Đọc sách: “Nguyễn Đình Thi - chim phượng bay từ núi”

Trong lịch sử văn hóa - văn nghệ Việt Nam từ 1945 trở lại đây, Nguyễn Đình Thi quả là một con chim phượng sải cánh ôm ấp nhiều lĩnh vực, ở lĩnh vực nào cũng có những tác phẩm để đời

Cầm trên tay cuốn “Nguyễn Đình Thi - chim phượng bay từ núi” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 2011) gồm những chuyên luận, trò chuyện và ghi chép về nhà văn hóa tài hoa này, tôi thầm nghĩ, giáo sư Hà Minh Đức hẳn đã đắn đo, cân nhắc rất nhiều. Trong lịch sử sinh hoạt văn hóa - văn nghệ Việt Nam từ 1945 trở lại đây, Nguyễn Đình Thi quả là một con chim phượng sải cánh ôm ấp nhiều lĩnh vực: triết học, lý luận phê bình, thơ và nhạc, tiểu thuyết và kịch. Ở lĩnh vực nào, ông cũng có mặt và đều có những ý kiến và tác phẩm để đời. “Phượng” còn là tên một nhân vật trong bộ tiểu thuyết hai tập “Vỡ bờ” của ông. Một nhân vật, theo các nhà phê bình, được Nguyễn Đình Thi rất chăm chút, và cũng là nhân vật gây tranh luận nhiều nhất trong tác phẩm này.

Nhiều năm sau, trong một lần trò chuyện với bạn bè, nhà văn bộc bạch: tôi muốn vẽ một con chim phượng, mà có người lại muốn khác đi. Nhưng đó là chuyện sau này. Còn khi “Vỡ bờ” tập II được in ra (1970) trong sự chờ đợi của bao bạn đọc (tập I in từ 1962), Nguyễn Đình Thi về khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nói chuyện, kể lại quá trình sáng tác bộ tiểu thuyết tâm đắc này. Sinh viên hai khoa Văn - Sử đến nghe chật ních cả giảng đường lớn Mễ Trì. Tôi còn nhớ, trước đó, trên tạp chí “Tác phẩm mới”, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã có bài phỏng vấn rất hay với Nguyễn Đình Thi về quá trình viết bộ sách, nêu ra chuyện “cây nhân vật”… Sinh viên nghe và đồng cảm với ông. Cho dù lúc đó cũng có ít nhiều phê phán hơi nặng lời. Chúng tôi thông cảm với họ, vì đất nước đang còn chiến tranh, tư duy khó có thể khác được. Kết thúc, Nguyễn Đình Thi đọc bài thơ “Dòng sông trong xanh” (sau này thành tên một tập thơ, xuất bản 1974). Dường như nhà văn hơi ngỡ ngàng trước sự đồng cảm của lứa sinh viên hôm ấy, vỗ tay quá mức bình thường. Ông đã mấy lần cúi đầu cảm ơn.

Thưa với độc giả hôm nay, trong số những sinh viên vỗ tay, sau đó một thời gian nhiều người đã lên đường nhập ngũ. Đa phần tham gia cuộc tổng tiến công 1972, hy sinh khá nhiều ở Quảng Trị. Rất nhiều người trong số đó mang theo “dòng sông trong xanh” ra trận. Và những ai còn sống trở về, ru con mình, rồi ru cháu mình bằng nhiều câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Sáng mát trong như sáng năm xưa” (bài thơ “Đất nước”), “Việt Nam đất nước ta ơi” (Bài thơ Hắc Hải). Trong số họ, dù nhiều người không sinh ra ở Thủ đô, đều lắng đọng trong mình câu hát “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây, đây lắng hồn núi sông ngàn năm…” của Nguyễn Đình Thi.

Thế hệ chúng tôi, được nuôi dưỡng trong vòng tay lớn của miền Bắc XHCN, cảm ơn ông - Nguyễn Đình Thi, người đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi.

Bởi thế, cầm trên tay cuốn “Nguyễn Đình Thi - chim phượng bay từ núi”, chúng tôi cảm ơn giáo sư Hà Minh Đức, tuy tuổi đã cao, mắt đã kém nhưng vẫn cặm cụi đọc lại từng trang ghi chép, để giữ lại cho bạn đọc hôm nay và mai sau, chân dung của một cây đại thụ trong nền văn học nước nhà. Về Nguyễn Đình Thi, bạn đọc tìm thấy trong cuốn sách này sơ lược tiểu sử và danh mục các tác phẩm; các trang viết về sự nghiệp văn chương, về tiểu thuyết (Xung kích, Vào lửa, Mặt trận trên cao, Vỡ bờ), về thơ, về kịch, về Nguyễn Đình Thi - nhà lý luận văn học. Phần trò chuyện và ghi chép về nhà văn Nguyễn Đình Thi của giáo sư Hà Minh Đức chiếm một phần lớn cuốn sách (130 trang trong tổng số 402 trang). Sau đó là 68 trang dành cho bạn bè và người thân của nhà văn nói về ông.

Kẻ viết bài báo này có may mắn được đọc “Xung kích”, tập truyện ngắn “Bên bờ sông Lô”, xuất bản lần đầu sau ngày miền Bắc được giải phóng, với bìa sách rất ấn tượng của các họa sĩ bậc thầy. Tiếp đó là Vỡ bờ (2 tập), Con nai đen, Vào lửa, Mặt trận trên cao, những bản in đầu tiên. Còn nhớ vở “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” (vai Nguyễn Trãi do Trần Tiến đóng) đêm công diễn đầu tiên đã gợi nhớ và tạo thành cảm xúc trào dâng trong khán giả về một Thăng Long với núi Tản sông Đà, khí thiêng sông núi tụ về, tạo thành sức mạnh thắng quân xâm lược.

Ấn tượng về Nguyễn Đình Thi thì nhiều. Người ta nói nhiều đến những cuộc chia tay trong đêm Hà Nội của ông. Nhưng riêng tôi, nhớ mãi một câu cuối của một truyện ngắn trong tập truyện “Bên bờ sông Lô”, lúc những chàng trai, cô gái Hà Nội chuẩn bị trở về Thủ đô: “Một cái hôn dài trong gió thoảng”.

Vâng, một cái hôn dài trong gió thoảng!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên