Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Nên khởi động ngay!

VOV.VN - Dự kiến, đúng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) năm nay, Hội Nhà báo Việt Nam công bố quyết định chính thức thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam nằm trong Toà nhà Hội Nhà báo Việt Nam, lô E trên đường Dương Đình Nghệ (quận Bắc Từ Liêm-Hà Nội).

Ý tưởng thành lập “một bảo tàng về báo chí Việt Nam” được nhiều khoá Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà báo, cũng như nhiều Chủ tịch Hội ấp ủ. Có người muốn gọi là "Bảo tàng báo chí Cách mạng Việt Nam”, có người thích dùng cụm từ "Bảo tàng báo chí Việt Nam” khái quát và rộng rãi hơn, vì bao gồm được cả thời kỳ đầu báo chí Việt Nam mới hình thành (từ tờ "Gia Định báo” năm 1865) cho đến khi xuất hiện tờ báo "Thanh Niên” (1925) của "Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội”. Và còn bao gồm được cả phần báo chí Việt Nam dưới thời thực dân Pháp cai trị nước ta, cũng như phần báo chí Việt Nam tại miền Nam giai đoạn từ 1945 đến 30/4/1975. Tên gọi có thể khác nhau, nhưng các khoá BCH Hội Nhà báo Việt Nam đều thống nhất rằng đây không phải là”Nhà truyền thống” hoặc "nhà lưu niệm”, mà là ‘Một bảo tàng” đúng nghĩa.

Một số ấn phẩm liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp của tạp chí Phát thanh (Đài  Tiếng nói Việt Nam) và báo TNVN do nhà báo Trương Cộng Hòa tặng Bảo tàng.

Ngày 21/8/2014,  Đề án xây dựng Bảo tàng báo chí Việt Nam (sau đây gọi tắt là” Đề án”) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp sau đó, Đề án được đưa vào quy hoạch hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020. Một sự khởi đầu thuận lợi. Cũng như không có gì thuận lợi hơn khi Hội nhà báo có trụ sở mới, đàng hoàng, to đẹp ở một khu đô thị đang phát triển của Thủ đô.

Đề án gồm ba dự án thành phần: thứ nhất "sưu tầm hiện vật, tài liệu và hình ảnh”; thứ hai "Trưng bày bảo tàng”; thứ ba "tuyển dụng và đào tạo cán bộ”. Việc tuyển dụng và đào tạo cán bộ được triển khai đầu tiên. Vì phải "có bột mới gột nên hồ”.

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Trưởng ban quản lý dự án, tâm sự: "Được giao việc cũng phải suy nghĩ nhiều lắm. Mình thạo làm báo, nay chuyển sang làm Bảo tàng, phải học. Thêm nhân viên mới, người đúng nghề, người không đúng nghề, cũng phải vừa làm vừa học. Cả tập thể chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng được cái quyết tâm, được sự ủng hộ của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, của nhiều nhà báo lão thành, của bạn đọc xa gần, nên dần yêu nghề, dần dần có thêm nhiều hiện vật, hình ảnh".

Nhà báo Kim Hoa giới thiệu về hiện vật của Bảo tàng.

Tôi gặp nhà báo Kim Hoa đúng vào dịp Đề án đang khẩn trương chuẩn bị cho việc tiếp nhận và công bố Quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Một tốp phóng viên của truyền hình Quân đội sang làm chương trình. Thế là được cùng mọi người vào xem các tài liệu, hiện vật, hình ảnh… đang để trong kho. “Tính đến tháng 3/2017 là có hơn 14 000 hiện vật, hình ảnh…”. Nhà báo Kim Hoa khoe và hồ hởi mang ra giới thiệu một chiếc máy chữ loại xách tay. Tôi ngờ ngợ: "giống chiếc máy chữ Bác Hồ dùng ở chiến khu Việt Bắc?”.

Hiện vật của Nhà báo Hoàng Tùng tặng Bảo tàng.

“Vâng, đúng đấy ạ”- chị Kim Hoa tiếp lời: “Một đoàn khách Pháp sang thăm Hội, kỳ công tìm đúng loại máy chữ này, gửi sang tặng. "Ở đây còn có các hiện vật của nhiều nhà báo lão thành như Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê, Phan Quang…các nhà báo trẻ hơn một  chút như Phạm Phú Bằng( tức Phạm Hồng), Nguyễn Trần Thiết… lớp nhà báo chống Mỹ như Phạm Việt Tùng, Đoàn Công Tính...gửi tặng bảo tàng khá nhiều kỷ vật.

Tình cờ, chúng tôi gặp nhà báo Hồng Vinh, nguyên Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam. “Không thể thoái thác được” là lời nhà báo Hồng Vinh đáp ứng để nghị phỏng vấn của Hồ Thuý Quỳnh, cô Thượng uý trẻ trung của Truyền hình quân đội. Nhà báo Hồng Vinh kể về kỷ niệm ‘đi bầu cử Quốc hội” ở đảo Trường Sa Lớn tháng 7/1982. Và ông nói, có chút tiếc rẻ: "Tấm thẻ cử tri có đóng dấu đảo Trường Sa ấy, tôi tặng lại Bảo tàng”. Ông nói thêm: "Ta không đóng góp xây dựng Bảo tàng của ta, là không được”.

Nhà báo Hồng Vinh trả lời phỏng vấn.

Vậy là tôi cũng bị "bỏ bom” không thể từ chối được. Nhà báo Kim Hoa ngỏ ý muốn tôi tặng lại Bảo tàng chút kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một người rất quan tâm tới hoạt động báo chí. Chị biết tôi đã có nhiều dịp gặp và phỏng vấn Đại tướng. Từ năm 1996 đến nay, tôi giữ rất cẩn thận “Bản chính” thư của Đại tướng gửi các Phóng viên trẻ ở Đài Tiếng nói Việt Nam nêu rõ: "Bây giờ Đài Tiếng nói Việt Nam đàng hoàng hơn rồi. Đàng hoàng hơn thì nội dung cũng phải tốt hơn. Đã tốt rồi, nhưng mong tốt hơn nữa… Tôi khuyên các bạn trẻ làm sao có những phóng sự trên Đài giúp cho tuổi trẻ có lý tưởng, có hoài bão, yêu độc lập tự do, yêu Chủ nghĩa Xã hội”…  Bức thư này đăng trên tạp chí Phát thanh số tháng 12/1996, nhân kỷ niệm lần thứ 50 Ngày toàn quốc kháng chiến(19/12/1946-19/12/1996).

Tạp chí Phát thanh là tờ báo in ra hàng tháng của Đài Tiếng nói Việt Nam, trước khi đổi tên thành số tháng của báo Tiếng nói Việt Nam, đã phát hành xuống tận các đài truyền thanh cơ sở, rất được những người làm  truyền thanh địa phương hoan nghênh vì nội dung thiết thực và ngắn gọn về nghiệp vụ làm báo phát thanh cũng như các vấn đề kỹ thuật. Dĩ nhiên, tôi tặng bản chính bức thư này, cũng lại phải tặng thêm Bảo tàng bản in  tháng 12/1996 của Tạp chí. Thôi, đã dốc túi thì dốc túi hết. Vì sự kính trọng dành cho Đại tướng, và vì Bảo tàng, tôi tặng thêm Bào tàng số tháng 4/2004 - số chuyên đề đặc biệt của báo Tiếng nói Việt Nam, nhân kỷ niệm lần thứ 50 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004) trong đó có bài "Hai lần phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Ấn phẩm này giờ đây cũng đã đình bản. Không biết Bảo tàng Hội Nhà báo Việt Nam có giữ được bản in nào không? Và sau nữa, một ấn phẩm giờ đây cũng đã đình bản: tờ báo VOV "khổ vuông” số 81 thứ ba ngày 8/10/2013, số báo”"VĨNH BIỆT MỘT VỊ TƯỚNG HUYỀN THOẠI” (Trần Đăng Khoa) và bài” Đại tướng dạy chúng tôi làm theo lời Bác”(Trương Cộng Hoà)…

Đạo diễn điện ảnh Diệu Anh "ôm ấp" làm một bộ phim về cánh quân báo chí Việt Nam từ Tổng tấn công Mậu Thân 1968 đến Đại thắng mùa Xuân 1975.

Trong cái nóng bức của những ngày hè nóng nhất Hà Nội, chúng tôi say sưa trao đổi, tìm hiểu. Một nhà báo trẻ nữa, cô Diệu Anh, đã tốt nghiệp khoa Đạo diễn trường Sân khấu-Điện ảnh (Hà Nội), đang theo học lấy bẳng Cử nhân báo chí, ôm ấp dự định làm một bộ phim tài liệu về “cánh quân” báo chí Việt Nam từ Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968) đến “Đại thắng mùa Xuân 1975”. Lịch sử đã lùi xa, rất may là những nhân chứng lịch sử còn nhiều. Đến kho của Đề án Bảo tàng báo chí Việt Nam lần này, Diệu Anh biết thêm nhiều hiện vật mới.”Hiện vật phải kèm theo sự tích”. Diệu Anh tâm đắc. Cô  rất thú vị khi biết "cái máy ảnh có 3 ống kính” thực ra là chiếc máy quay phim mà phóng viên quay phim truyền hình Việt Tùng, đã tặng lại Bảo tàng. Chiếc máy quay phim này Việt Tùng đã dùng quay cảnh  B.52 Mỹ bị bắn cháy, rơi trên đường Hoàng Hoa Thám - Hà Nội, tháng 12/1972.

Nguyễn Văn Ba, đỗ thủ khoa, khoa Bảo tàng Đại học Văn hoá Hà Nội, về làm việc với đề án từ 2014, trần tình: "mình đã vỡ ra được nhiều điều khi tiếp xúc với các nhà báo mang các hiện vật đến tặng". Ba nêu một ví dụ: trong bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn (ở chiến khu Việt Bắc 1951), có một dòng Bác Hồ nói về việc “in tráng phim”. Hỏi kỹ mới biết hồi đó nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn được giao nhiệm vụ ghi vào phim "những hình ảnh về hoạt động của Bác Hồ ở chiến khu”. Mà đã quay thì phải "in tráng phim” chứ.

Khi đi vào hoạt động chính thức, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ trưng bày các hiện vật ở một nửa tầng 1 và một nửa tầng 2 Toà nhà. Hội nhà báo Việt Nam với diện tích khoảng hơn 1.500 mét vuông. Kho và khu làm việc sẽ nằm ở tầng 3 toà nhà (khoảng 200 m2). Xây dựng Bảo tàng là công việc dài ngày và của nhiều thế hệ. Tin rằng với sự góp công góp sức của nhiều người, các nhà báo Việt Nam sẽ có một Bào tàng đầy sức sống.

Trong khi đi tìm tư liệu về Bảo tàng báo chí Việt Nam, tôi được đọc bài của nhà báo Phan Quang nhan đề "Bảo tàng báo chí: Nên khởi động ngay” đăng trên hai tờ báo: “Người lao động” số ra ngày 19/8/2006 và "Nhà báo và công luận” số ra cùng tuần. Ông khẳng định: báo chí Việt Nam đã có đủ bề dày để làm Bảo tàng. Và nên "khởi động ngay”.

Tôi mạn phép nhà báo Phan Quang, dùng lời kêu gọi của ông, đặt tên cho bài báo của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận nhiều hiện vật quý
Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận nhiều hiện vật quý

VOV.VN - Hàng nghìn tài liệu, hiện vật có giá trị đã được các tổ chức, cá nhân hiến tặng phục vụ cho hoạt động của bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận nhiều hiện vật quý

Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận nhiều hiện vật quý

VOV.VN - Hàng nghìn tài liệu, hiện vật có giá trị đã được các tổ chức, cá nhân hiến tặng phục vụ cho hoạt động của bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

VOV.VN -Đến thời điểm này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tiếp nhận được 13.000 tài liệu, hiện vật.

Hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

VOV.VN -Đến thời điểm này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tiếp nhận được 13.000 tài liệu, hiện vật.