NSND Đặng Thái Sơn luôn hãnh diện là người Việt Nam

Hướng về đất nước có nhiều cách chứ không phải cứ về tận nơi mới hướng về quê hương, ở đâu tôi cũng cảm thấy hãnh diện vì mình là người Việt Nam.

Sau 35 năm, NSND Đặng Thái Sơn sẽ chơi lại bản nhạc đã từng giúp ông giành chiến thắng tại cuộc thi piano quốc tế F.Chopin năm 1980. Dù đã hàng trăm lần thể hiện ở những sân khấu lớn trên thế giới nhưng NSND Đặng Thái Sơn vẫn cảm thấy hồi hộp và xúc động khi biểu diễn lại bản concerto Chopin số 2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 9 và 10/3.

NSND Đặng Thái Sơn sẽ chơi bản concerto Chopin số 2 sau 35 năm.

Không muốn lặp lại những lối mòn

- PV: Kể từ năm 1980 đến nay, khán giả Thủ đô mới có dịp được nghe lại bản concerto Chopin số 2 do ông biểu diễn. Cảm xúc của nghệ sỹ lúc này như thế nào?

- NSND Đặng Thái Sơn: Tôi cũng hồi hộp như khán giả và rất xúc động được lần thứ hai biểu diễn bản concerto tại sân khấu Nhà hát Lớn. Với bản nhạc này, tôi đã giành giải Nhất cuộc thi piano quốc tế Chopin năm 1980 và có 10 đêm diễn liên tiếp tại Nhà hát Lớn Hà Nội sau khi trở về Việt Nam. Có người đã biết tôi chơi bản nhạc này từ 35 năm trước và ở đêm nhạc này, họ sẽ thấy sự khác biệt. Ở thời trẻ, tôi chơi với sự thơ mộng và trong sáng. Còn hiện tại, tôi sẽ đi vào chiều sâu, nhiều suy tư và chiêm nghiệm hơn.

- Tại sao phải chờ đến 35 năm, ông mới diễn lại bản nhạc này?

- Hàng năm, tôi vẫn đều đặn trở về Việt Nam. Mỗi lần về, tôi không muốn lặp lại các chương trình theo lối mòn và luôn mang lại điều mới, có ý nghĩa giống như hồi tôi biểu diễn 5 bản concerto của Beethoven cùng Lưu Hồng Quang - người đại diện thế hệ trẻ Việt Nam… Còn lần này, tôi sẽ chơi bản concerto Chopin số 2, bản nhạc đánh dấu mốc trên con đường biểu diễn chuyên nghiệp của tôi.

- Để đánh thức một bản nhạc hay cần có nhạc cảm. Vậy có mối liên hệ nào giữa ông và Chopin?

- Ngày bé, lúc đất nước còn khó khăn thì âm nhạc của Chopin đã ngấm vào máu của tôi. Năm 1970, mẹ tôi được sang dự Cuộc thi piano quốc tế Chopin với tư cách khách mời. Sau đó, bà đã đem toàn bộ sách viết về Chopin cho tôi, những câu chuyện mẹ kể về cuộc thi làm tôi rất hào hứng. Từ đó, tôi chỉ biết đắm chìm trong âm nhạc của Chopin. Bản thân nhạc Chopin có sự thơ mộng và cái đẹp. Dù sống lưu vong ở nước Pháp, nhưng trước khi qua đời, ông đã để lại bức di chúc mong muốn được đưa trái tim của mình trở về Ba Lan. Cuộc đời tôi cũng lưu vong nhiều năm ở nước ngoài nên có sự đồng cảm sâu sắc với Chopin.

- Có phải vì vậy, ông luôn hướng về đất nước?

- Hướng về đất nước có nhiều cách chứ không phải cứ về tận nơi mới hướng về quê hương. Tôi nhớ có những buổi biểu diễn trang trọng tại nước ngoài, dù không có một người Việt Nam nào nhưng tôi vẫn cảm thấy hãnh diện vì mình là người Việt. Sự hãnh diện ấy có lẽ đầu tiên phải kể đến là Cuộc thi Chopin năm 1980, khi tôi chỉ là một cậu sinh viên.

“Tôi sinh ra hợp thời”

- Được mệnh danh là “Người được Chopin chọn”, ông có gặp khó khăn nào trong việc thay đổi tên tuổi đã định hình, khi chơi các tác phẩm do những nhà soạn nhạc khác sáng tác?

- Thay đổi cái mác cũng khó đấy! (cười). Nhưng tôi nghĩ, trước tiên phải được sự công nhận của quốc tế. Sau đấy, qua nhiều thử thách, tôi mới dựng cho mình các chương trình ngoài Chopin. Như chương trình này, tôi dựng một nửa Chopin và nửa nhạc Pháp.

- Tại sao lần này ông lại chọn nhạc Pháp để biểu diễn?

- Tôi nghĩ Việt Nam và Pháp đều có sự gắn bó và ảnh hưởng lẫn nhau. Các tác phẩm âm nhạc cổ điển Pháp có sự tinh tế rất hợp với Á Đông. Hơn nữa, mẹ tôi, người có ảnh hưởng rất lớn tới tôi đã được đào tạo từ trường phái âm nhạc Pháp. Có thể nói, những viên gạch đầu tiên của tôi trong âm nhạc chính là nhạc Pháp .

- Ông có thể kể về nơi mình đã sinh ra và lớn lên?

- Tôi là dân Hà Nội. Nhưng khi lên 7 tuổi, tôi đi sơ tán ở Hà Bắc. Cả thời thơ ấu tôi sống ở đó, cho nên, tôi giống cậu thiếu niên nhà quê chăn trâu, trồng cây nhiều hơn là cậu thiếu niên chơi đàn. Kỷ niệm về Hà Nội của tôi rất ít, tôi nhớ về thời sơ tán nhiều hơn.

- Để trở thành một Đặng Thái Sơn hôm nay, ông đã phải trải qua những khó khăn như thế nào?

- Đến bây giờ, tôi không thể tin mình đã đi qua các bước như vậy. Ở Việt Nam thời kỳ tôi còn trẻ không có được đầy đủ điều kiện như bây giờ. Nhưng rất may, việc được sang Liên Xô và học tại Học viện Tchaikovsky đã giúp tôi củng cố lại vốn kiến thức của mình. Và chỉ sau 3 năm học, tôi đã giành giải Nhất cuộc thi Chopin năm 1980. Và còn một yếu tố nữa là tôi sinh ra hợp thời và cũng là cái số nữa.

- Xin cảm ơn NSND Đặng Thái Sơn!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn tại Việt Nam
NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn tại Việt Nam

(VOV) -Đây là cơ hội cho những người yêu mến thưởng thức tiếng đàn của nghệ sĩ piano hàng đầu thế giới Đặng Thái Sơn.

NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn tại Việt Nam

NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn tại Việt Nam

(VOV) -Đây là cơ hội cho những người yêu mến thưởng thức tiếng đàn của nghệ sĩ piano hàng đầu thế giới Đặng Thái Sơn.

Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn độc tấu
Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn độc tấu

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn sẽ độc tấu bản concerto số 2 giọng Đô thứ cho piano và dàn nhạc của nhà soạn nhạc Rachmaninoff cùng các nghệ sỹ của Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội.  

Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn độc tấu

Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn độc tấu

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn sẽ độc tấu bản concerto số 2 giọng Đô thứ cho piano và dàn nhạc của nhà soạn nhạc Rachmaninoff cùng các nghệ sỹ của Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội.  

NSND Đặng Thái Sơn trở lại
NSND Đặng Thái Sơn trở lại

NSND Đặng Thái Sơn sẽ về nước và có buổi biểu diễn độc tấu Piano tại Nhà hát Lớn TP. Hồ Chí Minh vào ngày 26/1.

NSND Đặng Thái Sơn trở lại

NSND Đặng Thái Sơn trở lại

NSND Đặng Thái Sơn sẽ về nước và có buổi biểu diễn độc tấu Piano tại Nhà hát Lớn TP. Hồ Chí Minh vào ngày 26/1.