Cứu ngôi đình cổ ở Hưng Yên: Cần sự đồng thuận

(VOV) -Sự việc xảy ra khi trùng tu ngôi đình cổ Ngu Nhuế ở Văn Giang, Hưng Yên có nhiều điều khiến chúng ta phải suy nghĩ.

 >> Ngôi đình cổ mang tầm quốc gia bị san phẳng

Quản lý di tích quốc gia kiểu… lệ làng

Trước hết, ở góc độ là một di tích cấp quốc gia, được điều chỉnh bởi Luật Di sản văn hóa, nhưng ngôi đình cổ Ngu Nhuế ở thôn Vĩnh An, xã Vĩnh Phúc, huyện Văn Giang và cũng như rất nhiều di tích có giá trị văn hóa, lịch sử ở khắp nơi trên cả nước, đang bị xâm hại đến mức coi thường luật.

Luật Di sản văn hóa quy định, di tích quốc gia là di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia và đi kèm với đó là những quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ di tích. Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa do Chính phủ ban hành năm 2010 cũng đã nêu rõ về những hành vi làm sai lệch di tích, gây nguy cơ hủy hoại hoặc làm giảm giá trị di sản và mức phạt tương ứng.

Ấy vậy mà những câu chuyện buồn về trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa vẫn đều đều xảy ra. Tuy nhiên, một điều ngược lại là những người có trách nhiệm trong quản lý, bảo tồn lại chẳng mấy khi bị “sờ gáy”. 

Ngôi đình Ngu Nhuế giờ chỉ còn phần hậu cung xập xệ

Trở lại câu chuyện ngôi đình cổ xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, Hưng Yên, khi được hỏi, Chủ tịch xã Nguyễn Văn Năng khẳng định nắm rõ Luật Di sản văn hóa nên đã làm theo đúng trình tự để trùng tu di tích. Nhưng chuyện dân di chuyển cả một ngôi đình, ban đầu, cấp chính quyền xã lại nghĩ đơn giản là dân bỏ tiền công đức và tự làm. Hơn nữa, yếu tố tâm linh, tế nhị nên cán bộ “ngại” đụng chạm, dù ai cũng biết, với trách nhiệm của mình, và theo Luật, họ phải thực hiện.

“Nếu là lấn chiếm, xây dựng trái phép, xã cho anh em đến can thiệp, tháo dỡ ngay. Nhưng đây là công trình mang tính tâm linh, chẳng lẽ khi các cụ xuống móng, mình lại bảo anh em đến giằng viên đá, xẻng cát…!”, ông Chủ tịch xã thật thà phân trần.

Hơn nữa, dù là một xã có tới 3/7 di tích được công nhận là di tích cấp Quốc gia, nhưng đến nay, xã chưa có một bộ phận quản lý các di tích. Cũng chính vì vậy nên khi người dân phát hiện đơn vị ký hợp đồng với chủ đầu tư là UBND xã Vĩnh Khúc có biểu hiện sai phạm, họ đã tự bầu ra ban kiến thiết và… thuê đơn vị khác về làm tiếp, không cần biết chính quyền có chấp nhận hay không.

 

"Sau khi xác minh theo đơn của người dân, UBND xã khẳng định đơn vị thi công có sai phạm và phải đền bù... Còn về khối lượng gỗ bị thiếu, có thể do quá trình bảo quản không chặt chẽ nên chưa đủ căn cứ khẳng định". Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc Nguyễn Văn Năng

Ban quản lý xây dựng gồm 5 người do một Phó Chủ tịch xã đứng đầu được lập ra từ đầu quá trình trùng tu vẫn còn đó. Hợp đồng ký kết giữa UBND xã và Công ty Thành Đông vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng ngôi đình cổ thì đã tan hoang mà trách nhiệm thì chẳng biết quy về ai.

Cách hiểu dân đóng tiền dân tự làm mà không cần chiếu với những chế tài đã được quy định và đang có hiệu lực ắt dẫn đến hậu quả như lâu nay. Bộ VH-TT-DL chắc cũng biết rõ điều này! Tu bổ di tích là một hoạt động khoa học có tính đặc thù, do đó, đã đến lúc cần cần có quy chế riêng để gần 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia khác trong hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trên cả nước khỏi phải tiếp tục bị đối xử thô bạo.

Đồng thuận mới cứu được đình

Sau những gì đang diễn ra ở thôn Vĩnh An, xã Vĩnh Khúc, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Văn Giang Đỗ Ngọc Linh cho biết, đã đi kiểm tra và chỉ đạo đảng ủy và chính quyền xã giải quyết hợp lý, hợp tình vấn đề ngôi đình cổ Ngu Nhuế.

Với thực tế bộ phận người dân có quan điểm trái chiều về việc tu bổ tôn tạo, nếu không nhanh chóng có sự đồng thuận, điều chắc chắn là di tích vốn bị hư hại, tan hoang sẽ càng trở nên thê thảm trước tác động của thiên nhiên.

Huyện ủy đang chỉ đạo xã tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân để nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, cấp chính quyền và trùng tu, tôn tạo lại di tích này. Đặc biệt là giữ vững ổn định chính trị địa phương”, Bí thư huyện ủy Văn Giang cho biết. 

Bí thư Huyện ủy Văn Giang Đỗ Ngọc Linh: "Sự việc dù sao cũng đã xảy ra, giờ quan trọng là bình tĩnh giải quyết với tinh thần đoàn kết"

Ông Đỗ Ngọc Linh cũng nhấn mạnh: “Về mặt tổ chức phải xem xét, củng cố lại Ban quản lý xây dựng công trình đình Ngu Nhuế. Ai không đủ tiêu chuẩn theo ý kiến chính đáng của nhân dân thì đưa ra, bổ sung những người có đủ tiêu chuẩn, có đủ niềm tin đối với nhân dân vào ban quản lý này”.

Hiện tỉnh Hưng Yên đã có văn bản đề nghị lên Bộ VH-TT-DL và đang chờ quyết định của Bộ về việc đình Ngu Nhuế “đi hay ở”. Còn trước mắt, theo ông Đỗ Ngọc Linh, huyện đang chỉ đạo xã Vĩnh Khúc kiểm tra, xem xét lại toàn bộ vụ việc; dựa trên nguyên nhân khách quản, chủ quan để xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Tuy vậy, không nói ra ai cũng hiểu, rằng chẳng người dân nào dám tự ý dời cả một ngôi đình cổ. Và cũng chẳng phải vô cớ khi họ thay nhà thầu giữa chừng. Mục đích trùng tu là tốt, nhưng cách làm thiếu kế hoạch và bước đi phù hợp của cấp xã lại dẫn đến hệ lụy khó lường, gây mâu thuẫn, khiến vùng quê yên tĩnh bỗng dưng nổi gió.

Vị Bí thư huyện ủy bày tỏ, sự việc dù sao cũng đã xảy ra, giờ quan trọng là bình tĩnh giải quyết với tinh thần đoàn kết. Mục tiêu đạt tới là bảo tồn và phát huy giá trị di tích; động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân yên tâm phát triển sản xuất nâng cao đời sống, ổn định chính trị địa phương.

Người dân xã Vĩnh Khúc chắc cũng cùng suy nghĩ đó, vì họ cũng chẳng thể kiềm lòng chứng kiến mãi một di tích tâm linh được gìn giữ bao thế kỷ đang phải “phân thân”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên