Ba Đình nắng

Ca khúc "Ba Đình nắng" như một hồi ký về sự kiện trọng đại có một không hai của dân tộc. Trong số những người từng hát bài này, nghệ sĩ Trần Khánh là người thể hiện thành công nhất

Những ai có dịp chứng kiến giờ phút thiêng liêng của lịch sử sẽ không thể quên không khí, bối cảnh Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Một biển người đứng chật Quảng trường rạng rỡ, hân hoan, náo nức, hồi hộp chờ đợi giây phút vị lãnh tụ kính yêu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Rừng cờ tung bay phấp phới trước gió mùa thu. Sự kiện lịch sử này đã được tái hiện trong bài hát “Ba Đình nắng” của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, phổ thơ của Vũ Hoàng Địch.

Nghe bài hát "Ba Đình nắng" qua giọng hát
NSND Trần Khánh

Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ sinh ngày 19/11/1919 tại Nam Định, mất năm 1985, hưởng thọ 66 tuổi. Ông đã từng làm Trưởng ban Văn nghệ Đài Phát thanh TNVN. Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ từng kể: “Chứng kiến không khí ngày hôm đó - 2/9/1945, tôi không kìm nén được xúc động. Tôi tự nhủ, mình phải sáng tác một bài hát về sự kiện lớn lao này. Nhưng rồi bận nhiều công việc và cũng loay hoay mãi không biết bắt đầu như thế nào, sẽ khai thác những ý tứ gì trong bài. Phải tới gần 2 năm, tôi đọc được bài thơ “Ba Đình nắng” của Vũ Hoàng Địch mới nảy ý nghĩ sẽ phổ bài thơ thành bài hát. Tôi thấy Vũ Hoàng Địch đã nói được rất nhiều điều sâu sắc trong bài thơ. Chỉ cần lựa chọn được ngôn ngữ âm nhạc phù hợp để chuyển tải là sẽ thành công”.

Người nghe rất ấn tượng và bị cuốn hút mạnh ngay ở 2 câu mở đầu bài hát, trong đó tiết nhạc đầu tiên là một tiếng reo vui, đồng thời biểu hiện hình tượng lá cờ đỏ sao vàng của dân tộc đang phấp phới bay trên kỳ đài: “Gió vút lên! Ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới. Gió vút lên! Đây bao nguồn sống mới dạt dào”.

Chủ đề bài thơ của Vũ Hoàng Địch xuyên suốt toàn bộ tác phẩm dồn ở câu thứ 2: “Đây bao nguồn sống mới dạt dào”. Vâng, từ ngày 19/8, sau đó là ngày 2/9/1945, đất nước ta có nguồn sống mới thật dạt dào!

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945
tại Quảng trường Ba Đình

Sang đoạn sau của bài hát, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng lại được tô đậm thêm: “Ba mươi sáu phố phường hôm ấy là những nhánh sông đỏ sóng cờ. Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại. Năm cánh xòe trên năm cửa ô”. Chỉ có người dân của một đất nước vừa thoát khỏi tròng nô lệ, được hít thở bầu không khí tự do mới có thể có được cảm xúc như thế và mới liên tưởng được hình ảnh năm cánh sao xòe ra năm cửa ô.

Trong câu nhạc trên, Bùi Công Kỳ đã xử lý tiếng “cánh” ở nốt “fa thăng” là nốt cao nhất bài, lại quy định ngân tự do. Nếu người hát cảm nhận được cảm xúc và ý đồ của nhạc sĩ sẽ tạo được hình tượng bề thế của một không gian cao, rộng, bao la, kỳ vĩ của 5 cửa ô.

Bài hát này không nằm trong số những bài hát viết về Bác Hồ, nhưng hình ảnh Người hiện ra sinh động, thiêng liêng. Đó là một đoạn nhạc được nhạc sĩ thay đổi tiết tấu, từ dàn trải trước đó thành nhanh hơn, náo nhiệt hơn, diễn tả cảm xúc, tâm trạng của đồng bào khi nhìn thấy Bác trên kỳ đài: “Hoan hô! Ta đón cha về, đón trong nắng vàng tươi ngày độc lập. A ha! Có tiếng người reo. Sao vàng vừa mọc. Cha hiện lên giọng nói hẹn thành công”.

Ai có mặt tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 đều nhớ mãi câu nói của Hồ Chủ tịch - câu nói bình dị mà vô cùng thân thương, khi Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”. Chi tiết ấy đã được Vũ Hoàng Địch đưa vào bài thơ, và Bùi Công Kỳ phổ thành câu hát mềm mại, hát mà như nói, thủ thỉ, ân tình.

Ca khúc "Ba Đình nắng" như một hồi ký về sự kiện trọng đại có một không hai của dân tộc. Trong số những người từng hát bài này, nghệ sĩ Trần Khánh hát thành công nhất. Cứ đến ngày Quốc khánh, nghe lại ca khúc “Ba Đình nắng”, lòng ta vẫn nguyên vẹn cảm xúc về ngày lịch sử trọng đại nhất của dân tộc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên