NSNA Lê Vượng xuyên thế kỷ chụp ảnh Việt Nam

VOV.VN - Hà Nội trong ảnh của Lê Vượng vừa giản dị, thân thương, vừa thấm đẫm chiều sâu lịch sử văn hóa, như một bảo tàng tư liệu về Hà Nội xưa và nay…

Theo tuổi “mụ” thì ông năm nay 100 tuổi, nhưng nếu gặp ông trong buổi lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội mùa thứ 9/2016 vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 8/9 thì ai cũng “thèm” cái tuồi 100  với Giải thưởng Lớn dành cho ông  và sự tinh anh trong ánh mắt nụ cười.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng nhận Giải thưởng Lớn- vì tình yêu Hà Nội.

Sinh năm 1918, trong gia đình “con quan” triều Nguyễn, ảnh hưởng nhiều ở nền giáo dục Pháp nên ông có một phong thái rất sang trọng, lịch lãm theo kiểu Tây. Đối diện với người trẻ tuổi, ông rất trọng thị, xưng hô như bạn, tạo cảm giác cho người đối thoại không khoảng cách trẻ-già, chân tình, cởi mở, thân thiện. Gặp ông bao giờ cũng là một nụ cười rạng rỡ.

Cầm  máy từ năm 17 tuổi, đến nay ông đã sở hữu nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá, trưng bày ảnh ở nhiều bảo tàng trên thế giới. Ông cũng được Nhà nước trao tặng nhiều huân chương cao quý. Ông đã từng triển lãm ở Rumanie nhân Hội nghị nguyên thủ các quốc gia nói tiếng Pháp - Francophonie, và nhiều triền lãm cá nhân ở các quốc gia khác.

Nhìn ông và cách ông làm việc không ai nghĩ ông đã ở cái tuổi 100. Tuổi cao nhưng giọng ông sang sảng như chuông, bước chân lẹ làng, vẫn thích vào nhà hàng “fast food” vì có nhiều người trẻ và cách ăn cũng trẻ: “Tôi mê tụi trẻ lắm, họ rất nhanh, ăn nhanh, làm nhanh. Mình phải học nhiều”.

Chụp ảnh cả đời nhưng mãi tới năm gần 90 tuổi, ông mới chọn lọc để in cuốn sách ảnh "Những khoảnh khắc" do Picture Art Foundation và NXB Mỹ thuật xuất bản. Trong hàng vạn âm bản có giá trị nghệ thuật, ông chỉ lọc lấy khoảng 200 tác phẩm tiêu biểu về văn hóa, dân tộc, lễ hội… để tuyển vào cuốn sách ảnh "Những khoảnh khắc" mà ông hằng mơ ước. Không chỉ đẹp mà còn chứa đựng vốn sống và những kinh nghiệm tích lũy về nghề của nghệ sĩ Lê Vượng sau bao năm theo đuổi nhiếp ảnh.

Ngay ở cái tuổi gần trăm, tưởng như đã có thể gác máy nghỉ ngơi, ngồi ngắm thành quả sự nghiệp cả đời cầm máy, nhưng NSNA Lê Vượng vẫn hào hứng trên những dặm dài, dọc ngang đất nước cùng các đồng nghiệp trẻ trong CLB Nhiếp ảnh Hồng Hà và CLB Nhiếp ảnh người cao tuổi.

NSNA Lê Vượng tâm sự: "Tôi sinh năm ngựa (Mậu Ngọ- 1918), rất thích đi đây đi đó". Trong những chuyến đi, Lê Vượng vẫn tiếp tục "cóp nhặt" để lại cho đời những "hoa thơm", "mật ngọt" qua cách nhìn, cách cảm sâu lắng ở một con người từng trải mà vẫn hồn nhiên tươi rói, mới mẻ như ngày nào.

Ông chia sẻ: “Tôi thích chụp những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống. Đã có lúc tôi cảm thấy tức giận vì sự thiếu công bằng trong đối xử. Tôi không chịu được sự đố kỵ, bon chen, giả dối. Nhưng tình yêu nghệ thuật cho tôi vượt qua. Tôi lại đi chụp. càng đi tôi càng cảm thấy khỏe ra, chụp thêm nhiều ảnh đẹp. Những chuyến đi có nhiều người, tôi không chụp những gì họ chụp, mà tôi chụp những gì tôi thích. Thật ra, tuổi tác đối với tôi chỉ là con số. Đam mê không có tuổi. Nghệ thuật không có tuổi”.

Sáng tác của NSNA Lê Vượng chủ yếu là mảng đề tài ngợi ca đất nước, con người Việt Nam. "Dặm dài đất nước" là sở trường, là ước nguyện, là thú vui của ông. Ông đi khắp mọi nẻo đường, không biết mệt mỏi, quên cả tuổi già. Có thể vừa gặp ông ở Lũng Cú, trên cao nguyên đá Đồng Văn, cực Bắc của Tổ quốc, vài ngày sau lại thấy ông đang ở trên đỉnh Hàm Rồng (Sa Pa).

Vừa buổi sáng thấy ông say sưa ngắm nhìn "Hồ Gươm trong sương sớm", thì buổi chiều đã thấy ông hướng ống kính vào cổng làng cổ Đường Lâm. Rồi qua những tấm ảnh biết ông đã bị ruộng bậc thang Mù Cang Chải quyến rũ, bị vẻ đẹp rừng đước, rừng tràm miền sông nước Cửu Long mời gọi.

