“Dắt biển lên trời”

“Dắt biển lên trời” là tập thơ thứ tư dành cho thiếu nhi của nhà thơ, phóng viên Đài PT-TH Hải Phòng - Hoài Khánh.

Trước đó, anh đã cho ra mắt các tập: “Bé kim dây” (1991), “Tia nắng xanh” (1996), “Trăng treo giữa nhà” (2004).

Giới thiệu “Dắt biển lên trời”, nhà thơ Định Hải, Ban Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) viết: “Khoảng vài chục năm gần đây, Hoài Khánh là một trong số hiếm hoi những nhà thơ viết cho thiếu nhi có dấu ấn đậm nét, có bản sắc riêng biệt khó nhầm lẫn… Hầu như ở các cuộc thi sáng tác thơ cho thiếu nhi anh đều đoạt giải, mà thường là giải cao”.

Hoài Khánh nắm được tâm lý trẻ, anh biết trẻ em thích gì, muốn gì, biết cách chơi với các em, biết hoà nhập vào thế giới trẻ thơ nên nói được cách nghĩ, cách cảm của các em và đấy chính là lý do thơ anh được trẻ em yêu thích.

“Bài học” dưới đây về chim gõ kiến chắc chắn dễ vào các em hơn so với “bài giáo huấn” đơn thuần của môn sinh vật: Chẳng hề tốt nghiệp trường y/ Chú thành bác sĩ từ khi ra ràng/ Không đeo túi thuốc khẩu trang/ Miệng khua “cốc… cốc…” rộn vang khắp rừng/Sớm khuya khám bệnh không ngừng/ Bắt sâu, tỉa lá, chăm từng cành cao…

Bìa tập thơ Dắt biển lên trời

Biết hoà đồng vào thế giới trẻ thơ nên mặc dù dạy trẻ biết yêu trường lớp, phố xá, ruộng đồng, đất trời, cây cỏ nhưng Hoài Khánh không để trẻ “đánh hơi thấy mùi giáo huấn”: “Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi/ Qua ngõ nhà trời/ Vào trường mẫu giáo/ Cô giáo hiền từ/ Hệt như cô Tấm/ Tay cô tài lắm/ Làm nhiều đồ chơi”, “Ô tô phía trước/ Lời chào pim pim/ Nhộn nhịp hàng kem/ Long lanh mắt trẻ”, “Lúa chín vàng hươm/ Béo tròn hạt thóc”…

Ngay kể chuyện và tả cảnh cũng vậy, Hoài Khánh biết nhìn bằng con mắt của trẻ và nói cách nói của trẻ. Đây là con đường ở đảo: Lon ton quanh vách đá/ Bỗng trốn vào thung chơi/ Rồi tót về bến cá/ Đường chạy thẳng ra khơi/ Từ làng chài vào lớp/ Đường nằm trong khoang thuyền…

Trẻ thường để ý tới những gì người lớn chẳng mấy để ý và không tưởng tượng như chúng: Sáng ra biển hoá trẻ con/ Sóng lắc ông trời thức dậy/ Dã tràng cõng nắng lon xon/ Mắt thụt mắt thò hấp háy…

Với Hoài Khánh và cũng là với trẻ em thì hoa xuyến chi: “Chẳng đánh phấn, thoa kem/ Hồn nhiên cười với nắng/ Mặt trời ngó xuống xem/ Tưởng nhầm đàn bướm trắng…”; còn quả bưởi nấp trong nó “Một đàn tép con”…

Với trẻ, với lứa tuổi nào Hoài Khánh cũng có giọng thơ phù hợp. Đây là thơ cho “tuổi chanh cốm”: Bạn gái nào vừa thổn thức/ Giữa ngàn mắt lá vẫy mời/ Gió xuân phập phồng ngực áo/ Chớm hè vàng rộm nắng cơi.   

Bài thơ "Nếu Hải Phòng chỉ toàn người lớn" lại không chỉ viết cho tuổi thơ, thậm chí còn là lời nhắn nhủ đối với người lớn. Nếu thế giới này không có trẻ nhỏ sẽ ra sao? Thì sẽ không có, không còn, sẽ thiếu vắng rất nhiều thứ, từ những gì vẫn thường thấy hằng ngày: Trường Mầm non, dàn kèn đồng Nhà thiếu nhi, cửa hàng kem, đến “Đêm Trung thu chẳng ai ngồi phá cỗ”; vắng luôn nỗi cáu kỉnh: “Bác bảo vệ chẳng có người để mắng/ Biết tìm ai hái trộm táo ông trồng”; vắng cả những gì thơ mộng: “Phượng vĩ phố Ga bớt giọng ve sôi”, “Chuyện cổ tích ngủ lì trên cánh võng/ Ai nhặt nắng rơi trong giấc mơ hồng”, “Biển Đồ Sơn con sóng bớt nhong nhong”… Nếu không có bọn trẻ nhí nhố, nhõng nhẽo, lắm lúc làm người lớn đến điên cả đầu, cuộc sống của người lớn sẽ buồn tẻ, vô vị biết chừng nào. Bài thơ đầy tính nhân văn, đầy lòng nhân ái, làm chúng ta yêu con trẻ hơn.

Hoài Khánh đưa ta sống giữa thế giới trẻ thơ bằng giọng thơ giàu bản sắc. Đó là sự dí dỏm, tươi tắn, cái nhìn tinh tế, câu thơ mượt mà, chữ dùng gợi tả, những liên tưởng thú vị, bất ngờ. Đọc thơ Hoài Khánh tâm hồn người lớn cũng trở nên phong phú./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên