Bạc Liêu sẵn sàng cho ngày hội Khmer Nam bộ

VOV.VN - Từ ngày 17-19/11, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ 7 sẽ được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu.

Ngày hội được tổ chức nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đồng thời, giáo dục truyền thống đại đoàn kết dân tộc, tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ với cả nước và quốc tế.

Đến thời điểm này, các bước chuẩn bị phục vụ cho những hoạt động diễn ra tại ngày hội đã được địa phương đăng cai tổ chức chuẩn bị sẵn sàng. Băng rôn, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ 7 được bày trí khắp các nẻo đường. Người dân ở các tỉnh, thành cũng nô nức tụ hội về đây ngày một đông.

Băng rôn, áp phích tuyên truyền, quảng bá ngày hội.

Tại các chùa, xóm, ấp có đông đồng bào Khmer sinh sống ở các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh không khí cũng rất sôi động. Bà con tập trung tu bổ, đóng mới ghe Ngo cho kịp ngày thi đấu. Riêng những chàng trai, cô gái Khmer thì hăng say tập dợt các môn thể thao, nao nức chờ ngày so tài.

Ông Danh Lấp, 78 tuổi ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long hồ hởi cho biết: "Tuy là Ngày hội của đồng bào Khmer nhưng những ngày qua, bà con dân tộc Hoa, Kinh trên địa bàn huyện Phước Long cũng nôn nao đón chờ để được chung vui. Với môn đua ghe ngo, các nam, nữ Khmer sống quanh chùa Đìa Muồng đang ra sức tập luyện với quyết tâm giành chiến thắng"

Với chủ đề “ Bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước”, Ngày hội có sự tham gia của khoảng 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận đồng viên quần chúng… thuộc 12 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Thành phố Cần Thơ.

Ngoài các hoạt động khai mạc, bế mạc, Ngày hội còn diễn ra các hoạt động như: Thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng; triển lãm và giới thiệu hình ảnh, sách, nghề truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ; giới thiệu văn hóa ẩm thực; chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật giữa tỉnh Bạc Liêu và một số tỉnh, thành.

Sân khấu nơi diễn ra lễ khai mạc ngày hội.

Bên cạnh đó, các hoạt động thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ như đua ghe Ngo, bi sắt, bóng chuyền, đẩy gậy…cũng được tổ chức tại Ngày hội. Thông qua những hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa của đồng bào Khmer với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Theo ông Trần Hoàng Duyên- Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu: Tỉnh đã xuất kinh phí để hỗ trợ các địa phương, các chùa Khmer nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bà con tham gia tất cả các hoạt động tại lễ hội lần này. Đặc biệt, trước đó, từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa gần 3 tỷ đồng, tỉnh đã hỗ trợ cho mỗi chùa một dàn nhạc Ngũ âm; đồng thời sắm mới 5 chiếc ghe ngo, sửa chữa 4 chiếc ghe ngo cho các chùa.

Ông Vương Phương Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Phó Ban Chỉ đạo kiêm Trưởng ban Tổ chức Ngày hội, cho biết: Mặc dù Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức ngày hội, tuy nhiên Chủ tịch tỉnh vẫn quyết định thành lập Ban chỉ đạo, ban tổ chức và 4 tiểu ban của tỉnh, tiến hành thực hiện từng phần việc một cách nhịp nhàng. Mục đích để các hoạt động của ngày hội diễn ra đúng kế hoạch, đạt chất lượng.

Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho Lễ khai mạc cũng như các hoạt động khác. Ngoài môn thể thao đua ghe ngo diễn ra ngoài trời, hầu hết các hoạt động còn lại đều được tổ chức trong nhà hoặc có mái che. Vì vậy, đến thời điểm diễn ra lễ hội dù thời tiết có bất lợi thì các  hoạt động vẫn không bị ảnh hưởng.

Ông Vương Phương Nam nói: “Đến thời điểm này chúng tôi chuẩn bị đã kỷ lưỡng và chu đáo. Từ những kịch bản khai mạc đến bế mạc cũng như tất cả các hoạt động diễn ra thì đến thời điểm này coi như đã đúng tiến độ. Đặc biệt trong vấn đề ăn, nghỉ thì không được chèo kéo cũng như tăng giá. Các tình nguyện viên, hướng dẫn viên đã sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu khách đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn của tỉnh”.

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ được tổ chức 3 năm một lần, luân phiên tại các tỉnh, thành có đông đồng bào Khmer sinh sống.  Qua 6 lần tổ chức, ngày hội đã thực sự trở thành điểm hẹn về văn hóa tinh thần cho đồng bào Khmer Nam bộ. Đến thời điểm này, việc chuẩn bị cho ngày hội lần thứ 7 ở Bạc Liêu đã cơ bản sẵn sàng. Quê hương của bài Dạ cổ Hoài Lang đang nao nức mở rộng vòng tay chào đón các diễn viên, vận động viên và du khách xa gần tìm về gặp gỡ, giao lưu thắt chặt sợi dây đoàn kết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trương Thị May đẹp khác lạ trong trang phục truyền thống Khmer
Trương Thị May đẹp khác lạ trong trang phục truyền thống Khmer

VOV.VN - Á hậu Trương Thị May vừa tung bộ ảnh khác lạ trong trang phục truyền thống của người Khmer để mừng ngày lễ Đôn Ta.

Trương Thị May đẹp khác lạ trong trang phục truyền thống Khmer

Trương Thị May đẹp khác lạ trong trang phục truyền thống Khmer

VOV.VN - Á hậu Trương Thị May vừa tung bộ ảnh khác lạ trong trang phục truyền thống của người Khmer để mừng ngày lễ Đôn Ta.

Về Sóc Trăng xem bà con Khmer quết cốm dẹp
Về Sóc Trăng xem bà con Khmer quết cốm dẹp

VOV.VN -Vào rằm tháng 10 âm lịch, bà con Khmer tổ chức lễ cúng trăng, trong đó, cốm dẹp là vật phẩm chính không thể thiếu của lễ này.

Về Sóc Trăng xem bà con Khmer quết cốm dẹp

Về Sóc Trăng xem bà con Khmer quết cốm dẹp

VOV.VN -Vào rằm tháng 10 âm lịch, bà con Khmer tổ chức lễ cúng trăng, trong đó, cốm dẹp là vật phẩm chính không thể thiếu của lễ này.