Ai bảo vệ nghệ sĩ trước nạn vi phạm bản quyền?

VOV.VN - Trước giờ, người nghệ sĩ vẫn luôn phải tự bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình nhưng vẫn không tránh khỏi nạn vi phạm bản quyền.

Nhiếp ảnh gia Tạ Quang Bảo chia sẻ cách đây 3 năm, hơn 100 bức ảnh của ông đã được in và treo trong một khách sạn lớn tại Hà Nội mà không hề có tên tác giả. Ông Bảo đề nghị giải quyết vấn đề bản quyền, thế nhưng, câu trả lời dành cho ông lại là phải đưa ra giá rẻ, nếu không sẽ hủy toàn bộ số ảnh. Cuối cùng, ông Bảo ngậm ngùi chấp nhận yêu cầu này.

Không chỉ có hơn 100 bức ảnh đó bị “ăn cắp”, ông Tạ Quang Bảo còn đưa ra rất nhiều bức ảnh khiến mọi người phải ồ lên bởi nó đã trở nên quá quen thuộc với công chúng. Đối mặt với vấn đề này, ông Bảo tỏ ra khá thất vọng bởi lẽ, ông là nạn nhân nhưng lại không biết phải trình báo với cơ quan, tổ chức nào.

Ông nói: “Từ đó, tôi đã tự tay in logo nổi, tự cắt bo, làm khung…toàn bộ các tác phẩm của mình. Mình tự làm sẽ không sợ bị thất lạc”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, điều này chỉ có thể hạn chế được phần nào việc xâm phạm bản quyền.

Buổi tọa đàm mới đây về “Vấn đề bản quyền trong nghệ thuật hiện nay” (do Việt Nam Photo Fair và Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ tổ chức có sự góp mặt của họa sĩ Bùi Hoài Mai, nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhiếp ảnh gia Tạ Quang Bảo, Chánh văn phòng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Hồng Định và các nhiếp ảnh gia khác.

Có thể thấy, đây là tiếng nói của không chỉ một bộ môn nhiếp ảnh mà là của các ngành nghệ thuật nói chung về vấn đề bản quyền tại Việt Nam.

Các khách mời chia sẻ quan điểm về bản quyền nghệ thuật.

Trong buổi tọa đàm, các khách mời đã chia sẻ nhiều ý kiến xung quanh vấn đề bản quyền và nạn vi phạm bản quyền. Câu chuyện tập trung xoay quanh việc người nghệ sĩ đã phải một mình đối mặt như thế nào trước tình trạng “ăn cắp” trong nghệ thuật và đưa ra những giải pháp thực tế nhất.  

Nhiếp ảnh gia Tạ Quang Bảo (áo đen) chia sẻ những bức ảnh của ông vô tư bị "ăn cắp" từ nhiều năm nay.

Thuộc lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng cho biết, tại Hàn Quốc, Nhật Bản, vấn đề bản quyền luôn luôn được coi trọng. Theo ông, bảo vệ lợi ích cho nghệ sĩ cũng nhằm mục đích bảo vệ lợi ích chung cho cộng đồng, bởi tái tạo sức lao động của các nghệ sĩ sẽ giúp họ có khả năng sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề bản quyền trước giờ vẫn chỉ được bàn đến với tư cách là vì lợi ích của cá nhân nghệ sĩ. Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhấn mạnh: “Thế giới từ lâu đã xác định bảo vệ quyền tác giả và sở hữu trí tuệ. Luật pháp này cần được đưa ra để đại diện cho lợi ích của cộng đồng”.

Là một người quản lý các nghệ sĩ nhiếp ảnh, Chánh văn phòng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Hồng Định cũng khẳng định sự cần thiết của luật để bảo vệ quyền lợi của các nghệ sĩ. Luật pháp về bản quyền ở nước ta đã có với một hệ thống khá đầy đủ: Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 100/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan…

Thế nhưng, tính ứng dụng của các văn bản này trong từng trường hợp của thực tế đời sống lại chưa cao. Trong khi ấy, nạn vi phạm bản quyền nghệ thuật ngày một đa dạng và phức tạp. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng đồng tình với quan điểm rằng cần phải có luật pháp cụ thể hơn nữa, thay vì chỉ tiếp tục kêu gọi ý thức từ mỗi cá nhân.

Trái ngược với sức “nóng” từ các khách mời khác, họa sĩ Bùi Hoài Mai khá bình tĩnh. Ông cho rằng trong thời điểm hiện tại, cá nhân nghệ sĩ ngoài việc nắm chắc luật pháp, cũng nên tự trau dồi thêm đời sống tâm hồn, từ đó tập trung sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật ý nghĩa, đó mới là cách để bảo vệ bản quyền tốt nhất. Họa sĩ Bùi Hoài Mai cũng đề xuất về vấn đề tác quyền cũng nên được đưa vào giảng dạy cho sinh viên các trường nghệ thuật để cho các em bảo vệ quyền lợi của mình sau này.  

Nạn vi phạm bản quyền đang ngày trở nên phổ biến, đến mức một chuyện bất thường đang dần trở nên bình thường. Nỗi bức xúc thường ngày của các nhiếp ảnh gia nói riêng và các nghệ sĩ nói chung vẫn chờ đợi một bộ luật đủ sức nặng để bảo vệ lợi ích của họ ./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bản quyền nhiếp ảnh: Vô tư xâm phạm!
Bản quyền nhiếp ảnh: Vô tư xâm phạm!

Nạn đạo ảnh ở Việt Nam ngày càng tồi tệ. Người ta ngang nhiên lấy ảnh của bất kỳ ai để sử dụng cho cả mục đích thương mại

Bản quyền nhiếp ảnh: Vô tư xâm phạm!

Bản quyền nhiếp ảnh: Vô tư xâm phạm!

Nạn đạo ảnh ở Việt Nam ngày càng tồi tệ. Người ta ngang nhiên lấy ảnh của bất kỳ ai để sử dụng cho cả mục đích thương mại

Festival Huế: Chương trình Lễ hội áo dài vi phạm bản quyền tác giả
Festival Huế: Chương trình Lễ hội áo dài vi phạm bản quyền tác giả

VOV.VN -Lễ hội áo dài "Nơi huyền thoại bắt đầu" đã vi phạm bản quyền sử dụng hình ảnh, nếu không đây sẽ là chương trình thành công ở Festival kỳ này.

Festival Huế: Chương trình Lễ hội áo dài vi phạm bản quyền tác giả

Festival Huế: Chương trình Lễ hội áo dài vi phạm bản quyền tác giả

VOV.VN -Lễ hội áo dài "Nơi huyền thoại bắt đầu" đã vi phạm bản quyền sử dụng hình ảnh, nếu không đây sẽ là chương trình thành công ở Festival kỳ này.