TPHCM: Kiều bào hiến kế xây dựng thành phố thông minh

VOV.VN - TPHCM đang tích cực tìm giải pháp xây dựng một đô thị thông minh và người dân cũng đang mong chờ sớm được sinh sống trong một thành phố thông minh.

Ảnh minh họa.
Ở những nơi khác nhau trên thế giới, bà con kiều bào cũng dõi theo và trăn trở với những kế sách tâm huyết cho thành phố này.
Ông David Ngô, kiều bào Mỹ, thành viên của dự án Saigon Silicon City tại Thành phố Hồ Chí Minh, một mô hình đô thị thông minh đẳng cấp quốc tế theo mô hình “thung lũng Silicon” ở Mỹ, nơi được kỳ vọng sẽ tập hợp các nhà đầu tư về công nghệ lớn trên thế giới. Ông cho rằng, xây dựng thành phố thông minh không cần dựa vào các tập đoàn lớn ở nước ngoài. Rất nhiều kiều bào đã cùng tập hợp lại, trong đó có các doanh nghiệp về lĩnh vực công nghệ thông tin, có thể chung sức với thành phố xây dựng hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu và có giải pháp quản lý chặt chẽ các dữ liệu này.
Theo ông David Ngô, thành phố thông minh là sự hội tụ của nhiều yếu tố, từ hạ tầng, công nghệ thông tin và nhiều yếu tố khác liên quan tới thái độ, hành vi, sự hiểu biết của người dân. Cần phải xây dựng hệ thống kết nối giữa chính phủ và doanh nghiệp, tăng sự tương tác giữa chính quyền với người dân; cần có hệ thống phân tích dữ liệu lớn và khai thác được nguồn dữ liệu phục vụ cho người dân và các dịch vụ gia tăng, trong đó có du lịch. Các kiều bào sẵn sàng để góp sức xây dựng thành phố thông minh nhưng cần sự hỗ trợ về hạ tầng và chính sách của thành phố. Ông
David Ngô cho biết, Chính phủ và thành phố sẵn sàng thì bà con kiều bào chung sức hành động: “Nếu như chúng ta chờ đợi để hạ tầng quy hoạch đô thị chuyên nghiệp sẽ còn lâu mới có thể xây dựng được thành phố thông minh theo kiểu về vật lý. Chúng ta phải từng bước tháo gỡ những khâu còn gặp khó khăn. Một trong những tháo gỡ quan trọng đó là chỉnh sửa, vừa làm vừa sửa sai”.
Còn theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Việt kiều Canada, có 3 lĩnh vực thành phố cần ưu tiên để phát triển thành đô thị thông minh, đó là áp dụng các ứng dụng thông minh để giảm ách tắc giao thông, kiểm soát vấn đề ngập lụt, phối hợp các sở ngành để giải quyết giấy tờ cho người dân nhanh và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, đô thị thông minh cốt lõi không phải nằm ở thiết bị, mà là cơ cấu tổ chức và con người sẵn sàng hợp tác với nhau. Đây còn là một điểm yếu của các sở ban ngành không chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay các sở ban ngành vẫn còn xu hướng hoạt động độc lập, vì vậy nếu có cơ chế thông minh thì cũng khó phát huy hiệu quả. Kiến trúc sư nhấn mạnh, trước khi mua các thiết bị thông minh đắt tiền thì phải có cơ chế làm sao để các sở ngành cùng phối hợp lại, tận dụng được công tư hợp tác, mời gọi sự đầu tư bên ngoài cùng tham gia, phải xuất phát đầu tiên từ cơ chế hợp tác đa ngành.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói: “Phát triển đô thị không chỉ là không kẹt xe, không ngập lụt, nhà cửa có điều kiện tốt và mọi người có thể có những thông tin trong khu vực mình sống. Tôi cho rằng chúng ta có thể phát triển từ những khu vực hoặc một số quận rồi từ từ lan ra hơn là chúng ta đặt mục tiêu toàn thành phố thông minh”.
Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới cho thấy, việc đầu tư xây dựng các dự án thông minh dễ bị các hãng công nghệ điều khiển. Các chuyên gia lo ngại nếu quá phụ thuộc vào những ứng dụng thông minh sẽ có thể dẫn đến lãng phí, trong khi đó gia tăng về nợ công. Đặc biệt, vấn đề an ninh mạng, bảo mật đang được xem là một trở ngại đối với việc sử dụng các thiết bị thông minh của đô thị thông minh.
Giáo sư Dương Hoàng Tuấn, giảng viên tại Australia lấy ví dụ 2 thành phố lớn nhất của nước này là Sydney và Melbourne được coi là ngày càng thông minh hơn, nhưng thực tế thì không thiết thực với người dân, họ cảm thấy cuộc sống ít thoải mái với chi phí cuộc sống đắt đỏ. Giáo sư Tuấn cho rằng, một số dự án mang tính bề nổi hơn thực chất, rất nhiều ứng dụng thông minh được quảng cáo rầm rộ với nhiều hứa hẹn nhưng chưa đem lại hiệu quả rõ ràng. Mục đích của thành phố thông minh nhằm thay đổi và nâng cao chất lượng sống cho người dân, khiến cho cuộc sống họ thoải mái hơn. Thành phố thông minh cần những chuyên gia thông minh, cách điều hành thông minh, do vậy cần phải trao đổi kỹ càng, biến những ứng dụng thông minh thành công cụ thực sự giúp xã hội phát triển bền vững.
Giáo sư Dương Hoàng Tuấn cho biết: “Sẽ thiết thực hơn nếu chúng ta hãy nhấn mạnh tới đội ngũ quản lý thông minh để xây dựng một cơ sở hạ tầng hợp lý, sau đó mới nghĩ ra những bước tiếp theo là tìm cách ứng dụng những ứng dụng thông minh như thế nào. Thành phố thông minh trước hết, người ta chờ đợi cách quản lý thông minh của chính quyền thông minh, nghĩa là nó càng ít khâu càng tốt”.

Với tinh thần cầu thị, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng tiếp thu những ý kiến đầy tâm huyết của kiều bào. Qua đó, tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, bổ sung vào Đề án Đô thị thông minh để hoàn chỉnh, phê duyệt và công bố vào tháng 12 sắp tới./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xây thành phố thông minh, Đà Nẵng cần ghi nhận đánh giá của người dân
Xây thành phố thông minh, Đà Nẵng cần ghi nhận đánh giá của người dân

VOV.VN - Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, xây dựng thành phố thông minh là giải pháp cho phát triển đô thị của nhiều nước trên thế giới.

Xây thành phố thông minh, Đà Nẵng cần ghi nhận đánh giá của người dân

Xây thành phố thông minh, Đà Nẵng cần ghi nhận đánh giá của người dân

VOV.VN - Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, xây dựng thành phố thông minh là giải pháp cho phát triển đô thị của nhiều nước trên thế giới.