Giao lưu "Tiếp bước truyền thống bộ đội Tăng Thiết giáp anh hùng"

Cuộc giao lưu diễn ra trong gần 2 tiếng đồng hồ đã góp phần giải đáp những thắc mắc cũng như thông tin đến quí độc giả về những chiến công oanh liệt trong chiến tranh cũng như những thành tích mà Binh chủng Tăng thiết giáp đã đạt được trong thời kỳ đổi mới…

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Điện tử VOVNEWS tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tiếp bước truyền thống bộ đội Tăng Thiết giáp anh hùng” với sự tham gia của Đại tá Hoàng Trung Kiên, thay mặt Binh chủng Tăng Thiết giáp (người đã trực tiếp tham gia những trận đánh hào hùng của lực lượng Tăng Thiết giáp) và Đại tá Bùi Quang Thắng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Tăng thiết giáp.

35 năm đã trôi qua nhưng trong chúng ta, chắc không ai có thể quên hình ảnh hai chiếc xe tăng mang số 843 và 390 dẫn đầu đội hình, húc tung các cánh cổng sắt tiến thẳng vào Dinh Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn lúc 10h45 phút ngày 30/4/1975. Đại đội trưởng đại đội xe tăng 4 Trung úy Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập...

Đó chỉ là chiến công trong loạt chiến công oanh liệt của Binh chủng Tăng Thiết giáp trong kháng chiến, từ trận mở đầu ở Tà Mây- Làng Vây cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn Miền Nam… góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của cả dân tộc.

51 năm qua, kể từ ngày Trung đoàn xe tăng đầu tiên, Trung đoàn 202 được thành lập (5/10/1959 - nay đã trở thành ngày truyền thống của Binh chủng Tăng Thiết giáp), các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Tăng Thiết giáp luôn tiếp bước và làm vẻ vang hơn truyền thống của Binh chủng: "Đã ra quân là đánh thắng"...

** Xin đồng chí cho biết, tại sao lực lượng TTG có câu “Đã ra quân là đánh thắng”? - (Quang Thuận, 20 tuổi, Nam , Hưng Yên)

Đại tá Hoàng Trung Kiên: Bộ đội Tăng thiết giáp thành lập 5/10/1959. Sau một thời gian chuẩn bị lâu dài, đến năm 1968 được giao nhiệm vụ đánh trận đầu tiên ở Làng Vây và chiến thắng giòn giã. Vì đó là trận đầu chiến thắng nên bộ đội Tăng thiết giáp có truyền thống "đã ra quân là đánh thắng".

** Trong trận đầu ra quân thì lực lượng tăng thiết giáp của ta mất bao nhiêu xe? - (Ngọc Chiến , 29 tuổi, Nam , Quảng Nam)

Đại tá Bùi Quang Thắng: Trong trận đầu tiến công, lực lượng ta không cháy, không bị thiệt hại xe nào. Một số xe bị đứt xích, sau đó chúng ta cũng kéo về sửa chữa được.

** Xin đồng chí cho biết, chúng ta rút được kinh nghiệm gì sau trận đầu làng Vây ở Quảng Trị? - (Hồng Hạnh, 21 tuổi, Nữ , Hải Phòng)

Đại tá Hoàng Trung Kiên
Đại tá Hoàng Trung Kiên: Chiến thắng làng Vây cho ta nhiều kinh nghiệm, nhưng có 1 kinh nghiệm cực kỳ quý báu đó là tận dụng được hướng mà địch không ngờ ta tiến công, đó là hướng Nam làng Vây. Chính yếu tố bất ngờ đó đã nhanh chóng làm địch tan rã.

** Xin đồng chí cho biết, trận Làng Vây quân địch đối phó với lực lượng TTG của ta như thế nào? - (trần văn truyền, 33 tuổi, Nam , Trường THPT Lệ Thủy_Quảng Bình)

Đại tá Bùi Quang Thắng: Tăng cường dùng máy bay trinh sát, các đội biệt kích thám báo, các thiết bị cảnh báo, nghe trộm để phát hiện lực lượng xe tăng ta hành quân, trú quân trên các tuyến đường cơ động đến cụm cứ điểm

Sử dụng các máy bay chiến thuật và pháo binh để đánh phá, ngăn chặn từ xa lực lượng TTG của ta.

Tăng cường trang bị các loại vũ khí chống tăng cho bộ binh như:súng chống tăng hạng nhẹ M-72, pháo không giật chống tăng các cỡ và tăng cường các vật cản chống tăng cho các căn cứ, cứ điểm phòng ngự: dây thép gai chống tăng, cọc chống tăng, hào chống tăng và các loại mìn.

** Từ nhỏ cháu đã nghe bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, nhưng xem ảnh thì cháu thấy xe tăng có 4 người, vậy bài hát ấy viết về loại xe tăng nào? - (Thu Lan, 36 tuổi, Nữ , Bình Phước)

Đại tá Hoàng Trung Kiên: Từ khi mà xe tăng xuất hiện ở Việt Nam đầu tiên (1959), luc đó là xe tăng T34 mà biên chế loại xe này là 5 thành viên kíp xe. Sau này có nhiều loại xe tăng khác. Có loại 3 thành viên kíp xe, có loại 4 thành viên kíp xe…

** Xin đồng chí cho biết, trong chiến dịch Tây Nguyên và Hồ Chí Minh ta đã dùng bao nhiêu xe tăng, chủ yếu là loại xe tăng nào? - (Khuong Van Phu, 34 tuổi, Nam , Tien Lu- Lap thach- Vinh phuc)

Đại tá Hoàng Trung Kiên:  Trong chiến dịch Tây Nguyên (8 - 24/3/75), bộ đội TTG (e273) có 63 xe (47 XT và 16 TG).  Trong chiến dịch Hồ Chí Minh (26-30/4/75), bộ đội TTG đã sử dụng 398 xe TTG tham gia chiến đấu trên cả 5 hướng tiến công chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

**  Xin đồng chí cho biết, lực lượng TTG có bao nhiêu người được phong tăng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong kháng chiến chống Mĩ? - (Bùi Thuận, 31 tuổi, Nam , Nghệ An)

Đại tá Hoàng Trung Kiên: Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng TTG có 9 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

** Tăng thiết giáp khi vận hành sẽ bộc lộ tiếng động, nhiệt độ, khói. Vậy ta sử dụng những thủ thuật nghi binh như thế nào để tránh trinh sát của Mỹ nguỵ? - (Mạnh Hùng, 38 tuổi, Nam , Điện Biên)

Đại tá Hoàng Trung Kiên: Quân ta lắp bộ phận giảm ồn, dùng khói để nghi binh kết hợp với nghệ thuật quân sự như: Cơ động vào ban đêm, cơ động vào thời điểm bất ngờ và dùng nguỵ trang đánh lừa địch.

** Xin hỏi Đại tá Hoàng Trung Kiên: Bác có thể kể một vài kỷ niệm chiến trường sâu sắc nhất mà bác đã trải qua? - (Hoàng Quân, 21 tuổi, Nam , Quảng Ninh)

Đại tá Hoàng Trung Kiên: Đầu năm 1973, tức ngày 28 Tết Quý Sửu, Đại đội chúng tôi đi qua đèo Nguyễn Chí Thanh thì bị địch chặn và phải sơ tán về phía Bắc chân đèo. Đến nơi, chúng tôi đào hầm trú lại. Bốn giờ sáng ngày hôm sau (tức 29 Tết Quý Sửu) chúng tôi cơ động để vượt đèo nhưng vừa ra đến lưng đèo thì bị máy bay địch bắn phá buộc phải quay lại.

Trong những ngày tháng đó, trên đường vào chiến trường, từ đường 20 của Quảng Bình cho đến đèo Nguyễn Chí Thanh không thể kiếm đâu một ngọn rau để ăn. Bữa ăn hàng ngày của chúng tôi chỉ toàn lương khô và thịt hộp nên anh em rất thèm rau. Rồi chúng tôi nghĩ ra cách xuống suối lấy rêu đá xào thịt hộp, dù rằng ăn món này rất ngang, rất khó nuốt.

Trưa 29 Tết Quý Sửu, trong lúc chúng tôi đang chuẩn bị ăn thì OV-10 của địch bắn một quả pháo hiệu cách xe chúng tôi 20m. Theo quy luật, chúng tôi chắc chắn địch sẽ đánh bom vào khu vực này nên đã nhảy lên xe trú ẩn. Ngay sau đó thì một loạt bom đánh vào khu vực chúng tôi đang trú ẩn. Lần đầu tiên tôi thấy có những quả bom rơi ngay trên chốc đầu, tròn như cái nón. Mỗi lần nhìn thấy dáng quả bom dội xuống tròn như chiếc nón là chúng tôi nhắm mắt lại, chắc mẩm mình sẽ chết. Nhưng sau một loạt bom nổ thấy mình vẫn sống. Sau khi bị máy bay oanh tạc, xe chúng tôi không hỏng, người không bị hy sinh nhưng rất tiếc món thịt hộp xào rêu đá không còn nữa.

** Xin đồng chí cho biết, trong chiến đấu thì đối thủ đáng lo nhất của tăng thiết giáp ta là gì? - (Mai Anh, 26 tuổi, Nữ , Vĩnh Phúc)

Đại tá Hoàng Trung Kiên: Là máy bay, súng chống tăng, mìn chống tăng, tên lửa chống tăng...

Đại tá Bùi Quang Thắng
** Từ năm 1968 đến trước năm 1975, lực lượng tăng thiết giáp của ta có trận đánh nào nổi bật ? - (Minh Quân, 39 tuổi, Nam , Sơn La)

Đại tá Bùi Quang Thắng: Từ 1968 – 1975, lực lượng TTG đã tham gia 14 chiến dịch, chiến đấu 211 trận, cùng với BB và quân, binh chủng bạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Lực lượng TTG có nhiều trận đánh nổi bật:

- Trận  Làng Vây (1968), mở đầu truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”.

 - Trận tiêu diệt SCH Lữ dù 3 ngụy ở điểm cao 543, TTG phối hợp với bộ binh bắt sống toàn bộ Ban tham mưu và Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn trưởng dù 3 Nguỵ Sài Gòn.

- Trận buôn Mê Thuột của trung đoàn xe tăng 213 tiêu diệt sư đoàn 3 nguỵ trong chiến dịch Tây Nguyên

- TTG tiến công trên 5 hướng của chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc vào ngày 30/4/1975

** Xin đồng chí cho biết, xe tăng của quân đội Ngụy có tương đương với xe tăng của ta không? - (Mạnh Hùng, 38 tuổi, Nam , Điện Biên)

Đại tá Hoàng Trung Kiên: Nói chung là tương đương, bởi vì ta đánh với Mỹ, xe tăng hiện đại nhất là M–48 còn ta là T-54B. Tuy nhiên xe M-48 có một số tính năng lợi hại hơn như khả năng đo đoán khoảng cách.

Còn T-54B thì khả năng hỏa lực mạnh hơn. Khả năng chỉ thị mục tiêu tốt hơn.

** Khi xem ảnh, tôi thấy có loại tháp pháo giống của xe T-54, T-55 nhưng thân lại giống xe PT-76. Đây có phải loại xe do Trung Quốc sản xuất không? Loại này bây giờ có sử dụng được không? - (Vũ Tuấn, 23 tuổi, Nam , T.Hoá)

Đại tá Hoàng Trung Kiên: Đúng là loại xe do Trung Quốc sản xuất và viện trợ cho ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là loại xe tăng bơi K63-85.

** Sau 1972, những xe M41A3 ta thu được của nguỵ có còn sử dụng được không ? - (Lê Văn Tâm, 35 tuổi, Nam , Thanh Hoá)

Đại tá Hoàng Trung Kiên: Sau năm 1975, ta thu được một số lượng lớn xe TTG của địch, trong đó có xe tăng M41. Tuy nhiên, toàn bộ số xe này, chúng ta đang giữ ở kho và do nguồn phụ tùng vật tư để thay thế cho loại xe này rất hiếm nên ta chỉ dùng làm mô hình phục vụ huấn luyện.

** Xin đồng chí cho biết, về mặt quân sự, TTG của ta có vai trò như thế nào trong Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh? - (Tuấn Anh, 29 tuổi, Nam, HN)

Đại tá Bùi Quang Thắng: Trong Chiến dịch Tây Nguyên, TTG tham gia trận mở đầu ở Buôn Ma Thuột, đã phát huy sức đột kích mạnh, khả năng cơ động cao, thọc sâu táo bạo, cùng với lực lượng vũ trang Tây Nguyên nhanh chóng phá vỡ thế trận của Sư đoàn 23 Mỹ ngụy Sài Gòn, giành thắng lợi có ý nghĩa chiến dịch, chiến lược.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tăng thiết giáp phát huy sức mạnh đột kích, đột phá kết hợp với thọc sâu, phá vỡ tuyến phòng thủ bao quanh Sài Gòn, dẫn đầu các cánh quân đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong thành phố, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975.

** Xin đồng chí cho biết, xe tăng của ta có thể vừa đi vừa bắn được không? Bắn có chính xác không? - (Lê Công, 28 tuổi, Nam , Nghệ An)

Đại tá Hoàng Trung Kiên: Theo tính năng của xe tăng, xe tăng vừa đi vừa bắn và bắn chính xác (tất nhiên không như đứng tại chỗ).

** Xin đồng chí cho biết, làm thế nào để người lính lái xe tăng đỡ bị khói thuốc xông vào mũi sau khi bắn?

Đại tá Hoàng Trung Kiên:  Theo nguyên lý, sau mỗi phát bắn của pháo xe tăng, một lượng lớn khói thuốc đạn với áp suất từ buồng nòng pháo sẽ thoát ra, lan tỏa trong không gian tháp pháo và thân xe... Tuy nhiên kíp xe sẽ không bị ảnh hưởng vì các loại pháo xe tăng đều có bộ phận quét và đẩy hết khí thuốc phóng ra khỏi nòng pháo sau phát bắn, còn một phần nhỏ thoát ra khỏi buồng đạn sẽ được hệ thống quạt gió hút và đẩy hết ra ngoài tháp pháo.

** Xin đồng chí cho biết, khi xem phim thấy sau phát bắn vỏ đạn bắn về phía sau. Xe tăng chật thế vỏ đạn văng vào đâu?

Đại tá Hoàng Trung Kiên: Sau phát bắn của .pháo, trên các xe tăng thế hệ cũ vỏ đạn pháo rơi xuống sàn buồng chiến đấu. Pháo thủ đưa vỏ đạn vào giá đạn.

** Làm thế nào mà quân mình lại đưa được cả xe tăng vào tận Tây Nguyên, Nam bộ ? - (Trung Hiếu, 52 tuổi, Nam , Đắk Lắk)

Đại tá Bùi Quang Thắng: Ta tổ chức hành quân bằng xích cơ động theo đường mòn Hồ Chí Minh

** Xin đồng chí cho biết, quan điểm xây dựng, phát triển lực lượng tăng thiết giáp của ta trong tình hình hiện nay như thế nào? - (Trần Quyết, 20 tuổi, Nam , Hà Nội)

Đại tá Hoàng Trung Kiên: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, lực lượng TTG tiếp tục được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Muốn vậy, trước hết phải xây dựng đội ngũ cán bộ chiến sĩ không những có bản lĩnh chính trị vững vàng mà phải có tri thức và nghệ thuật khoa học quân sự. Đồng thời từng bước cải tiến, mua sắm, sản xuất các trang thiết bị trên xe tăng thiết giáp để nâng cao khả năng cơ động, hỏa lực, bảo vệ của xe tăng thiết giáp.

** Em đang học lớp 10, sau này muốn trở thành bộ đội của Binh chủng Tăng thiết giáp thì em phải thi vào đâu, học ở đâu ạ? - (Lê Đức Bình An, 15 tuổi, Nam , Hải Dương)

Đại tá Hoàng Trung Kiên: Theo quy chế tuyển sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12, cháu có thể đăng ký thi vào trường Sĩ quan TTG. Nếu đỗ, cháu sẽ được học tại trường Sĩ quan TTG ở thành phố Vĩnh Yên- Vĩnh Phúc.

** Lái xe tăng có giống lái máy cày không ? Làm thế nào để được làm lính lái xe tăng ? - (Lê Ngọc Văn, 19 tuổi, Nam , Thái Nguyên)

Đại tá Bùi Quang Thắng: Lái xe tăng cơ bản giống lái máy cày bánh xích nhưng khó khơn vì tầm nhìn hạn chế. Muốn trở thành lính xe tăng, bạn đăng ký nhập ngũ với Ban chỉ huy quân sự địa phương.

** Ngày trước, các chiến sĩ xe tăng được đào tạo trong bao lâu trước khi ra trận? Xin các bác cho biết vai trò của người lái xe tăng, chiến sĩ đó có tham gia chiến đấu không? - (Toàn Thắng, 19 tuổi, Nam , Hà Nội)

Đại tá Hoàng Trung Kiên: Trước đây do tính chất khốc liệt của cuộc chiến tranh, sau khi vào bộ đội được đào tạo lái xe pháo thủ khoảng 3 tháng. Và lái xe pháo thủ đều là những người trực tiếp chiến đấu.

** Xe tăng của ta có đánh nhau buổi đêm được không? - (Hoàng Thuý Lan, 35 tuổi, Nữ , Hà Nam)

Đại tá Hoàng Trung Kiên:  Được, vì đánh đêm là sở trường của của lực lượng TTG.

Cuộc giao lưu kết thúc sau gần 2 tiếng hồ đã góp phần giải đáp những thắc mắc cũng như thông tin đến quí độc giả về những chiến công oanh liệt trong chiến tranh cũng như những thành tích mà Binh chủng Tăng thiết giáp đã đạt được trong thời kỳ đổi mới…

Nhiều câu hỏi chưa được trả lời, nhưng chúng tôi sẽ gửi những câu hỏi này tới Binh chủng Tăng thiết giáp để trả lời  các bạn trong thời gian sớm nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên