Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Nghề báo, nghiệp văn

Nửa thế kỷ cầm bút, ông Trần Mai Hạnh đã trải qua nhiều cung bậc đời sống khác nhau. Với ông, báo là nghề, còn văn là nghiệp...

Tối 14/12, tại thủ đô Thái Lan, Hội đồng tổ chức Giải thưởng Văn học ASEAN (SEA Writer Awards) của Thái Lan đã tổ chức trọng thể lễ trao giải năm 2015. Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh là đại diện của văn học Việt Nam được vinh danh và nhận giải thưởng năm 2015 với tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75". Nửa thế kỷ cầm bút, ông Trần Mai Hạnh đã trải qua nhiều cung bậc đời sống khác nhau. Với ông, báo là nghề, còn văn là nghiệp...

- Xin được hỏi ngay, cảm giác của ông như thế nào về Lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015 tại Bangkok?

Nhà văn Trần Mai Hạnh: Lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN 2015 và tiệc chào mừng các nhà văn xuất sắc đại diện cho nền văn học của 10 nước trong khu vực Đông Nam Á do Hoàng Gia Thái Lan chủ trì, được tiến hành theo nghi thức của Hoàng gia rất trang trọng, nghiêm cẩn, hoành tráng. Mặc dầu theo vần a,b,c…, Việt Nam xếp sau cùng, nhưng tôi được Ban tổ chức xếp ngồi trên lễ đài ở vị trí trang trọng nhất, đối diện với hội trường lớn gần 800 quan khách gồm các giới chức lãnh đạo của Thái Lan, Đại sứ và Ngoại giao đoàn các nước.

Nhà văn Trần Mai Hạnh phát biểu tại
Lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015 tại Bangkok (tối 14/12/2015).

Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Văn học ASEAN của Hoàng Gia Thái Lan đã đọc báo cáo và giới thiệu tóm tắt tiểu sử và nội dung tác phẩm của từng tác giả được trao giải. Lời phát biểu của tôi tại lễ trao giải rất ngắn, chỉ 1 phút 20 giây theo bấm giờ của người điều hành buổi lễ thuộc Hoàng gia Thái Lan.

Vì “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử, ngoài giá trị văn học nó còn có giá trị sự thật lịch sử về sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) trong những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh nên giành được sự quan tâm của nhà văn các nước Đông Nam Á, các quan khách và đại biểu tới dự lễ. Những cụm từ: “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Ngày toàn thắng, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam”…vang lên trong buổi lễ hết sức trang trọng với sự tham dự của gần một nghìn người, mang tới sự xúc động.

- Tất nhiên, tự mình đánh giá tác phẩm của mình thì bao giờ cũng dễ mắc vào những nhìn nhận mang tính chủ quan. Nhưng với một người từng trải qua quá nhiều cảnh ngộ như ông thì tôi vẫn muốn hỏi, theo ông, tại sao cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của ông lại lọt vào mắt xanh của không chỉ Hội Nhà văn Việt Nam mà cả Hội đồng tổ chức Giải thưởng văn học ASEAN? Những gì mà ông cho là thành công trong tác phẩm của mình?

- Tôi đã cố gắng vượt qua nhiều thử thách, kể cả những giờ phút đắng cay của số phận để hoàn thành “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của một người cầm bút, góp phần trả lại sự thật cho một phần lịch sử của cuộc chiến tranh năm 1975 ở Việt Nam. Tôi không hề có tham vọng thi thố văn chương. Vì vậy tôi thật sự bất ngờ khi “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam và tiếp đó giành được Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015 đều với số phiếu bầu tuyệt đối.

Tôi thiển nghĩ, giá trị văn học và quan trọng hơn là giá trị vững chắc của những sự thật lịch sử mà cuốn sách phản ánh, khắc họa một cách khách quan, trung thực, không chen bất cứ bình luận, nhận xét cá nhân nào của tác giả, và với một cái nhìn điềm tĩnh, nhân văn đã làm nên giá trị của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”.

Như Hội đồng Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: "Tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đậm chất phóng sự khách quan và cũng đầy phẩm chất văn học độc đáo”.

Đặc phái viên VNTTX Trần Mai Hạnh (người đeo kính) trước
cửa ngõ Sài Gòn sáng sớm ngày 30/4/1975.

- Còn điều gì mà ông muốn được viết rõ hơn, sâu hơn, chi tiết hơn trong sách nhưng ở thời điểm hiện nay vẫn là việc bất khả?

Tôi nghĩ không có điều gì là bất khả cả. Cái chính là do bản lĩnh, năng lực ngòi bút, sự mách bảo của cuộc sống và dự cảm của mình. Có những điều tôi chưa nói hết trong tác phẩm đã xuất bản, và cũng còn không ít tài liệu nguyên bản có giá trị tôi chưa sử dụng đến.

Đã có lần tôi trả lời phỏng vấn của một tờ báo, rằng: “Có những thời điểm con người không chỉ cần phải im lặng mà còn cần phải biết cách im lặng như thế nào, và có những điều phải im lặng đến suốt đời”.

- "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" là cuốn tiểu thuyết, tại sao ông lại chọn in ở Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật?

Có rất nhiều nhà xuất bản danh tiếng mà tôi từng mong ước được một lần in sách ở đấy. Nhưng vì “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được phục dựng từ những nguồn tư liệu, tài liệu nguyên bản, trong đó có rất nhiều tài liệu tuyệt mật về cuộc chiến từ gần 40 năm trước của phía bên kia chiến tuyến (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ) chưa từng công bố, nên nhất thiết phải có một nhà xuất bản uy tín, có thẩm quyền tiến hành thẩm định và xuất bản.

Vì vậy, tôi đã gửi bản thảo “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” tới Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước. In một cuốn tiểu thuyết, có lẽ đó là trường hợp quá ngoại lệ của nhà xuất bản này.

- Mở đầu "Lời tác giả" trong "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", ông viết: "Bạn đọc kính mến!". Ông suy nghĩ gì khi dùng hai từ "kính mến"?

Lời nói đầu cuốn sách, các nhà văn thường viết “ Cùng bạn đọc”, “Bạn đọc thân mến”, “Đôi lời với bạn đọc”. Tôi thưa “Bạn đọc kính mến!” (kính mến với cả bạn đọc nhỏ tuổi), là bởi lẽ, tôi nghĩ hạnh phúc lớn nhất của nhà văn là tác phẩm viết ra được độc giả đón đọc. Chính độc giả quyết định sự sống của một tác phẩm và tiếp sức cho nó tham gia vào dòng sông văn học đang cuộn chảy. Không được sự đón nhận của độc giả, tác phẩm văn học kể như thất bại, dù có được tổ chức họp báo, ra mắt, ký tặng sách rầm rộ tới đâu.

“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” dầy gần 600 trang, viết về những sự kiện lịch sử từ gần 40 năm trước, sự ra mắt muộn màng của nó thực quả rất kén độc giả. Vì vậy, tôi hạnh phúc và kính trọng bất cứ ai đọc hết cuốn sách, và càng kính trọng các bạn đọc nhỏ tuổi đã say mê đọc hết cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử của tôi.

Cuốn sách được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2014, tái bản có bổ sung năm 2015 với số lượng lớn, in nối bản nhiều lần và đang chuẩn bị tái bản tiếp vào đầu năm 2016. Tôi dùng hai từ “kính mến” là vì vậy.

- Trong tương lai ông còn có dự định trở về với chủ đề chiến tranh hay không?

Không phải là tương lai, mà là tôi đang tiếp tục viết về chủ đề chiến tranh. Tôi viết không phải để nhắc lại cuộc chiến, mà với mong muốn qua trang sách góp phần nhỏ bé của mình vào khát vọng hòa bình và mong ước con người sống tin yêu nhau hơn, cùng nhau xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp của tương lai, như tinh thần tham luận “Văn chương vì phẩm giá hiện tại và tương lai” tôi vừa trình bày tại Diễn đàn Văn học các nước Đông Nam Á diễn ra tại Bangkok ngày 16-12-2015.

- “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” có phải là tác phẩm lớn nhất cuộc đời làm báo, viết văn của ông? Nếu không, sẽ là tác phẩm nào trong tương lai?

Cuốn sách mà tôi dành nhiều tâm sức và quan trọng nhất với cuộc đời tôi, tôi vẫn chưa hoàn thành được. Cái quan trọng nhất của nhà văn là tác phẩm. Tác phẩm đó có viết ra được hay không, chất lượng ra sao, bạn đọc đón nhận nó thế nào chứ không phải là lời tuyên bố về những tác phẩm còn ở thì tương lai của mình.

- Tôi biết ông từng là sinh viên khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp - Hà Nội, nhưng khi tốt nghiệp lại về làm việc ở Thông Tấn xã Việt Nam. Đó chỉ đơn thuần theo phân công của tổ chức hay vì chính bản thân ông cũng muốn như thế?

Thời đó, những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, con người ta dường như không có sự chọn lựa cho nguyện vọng cá nhân của mình. Năm 1965, Cách mạng miền Nam chuyển giai đoạn, Việt Nam Thông tấn xã khi đó (sau ngày đất nước thống nhất đổi tên là Thông tấn xã Việt Nam) được lệnh tuyển gấp phóng viên mở các phân xã Thông tấn xã Giải phóng tại các tỉnh thành miền Nam suốt từ Quảng Tri, Thừa Thiên - Huế tới tận mũi Cà Mau.

Số đông sinh viên khóa 7 Khoa Ngữ Văn chúng tôi được tốt nghiệp trước một năm và được điều về làm phóng viên Việt Nam Thông tấn xã để tăng cường cho chiến trường miền Nam. Nghề báo và thời cuộc lúc đó chọn tôi, chứ không phải tôi chọn nghề báo.

- Ngay từ ngày trẻ ông đã được cử vào Nam làm phóng viên chiến trường. Bây giờ, nhìn lại những năm tháng đó, ông còn nhớ những gì nhất?

Hai năm 1968-1970, tôi là phóng viên chiến tranh của Việt Nam Thông tấn xã  thường trú tại Mặt trận Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng, gọi tắt là Quảng Đà. Tôi sống, hành quân, chiến đấu “vào sống ra chết” cùng các chiến sĩ tại một chiến trường vô cùng ác liệt. Tôi được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường.

Đấy là những năm tháng quan trọng, có ý nghĩa nhất đối với cuộc đời tôi, giúp tôi có đủ bản lĩnh đương đầu, vượt qua những thách thức hiểm nguy, kể cả những oan trái, trớ trêu và bi thảm chụp lên số phận của mình để tiếp tục viết và đi lên bằng ngòi bút của mình.

- Những đồng nghiệp nào có ảnh hưởng mạnh nhất tới ông khi ông còn là phóng viên của Thông Tấn xã Việt Nam?

Đồng nghiệp “bằng vai phải lứa” thì không có. Nhưng cấp trên thì có. Đó là nhà báo Đào Tùng, Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã và nhà báo Đỗ Phượng, Phó Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã khi đó là hai thủ trưởng kính mến trực tiếp có tầm ảnh hưởng lớn trong suốt 30 năm tôi công tác ở Thông tấn xã Việt Nam, kể từ ngày rời ghế trường đại học (1965-1995).

-  Nhà báo Đỗ Phượng sau này cũng từng làm Tổng biên tập Thông tấn xã Việt Nam?

- Đúng vậy.

- Ông được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh từ đầu, may mắn có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 và là người viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc. Và bài bài tường thuật của ông viết về thời khắc đó đã được đặt tên là "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng", trong khi phải đến kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (tháng 4 năm 1976) mới có Nghị quyết đổi tên "Sài Gòn" thành "Thành phố Hồ Chí Minh". Vì sao ông lại chọn cái tên bài tường thuật như thế? Một linh cảm? Một ham muốn đi trước thời điểm?

- Đầu đề bài tường thuật “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” không phải do chủ ý chọn lựa của tôi, và dường như cũng không phải do tôi nghĩ ra. Số là thế này, tôi vào tới Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, khi cờ chiến thắng vừa được kéo lên. Thời khắc lịch sử đó, mọi việc diễn ra như một cơn lốc. Tôi lao vào việc tìm hiểu các dữ kiện không thể thiếu để viết bài tường thuật rồi ra ngay cảng Sài Gòn. Dưới sông, tầu hải quân của quân đội Sài Gòn trúng đạn của Quân giải phóng, nổ tung, khói cuộn mù mịt. Trên bến, bà con cầm cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng và giơ cao ảnh Bác Hồ ùa ra đón đoàn quân giải phóng tiến vào. Không khí cực kỳ sôi động, hoành tráng.

Cảng Sài Gòn, nơi nămn 1911, Bác Hồ lưu luyến giã từ Tổ Quốc ra đi tìm đường cứu nước, ngày hôm nay đã rợp bóng cờ sao. Lúc ấy tôi rưng rưng nước mắt nghĩ đến Bác Hồ kính yêu, nghĩ đến khát vọng thống nhất mãnh liệt của cả dân tộc đã hoàn thành, nghĩ đến thời khắc hòa bình, chiến tranh chấm dứt, bom rơi đạn nổ không còn nữa...

Khi đặt bút viết bài tường thuật, khung cảnh huy hoàng của bến cảng Sài Gòn bừng hiện ngay trước mắt đã khiến tâm trí tôi chợt hiện lên dòng chữ: “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”. Và tôi đã dùng những dòng chữ đầu tiên ấy làm đầu đề bài tường thuật điện về Tổng xã ở Hà Nội ngay chiều 30/4/1975. Bài tường thuật được phát báo trên Bản tin Đấu tranh thống nhất của Thông tấn xã Việt Nam ngay trong đêm 30/4/1975, được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc trang trọng trong buổi thời sự đặc biệt trưa 1/5/1975 cũng với nhan đề “Thành phố Hồ Chí Minh  rực rỡ sao vàng”...

- Bài tường thuật và những giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 ở Dinh Độc Lập được chứng kiến giữ vai trò thế nào trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" ? Có phải chính trong lúc hoàn thành bài tường thuật  đó ông đã nghĩ tới việc sau này sẽ viết cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử  về những gì mình đang chứng kiến?

Ý định xây dựng cuốn sách này nảy sinh trong tôi từ những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng, với suy nghĩ những sự kiện, sự việc đang diễn ra trước mắt chỉ ngày mai thôi sẽ trở thành quá khứ, lớp bụi thời gian sẽ khiến thời khắc lịch sử ngày một lùi xa.

Vì những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần, nên tôi cố gắng ghi chép thật nhiều những gì có cơ may chứng kiến, sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản tuyệt mật về cuộc chiến từ phía bên kia mình mà có cơ duyên được các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc khai thác, với mong muốn phục dựng lại trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu).

- Trong “Lời tác giả” cũng như trong phát biểu thay mặt các nhà văn được Giải Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam tại Lễ trao giải, ông có nói: "...Số phận cuốn sách không may gắn với cuộc đời làm báo nhiều sóng gió thăng trầm của tác giả...", và rằng: "Tôi đã viết nó cả trong những giờ phút đắng cay nhất của số phận". Ông có thể vui lòng chia sẻ thêm về điều này?

Quá trình sưu tầm, tập hợp, đối chiếu, thẩm định những tài liệu nguyên bản và những tư liệu từ nhiều nguồn của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ) ở cả trong nước và nước ngoài không ngờ mất một thời gian dài đến thế.

Những tư liệu bước đầu thu thập được tôi đã công bố trong hai cuốn sách do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành: “Sụp đổ và tự thú” (1985), “Ngày tận thế” (1987). Khi tư liệu đã đầy đủ, tôi bắt tay vào xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử mà mình ấp ủ, lúc đầu đặt tên là “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa”. Lẽ ra cuốn sách được xuất bản từ năm 2002, nhưng không may ở thời điểm đó, vì một “tai nạn nghề nghiệp” tôi vướng vòng lao lý, chương cuối cùng chưa xong, không kịp nộp nhà xuất bản theo hợp đồng, đành gác lại. Nhiều lúc tôi muốn buông bỏ, thậm chí muốn đốt tất cả những gì đã viết vì không sao có đuợc tâm trạng và hứng thú để tiếp tục.

Mãi mười năm sau (2012), được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh khích lệ và ký hợp đồng đặt hàng đầu tư chiều sâu, tôi mới rỡ tác phẩm ra, viết lại dưới ánh sáng mới của tình hình, với một cái nhìn khách quan, không thiên kiến, quả cảm trước sự thật lịch sử, nhân văn trước số phận những người thuộc phía bên kia, đảm bảo sự trung thực của ngòi bút trước các sự kiện, sự việc, tình tiết đã diễn ra. Cuốn sách không may gắn với cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm của tôi, cuối cùng, sau 39 năm đã được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật thẩm định và xuất bản vào cuối tháng 4/2014.

- Sau giải phóng, ông có dịp được tiếp cận với một vài nhân vật nào đó ở phía bên kia của cuốn sách? Nếu có, xin ông chia sẻ những cảm giác của mình về họ? Nhìn thấy những kẻ thù cũ trong tư thế mới - tư thế của những người bị thất thế - có gì khác so với khi chỉ biết họ qua các bản tin thời sự?

Tôi xin phép không trả lời câu hỏi này, vì thực tế tôi chưa có dịp tiếp xúc với một nhân vật có tầm cỡ nào của phía bên kia mà cuốn sách của mình đã khắc họa và đề cập tới.

- Tôi biết ông đã từng là người lãnh đạo chủ chốt ở nhiều cơ quan báo chí, như  Tuần tin tức hay Tin tức buổi chiều của TTXVN hay Người làm báo, Nhà báo&Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam và cả tờ Báo Tiếng nói Việt Nam… Bây giờ nhìn lại quá khứ, ông thấy tờ báo nào có nhiều kỷ niệm gắn bó với ông nhất? Vì sao?

Tờ báo gắn bó và có nhiều kỷ niệm nhất với tôi chính là tờ Tuần tin tức của Thông tấn xã Việt Nam. Tôi là Phó Tổng biên tập thường trực từ những ngày đầu khi báo mới thành lập, mà Tổng biên tập khi đó là nhà báo Đào Tùng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Tuần tin tức là một trong số ít các tờ báo dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới báo chí. Nhờ vị trí của Tuần tin tức  trong đời sống xã hội và đời sống báo chí của đất nước mà ba nhiệm kỳ Đại hội nhà báo liên tiếp (1989-2005) tôi được bầu vào Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt nam, trong đó có gần 10 năm đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam.

- Đây có thể chỉ là quan điểm của cá nhân tôi thôi. Ở ta, làm báo là làm chính trị nhưng không phải nhà báo nào cũng có đủ cơ hội và năng lực để trở thành nhà chính trị. Nhưng ông đã không chỉ đơn thuần là một nhà báo mà ông còn từng là một nhà chính trị. Và trong biên niên sử của đời ông không chỉ toàn những sự đơn giản mà có cả những khúc mắc dưới góc nhìn xã hội.  Và một trong những khúc mắc đó là những thông tin khác nhau về việc ông được kết nạp Đảng ở chiến trường Quảng Đà. Bây giờ, ông có thể nói gì rõ hơn về câu chuyện này?

Tôi được kết nạp Đảng ở chiến trường Quảng Đà ngày 23/5/1969 cùng với anh Lương Thế Trung, phóng viên nhiếp ảnh của tổ phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Mặt trận Quảng Đà. Tháng 12/1969, do đồng chí trưởng phân xã bị đại bác phạt cụt một chân phải cáng thương ra Bắc, cả tổ bị vây ráp trong một cuộc càn ác liệt dài ngày của lính Mỹ và lính ngụy, điện đài bị mất, tôi bị sốt rét ác tính và tràn dịch màng phổi rất nặng nên Bộ biên tập Thông tấn xã Việt Nam đã thống nhất với Tỉnh ủy Quảng Đà điều tổ ra miền Bắc chữa bệnh và cử tổ phóng viên mới vào thay thế.

Công văn kính gửi Bộ biên tập Việt Nam Thông tấn xã về việc điều tổ phóng viên ra miền Bắc chữa bệnh và Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng của tôi (khi đó tôi đang trong thời kỳ dự bị) của Ban chấp hành Đảng bộ Đặc khu ủy Quảng Nam-Đà Nẵng đều do đồng chí Hồ Hữu Phước, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Nam-Đà Nẵng ký.

Hết thời kỳ dự bị, ngày 23/5/1970 tôi được xét duyệt Đảng viên chính thức khi đang còn điều trị tại Bệnh viện của Ban Thống nhất Trung ương dành cho các bộ từ miền Nam ra.

Mọi việc rõ ràng như vậy, mà tháng 4/2002 khi tôi đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội đương nhiệm đang tiếp xúc cử tri trong cuộc vận động tranh cử Đại biểu Quốc hội khóa mới,thì một tờ báo dựng đứng chuyện là tôi đào ngũ, là B quay. Bình thường thì không một phóng viên nào dám cả gan viết, và không một tổng biên tập nào dám cả gan đăng bài báo vu khống như vậy...

Ông Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, thủ trưởng trực tiếp của tôi khi đó đã trả lời trên báo bác bỏ hoàn toàn thông tin vu khống đó.

Tại hồ sơ mang mã số 18170 của tôi đang được lưu giữ với mức độ “bảo quản vĩnh viễn” tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III (34 Phan Kế Bính-Hà Nội) có Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng số 938 TTC ngày 6/12/1969 và Giấy giới thiệu công tác ngày 7/12/1969 của Ban chấp hành Đảng bộ Đặc khu Quảng Nam-Đà Nẵng do đồng chí Hồ Hữu Phước (tức Hồ Nghinh) ký. Xin in kèm hai văn bản có dấu chứng thực của Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia III. Hơn 13 năm đã qua, tạm nói lại một chuyện như vậy.

-Tôi không có ý định trong cuộc trò chuyện hôm nay đi quá sâu vào những tình tiết không đơn giản trong cuộc đời mà ông đã trải qua. Vì để làm việc đó còn cần thời gian và nhiều thứ khác nữa. Nhưng tôi rất muốn hỏi, ông có thể nói gì thêm về biến cố không vui mà ông từng trải qua khi đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp của mình?

- Cám ơn anh. Xin anh vui lòng để câu chuyện này tới một dịp thích hợp khác. Chỉ có điều, tôi vững tin vào mình, vững tin vào sự thật. Với thời gian, nhất định sự thật sẽ sáng tỏ. Tôi tin ở điều đó. Sự thật là tài sản quý giá nhất của nhân loại./.

Khi nảy sinh ra ý định xây dựng một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử, thì chính là với tư cách và danh nghĩa của một nhà báo tôi mới kỳ công sưu tầm, tập hợp được một khối lượng lớn đến thế các tài liệu nguyên bản của phía bên kia. Và khi tài liệu, tư liệu tập hợp đầy đủ rồi thì với sự dung tưởng của một nhà văn tôi lại hóa thân sang phía bên kia để tái tạo và phục dựng lại trong khuôn khổ của một tác phẩm văn học.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Biên bản” chưa đầy đủ về nhà báo Trần Mai Hạnh
“Biên bản” chưa đầy đủ về nhà báo Trần Mai Hạnh

VOV.VN -Nhà báo Trần Mai Hạnh luôn nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo, sản phẩm của lãnh đạo là quyết định

“Biên bản” chưa đầy đủ về nhà báo Trần Mai Hạnh

“Biên bản” chưa đầy đủ về nhà báo Trần Mai Hạnh

VOV.VN -Nhà báo Trần Mai Hạnh luôn nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo, sản phẩm của lãnh đạo là quyết định

Trần Mai Hạnh: Văn chương vì phẩm giá hiện tại và tương lai
Trần Mai Hạnh: Văn chương vì phẩm giá hiện tại và tương lai

VOV.VN -  Tham luận của Nhà văn Trần Mai Hạnh tại Diễn đàn Văn học ngày 16/12/2015 trong khuôn khổ Tuần lễ Giải thưởng Văn học Đông Nam Á tổ chức tại Thái Lan từ 13/12 đến 18/12/2015.

Trần Mai Hạnh: Văn chương vì phẩm giá hiện tại và tương lai

Trần Mai Hạnh: Văn chương vì phẩm giá hiện tại và tương lai

VOV.VN -  Tham luận của Nhà văn Trần Mai Hạnh tại Diễn đàn Văn học ngày 16/12/2015 trong khuôn khổ Tuần lễ Giải thưởng Văn học Đông Nam Á tổ chức tại Thái Lan từ 13/12 đến 18/12/2015.

Nhà báo Trần Mai Hạnh và cơ duyên lịch sử ngày 30/4/1975
Nhà báo Trần Mai Hạnh và cơ duyên lịch sử ngày 30/4/1975

VOV.VN -Nhà báo Trần Mai Hạnh xúc động nhớ lại thời khắc bài tường thuật của mình vang lên giữa cờ hoa

Nhà báo Trần Mai Hạnh và cơ duyên lịch sử ngày 30/4/1975

Nhà báo Trần Mai Hạnh và cơ duyên lịch sử ngày 30/4/1975

VOV.VN -Nhà báo Trần Mai Hạnh xúc động nhớ lại thời khắc bài tường thuật của mình vang lên giữa cờ hoa