“Bầu sô” lên tiếng về việc chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật

Nhiều nhà quản lý, các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật đã tiếp tục lên tiếng xung quanh đề tài về việc chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật đang được dư luận quan tâm những ngày qua.

Nhiều nhà quản lý, các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật cho rằng, để chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, điều quan trọng là sự nâng cao ý thức của cá nhân ca sĩ, nghệ sĩ và trách nhiệm của các đơn vị tổ chức biểu diễn.

Trách nhiệm chỉ dẫn, kiểm duyệt chương trình biểu diễn không thể… làm ngơ

NSƯT Đặng Hùng, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen

Theo ông Trương Nhuận, Phó Giám đốc Phụ trách Biểu diễn và Đối ngoại Nhà hát Tuổi trẻ, thời gian qua, một số chương trình biểu diễn nghệ thuật được các kênh truyền hình thực hiện và phát sóng, hoặc một số video clip được phát tán trên mạng hướng tới số đông khán giả trẻ hoặc cư dân mạng đã thực sự bất chấp mọi giá trị, tiêu chí về thẩm mĩ nghệ thuật nhằm mục đích câu khách hoặc gây scandal để nổi tiếng, thu hút bằng mọi cách như trang phục hở hang, phản cảm, đạo nhạc, hát nhép… dẫn đến sự phản ứng, phê phán gay gắt của đông đảo công chúng trước các hiện tượng “biến thái” này.

Nhận định về vấn đề này, theo NSƯT Đặng Hùng, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen, để xảy ra các hiện tượng này thì không thể đổ lỗi hết cho ca sĩ, nghệ sĩ. Bản thân các ca sĩ, nghệ sĩ không tự tổ chức được chương trình biểu diễn mà đều phải thông qua các nhà hát, các cơ quan tổ chức biểu diễn nghệ thuật và tổng đạo diễn, phụ trách nghệ thuật phải là người có trách nhiệm trước hết trong việc quản lý nội dung chương trình, trang phục biểu diễn của ca sĩ, nghệ sĩ.

NSƯT Đặng Hùng cho biết, trước khi ca sĩ, nghệ sĩ lên sân khấu biểu diễn, người tổ chức đều phải duyệt qua chương trình. Trong trường hợp ca sĩ, nghệ sĩ ăn mặc phản cảm thì ban tổ chức hoàn toàn có quyền cắt bỏ tiết mục biểu diễn. "Nếu những người lãnh đạo các công ty nghệ thuật, các nhà hát không cho phép thì nghệ sĩ cũng không thể tự ý hát nhép hay ăn mặc hở hang. Do đó, nếu chỉ quy trách nhiệm việc hát nhép, ăn mặc hở hang cho ca sĩ, nghệ sĩ còn người tổ chức biểu diễn, những người có trách nhiệm chỉ dẫn, kiểm duyệt các chương trình biểu diễn nghệ thuật trước khi đến với công chúng, làm ngơ và không chịu trách nhiệm thì không thể được", NSƯT Đặng Hùng khẳng định.

NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam

Ngoài ra, theo NSƯT Đặng Hùng, các ca sĩ, nghệ sĩ không phải ai
cũng nắm được các quy định, chế tài xử phạt nhưng các nhà tổ chức chắc chắn đều nắm được các quy định này. "Tuy nhiên, thực tế có không ít các nhà tổ chức vì lợi nhuận mà bỏ qua, thậm chí tiếp tay cho cái sai của nghệ sĩ. Do đó, các cơ quan chức năng ngoài việc đưa ra các chế tài xử phạt cần có cách quản lý, kiểm tra các công ty, đoàn nghệ thuật để họ chấp hành nghiêm các quy định", ông nói.

Cùng chung suy nghĩ với NSƯT Đặng Hùng, NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam, một người có kinh nghiệm nhiều năm tổ chức biểu diễn chia sẻ: "Khi ký hợp đồng biểu diễn với ca sĩ, nghệ sĩ, trong hợp đồng người phụ trách chương trình biểu diễn đều ấn định rõ bài hát, phục trang của ca sĩ, nghệ sĩ. Do đó, khi xảy ra sai phạm, nếu chỉ quy trách nhiệm cho ca sĩ, nghệ sĩ là không đúng, mà người phụ trách chương trình nghệ thuật cũng phải chịu trách nhiệm".

Theo NSND Trần Bình, bản thân người phụ trách chương trình nghệ thuật đều được đào tạo về nghệ thuật. Do đó, người phụ trách chương trình, chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn chương trình cần định hướng cho ca sĩ, nghệ sĩ mang cái hay, cái đẹp đến với công chúng. Đồng thời, quy định xử phạt cần nêu rõ trách nhiệm của người ký hợp đồng tổ chức biểu diễn, người quản lý chương trình biểu diễn.

Còn theo bà Phan Thiên Thanh, Giám đốc Trung tâm Ca nhạc Lan Anh (TP Hồ Chí Minh), “thuốc” chữa bệnh cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn chủ yếu vẫn dựa vào ý thức của ca sĩ, nghệ sĩ, nhưng bản thân các đơn vị tổ chức chương trình phải thấy được phần trách nhiệm của mình.

“Tất cả những người có liên quan đến chương trình biểu diễn đều phải cùng chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, về mức độ xử phạt đối với trách nhiệm của từng người sẽ khác nhau, chẳng hạn ca sĩ là người trực tiếp gây nên lỗi đó nên sẽ bị mức xử phạt là cao nhất, kế đến là đạo diễn và sau nữa là đến nhà tổ chức. Việc xử phạt không nghiêm, làm cho có thì không thể nào chấm dứt được tình trạng này”, bà Thanh chia sẻ.

Truyền thông cần tránh sự "lăng - xê" dễ dãi

Ông Trương Nhuận - Phó Giám đốc Phụ trách Biểu diễn và Đối ngoại  Nhà hát Tuổi trẻ

Theo ý kiến của ông Trương Nhuận - Phó Giám đốc Phụ trách Biểu diễn và Đối ngoại  Nhà hát Tuổi trẻ, phần lớn những trường hợp vi phạm về quy chế biểu diễn như hát nhép, ăn mặc hở hang, ca từ dung tục… thường chỉ rơi vào một số trường hợp các ca sĩ trẻ thuộc dòng âm nhạc thị trường mà nhiều người trong số họ tìm mọi cách để công chúng biết tới tên tuổi của mình với các “nghệ danh” lai căng, các cử chỉ tạo hình, trang phục biểu diễn dị hợm, trái với thuần phong mỹ tục nhưng miễn sao lại được một bộ phận khán giả trẻ cùng gu thẩm mỹ hưởng ứng.

Tuy nhiên, những sai phạm hoặc những biểu hiện lệch lạc về mặt thẩm mỹ nghệ thuật của một bộ phận các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ này lại đang được một bộ phận truyền thông "lăng-xê" quá mức. Trong khi đó, các biện pháp xử phạt mới chỉ ở mức độ nhắc nhở, chưa đủ sức răn đe.

 

Không thể vì “thiểu số” mà ấn tượng chung màu tối với giới nghệ thuật

Do vậy, ông Trương Nhuận kiến nghị cần có sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan quản lý Nhà nước cùng với những ý kiến phê phán trực diện, nghiêm khắc từ dư luận xã hội cũng như trên các phương tiện thông tin truyền thông, tránh sự “lăng xê” dễ dãi cho những sai phạm hoặc những biểu hiện lệch lạc về mặt thẩm mỹ nghệ thuật của một bộ phận các nghệ sỹ trẻ, các ông bầu chương trình…. Bởi việc này sẽ càng gây khó khăn hơn trong công tác quản lý, cũng như hướng tới xây dựng, định hướng một thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho công chúng.

Bà Nguyễn Thị Hoài Oanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Giới thiệu Văn hóa Nghệ thuật Đông Đô

NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam khẳng định, số lượng ca sĩ, nghệ sĩ hát nhép, ăn mặc phản cảm chỉ là thiểu số trong số hơn 9.000 ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp đang hoạt động trong 129 đơn vị nghệ thuật trong nước hiện nay. Nếu báo chí tập trung đăng tin vào thiểu số này sẽ khiến tạo thành một bức tranh xám xịt, không khách quan của giới nghệ thuật.

Còn bà Nguyễn Thị Hoài Oanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Giới thiệu Văn hóa Nghệ thuật Đông Đô thì cho rằng, việc một số ca sĩ trẻ thời gian qua chỉ cần một xì-căng-đan, cứ hở hang, sexy là trở nên nổi tiếng rồi lên sàn diễn hát nhép để lấy tiền…, không trau dồi nghề, đốt cháy giai đoạn để sớm trở thành “sao” trong làng giải trí mà bỏ qua sự khổ luyện về chuyên môn cũng như sự trau dồi về thẩm mỹ nghệ thuật thì bản thân các ca sĩ này đã tự hạ thấp giá trị của mình, và như thế họ không thể đứng được trong lòng khán giả.

Xuất phát từ thực tế trên, theo bà Oanh, chính truyền thông có vai trò quan trọng trong việc định hướng giúp những người làm nghề hiểu được hơn về giá trị hoạt động văn hóa nghệ thuật của mình, và cũng chính truyền thông góp phần quan trọng định hướng dư luận, người dân về cái hay, cái đẹp trong xã hội, góp phần hình thành thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, văn minh trong công chúng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên