Đưa Truyện Kiều lên sân khấu kịch hình thể

Những câu thơ hay nhất sẽ chuyển thành những làn điệu cổ của người Việt, cộng với âm hưởng của âm nhạc đương đại.

Vẻ đẹp, sự trẻ trung, sôi nổi của NSND Lan Hương - “Cô bé Hà Nội” năm nào luôn làm cho người đối diện phải ngạc nhiên. Khi được hỏi về những khó khăn trong nghề, như được trải lòng, chị say sưa nói về những vất vả, trở ngại khi đưa kịch hình thể, loại hình nghệ thuật mà chị đã dành nhiều tâm huyết trong suốt gần 10 năm qua. Sắp tới, Truyện Kiều sẽ ra mắt công chúng thông qua loại hình kịch hình thể do NSND Lan Hương làm đạo diễn.

** Sau gần 10 năm tìm hướng đi cho kịch hình thể ở Việt Nam - một loại hình sân khấu mà nhiều người cho là kén khán giả, chị có hài lòng về sự lựa chọn của mình?

 Gần 10 năm qua, tôi cùng các đồng nghiệp của Đoàn kịch 3 cùng nhau tìm đường ra cho các vở diễn và một mặt nào đó đã tìm được khán giả của mình.

Những vở diễn trước, khán giả đến xem đa số là những trí thức. Nhưng sau vở “Một ngã tư” vào năm 2010, những khán giả bình dân cũng đã yêu thích và đến xem. Khán giả nói với tôi rằng, kịch hình thể có gì khó hiểu đâu? Có thể là do ngay từ đầu mọi người đã nghe nói kịch hình thể là một loại hình thử nghiệm, loại hình mới khiến khán giả có cảm nghĩ đây là một loại hình nghệ thuật mới mẻ, nói về những vấn đề xa vời. Nhưng thực tế, nó rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày.

NSND Lan Hương

** Và chị rút ra được những kinh nghiệm gì?

Bây giờ chúng tôi vẫn đang đi tìm đường ra cho kịch. Khi làm xong “100 phút cuối của Hàn Mạc Tử”, tôi nhìn ra được những vấn đề: Đã là khán giả xem kịch, ai cũng thích một kịch bản có đầu và cuối, có nội dung, số phận của nhân vật, vở kịch có cao trào, xung đột để tạo hấp dẫn. Ở “100 phút cuối của Hàn Mạc Tử” mới chỉ giải quyết được yếu tố thẩm mỹ. Đến “Bến vĩ của tình yêu”, chúng tôi đã mạnh dạn đưa câu chuyện lên sân khấu. Tới “Chuyện một ngã tư” thì câu chuyện đậm nét hơn, mang tính chất giống kịch nói, có cao trào, kịch tính. 

** Về vở diễn mới đây của chị - “Tâm Linh Việt”, vì sao chị lại quyết định lấy hầu đồng làm ý tưởng chủ đạo?

Nghệ thuật hầu đồng có rất nhiều kịch tính, được kể bằng lối hát văn, xá thượng, các làn điệu rất hay. Từ trẻ con đến người lớn nghe đều thích. Hơn nữa, trong mỗi người Việt Nam đều có một chút tâm linh trong đời sống tinh thần ngay từ khi sinh ra. Không bàn đến chuyện mê tín hay không, chỉ nói riêng về âm nhạc trong hầu đồng cũng đã là cả một nghệ thuật.

Vở “Tâm Linh Việt” có thể coi là vở diễn ăn khách nhất trong các vở diễn đã dàn dựng trong 10 năm nay. Lần đầu tiên bán được vé, lần đầu tiên đi được vào khán giả. Sau vở diễn này tôi mới biết là khán giả cần gì, đang cần xem những cái gì. Tháng 9 tới, tôi sẽ đưa “Chuyện một ngã tư” và “Tâm Linh Việt” vào phục vụ khán giả miền Nam.

** Nghe nói chị sẽ đưa “Kiều” lên sân khấu vào tháng 7 năm nay?

Tôi sẽ đưa “Kiều” lên sân khấu vào tháng 7, sẽ chọn những tứ thơ hay nhất trong khổ thơ đặc sắc nhất. Âm nhạc sẽ được sử dụng rất nhiều, tất cả những lời thơ của Nguyễn Du sẽ chuyển thành những làn điệu cổ của người Việt, cộng với âm hưởng của âm nhạc đương đại. Có ca trù, hát xẩm, hát văn, chầu văn, cùng rất nhiều làn điệu của cả nước chứ không chỉ riêng miền Bắc. Kiều sẽ vừa có nội dung, vừa có số phận và được đẩy mạnh về âm nhạc, tôn vinh các làn điệu cổ của người Việt.

** Cảm ơn NSND Lan Hương. Chúc chị và Đoàn kịch 3 có nhiều vở diễn hay được khán giả đón nhận!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên