nên ra hỏi ông Từ là 2 thuốc này kết hợp được không. Ông Từ nói, 2 loại này kết hợp được. Tôi hỏi, vì sao kết hợp được mà tiêu chết hết rồi. Chú vào chú nói, vì tôi bón phân nhưng mà trước đó tôi đã bỏ phân hơn 1 tháng. Mọi khi tôi xịt thuốc phân bón lá tôi cũng kết hợp với loại thuốc sâu này mà không việc sao hết. Giờ tôi mong muốn cơ quan chức năng làm sáng tỏ vụ việc".
Cũng tại huyện Cư M'gar, 1 tháng trước, đã xảy ra sự việc tương tự, khi ông Nguyễn Sỹ Tuệ ở xã Ea Mroh mua 10 chai phân bón lá sinh học lên men tự nhiên Vitazime của Tập đoàn Lộc Trời do Công ty Cổ phần BVTV An Giang phân phối và 8 chai thuốc trừ sâu Motox 5 EC của Công ty Ngọc Tùng (có trụ sở tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) về phun cho hơn 1.500 trụ hồ tiêu. Khoảng 4 ngày sau, rất nhiều cây hồ tiêu bị rụng lá, rụng quả non hàng loạt. Trong đó, khoảng 100 trụ tiêu bị héo ngọn, khô dây. Ông Tuệ cho biết, số phân bón lá và thuốc trừ sâu này cũng được mua tại đại lý Trông Từ ở thị trấn Quảng Phú, huyện Chư M’Gar.
"Mình xịt được khoảng 4 ngày thì tiêu bị rụng, mình ra báo cho đại lý thì chiều hôm đó chủ đại lý và đại diện Công ty bảo vệ thực vật An Giang vào kiểm tra xong họ nói là bị ngộ độc thuốc, họ nói không xử lý ngay được mà khoảng 10 ngày sau họ vào phục hồi hồi vườn cây cho gia đình mình. Nhưng sau khoảng 2 ngày, đại lý nói là họ không sai, 2 loại thuốc của 2 Công ty An Giang và Công ty Ngọc Tùng thuốc nào bị thì công ty đó phải chịu trách nhiệm chứ đại lý không có trách nhiệm, mong muốn của gia đình là làm rõ nguyên nhân".
Trước tình trạng cây hồ tiêu bị héo rũ và rụng quả hàng loạt do sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, gây thiệt hại lớn, không chỉ người dân hoang mang mà chính quyền và ngành chức năng cũng rất lo lắng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền địa phương lấy các mẫu thuốc, phân bón gửi đến Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc Bảo vệ thực vật khu vực phía Nam để giám định. Ông Lê Văn Thành, Phó chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, kết quả kiểm định cho thấy chất lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được bán cho các hộ dân đúng tiêu chuẩn. Nhưng cơ quan giám định lại phát hiện trong bồn chứa và thân lá hồ tiêu sau khi phun có chất diệt cỏ.
"Kết luận của Trung tâm kiểm định về dung dịch pha thuốc bảo vệ thực vật và phân bón tồn lưu ở trên lá và hoa của cây tiêu thì hiện nay phát hiện được hoạt chất paraquat (hoạt chất thuốc diệt cỏ tồn lưu trên cây tiêu). Và trong dung dịch nông dân sử dụng còn trong bồn thì khi phân tích cũng có dung dịch Paraquat, (chất mà nông dân hay gọi là chất diệt cỏ cháy) đây là nguyên nhân để cho cây tiêu rụng lá hàng loạt".
Như vậy, có thể khẳng định, nguyên nhân hàng nghìn trụ hồ tiêu của các hộ dân ở huyện Chư M’gar, tỉnh Đắk Lắk bị héo rũ, rụng quả hàng loạt sau khi phun thuốc và phân bón là bị nhiễm thuốc diệt cỏ. Còn vì sao lại có chất diệt cỏ trong bồn chứa thuốc thì cơ quan chức năng cần phải điều tra làm rõ./
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên