Nhân kỷ niệm 64 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam

Lai lịch bài hát “Lắng tiếng quê hương”

... Tiếng nói Việt Nam/ Tiếng của ngàn xưa/ Tiếng Bác Hồ tuyên ngôn dựng nước/ Khi đi xa càng nhớ càng yêu...

Sau những trận B52 cuối tháng 12/1972, sáng sớm ngày 21/1/1973 cả đoàn chúng tôi có mặt tại 58 Quán Sứ, hành quân bằng 3 chiếc xe (2 xe ca, 1 xe con), được biết với nhau là “Đi sơ tán, để bảo đảm tiếng nói thông suốt” như lời ông Thê - Trưởng Phòng Tổ chức của Đài lúc đó phổ biến ngắn gọn.

Buổi chiều đến Lào Cai và ngủ lại, hôm sau qua cầu sang Hà Khẩu, được phát mỗi người một cái áo bông to đùng. Đến lúc đó thì chúng tôi mới hay rằng mình đã tạm biệt đôi bờ sông Nậm Thi của đất Việt, để đi sâu vào Châu Hồng Hà của nước bạn. Từ đây chúng tôi lên tàu hoả vượt 466 km (qua Khai Viễn, Mông Tự, Cá Cựu, Kiến Thuỷ, Nghi Lương, Chỉ Thôn...) chui qua hàng chục căn hầm xuyên núi, để đến với Côn Minh. Nơi này có độ cao 1.500 m so với mặt biển, nhiệt độ hàng ngày từ 16 - 18 độ, hôm nào cao lắm cũng chỉ hơn 20 độ C, rất nhiều cây sa mu. Đây là thủ phủ của tỉnh Vân Nam, với 25 dân tộc sinh sống, nơi được mệnh danh là vương quốc của tam thất, của trà, của thuốc lá ở phía tây nam Trung Quốc.

Côn Minh không chỉ là thành phố bốn mùa xuân (Côn Minh còn có tên là Xuân Thành), mà còn là nơi tình người Phát Thanh ấm cúng trong hai năm (1973 - 1974) vẫn luôn lưu dấu. Ở đó trên núi Ngũ Hoa, trong căn nhà 2 tầng - nơi chúng tôi làm việc - tên gọi của bạn là Đoàn 731, còn tên gọi của ta là Đoàn 59. Nơi ăn nghỉ trong một khu nhà 3 tầng nhìn xuống Thuý Hồ, cạnh Bảo Sơn phố cổ. Với hơn 100 người già trẻ trai gái, do ông Lê Quý làm Trưởng đoàn, ông Thái Bảo làm Phó. Ban phụ trách còn có các ông Thu, Đồi, Đạm, Thọ; các bà Oanh, Lý. Phiên dịch chính là chàng trai chưa vợ Đỗ Trường Sơn.

Hàng ngày chúng tôi làm việc vui vẻ, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, có lý có tình. Chúng tôi thường xuyên liên hệ với 58 Quán Sứ và 39 Bà Triệu (trụ sở Trung tâm âm thanh) ở Hà Nội. Các chương trình văn nghệ (bao gồm Ca nhạc mới, Dân ca, Sân khấu, Văn thơ ...) chỉ có 2 người: Cô gái xinh đẹp Đỗ Kim Tĩnh và người viết bài này. Sống ở Côn Minh, nơi mà lượng ô - xy trong không khí rất thấp, phải luôn luôn hoạt động là điều quan trọng nhất và là động lực chính của sự bù đắp trong cơ thể để thích nghi với thời tiết. Bởi vậy mà ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và tham gia đọc bản tin thời sự, thời gian đầu cùng các phát thanh viên Nguyễn Thơ, Trần Phương, Kim Cúc, Kim Túy, Phi Điểu, Hồng Diên…(sau bổ sung thêm Hoàng Yến, Hà Phương) - tôi thường dạo phố, đi lùng mua tôm khô và rau cải cúc ở các chợ để tự mình nấu bát canh tôm cải thiện, vừa giúp cho những anh chị em đau ốm đang nằm ở nhà nghỉ hay đang nằm viện. Hay lượn lờ như thế, nhưng vốn liếng giao tiếp với người Côn Minh chỉ vẻn vẹn vài chữ Tàu quá nghèo nàn trong đầu, đôi khi bí quá phải ra hiệu bằng tay. “Xing khủ” và “Xing phủ” là hai từ khác nhau (Gian khổ và Hạnh phúc), hoặc “Duya nán” và “Duyn nán” (Việt Nam và Vân Nam)... nếu phát âm chệch đi là sai nghĩa, sai tên ngay. Theo những người thông thạo cho biết, người Vân Nam nói giọng nặng phương ngữ, khác hẳn người Bắc Kinh, Thượng Hải, nên không phải ai cũng nghe nhanh, dịch nhanh được.

Sống nơi đất khách quê người, giữa ngôn ngữ lạ ấy, tiếng Việt Mẹ Đẻ rất thiêng liêng. Mỗi lần đi dạo phố, chúng tôi thường đi qua nhà bà Pá Việt Kiều. Bà thường đặt một cái ghế ở trước nhà và gần như ngồi thường trực ở đó để chờ chúng tôi đi qua và chỉ cần chào bằng tiếng Việt là bà phấn khởi lắm lắm.

Có lần cả đoàn đi công viên Thuý Hồ để dự buổi biểu diễn Văn Nghệ của Đoàn Ca Múa tỉnh Vân Nam. Tôi và ông Nguyễn Thơ (phát thanh viên) ngồi cạnh nhau say sưa nghe nghệ sĩ giọng nữ cao Đỗ Lệ Hoa hát bài “Việt Nam- Trung Hoa” của nhac sĩ Đỗ Nhuận bằng hai thứ tiếng (nghệ sĩ Đỗ Lệ Hoa đã từng hát cho Bác Hồ nghe khi Người thăm Bắc Kinh). Ông Thơ cứ nhắc đi nhắc lại và gợi ý cho tôi viết bài hát về Tình hữu nghị và về Tiếng nói Việt Nam.

Sau bữa đó, tranh thủ những lúc đến Đài phát thanh và truyền hình Vân Nam để hướng dẫn tập hát mấy bài Dân ca Việt Nam cho Tổ văn nghệ của họ, lúc nghỉ tôi lại ngồi vào đàn piano của Đài cùng với nhạc sĩ Đường Thiên Nghiêu (người phụ trách ca nhạc của Đài Vân Nam) tìm những nốt nhạc vui cho bài ca “Hát chung lời ca Hữu nghị”. Bài hát này được nữ phát thanh viên Kim Cúc (vốn là diễn viên văn công) tập và hát trong buổi liên hoan “chuyển sang nhà làm việc mới”. Cũng từ đây tôi phác thảo những nốt nhạc đầu tiên cho bài “Lắng tiếng quê hương”. Ngoài ra còn một số bài khác viết về Đài như: “Nhịp cầu âm thanh giao duyên”, “Ngày hội Phát thanh”... cũng hình thành trong dịp đó.

Cứ mỗi lần viết xong một bài, tôi đem hát cho ông Thơ, bà Phi Điểu (vợ nhạc sĩ Phan Nhân) nghe. Mỗi lần đi tham quan Thạch Lâm (rừng đá) hay đi Ôn Tuyền (suối nước nóng) tôi đều mang đi theo, hát cho một số người cùng nghe để góp ý sửa chữa, hoàn chỉnh dần.

Nhớ nhất là những lần cả đoàn tới thăm Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh. Cứ đến đây là “vui nổ trời”, trẻ con chạy nhảy lung tung, hò hét ầm ỹ, người lớn nét mặt rạng ngời, chuyện trò rôm rả. Chính các cán bộ ở Tổng lãnh sự đã góp nhiều ý hay cho bài hát của tôi, bởi các anh ở đây lâu, nên tâm trạng xa nhà, xa quê hương càng nặng lòng và quý trọng tiếng mẹ đẻ - Tiếng nói Việt Nam. Anh Từ, anh Chính ở đây đã nói trong cuộc họp có đông đủ bà con rằng: bài hát “Lắng tiếng quê hương” đã nói hộ nỗi lòng của chúng tôi, và chắc là của cả chúng ta khi xa đất nước, rất mong sớm được nghe trên sóng của Đài từ Hà Nội truyền sang.

Sáng 20/2/1975, trước khi vào họp giao ban, ông Trần Lâm- Tổng biên tập lúc đó đã nói vui (và cũng là gợi ý) với ông Phạm Tuân (Trưởng Ban Văn nghệ) và tôi: “Năm nay thành lập Đài ta chẵn 30 năm, giá mà có được một tiết mục văn nghệ nói về đất nước mà lại là nói về Đài ta thì hay biết mấy”.

Nhân có gợi ý này, tôi tự nhủ mình sẽ cố gắng chỉnh lý thêm những bài hát viết về Đài từ lúc ở Đoàn 59 để hoàn thành trước ngày kỷ niệm. Rồi miền Nam được giải phóng, bao công việc lớn hơn, bao đề tài khác cấp thiết hơn cứ cuốn hút như một dòng chảy, nên bài hát “Lắng tiếng quê hương” đã viết xong vẫn chưa đưa duyệt được.

Ngày 20/7/1975, tôi được cử vào miền Nam, cùng đi với một số anh chị em khác như Nguyễn Đình Lương, Phương Nam, Minh Trang, Kim Ngôn, Đoàn Uyên… đến Sài Gòn, Đà Lạt, Quy Nhơn, Nha Trang rồi dừng lại ở Đài Phát thanh và Truyền hình Huế. Đến cuối năm trở về Hà Nội, tôi mới có dịp dành thì giờ sửa chữa thêm cho tác phẩm đó.

Đầu năm 1976, bài hát “Lắng tiếng quê hương” được duyệt và cho thu thanh với giọng hát của nghệ sĩ Thu Hiền. Buổi ca nhạc 19h30 tối ngày 15/3/1976 đã phát đi bài hát này. Sau đó nghệ sĩ Minh Vượng thu thanh thêm một băng và đến cuối năm 1976 lại được Đội văn nghệ nghiệp dư của Trung tâm kỹ thuật âm thanh và Phòng Phát thanh viên phối hợp dàn dựng, mang đi tham gia hội diễn toàn thành phố Hà Nội tổ chức ở Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội. Sau đó tiết mục “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” của buổi phát thanh Văn hóa xã hội, buổi “Tiếp chuyện bạn nghe Đài”, buổi phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ Quốc”, buổi Ca nhạc theo thư yêu cầu của thính giả v.v... đều đã sử dụng nhiều lần bài hát “Lắng tiếng quê hương”. Đoàn Ca nhạc Đài TNVN đã dàn dựng và biểu diễn những lần kỷ niệm ngày thành lập Đài (7/ 9) với giọng hát của các nghệ sĩ Tuyết Thanh, Thanh Hoa, Hồng Liên.

“Chốc đà mấy chục năm trời
Còn non còn nước còn người hôm nay

Mới đó mà đã hơn một phần tư thế kỷ của Đoàn 59,và cũng hơn 36 năm của những nốt nhạc đầu tiên trong chùm bài hát viết về Đài trên đất Côn Minh. Thời gian như được dừng lại trong những ngày này mà nghĩ về một thời để nhớ để thương. Nhớ đến tình người, tình đời, tình hữu nghị. Thương đến các anh các chị đã vì sự nghiệp Phát thanh mà vắng mặt trong những ngày này như: ông Thơ, ông Đạm, ông Định, ông Vang, ông Cương, ông Hưởng, Bà Tơ ...

Nhân kỷ niệm lần thứ 64 ngày thành lập Đài TNVN (7/9/1945 - 7/9-2009), tôi xin được biết ơn các đồng chí tiền nhiệm,

Nghe bài hát Lắng tiếng quê hương (BD: Hồng Liên)

các đồng chí đương nhiệm, các bậc đàn anh và bầu bạn xa gần đã trực tiếp hoặc gián tiếp gợi ý, giúp đỡ và tạo điều kiện cho bài hát “Lắng tiếng quê hương” nói riêng và các bài hát khác của tôi như: Bên lăng Bác Hồ, Cung đàn tuổi xanh, Bông Hoa Hồng Chiêm, Phong thư sông Lam, Gửi anh một khúc dân ca, Duyên Quan họ, Thành phố Đỏ thành phố xanh, Câu nhớ gửi người thương, Em hát anh nghe điệu lý quê nhà, Đồng đội tôi nơi biên thùy, Gửi anh một khúc dân ca, Hạt giống đỏ nẩy mầm xuân, Có lẽ nào anh đã đi xa, Đêm trăng Sầm Sơn, Quê hương chín nhớ mười mong… sớm được truyền đi trên làn sóng và phổ biến sâu rộng trong người nghe. Công lao ấy, thành công ấy thuộc về tập thể đã tạo nên nhịp cầu âm thanh - mà tôi chỉ là người góp phần thực hiện.

Diễm phúc thay, làm người sáng tác được duyên nợ và làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Quả là:

 Nợ tiền càng trả càng vơi
 Nợ tình càng trả, tình ơi càng đầy.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên