Khởi tố hình sự chủ quán cà phê “Xin Chào“: Thống nhất đình chỉ bị can

VOV.VN-Chiều 22/4, sau cuộc họp liên ngành tố tụng TP.HCM với các cơ quan khác về vụ án ông chủ quán Xin Chào bị xử hình sự, các bên đã thống nhất sẽ đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với chủ quán Nguyễn Văn Tấn.

Theo đó, báo PL TPHCM đưa tin, các bên thống nhất sẽ đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với ông Nguyễn Văn Tấn nhưng thời gian đình chỉ, cơ sở pháp lý để đình chỉ sẽ quyết định sau. Sở dĩ đi đến quyết định này là do các cơ quan chức năng cầu thị, lắng nghe các ý kiến đóng góp của báo chí cũng như các chuyên gia. Tuy việc khởi tố là có cơ sở pháp lý nhưng chưa hợp tình nên khiến dư luận dễ hoang mang.

VKSND TP.HCM nơi diễn ra cuộc họp liên ngành chiều 22/4.

Trước đó, ông Bùi Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ KH&ĐT cho biết, Nghị định 118/2015 hướng dẫn Luật Đầu tư có quy định tại Điều 9 rằng: Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo một hoặc một số hình thức sau đây: a) Giấy phép; b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện; c) Chứng chỉ hành nghề; d) Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; đ) Văn bản xác nhận; e) Các hình thức văn bản khác... Theo đó, giấy phép là một trong các loại điều kiện kinh doanh nhưng điều kiện kinh doanh không nhất thiết phải là giấy phép. Mặc dù chúng ta hay nói “vo” là giấy phép, nhưng đã xét luật thì phải xét đúng thuật ngữ, giấy phép là giấy phép, giấy chứng nhận là giấy chứng nhận.

Cũng theo ông Tuấn, ngành nghề kinh doanh thực phẩm là ngành nghề không đòi hỏi giấy phép. Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn kinh doanh thực phẩm chỉ quy định ngành nghề này phải có GCN ATVSTP, nó không phải là giấy phép. Một khi GCN ATVSTP không phải là giấy phép thì không thể áp vào trường hợp vi phạm kinh doanh không có giấy phép riêng để xử hình sự ông Tấn theo Điều 159 BLHS.

Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, việc quản lý các hoạt động kinh doanh chủ yếu với các hình thức công ty theo Luật Doanh nghiệp chủ yếu nhắc nhở việc tuân thủ pháp luật và thu thuế nộp vào ngân sách nhà nước. Trong vụ việc chủ quán cà phê Xin Chào tại TP HCM chậm đăng ký kinh doanh năm ngày bị khởi tố, truy tố và chuẩn bị đưa ra xét xử còn nhiều điểm và trên nhiều phương diện chưa hợp lý. 

Liên quan vụ việc, luật sư Nguyễn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định trong vụ việc này có dấu hiệu xâm phạm nghiêm trọng hoạt động tư pháp, ảnh hưởng đến tính đúng đắn của pháp luật. Luật sư Quynh cũng cho rằng trong vụ việc này còn có dấu hiệu truy tố người không có tội. 
 Theo Luật sư Nguyễn Quynh, vụ việc này đã cho thấy sai sót ngay từ đầu khi 2 cán bộ công an tiến hành lập biên bản hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là  không đúng thẩm quyền. Theo khoản 1 Điều 31, khoản 4 Điều 34 của Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định chỉ có Trưởng Công an huyện mới có thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Biên bản xử lý vi phạm hành chính của cả 2 lần là do 2 cán bộ công an, không phải Trưởng Công an huyện Bình Chánh là không đúng thẩm quyền. Việc sai thẩm quyền trong biên bản xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến Quyết định xử phạt không có giá trị pháp luật. Giả sử, quá trình ông Tấn khởi kiện, tòa xác định quyết định xử lý vi phạm hành chính là không hợp pháp và tuyên hủy quyết định này thì có phải cơ quan tố tụng đã làm oan ông Tấn không! 
    Như đã thông tin, ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào, bị cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh khởi tố, truy tố về tội kinh doanh trái phép theo khoản 1 Điều 159 BLHS. Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 28/4.
    Ban đầu, Công an huyện Bình Chánh lập biên bản vi phạm hành chính rồi ra quyết định xử phạt ông Tấn 17 triệu đồng về năm hành vi, trong đó có hành vi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
    Sau đó, khi kiểm tra quán cà phê lần hai, công an lập biên bản ông Tấn vi phạm hai hành vi: Khu vực chế biến thực phẩm có côn trùng, sử dụng nước giếng khoan để sơ chế thực phẩm.
    Nửa tháng sau ngày lập biên bản lần hai, công an huyện ra quyết định khởi tố ông Tấn về tội kinh doanh trái phép. VKS nghiên cứu hồ sơ một tháng và phê chuẩn quyết định khởi tố ông Tấn. Cáo trạng xác định ông Tấn đang hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
    Sau khi báo chí phản ánh, Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM lấy hồ sơ lên kiểm tra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng có ý kiến yêu cầu làm rõ. Trưa ngày 21/4, TAND huyện Bình Chánh đã quyết định trả hồ sơ để làm rõ tính hợp pháp của quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 18/8/2015 của Công an huyện Bình Chánh đối với ông Tấn./.
    Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên