Mậu Thân 1968: Đã có một Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân ngã xuống

VOV.VN -Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, cùng nhiều nhà văn - chiến sĩ đã ở lại với Mậu Thân và họ còn sống mãi với Tổ quốc, với nhân dân

Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Những cán bộ đi B ngày càng nhiều và đến gần thời điểm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhiều cán bộ, chiến sĩ áp sát nội thành, sẵn sàng quyết chiến. Trong số những cán bộ, chiến sĩ ấy, có không ít người là văn nghệ sĩ không chỉ tham chiến với ngòi bút, mà còn trực tiếp cầm súng chiến đấu và hy sinh.

Chấp nhận hy sinh để viết

Theo hồi ức của các nhân chứng lúc đó, cũng như những tư liệu còn lưu lại ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, về cơ bản, các văn nghệ sĩ được đưa vào bộ phận tuyên huấn làm công tác tuyên truyền, chủ yếu ở Cứ chứ ít khi phải đi chiến trường cầm súng trực tiếp chiến đấu. Tuy nhiên, trước tình thế nóng bỏng của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhiều văn nghệ sĩ đã xung phong tìm hiểu thực tế chiến trường, bất chấp hiểm nguy. Điển hình là trường hợp nhà thơ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Anh Xuân từ chối tiêu chuẩn du học để đi B tham gia chiến đấu từ năm 1964.

Năm 1968, trong đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, từ câu chuyện được kể lại về trận chiến của các chiến sĩ đánh sân bay Tân Sơn Nhất, Lê Anh Xuân viết bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” bất hủ: “Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất/Nhưng anh gượng đứng lên, tì súng trên xác trực thăng/Và anh chết trong khi đang đứng bắn/Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng...”.

Dường như bản thân nhà thơ cũng nhận ra, mình ngồi ở Cứ mà nghe kể chuyện chiến trường để làm thơ thì không ổn nên Lê Anh Xuân quyết đi vào thành phố, áp sát chiến trường để tận mắt chứng kiến hiện thực chiến đấu khốc liệt.

Nhà thơ Lê Anh Xuân (Ảnh: Tư liệu)
Tháng 5/1968, đợt 2 của cuộc Tổng tiến công đã không còn yếu tố bất ngờ, địch củng cố lực lượng và càn quét dữ dội. Cấp trên cũng cân nhắc không muốn Lê Anh Xuân xâm nhập nội thành bởi tài năng của Lê Anh Xuân đang độ chín, tuổi còn trẻ, còn có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho cách mạng. Nhưng Lê Anh Xuân nhất quyết xin đi nên cấp trên (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) đành phải đồng ý.

Lê Anh Xuân cùng với Hồng Tân chưa quen với chiến trường đồng bằng, được sắp xếp đi chung với Nguyễn Hộ và Lê Văn Thảo. Bị địch phục kích, mọi người nấp dưới hầm bí mật trong khi địch vẫn truy tìm ráo riết bên trên. Lê Anh Xuân cùng Hồng Tân do chưa có kinh nghiệm nên đã ngạt hơi trong hầm làm bằng chum nước ở khu vực giáp ranh Sài Gòn - Long An ngày 24/5/1968, và anh đã “mãi mãi ở lại với Mậu Thân”.

Chiến đấu vì lý tưởng

Nhà văn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thi hơn Lê Anh Xuân 12 tuổi, đã sống và hoạt động ở cả hai miền giai đoạn trước năm 1954. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chuyện tình cảm riêng tư không suôn sẻ đã hình thành nên một Nguyễn Thi với cá tính thâm trầm, ít nói, ít giao tiếp.

Tuy nhiên, khác hẳn với vẻ ngoài, bên trong con người Nguyễn Thi là một tâm hồn nhạy cảm, phong phú, lạc quan và đầy ắp nghĩa tình. Theo nhà lý luận phê bình Ngô Thảo, người biên soạn bộ sách “Nguyễn Thi toàn tập”, chính nhờ cách mạng, lý tưởng thời đại đã giúp Nguyễn Thi đứng vững, có thêm nghị lực để sống và viết.

Trong giai đoạn ông công tác ở chiến trường miền Nam với điều kiện chiến tranh ác liệt, nhiều công việc và tình huống phức tạp nảy sinh, Nguyễn Thi vẫn viết sung sức và có nhiều tác phẩm giá trị hơn hẳn các bạn văn khác từ miền Bắc vào.

Điều đặc biệt là các tác phẩm của ông trong trẻo, lạc quan cách mạng và lối viết mới mẻ, ngôn từ đầy sáng tạo. Nếu đọc các ghi chép, nhật ký của Nguyễn Thi được xuất bản sau khi ông hy sinh, độc giả sẽ hiểu ông là người luôn luôn trung thành với Tổ quốc, với Đảng.

Nguyễn Thi luôn biết gạn lọc tư liệu để tránh đề cập đến những điều không hay, biết viết như thế nào để vừa có giá trị nghệ thuật vừa phụng sự cách mạng, động viên tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam. Trái tim ông lúc nào cũng đầy ắp lý tưởng và khao khát cống hiến cho cách mạng, bởi vậy, Nguyễn Thi xung phong vào Sài Gòn chiến đấu, và nhà văn đã bắn đến viên đạn cuối cùng, hy sinh ở giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Nhà văn Nguyễn Thi (Ảnh: Tư liệu)
Sinh thời, nhà văn Lê Văn Thảo từng kể về những trận đánh ở thời điểm khốc liệt nhất của chiến dịch Mậu Thân: Tiểu đoàn của ông đánh từ hướng quận 8 lên, tiểu đoàn của Nguyễn Thi đánh từ hướng quận 6 xuống. Ông nhận tin Nguyễn Thi hy sinh ngay trên mặt trận, sau đó còn nghe đồng đội kể nhiều câu chuyện về giây phút cuối đời của nhà văn.

Đội của Nguyễn Thi bị phát hiện, bị tấn công, Nguyễn Thi bị thương nặng, mù mắt. Nhà văn được anh em dìu đi, ẩn náu trong một căn nhà trống. Khi thấy nguy cơ bị địch phát hiện, không thể đưa Nguyễn Thi đi cùng, đồng đội đã để lại trong tay ông một khẩu K54 và dặn dò ông tự bảo trọng. Đó là giây phút cuối cùng của Nguyễn Thi mà đồng đội còn biết được.

Hiện nay, tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (275 Âu Cơ, Hà Nội) có không gian trưng bày về Nguyễn Thi với những bản thảo, sổ ghi chép của nhà văn, liệt sĩ Nguyễn Thi. Đó là tài sản duy nhất Nguyễn Thi gửi lại ở Cứ trước khi hy sinh. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã thu thập lại, chia làm hai gói gửi bằng đường máy bay qua Campuchia, rồi chuyển tiếp ra trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Điều kỳ diệu là sau hành trình dài trắc trở, hai gói hàng đã về đến nơi an toàn. Sau đó, nhờ công của nhà phê bình lý luận Nhị Ca và Ngô Thảo mà các bản thảo, ghi chép thể hiện chân dung con người Nguyễn Thi mới hiện lên đầy đủ, trọn vẹn. Một chân dung đẹp mà mai sau nhiều người còn nhắc đến. 

Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, cùng nhiều nhà văn - chiến sĩ đã ở lại với Mậu Thân và họ còn sống mãi với Tổ quốc, với nhân dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cuộc đối đầu lịch sử Tết Mậu Thân năm 1968
Cuộc đối đầu lịch sử Tết Mậu Thân năm 1968

VOV.VN -Sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 là sự đấu trí cao nhất về tư duy chỉ đạo “nghệ thuật quân sự” giữa Mỹ và Đảng ta ở chiến trường miền Nam Việt Nam.

Cuộc đối đầu lịch sử Tết Mậu Thân năm 1968

Cuộc đối đầu lịch sử Tết Mậu Thân năm 1968

VOV.VN -Sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 là sự đấu trí cao nhất về tư duy chỉ đạo “nghệ thuật quân sự” giữa Mỹ và Đảng ta ở chiến trường miền Nam Việt Nam.

Nụ cười của những cựu chiến binh Xuân Mậu Thân 1968
Nụ cười của những cựu chiến binh Xuân Mậu Thân 1968

VOV.VN - Gặp lại đồng đội ở đây mừng rơi nước mắt. Trong ký ức cũng hiện về khuôn mặt, nụ cười, tiếng nói của biết bao đồng đội đã ngã xuống.

Nụ cười của những cựu chiến binh Xuân Mậu Thân 1968

Nụ cười của những cựu chiến binh Xuân Mậu Thân 1968

VOV.VN - Gặp lại đồng đội ở đây mừng rơi nước mắt. Trong ký ức cũng hiện về khuôn mặt, nụ cười, tiếng nói của biết bao đồng đội đã ngã xuống.

Rạo rực những giai điệu xuân Mậu Thân 1968
Rạo rực những giai điệu xuân Mậu Thân 1968

VOV.VN - "Tết Mậu Tuất này ngồi nghe những ca khúc thuở ấy, chúng tôi như được ôn lại những hình ảnh rạo rực của Xuân Mậu Thân 1968".

Rạo rực những giai điệu xuân Mậu Thân 1968

Rạo rực những giai điệu xuân Mậu Thân 1968

VOV.VN - "Tết Mậu Tuất này ngồi nghe những ca khúc thuở ấy, chúng tôi như được ôn lại những hình ảnh rạo rực của Xuân Mậu Thân 1968".