Mảnh đất miền Trung có sức cuốn hút ông kỳ lạ. Từ sông Hương, núi Ngự, đến bến cá Sa Huỳnh. Từ tháp Chàm Phan Rang, đồi cát Mũi Né lại ngược lên Tây Nguyên với hồ Lăk, hồ Tơ Nưng, rừng cao su bạt ngàn, hoa cà phê trắng xóa. Hết “chơi” với voi đàn, chim ch'rao, hoa pơlang ông lại theo tiếng gọi tâm linh về miền đất thiền Trúc Lâm (Đà Lạt), đất Phật Yên Tử… để hòa mình vào những góc máy đình, chùa, miếu mạo thật sắc nét.

NSNA Lê Vượng là người lịch lãm, cởi mở, rất dễ gần, dễ mến. Những chuyến đi thâm nhập vào làng quê gợi niềm cảm hứng bất tận trong ông. Ông nói rằng, ở đấy ông nhìn thấy cội nguồn văn hóa Việt. Cuộc sống giản dị của làng quê, những nét văn hóa lễ hội, cái thuần phác, chân chất của làng cổ… là những chất men tạo dựng nên những tác phẩm của ông.

NSNA Lê Vượng thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật và tình yêu hội họa ở người chú ruột là họa sĩ Lê Phổ, một danh họa nửa đầu thế kỷ 20 thuộc trường phái “Mỹ thuật Đông Dương”, nhưng rồi ông không cầm cọ vẽ mà cầm máy ảnh.

Nhưng ảnh hưởng của hội họa trong ảnh của ông thì rất rõ ràng. Ảnh của ông có nhiều lớp không gian, bố cục chặt chẽ, phong phú về mặt chi tiết, mảng chính, phụ hài hòa, bổ sung cho nhau, song ảnh rất khóang đạt, không rối. Màu sắc trong ảnh thường là đối chọi nhau, hay pha trộn theo những nguyên tắc phối màu của hội họa, tạo hiệu quả thị giác rất ấn tượng đặc biệt.,

Ảnh chụp đề tài dân tộc của ông luôn đa dạng, giàu chất tư liệu nhưng không quá sa đà vào các tiểu tiết mà tập trung vào nét đặc trưng, khái quát mở cho người xem một thế giới tạo hình đẹp. Có một chút tính khoa học trong các bộ ảnh của ông khi không đi vào từng dân tộc mà tập trung theo nhóm hệ ngôn ngữ: Tày, Nùng, La Hú, La Ha, Dao, Thái, Ê đê, M'Nông, Cơ Tu, Xê Đăng…

Qua những chi tiết về trang phục, nhà ở, nhạc cụ, công cụ sản xuất mà NSNA Lê Vượng ghi lại có thể dễ dàng phân biệt được từng dân tộc qua nét đặc trưng. Đất nước con người qua ống kính của NSNA Lê Vượng rất thuần phác, tự nhiên, không gượng gạo, gò ép. Đó là những con người sống tại tâm, yêu cuộc sống thanh bình.

Tác phẩm của ông không chuộng "ồn ào", "góc cạnh", chủ yếu là khám phá, am tường, trải nghiệm, tư duy tình cảm nhạy bén. Vì thế, ảnh của ông luôn làm nhiều con tim rung động

Đặc biệt những bộ ảnh ông chụp về Hà Nội, như cách lưu giử những ký ức, những hoài niệm của Hà Nội bằng hình ảnh với một tình cảm sâu sắc. Một Hà Nội trong ảnh của ông vừa giản dị, thân thương, vừa thấm đẫm chiều sâu lịch sử văn hóa, như một bảo tàng tư liệu về Hà Nội xưa và nay…

Có lẽ thế mà Giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội mùa thứ 9/2016 đã trao tăng ông Giải thưởng Lớn, như một sự vinh danh tình yêu của ông với Hà Nội.

100 tuồi, hơn 80 năm cầm máy ảnh và vần cầm máy đến khi có thể, ông như một nghệ sĩ xuyên thế kỷ chụp ảnh Việt Nam - Đất nước - Con người rất đáng ngưỡng mộ không chỉ với giới NSNA mà còn là tấm gương tình yêu Tổ quốc qua những tác phầm ảnh đối với người trẻ hôm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nghệ sĩ nhiếp ảnh 98 tuổi Lê Vượng giành giải thưởng Bùi Xuân Phái
Nghệ sĩ nhiếp ảnh 98 tuổi Lê Vượng giành giải thưởng Bùi Xuân Phái

VOV.VN- Những tác phẩm nghệ thuật chụp về thủ đô của NSNA Lê Vượng có chiều sâu văn hóa, với những vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh 98 tuổi Lê Vượng giành giải thưởng Bùi Xuân Phái

Nghệ sĩ nhiếp ảnh 98 tuổi Lê Vượng giành giải thưởng Bùi Xuân Phái

VOV.VN- Những tác phẩm nghệ thuật chụp về thủ đô của NSNA Lê Vượng có chiều sâu văn hóa, với những vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc.