Lạm dụng quyền lực nhìn từ vụ khởi tố chủ quán Xin Chào

VOV.VN - Từ cú điện thoại sát giao thừa đến khởi tố chủ quán cà phê "Xin Chào" nghĩ về chuyện trao quyền và lạm dụng quyền lực.

Chỉ còn 25 phút nữa là đón giao thừa năm mới Bính Thân (2016), tôi nhận được cú điện thoại cầu cứu từ một viên chức trẻ quê Nam Định. Anh ta xin lỗi vì đã “làm phiền” tôi trong khoảnh khắc đặc biệt của năm, song như anh nói là “không còn cách nào khác”.

Chuyện là, gia đình anh đang bị một nhóm “đầu gấu” đến gây rối, khủng bố suốt mấy tháng nay, kể cả đêm giao thừa.

Trong thời gian buôn bán làm ăn, mẹ anh và một phụ nữ có khúc mắc chuyện tiền nong từ hai năm trước. Chuyện nợ nần không rõ ràng vì giao kèo thiếu cẩn thận và chưa ngã ngũ, thì bà kia thuê nhóm người lạ mặt - còn gọi là “đầu gấu” đến nhà anh để đòi nợ bằng cách gây gổ, va chạm, khủng bố tinh thần.

Ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán Xin Chào (Ảnh: Internet)

Sau những lần va chạm nhẹ ngoài đường bị nhắc nhở, “những vị khách không mời” bày ra “chiêu” táo bạo hơn là vào tận nhà anh mua rượu, thịt chó về nhậu, đốt lửa ở sân, vật vờ như những cái bóng để gây sức ép, hù dọa tinh thần…

Đám cưới em trai anh, họ kéo đến nói năng, chửi bới, dọa nạt, giả say rượu khiến những người khách tới dự phải nem nép, đám cưới hai bên chẳng vui vẻ gì.

Họ còn dọa, đám cưới của anh, họ cũng làm đủ trò làm cho khách không đến ăn. Bố anh là Bí thư chi bộ xóm mà cũng bất lực. Mẹ anh buộc phải cam kết giải quyết vụ việc, còn bà kia cũng hứa không thuê “đầu gấu” đòi nợ nữa.

Tất cả đã được báo chính quyền xã, Công an từ xã lên huyện, và hồ sơ đã được lập. Đơn tố cáo, clip, băng ghi âm ghi lại bằng chứng đã được gửi đi…

Thời gian đã kéo dài mấy tháng.

Đỉnh điểm, đêm 30 Tết Bính Thân 2016, nhóm “đầu gấu” kia lại kéo đến nhà anh gây sức ép, bắt phải trả tiền ngay (mặc dù đã có văn bản cam kết). Họ ngang nhiên đốt đống lửa, tự tiện vào nhà ngồi lên ghế, nằm lên giường, uống rượu nhắm thịt chó, la hét…

Và anh buộc phải gọi cho tôi để cầu cứu lúc gần giáp canh sau khi báo tin với chính quyền và Công an huyện.

23h40 phút (chỉ còn 20 phút nữa là đón năm mới), tôi quyết định gọi cho ông Trưởng Công an huyện nọ - người mà tôi đã từng gọi trước đó một lần để thông tin vụ việc.

Ông Trưởng Công an chưa nghe tôi nói hết đã đáp ngay: “Chỗ này hoàn toàn là dân sự chứ có gì đâu anh. Ba ngày nay “nó” nằm ngoài cổng. Cái này không có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Người ta đến nhà nhưng không hủy hoại tài sản, không đánh đập gì. Tôi nghĩ cái này nó không có gì, bà ấy còn viết đơn kêu cứu đến bốn, năm nơi”.

Vậy đấy! Trưởng Công an huyện bảo “không có gì”, “không vi phạm pháp luật” vì “chưa đập phá, chưa gây thương tích”, còn người dân thì kêu cứu đến bốn, năm nơi.

Kêu cứu cả vào lúc sắp giao thừa? Điên chăng! Nếu có, thì chỉ bà ấy điên, sao cả con bà đang làm viên chức một cơ quan Trung ương cũng điên là sao?

Nếu tôi là ông Trưởng công an huyện nọ, tôi cho gọi mấy tay “đầu gấu” lên. Và chỉ bằng vài câu hỏi răn đe là bọn chúng tịt ngóm.

Hỏi: “Bà X có vay tiền các anh không?” Sẽ là “Dạ không!”. “Vậy tại sao các anh đến nhà người ta đòi nợ?” Sẽ là “Em…em đòi hộ chị ..Y”. “Bà X không mời tại sao các anh có mặt ở nhà bà X đốt lửa, uống rượu, nói lời đe dọa???”. “Các anh kéo đến nhà người ta lúc gần giao thừa có ý đồ gì?”

Và kết luận: “Cơ quan công an cảnh cáo các anh. Nếu còn tái phạm các anh sẽ bị khởi tố về tội xâm phạm nơi ở trái phép, anh rõ chưa?”

Chỉ cần vài phút với thái độ kiên quyết, rõ ràng như vậy, nhóm “đầu gấu” kia sẽ không còn bén mảng, đe dọa tinh thần người đàn bà kia để đòi nợ. Nhưng rất tiếc, ông Trưởng Công an nọ đã không làm vậy.

Ông ta đã “dân sự hóa” một vụ việc có dấu hiệu hình sự. Hoặc là ông ta không hiểu luật hoặc là không sử dụng quyền lực đúng chỗ. Đây là một hình thức khác của lạm dụng quyền lực.

Đến vụ khởi tố chủ quán “Xin Chào” và bắt người tố cáo “cát tặc”

Những ngày qua, báo chí, các mạng xã hội “nổi sóng” vụ ông Nguyễn Văn Tấn - Chủ quán cà phê Xin chào ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh bị khởi tố, truy tố về tội “Kinh doanh trái phép” và cập nhật rất nhanh thông tin xử lý của lãnh đạo các cấp; xử lý những người làm sai.

Một vụ việc khác ở Đồng Nai, người tố cáo khai thác cát trái phép, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc bị Công an, Viện kiểm sát huyện Nhơn Trạch khởi tố, bắt tạm giam về tội “chống người thi hành công vụ”. Vụ án đã nhanh chóng kết thúc, cơ quan pháp luật đã phải trả tự do, xin lỗi bà Ngọc và thừa nhận sai trái.

Công bằng mà nói, hai vụ án cùng thời điểm này đã bị những người thực thi lạm dụng quyền lực một cách bừa bãi đối với công dân.

Khác với “dân sự hóa hành vi hình sự”, những người thực thi pháp luật trong hai vụ án này đã cố “nặn” ra các chứng cứ để đánh đồng với hành vi phạm tội của công dân.

Họ đã lợi dụng nghiệp vụ, hướng các hành vi của công dân đến chỗ có dấu hiệu phạm tội. Thấp hèn hơn, họ có thể “nhử”, “kích động”, ‘gài bẫy”… để công dân có hành vi tiệm cận với vi phạm pháp luật để lấy cớ.

Khi đã có chủ ý, ngay từ đầu tiến hành lập biên bản, khởi tố điều tra, họ sẽ lập hồ sơ sai thực tế, dùng câu chữ trong các biên bản sai với tính chất nguy hiểm của vụ việc để kết án.

Không loại trừ khả năng họ dùng thủ đoạn viết thêm vào biên bản (những chỗ đã cố ý để trống trước đó) mà “bị can” đã ký để hoàn thiện hồ sơ.

Vì sao lại phải “giữ nghiêm kỷ cương tới mức như vậy?” Đây là câu hỏi mà dư luận suốt mấy ngày qua trăn trở.

Nhiều khả năng phía sau của lạm dụng quyền lực này là do họ bị “xui khiến” bởi một lợi ích nào khác. Chẳng hạn, nhóm lợi ích đang “yên ổn” bỗng dưng bị “quấy rầy” bằng đơn thư tố cáo; Nhóm lợi ích bị cạnh tranh, mà người trong cuộc đã được cảnh báo trước đó.

Triệt tiêu sự ảnh hưởng của nhóm lợi ích bằng “khởi tố bị can” đối với “đối thủ” là thủ đoạn dễ khiến người ta gục ngã nhanh nhất, có vẻ hợp pháp nhất, có tác dụng “dằn mặt” hiệu quả nhất.

Nếu mọi việc suôn sẻ, công dân sẽ không còn “sức đề kháng” để tiếp tục gây ảnh hưởng tới nhóm lợi ích; hoặc là phá sản; phải chuyển đi nơi khác làm ăn; hoặc là im lặng trước sự lộng quyền.

Cả hai vụ án hình sự nêu trên đều có cơ sở đặt nghi ngờ về động cơ của việc khởi tố bị can.

Khi bất cứ cơ quan, cá nhân nào được trao quyền lực, theo nguyên lý chung phải có kiểm soát quyền lực. Nhà nước đã trao quyền cho Viện kiểm sát để kiểm tra, giám sát tính hợp pháp đối với mỗi quyết định cơ quan điều tra. Tiếc rằng, VKS (trong hai vụ án trên) đã không làm tròn bổn phận đó.

Kiểm soát quyền lực hiệu quả trước hết phải bằng pháp luật và sự độc lập về trách nhiệm, trong đó, sự giám sát của công luận có vai trò đặc biệt quan trọng.

Người được trao quyền nếu không hành động kịp thời trước bức xúc của dân hoặc nếu vì lợi ích của mình mà lạm dụng quyền lực Nhà nước để xử lý, sẽ tự đánh mất niềm tin./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên