Cần lấy lại uy tín cho nền hội họa Việt Nam

VOV.VN - Triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” gần như toàn bộ tranh đều là giả, vậy cần làm gì để lấy lại uy tín cho nền hội họa Việt Nam?

Triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” và câu chuyện gần như toàn bộ tranh của triển lãm lớn này đều là giả đã đặt ra một câu hỏi lớn trong dư luận là: tranh giả, chép tranh đã lộng hành suốt một thời gian dài nhưng ở Việt Nam chưa có ai chịu trách nhiệm, cũng không một cơ quan nào đứng ra phân loại thật, giả. Làm sao để lấy lại uy tín cho nền hội họa Việt Nam?

Bức sơn mài "Ba cô gái" được trưng bày tại triển lãm "Những bức tranh từ châu Âu trở về" đã được giới chuyên môn kết luận không phải tranh của danh họa Dương Bích Liên.

Căn cứ vào các yếu tố phong cách, chất liệu và kỹ thuật, tất cả thành viên Hội đồng thẩm định tự phát gồm những nhà chuyên môn trong lĩnh vực đã thống nhất đưa ra kết luận: 15 trong số 17 tác phẩm của triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện, 2 bức còn lại bị mạo danh. Hầu hết tác phẩm “chép” rất lộ với bố cục, đường nét vụng về, mầu sắc kém; khác xa phong cách, cá tính tài hoa, độc đáo của các họa sĩ nổi tiếng.

Trước đó, khi xem những bức tranh tại triển lãm, nhà báo Lý Đợi, Báo Văn hóa – Thể thao đã biết ngay là tranh giả: “Ví dụ một điều sơ đẳng nhất mà ai cũng thấy, đó là bức tranh nứt mà chữ ký không nứt. Chứng tỏ chữ ký được ký sau. Thứ hai, tranh được vẽ theo trường phái hội họa lập thể (Cubisme) nhưng lại nói đây là tranh trừu tượng”.

Tranh giả, tranh chép vẫn là “vấn nạn” của mỹ thuật nước nhà lâu nay. Cách đây 20 năm, trào lưu sao chép tác phẩm của các bậc danh họa Việt Nam đã nở rộ. Sau đó, một số khách hàng nước ngoài tố mua phải “tranh Phái” giả, nhà đấu giá lớn bị kiện vì bán “tranh Phái” giả...

Không dừng lại ở đó, tranh của các họa sĩ trẻ bán chạy cũng nhanh chóng có hàng nhái. Thực trạng đáng buồn này ảnh hưởng đến thanh danh của các nghệ sĩ đích thực, gây mất uy tín của thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Đáng nói là không có ai chịu trách nhiệm, cũng không một cơ quan nào đứng ra phân loại thật, giả. Thi thoảng, một vài vụ việc bị phát hiện “chép” hoặc “đạo” thường rơi vào các tác phẩm đoạt giải tại triển lãm. Sau khi dư luận phản ánh, tác giả chỉ bị thu hồi giải thưởng; còn hầu hết tranh giả trôi nổi trên thị trường thì không hề bị kiểm soát, xử lý. Với triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" lần đầu ở một bảo tàng mang tính quốc gia xảy ra vụ việc lớn, cho thấy sự công khai của nạn tranh giả và cần có sự vào cuộc của pháp luật.

Về vấn đề này, Họa sĩ, Nhà giáo nhân dân Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Việc chép tranh có ở nhiều nước trên thế giới nhưng ở nước ngoài, tác giả quá cố trên 50 năm mới được chép và chép với kích thước khác với nguyên mẫu. Người chép ghi gõ là “tranh chép” thì không sao. Nhưng nếu tác giả còn sống thì chép là vi phạm. Vì vậy, để lấy lại uy tín cho nền hội họa, Việt Nam đang rất cần những thay đổi trong quản lý lĩnh vực này. Người nghệ sĩ cũng cần nâng cao lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp của mình.

Họa sĩ, Nhà giáo nhân dân Huỳnh Văn Mười nói: “Trước tiên, bản thân người nghệ sĩ phải có lòng tự trọng. Phải biết rằng tác phẩm nghệ thuật của mình là độc bản. Một mặt là đăng ký bản quyền, hai là khi buôn bán phải có luật sư chứng nhận. Phía quản lý nhà nước nên tăng cường tính quản lý nghiệp vụ của mình. Có những biện pháp đưa ra những quy định giám định, hoặc thủ tục hành chánh cho đơn giản hơn”.

Họa sĩ, Nhà giáo nhân dân Huỳnh Văn Mười cũng giải thích thêm, để việc quản lý được chặt chẽ, thông thường một bức tranh được các nhà sưu tập hay nhà kinh doanh tranh làm đúng bài bản thì phải có xuất xứ rõ ràng. Lý lịch bức tranh gồm các thông tin như tên bức tranh, giá bán, kích cỡ, chất liệu, thời điểm bán, hoàn cảnh sáng tác, tranh sáng tác theo khuynh hướng nào cùng với cam kết đây là bức độc bản chứ không còn sao chép nữa, không có cái thứ hai…

Nội dung lý lịch này do chính tác giả tranh kê khai hoặc là người sở hữu bức tranh đó. Khi người này chuyền tay, bán cho người tiếp theo cũng phải giao bản lý lịch này kèm bổ sung thông tin người bán – mua tiếp theo vào bản kê khai. Ngoài ra cũng phải cam kết trong quá trình chuyển bán, bức tranh này không hề có sự sửa chữa hay sao chép thêm bản nào. Cứ như thế, bức tranh qua đến chủ nhân cuối cùng sẽ có bộ hồ sơ rất dày, đó gọi là tiểu sử một tác phẩm.

Ông Lê Huy Tiếp, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Nền Mỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục mất đi uy tín và bị bạn bè thế giới cười chê, đánh giá thấp nếu nạn tranh giả vẫn tiếp tục lộng hành. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang thiếu quy định về luật một cách nghiêm túc đối với vấn đề tranh giả. Vì vậy, bên cạnh việc bổ sung ngay những quy định còn thiếu trong quản lý mỹ thuật, thì vẫn cần có sự phối hợp giữa công an kinh tế và nhà quản lý văn hóa, để hạn chế sự hoành hành nạn tranh giả hàng chục năm nay ở trong nước.

Nạn tranh giả được Hội Mỹ thuật lên tiếng rất nhiều lần, nhưng hiện nay thật giả rất lẫn lộn và thiếu những định chế về pháp luật một cách mạnh mẽ để nghiêm cấm.

Rất thẳng thắn, ông Lê Huy Tiếp nêu: “Nhiều khi đồng tiền cũng làm tha hóa một số nhà phê bình, một số nhà nghiên cứu không dám thẳng thắn để nói lên chuyện tranh thật tranh giả. Họa sĩ thì chiết lắc đầu mà cười”.

Rõ ràng, từ vụ việc tranh giả của triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu”, một hồi chuông cảnh báo rất lớn đã thêm một lần được gióng lên mạnh mẽ. Hồi chuông này một phần yêu cầu cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục những bất cập, yếu kém và làm trong sạch, đồng thời lấy lại uy tín cho nền Mỹ thuật nước nhà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tục xin triển lãm đơn giản, công chúng dễ bị xem tranh giả?
Thủ tục xin triển lãm đơn giản, công chúng dễ bị xem tranh giả?

VOV.VN - Trong khi Việt Nam chưa có trang thiết bị để phân biệt các tác phẩm mỹ thuật thật- giả, thì ngành chức năng nên có một hội đồng thẩm định chuyên môn. 

Thủ tục xin triển lãm đơn giản, công chúng dễ bị xem tranh giả?

Thủ tục xin triển lãm đơn giản, công chúng dễ bị xem tranh giả?

VOV.VN - Trong khi Việt Nam chưa có trang thiết bị để phân biệt các tác phẩm mỹ thuật thật- giả, thì ngành chức năng nên có một hội đồng thẩm định chuyên môn. 

Lùm xùm tranh giả - tranh thật: Bao giờ mới ngã ngũ?
Lùm xùm tranh giả - tranh thật: Bao giờ mới ngã ngũ?

VOV.VN -Liệu sau buổi họp đánh giá lại hoàn toàn triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về” của các nhà chuyên môn vào sáng nay (19/7), sự thật có sáng tỏ?

Lùm xùm tranh giả - tranh thật: Bao giờ mới ngã ngũ?

Lùm xùm tranh giả - tranh thật: Bao giờ mới ngã ngũ?

VOV.VN -Liệu sau buổi họp đánh giá lại hoàn toàn triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về” của các nhà chuyên môn vào sáng nay (19/7), sự thật có sáng tỏ?

Thấy gì sau triển lãm tranh giả?
Thấy gì sau triển lãm tranh giả?

VOV.VN -Suốt hơn tuần lễ vừa rồi báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực vào một triển lãm được tổ chức ở Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Thấy gì sau triển lãm tranh giả?

Thấy gì sau triển lãm tranh giả?

VOV.VN -Suốt hơn tuần lễ vừa rồi báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực vào một triển lãm được tổ chức ở Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.